Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

CHƯƠNG MỘT_THOÁNG MÂY BAY




MỘT

Thảo buông bút, thở một hơi dài thoải mái :

- Xong xuôi…

Nhìn qua Tuấn, thấy bạn còn đang hí hoáy viết, nét mặt cau cau, Thảo muốn cười quá, nhưng rồi chỉ hỏi :

- Xong chưa mày, nghiệm số x' bao nhiêu ?

Tuấn nhăn nhó :

- Hình như tao tính sai mất cái đạo hàm rồi. Nó tùm lum cả một đám, chẳng đâu vào đâu hết đây nè !!!

Rồi quay qua, giật lấy tờ giấy nháp của bạn, tay kia Tuấn vớ lấy bút vừa ném lên mặt bàn lúc nãy, miệng nói :

- Xem nào, chỉ cần biết cái đạo hàm bao nhiêu là tao tính ra cho bằng hết. Mà có lẽ hôm nào mày phải chỉ cho tao cách lấy đạo hàm thần tốc của mày mới được. Coi bộ tao mất thời giờ cho nó nhiều quá, không lợi chút nào.

Mặt Tuấn cau cau – thói quen của anh chàng, mắt liếc nhanh trên những hàng số chi chít trong tờ giấy nháp của bạn, Tuấn vụt kêu lên :

- Thảo nào...

Thảo hóm hỉnh :

- Ấy, sao phạm húy như vậy ?

Không để ý đến câu nói đùa của bạn, Tuấn đưa bút sửa mấy con số trong tờ giấy nháp của mình, tươi cười :

- Rồi ! Cái đạo hàm quỷ ! Có chút xíu mà mất công làm hư hết bài toán !

Rồi tay viết lia lịa, Tuấn vui vẻ hát :

- Lá lá lá lá la la … Đời đẹp quá a a a a bài thơ !

Thảo buồn cười :

- Còn bày đặt hát với hỏng nữa, lại sai bây giờ. Mà cái bài hát cũ xì rồi sao mày cứ nghêu ngao hoài vậy ?

Tuấn cười :

- Tại tao thấy đời nó đẹp như bài thơ thật !

Thảo đùa :

- Chứ không phải đẹp như một bài toán có đạo hàm hở ?

- Phải chứ ! Nhưng khi lấy xong đạo hàm thì bài toán đẹp như bài thơ.

Thảo im lặng chờ bạn giải nốt bài toán, mắt lơ đãng nhìn ra khung cửa sổ. Tấm màn cửa bay bay trong gió làm cho hình ảnh bên ngoài khi ẩn khi hiện. Tuy nhiên, Thảo cũng nhận ra buổi chiều nay thật đẹp, một buổi chiều hiếm có ở Saigon. Mấy hôm nay trời nắng gắt như lửa đổ. Trẻ con, người lớn thi nhau ốm lăn lóc, người nào cũng thấy như tay chân bải hoải, không muốn làm việc. Thành phố chói chang ánh sáng khiến người ta nhức đầu, lóa mắt. Thảo nghe hoài câu thành ngữ : « Nắng lửa, mưa dầu », mưa dầu không biết làm sao, chứ nắng như thế này đúng là nắng lửa. Vậy mà sáng hôm nay, khi thành phố mới thức giấc và như còn ngái ngủ, người ta cảm thấy có một cái gì là lạ, một thay đổi nào đó dường như mới xảy ra trong đêm. Niềm khoan khoái len lỏi vào từng người cùng với làn gió mát, hơi lạnh, phảng phất cái lạnh heo may của một ngày chớm đông đất Bắc. Người ta có niềm vui của một người ốm mới khỏi, của một anh phu đốt than vừa bước ra khỏi lò. Đêm vừa rồi thời tiết đột ngột thay đổi : Thảo nhớ ra là lúc đêm, Thảo đã phải lấy chân khoèo tấm chăn dạ mỏng xếp ngay ngắn ở cuối giường, cái chăn dễ thường đến gần nửa tháng Thảo không phải dùng đến, rồi vẫn nhắm tịt mắt ngủ, Thảo dùng cả hai tay, hai chân giũ tấm chăn ra, kéo lên đắp sát tận cằm. Buổi sáng dậy, nghĩ đến chuyện tung chăn bước ra khỏi giường đã thấy hơi ngại ngùng và khi múc nước rửa mặt thì quả tình là hơi ngán. Vào lớp, hôm nay đã có vài bóng áo len, mọi người nhìn nhau, như tìm ở nhau một cái gì lạ lùng hơn những ngày qua ; sự thay đổi thời tiết kéo theo nhiều thay đổi khác : màu sắc của thành phố, những âm thanh, và có lẽ ngay cả tâm tình của con người. Nhìn vài anh học trò co ro trong chiếc áo lạnh, thầy Lý Hóa cười có vẻ giễu cợt, bảo cả lớp :

- Chết thật ! Giời mát như thế này mà các anh phải lôi áo rét ra mặc thì khiếp quá (thầy phát âm đúng giọng "bắc kỳ" trăm phần trăm).

Cả lớp ồ lên, một chàng nổi tiếng hài hước phát biểu ý kiến :

- Leo ơi (anh chàng le dài cái lưỡi ra – cả lớp cười). Lạnh rung cả tay chân ra mà thầy bảo là mát. Lẽ ra hôm nay chúng em ở nhà… nghỉ mát cơ đấy. Tại… nhớ thầy quá, phải co ro đến trường.

Thầy cười, nhưng rồi điềm nhiên trả lời :

- Thanh niên Việt Nam mà như thế này cả thì thật là nguy hiểm. Vậy mà nói đến « can đảm », « xông pha » thì mặt anh nào anh ấy cứ sáng rực lên, tưởng như là mình luôn luôn sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ.

Một anh nghe thầy nói khích, vội thưa :

- Thưa thầy, em hết lạnh rồi.

Cả lớp cười. Thảo cũng cười, nghĩ :

- Nghe nói khích, anh chàng nóng cả mặt thì lạnh lùng gì nữa.

Thảo đồng ý với thầy là để luyện tập ý chí, hôm nay tuy có hơi lạnh chút xíu, bọn con trai cũng không nên vội mặc áo lạnh ; nhưng với các cô thì việc khoác thêm một chiếc áo len nhẹ thật là đáng… khuyến khích. Thảo thấy hôm nay thành phố đẹp hẳn lên với những áo len đủ màu, đủ vẻ của các cô nữ sinh. Thảo cho rằng khi các cô mặc thêm áo len, thì cái vẻ dịu dàng, đằm thắm, và cả nét quý phái nữa tăng lên rất nhiều. Buổi sáng, Thảo chạy xe sau một cô học trò, có lẽ học cùng trường : cô khoác một mảnh áo len tím hồng, mớ tóc đen thả dài, màu tóc đen nổi bật trên nền len tím, màu len tím nổi bật trên vạt áo đồng phục trắng, còn cô thì nổi bật trên con đường H. T. T. có hai hàng cây sao cao vút . Đẹp. Dễ thương. Dịu dàng chi lạ !

Thời tiết êm đềm như thế kéo cho đến trưa đến chiều. Và bây giờ bên ngoài có nắng vàng thật nhẹ, trải đều trên nhà cửa, cây cối và đường phố. Hôm nay không còn nắng lửa, mà là một thứ nắng ấm áp, mềm mại như áo lụa Hà Đông ; trời có gió mát và trên không có những cuộn mây trắng nõn nà chạy đuổi nhau trôi giạt về đâu…

Suýt nữa thì Thảo nghĩ ra được mấy câu thơ, nếu Tuấn không vỗ vai bạn thật mạnh, hét lớn :

- Xong rồi, kết quả y hệt của mày !

Nhìn mặt bạn ngơ ngác, Tuấn cười to :

- Trời ơi, mặt mày ngẩn ra trông kỳ cục quá… À, à biết rồi, thi sĩ định mở hũ thơ phải không ?

Thảo tức mình, chọc lại :

- Kệ, tao muốn mở hũ gì cũng được, hũ thơ, hũ mắm, hũ tương cũng mặc ! Nhưng cái giọng mày nó ồ ồ như con vịt đực.

Không ngờ Tuấn phản công ngay ; anh chàng ra dáng trầm ngâm, chậm rãi nói :

- Cổ nhân có phán : « Chân mình dính lấm bê bê, lại còn đốt đuốc mà rê chân người ». Chí lý thay! Thảo ạ. Cũng như giọng nhà ngươi cũng ồ ồ không thua gì ta, thế mà nhà người không biết phận, cứ nhắm mắt chê ta, há không phải là chuyện lạ lắm ru ?

Cái thằng có giọng nói thật đáng ghét, Thảo nghĩ, nhưng mà nó nói đúng. Thảo đành thua vậy, nên xuống giọng :

- Ừ nhỉ, quên mất, tao cũng như thế thật. Mà Tuấn này …

- Gì ?

- Lỗ thật !

- Lỗ cái gì ? Cái gì lỗ ?

- Cái giọng nói kỳ cục của tao với mày đó ! Lỗ lắm. Bây giờ trong lớp muốn lén ông thầy nói chuyện một chút cũng không được, giọng mình nó ồ ề vang cả một góc lớp, ổng biết ngay. Hết nhóc nhách !

Tuấn nghiêm trang trở lại :

- Tao với mày đang bể tiếng mà. Rồi nó hết đi chứ.

- Sao mày biết ?

- Bữa nọ mẹ tao nói mà. Hôm ấy tao cũng nói cái giọng ồ ồ như thế. Chị Tâm bỗng vỗ tay, vừa cười vừa nói : « Mẹ ơi, Tuấn nó bể tiếng rồi ». Tao nghe thế, tưởng chị ấy chọc mới bảo : « Tiếng em có phải là ly là chén đâu mà chị bảo bể với vỡ ». Nhưng mẹ tao nghiêm trang bảo : « Có chứ Tuấn, đến tuổi thì tiếng nó vỡ ra ». Tao nghe vậy sợ quá, hỏi lại : « Nhưng giọng con nó bể rồi thì cứ như vậy mãi à ? ». Mẹ tao bảo : « Không, rồi nó hết đi chứ. »

Thảo càng thêm thắc mắc :

- Mẹ mày bảo đến tuổi thì tiếng nó bể, nhưng mà tuổi gì chứ ?

Tuấn ngập ngừng :

- Tao cũng không biết rõ nữa . Thú thật lúc ấy tao cũng thắc mắc như mày, đã định hỏi, nhưng tự nhiên tao thấy xấu hổ, lỉnh luôn ra ngoài sân. Tao đoán « đến tuổi » tức là mình đã bắt đầu lớn rồi.

Thảo đưa tay sờ cằm, nghĩ ngợi. Bất chợt Thảo có một cảm giác là lạ, không biết là ở tay hay ở cằm, cái cảm giác gây ra bởi mấy sợi râu vừa nhú, đâm vào ngón tay, nhồn nhột. Thảo kéo tay bạn, nói nhỏ :

- Mày ạ, tao nói cái này, cấm đứa nào cười đấy nhé !

Tuấn gật đầu :

- Rồi, tao mà thèm cười mày à. Có cái gì bí mật vậy, nói nghe coi ?

Thảo thì thào :

- Tao có râu, mày ạ !

Tuấn đẩy bạn ra, cười lớn :

- Tưởng gì…

- Tao đã bảo cấm không được cười cơ mà.

- Ừ nhỉ quên mất. Thôi, không cười nữa. Mày có giận tao không ?

- Không, tại mày quên mà. Nhưng bộ mày cũng có râu à ?

Tuấn vênh mặt :

- Có chứ sao ! Tại thấy ngưa ngứa, tao nhổ quách . Nhổ râu bỗng nhiên trở thành một môn giải trí lành mạnh của tao.

Thảo vẫn có vẻ không yên lòng :

- Sao mày lại nhổ râu nhỉ. Mà này, mày có… có râu lâu chưa ?

Câu hỏi vớ vẩn của bạn làm Tuấn ấp úng :

- Tao cũng không biết nữa. Một hôm sờ cằm tao thấy vương vướng, soi gương thấy hai ba cái râu, tao nhổ phắt. Mà làm gì mày thắc mắc về mấy cái râu hoài vậy ?

Thảo nói thật :

- Tại tao thấy hình như cái chuyện bể tiếng của mình với chuyện mọc râu có liên quan với nhau. Hay… hôm nào mày thử hỏi mẹ mày xem, nghe ?

Tuấn lắc đầu nguầy nguậy :

- Chịu thôi, kỳ cục thấy mồ. Tao nghi vừa hỏi xong thì mẹ tao phá ra cười quá.

- Thế hỏi ba mày vậy.

- Ba tao đi làm suốt ngày. Giờ đâu mà nghe tao hỏi chuyện lẩm cẩm ! Sao mày không hỏi mẹ mày có hơn không ?

- Tao cũng chịu như mày. Tưởng mày bạo hơn tao mới nhờ chứ.

Giọng Tuấn trở nên nghĩ ngợi :

- Giá ba má mình biết mình đang nghĩ những gì, giải thích cho mình biết nhỉ. Chứ còn hỏi thì… khó quá.

Hai đứa nhìn nhau. Không khí trong phòng bỗng nhiên trầm lại. Thảo nghe rõ tiếng gió thổi rì rào bên ngoài. Cành ngọc lan non vật vờ trong không, một cánh chim ở đâu vút nhanh qua cửa sổ, để rơi lại mấy tiếng kêu ríu rít. Thảo nghe trong lòng mình rào rạt một sức sống mãnh liệt, muốn bộc phát, muốn phá tung lồng ngực và các mạch máu, thớ thịt. Nhưng hình như sức sống ấy bị một cái gì giữ lại, gò bó, không được như cành ngọc lan trong gió, không được như cánh chim tự do chao lượn trong không. Nhìn Tuấn, Thảo thấy đôi mắt bạn cũng nói lên niềm khao khát đó, mối khao khát thật mông lung, mơ hồ nhưng lại thật rào rạt, như tiếng reo rì rào của đồng lúa chín trong gió chiều.

Không khí vẫn chìm lặng, Thảo nghĩ mãi không tìm được câu nào nối tiếp câu chuyện bị ngắt quãng, để đánh tan bầu không khí « hắc ám » đang bao trùm lấy hai đứa. Cuối cùng Thảo nghĩ ra được một câu hỏi, cũng là một thắc mắc của mình, mà lúc nãy, mải nghĩ ngợi về chuyện bể tiếng và mấy sợi râu Thảo quên khuấy đi mất. Vỗ vai Tuấn, Thảo hỏi :

- Lúc nãy mày nói chị Tâm chị tiếc gì đó ? Lại nhà mày mấy lần mà có thấy bà chị cô em nào đâu?

Như được dịp để nói, Tuấn tía lia :

- À… à, bà chị của tao ! Chị Tâm của tao ! Chị Tâm của tao tuyệt hết chỗ nói. Cả tháng nay mày không lại tao chơi thì không biết cũng phải. Chị ở Đà Lạt cả ba năm trời, một bà dì có cửa hàng trên đó không có người phụ giúp, nhất định năn nỉ ba mẹ tao cho chị lên trên ấy, bà hứa sẽ nuôi chị như con ruột…

Thảo ngắt lời :

- Thế ba mẹ mày bằng lòng ?

- Bằng lòng. Chị tao ở trên ấy mấy năm. Bây giờ đỗ tú tài đôi rồi chị về Saigon học sư phạm.

- Thế là bà dì lại ở một mình ?

Tuấn hạ giọng :

- Ừ, biết làm sao bây giờ. Chị tao thích làm cô giáo hơn là cô hàng xén. Nghề dạy học hợp với chị ấy hơn là nghề buôn bán.

Thảo nói :

- Nhưng tao chưa thấy chị ấy tuyệt chỗ nào cả.

Tuấn trợn mắt phản đối :

- Ai bảo mày ? Đã thấy chị ấy bao giờ đâu mà dám phê bình.

Rồi giật giật chiếc áo sơ mi đang mặc, Tuấn hùng hổ tiếp :

- Thế mày không thấy dạo này áo quần tao bận gọn gàng, sạch sẽ hơn trước à ? Chính chị ấy giặt ủi cho tao đấy chứ. Chị ấy bắt tao ra đường phải ăn vận đàng hoàng, đi giầy hay đi săng-đan tử tế, đầu tóc chải cẩn thận…

Thảo trêu bạn :

- Mày đến thành công tử bột mất thôi !

Tuấn lại trợn mắt cãi :

- Ai bảo mày ăn mặc sạch sẽ là công tử bột ?

Tuấn nói nho nhỏ : Chị Tâm tao bảo con gái nó chúa là khinh mấy đứa con trai để đầu tóc, áo quần dơ dáy.

Thảo chế :

- Thế là mày sợ con gái rồi. Con gái nó nghĩ kệ chúng nó chứ, mình có chơi với chúng nó đâu mà sợ. Bộ con trai với nhau không đủ sao, có chết chóc chi đâu ?

Tuấn cười, nheo mũi :

- Thôi « cụ » ơi, đừng giả vờ nữa, « nhà cháu » nghe buồn cười hết sức.

Thảo cũng cười theo, thú nhận và cảm thấy hôm nay mình bị bạn cho đo ván nhiều quá. Kể ra thì chỉ con trai với nhau thôi cũng chẳng chết chóc gì thật, nhưng nếu bảo « đủ không » thì quả tình « không đủ ». Thảo nhớ kỳ trại Vũng Tàu do hiệu đoàn tổ chức cách đây hai tháng. Đi trại có khác, các nàng áo xanh, áo đỏ đủ màu đủ kiểu làm mấy cậu cứ là hoa cả mắt, và cậu Thảo nhà ta đã từng ngẩn tò te nhìn bé Thúy, búp bê của lớp Nhị B, vùng vẫy trong những đợt sóng trắng xóa ! Cái hình dáng nhỏ nhắn trong bộ áo tắm đỏ thật bắt mắt làm Thảo thấy nao nao. Thảo muốn bắt chước mấy người bạn đang ra công đẩy chiếc phao của Thúy ra xa, nhưng nghĩ sao lại thôi ; không biết vì Thảo không muốn « tầm thường » như các bạn hay vì… nhát, chỉ biết rằng sau kỳ trại Thảo thấy tiếc nhớ vu vơ và mỗi khi đi học sớm, gặp có mình Thúy trong lớp, Thảo thấy ngượng ngùng, hồi hộp sao đâu!

« Không đủ » thật, vì nhiều lúc Thảo có những câu chuyện, những ý nghĩ muốn nói cho một người khác nghe, một người nào thật dịu dàng, biết đón nhận lời nói của Thảo, biết khuyến khích Thảo, biết thông cảm và biết… phục Thảo. « Nhân vật » đó không thể là một thằng bạn trai, dù là thằng bạn thân như Tuấn.

Và niềm khao khát của Thảo thật mông lung nhưng cũng thật mãnh liệt. Đúng ra ước mơ của Thảo không dừng lại ở Thúy. Cô bé chỉ là một hình ảnh gần gũi, quen thuộc nhất tượng trưng cho cái đặc tính dịu dàng, âu yếm mà Thảo đang cần thiết. Thảo cần một tình cảm thắm thiết, không ồn ào ! Tuấn tuy là bạn thân, nhưng lúc nào cũng thích nói cười oang oang, cử động mạnh mẽ, đôi khi còn bắt nạt Thảo nữa. Không ! Phải có một người, một cô bạn gái vui tươi nhưng e lệ, khép nép mà Thảo thấy mình có thể bảo vệ, dẫn dắt được cô ta. Thảo sống hoài trong tập thể bọn con trai, đi đâu cũng năm bảy đứa nghịch ngợm, phá phách, cười đùa vui vẻ ! Đến lúc Thảo thấy cần một tình cảm đơn lẻ, riêng chỉ hai người với những câu trao đổi nhẹ nhàng, những tia nhìn thân mật ý nghĩa.

Những ý nghĩ này nhiều khi làm Thảo xấu hổ, tuy trong thâm tâm Thảo không thấy gì là xấu cả. Có gì xấu đâu khi người ta muốn được yêu thương ? Thế mà Thảo vẫn ngại ngùng không dám nói những ý nghĩ « thầm kín » của mình ra với ai, kể cả Tuấn.

- Thảo !

Thảo giật mình, nhướng mắt nhìn bạn. Tuấn hỏi :

- Nhà ngươi đang nghĩ gì ?

Thảo chối phắt :

- Chả nghĩ gì cả, rồi sao ?

- Chẳng sao hết ! Nhưng mặt mày cứ nghệt ra trông thảm hại quá. Bình tĩnh nghe tao hỏi đây : thứ năm tuần tới mầy có biết lễ gì không ?

Thảo nhẩm tính trả lời :

- Cả tuần tới có cái lễ quái gì đâu ?

Tuấn trợn mắt :

- Như vậy thì ngươi vô tình thật ! Thứ năm tuần tới là lễ sinh nhật của một bậc vĩ nhân. Mà vĩ nhân ấy hiện đang ngồi trước mặt ngươi, đó là Đức Phạm Anh Tuấn vậy.

Thảo cười xòa :

- Gớm, làm như là to tát lắm !

Tuấn vênh mặt :

- Chứ lại không to à ?

Rồi nghiêm trang trở lại :

- Thôi, đừng đùa nữa. Hôm đó nhớ lại nhà tao cho tao vui nhé.

- Có đông người ta không ?

Tuấn xua tay :

- Mầy biết tao ít bạn mà. Với lại mời đông thì lo làm sao cho đủ. Cái này gọi là « trong vòng thân mật » thôi ! Chàng ta nheo mũi : Tuy vậy chứ cũng có các « bông hoa » như thường…

Tuấn bỏ dở câu nói nửa chừng. Thảo hỏi :

- Dễ thương không ?

- Yên chí, bạn của Tuấn cơ mà. Cam đoan là dễ thương hơn Thúy của mày.

Thảo cảm thấy hai tai nóng bừng. Anh chàng giả vờ :

- Thúy nào ?

- Búp bê lớp mình ấy. Vờ mãi.

Thảo xấu hổ thật sự :

- Ơ hơ, đâu phải của tao ! Mày nói nhảm nhé.

Tuấn cười :

- Thì gọi thế cho mày thích. Không thích vậy à ?

Mặt Thảo nghệt ra :

- Cũng… thích chứ ! Nhưng mà nó biết thì sao ?

Tuấn vỗ tay vào nhau có vẻ chán nản :

- Mày cù lần chúa ! Nó biết thì sao nào ?

- Nó giận mình.

Tuấn bĩu môi :

- Cái đó chưa chắc bạn ơi. Bạn nên nhớ là nhiều người bị bạn bè gán ghép với nhau, về sau thành ra… thật.

Mặt Thảo tỏ vẻ khó khăn :

- Nhưng mà… tao không thích thế. Tao muốn… quen thôi .

- Quen làm gì ?

- Để nói chuyện chơi… đỡ buồn.

Tuấn xua tay :

- Mày lẩm cẩm lắm. Thôi, không nói chuyện nữa.

Rồi nhìn đồng hồ :

- Sắp tới giờ cơm rồi, tao về nhé.

-  Ừ.

Tuấn vơ mấy quyển vở trên bàn cho vào cặp, nói giọng thân tình :

- Tao phải về đúng giờ, chị Tâm bảo tao ngay từ bây giờ phải về đúng bữa cơm. Tập như vậy cho quen, về sau lớn lên có gia đình không bê tha, bỏ mặc vợ con.

- Ừ.

- Hôm nào rảnh mày chỉ cho tao cách lấy đạo hàm của mày nhé.

- Ừ.

Tuấn quay lại, nhìn Thảo :

- Mày giận tao đấy à ?

- Không.

- Thế sao tao nói gì mày cũng ừ ?

- Ừ thì là giận à ?

- Tao đâu biết, nhưng mà nghe nó cộc lốc làm sao ấy. Mày không giận tao thật chứ ?

- Thật.

- Tao về nhé.

- Ừ.

- Thứ năm nhớ lại tao, bảy giờ tối nghe.

- Ừ.

- Lại ừ rồi. Sao mày hay ừ thế ?

- Tao cũng không biết nữa.

Thảo nói thật. Quả tình Thảo không biết tại sao khi không mình không thích nói nhiều. Thảo không giận Tuấn, có gì để giận đâu. Nhưng tự nhiên Thảo thích được ngồi một mình để… nghĩ ngợi. Nghĩ gì, Thảo không biết trước, mà có lẽ cũng chả cần biết mình nghĩ gì. Nhìn Tuấn, Thảo thấy tội nghiệp. Tuấn thích nói nhiều, cử chỉ mạnh bạo, thích lấn lướt Thảo, nhưng lại hay sợ Thảo giận. Thảo nghĩ có lẽ Tuấn đang cho rằng tại nó nói Thảo cù lần với lại lẩm cẩm nên Thảo giận nó. Đời nào Thảo như vậy, Thảo có phải là con gái đâu mà hay giận dỗi. Thảo chỉ khác Tuấn là có những lúc bất chợt muốn thinh lặng, muốn ở một mình. Tuấn thì không thế, nó bô bô suốt ngày. Thảo thương Tuấn lắm, vội cười, nói :

- Tao nói thật mà, tao có giận mày cái gì đâu. Bọn mình con trai đâu có thèm giận dỗi.

Tuấn vui vẻ trở lại :

- Thật nhé, nhưng mà sao mặt mày bí xị vậy ?

Tự nhiên Thảo thấy người ta thật bất công. Giá có thấy cô con gái nào buồn, người ta bảo khuôn mặt cô ấy trong sầu mộng, vậy mà con trai như Thảo có buồn, người ta lại bảo cái mặt bí xị. Thế nghĩa là làm sao. Nhưng Thảo cũng trả lời cho Tuấn yên lòng :

- Tại hôm nay « long thể bất an ».

- Thôi tao về nhé. Bất an thì thứ năm tới cũng phải « an » mà tới nhà tao, không có tao giận đấy.

Thảo trêu lại bạn :

- Mày là con gái hay sao mà thích giận ?

Tuấn cười xòa, không trả lời. Hai đứa bước chậm ra ngoài sân. Tuấn mở khóa chiếc Honda, đạp máy rồi sang số. Tiếng máy nổ nhè nhẹ, thật đều, chiếc xe chồm lên, lướt tới trước. Tuấn săn sóc xe kỹ càng lắm nên xe chạy lúc nào cũng tốt, cũng êm.

Thảo quay trở vào. Có tiếng con chim vành khuyên kêu ríu rít đâu đây. Không, hình như là hai con cùng hót một lúc. Thảo dáo dác tìm kiếm. Kia rồi, trên một cành ngọc lan mảnh dẻ, hai con chim vành khuyên đậu sát vào nhau. Thảo nghĩ đó là một đôi chim một trống một mái, hình ảnh giống y như cảnh mẹ thêu trên mặt gối cho ba. Thảo cười vu vơ nhưng lại thấy lòng xốn xang, buồn buồn.

Có tiếng mẹ gọi vào ăn cơm chiều, Thảo đáp to :

- Vâng, để con thu dọn sách vở chút xíu đã.

Lại ăn cơm. Khổ. Thảo đang thích được ở một mình trong chốc lát, nhưng chả được.

_________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG HAI