Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

PHẦN THỨ BA - THẦY GIÁO LÀNG



PHẦN THỨ BA
 
BỆNH QUỶ PHẢI CÓ THUỐC TIÊN
 
 
Bây giờ con đã thấy giữa cha và con ai nghĩ đúng ? – Cha tôi vui vẻ và dịu dàng nói. Con không còn ân hận vì đã nghe theo lời mẹ cha. Con còn nhớ ngày mới tốt nghiệp Đại Học về, con cứ nằng nặc đòi trở lại xưởng thép Auckland làm thợ rèn. Hiện nay con có một chức vụ và địa vị khả quan trong quận nhà. Mới cách đây năm sáu năm, đi học về con còn ra đồng thăm các bẫy chồn, con còn mua sắm sách vở với tiền bán da chồn. Thế mà ngày nay, con đã nghiễm nhiên là Hiệu Trưởng ngôi trường Trung học to lớn ấy. Cha rất hãnh diện vì con. Bạn bè của cha ở sở Hoả xa cũng lấy làm hãnh diện. Ông già Melvin không ngớt nói chuyện về con ; ông Đốc công Snyder cũng tỏ ra tử tế với cha hơn trước. Bây giờ ông không để cha phải làm việc nặng nề nữa. Cứ tiếp tục đi, con sẽ trở thành một nhân vật cho mà xem.
 
- Thì con mình chẳng là một nhân vật rồi đấy ư ? Ông còn muốn gì nữa ? Mẹ tôi đang soạn bữa cho cha tôi quay sang nói với ông. Thằng Jesse đã thành công hơn hết mọi người trong họ ông và trong họ tôi. Ông thấy không ?
 
- Con sẽ không bao giờ vất vả như cha để kiếm sống, con sẽ kiếm ra tiền với cây viết chì dắt mang tai. Riêng cha, ngày nào như ngày ấy, tám cây số đi, tám cây số về và mười giờ làm việc trên đường sắt, như thế nó cùn mằn con người đi. Phải mạnh tay khoẻ chân và không có gì phải suy nghĩ bằng đầu óc mới chịu đựng nổi đó con ạ. A, này bà, cơm tôi có chưa, đừng làm tôi đi làm trễ đấy nhá. Mười hai năm nay, tôi chưa tới trễ một lần !
 
Cha tôi cầm lấy cái ga-mên do mẹ tôi đưa tới và bảo tôi :
 
- Hôm nay là một ngày trọng đại với gia đình ta. Ở trường con hãy tỏ ra bình tĩnh và cương quyết, đừng để công việc lôi cuốn mình. Rồi ra đâu sẽ vào đó !
 
Cha tôi đi ra khỏi bếp, tay cầm ga-mên, tay cầm cái đèn bão cháy sáng. Tôi nhìn theo ánh đèn vàng vọt dưới tay ông, khi cha tôi rảo bước qua vườn, trong khi trời chưa sáng rõ.
 
Tôi không dám cho cha mẹ tôi hay là tôi đã vay tiền của Ngân Hàng Quốc gia tại Landsburgh để theo học khoá tu nghiệp trong dịp nghỉ hè tại Đại Học đường Peabody . Chương trình năm chót tại Đại học rất nặng nề, tôi không có thì giờ làm việc lao động nữa, đành phải thiếu nhà trường về học phí vậy. Với gần 300 đô la, tôi xin ghi danh vào Peabody . Người ta nói rằng trường này cũng tương đương với trường Đại học Columbia ở miền Nam . Tôi chọn các môn tâm lý sư phạm, Anh văn và sinh hoạt học đường. Có nhiều giáo sư, hiệu trưởng, thanh tra tiểu học, thanh tra trung học tham dự các lớp tu nghiệp ấy. Tôi đã có dịp cùng ngồi với các nhà mô phạm ấy để thảo luận về những vấn đề đặt ra cho việc điều hành một trường học.
 
Ngay khi trở về đến Landsburgh, tôi đã triệu tập cuộc họp các giáo sư hai ngày trước khi khai trường. Không một vị nào được bổ nhiệm về đây do lời đề nghị của tôi. Thế mà một nhà mô phạm lừng danh đã khuyến cáo chúng tôi nên tự mình chọn lựa lấy các cộng sự viên. Như thế mình mới có thể chịu trách nhiệm trước Hội đồng giáo dục và ông Thanh tra trung học về mọi việc xảy ra trong trường mình.
 
Nhưng công việc bổ nhiệm các giáo sư đã được thực hiện trong thời gian tôi còn tu nghiệp ở Peabody . Chính ông Larry Anderson đã hội ý với các Hội Đồng Giáo dục thành phố Landsburgh và Hội đồng Giáo dục quận Greenwood để chọn giáo sư cho trường. Trong số này có một vị người Tiểu Bang New York , hai vị ở Lexington và bốn vị khác ở quanh vùng Louisville cũng thuộc Tiểu Bang chúng tôi. Đến khi hội kiến với ban giáo sư, tôi phải thầm khen sự chọn lựa của ông Thanh tra. Điểm nổi bật của ban giáo sư là tuổi trẻ. Người cao niên nhất là ông Watson, người duy nhất đã lập gia đình, cũng mới có hai mươi sáu tuổi. Ông là huấn luyện viên thể dục thể thao. Những người khác tuổi từ 23 đến 25. Chỉ có ba vị đã từng dạy các trường trung học. Tất cả có 380 học sinh. Chúng tôi phải chia nhau phụ trách giảng dạy. Tôi cũng phải phụ trách một lớp để đỡ gánh nặng cho các vị kia. Thế mà sĩ số các lớp cũng còn quá đông, theo phép phải giảm đi một phần tư thì các giáo sư mới nắm vững được tình hình và công việc giảng dạy mới có kết quả mong muốn. Chúng tôi làm việc với nhau theo tinh thần tập thể, vừa cười đùa, vừa lo sắp xếp công việc ngày mai.
 
Nhưng cái cười của tôi đã tắt ngúm, sau khi ông Anderson cho biết số lương tháng của tôi. Lúc được mời làm Hiệu trưởng, tôi tưởng sẽ được lãnh 1500 đô la, chia làm chín tháng. Có ngờ đâu lương tháng của tôi chỉ có 111 đô la mà thôi, chẳng hơn gì lương mấy giáo sư thâm niên khác. Nếu ở đây người ta quan niệm và giải quyết vấn đề như thế này, những điều giảng dạy ở Peabody sẽ không đứng vững được. Nhưng quá muộn, không lùi bước được nữa. Nhìn lại trường hợp ông Watson vừa huấn luyện cả trường về thể dục thể thao, buổi chiều lại lo ôn tập cho nhiều lớp nữa, thế mà hàng tháng chỉ được 100 đô la. Ông lại có vợ và hai con. Tôi đã cáo từ ra về, không nói thêm một lời với ông Thanh tra.
 
Chỉ còn một cách giảm bớt chi tiêu là về ở nhà cha mẹ. Mười hai năm nay, ông vẫn đi theo một con đường, trèo mấy cái dốc quen thuộc để tới sở làm. Tôi chỉ cần bắt chước ông, tiếp tục đi về theo con đường mòn trước đây tôi đã qua đó tới trường Landsburgh trong bốn năm ròng. Không dám cho cha mẹ biết lương tôi quá ít như vậy, tôi chỉ nói rất sung sướng được sống trong không khí gia đình, với điều kiện được trả tiền cơm. Hai ông bà cười rộ vì ý kiến ấy, nhưng tỏ ra khoan khoái khi thấy cậu con trai trở về dưới gối.
 
*
 
Sáng ngày khai trường, tôi ra đi từ bảy giờ, còn một giờ rưỡi nữa mới vào học. Tôi đi sớm như vậy để khỏi phải đi mau, tránh đổ mồ hôi làm bẩn cổ áo sơ mi. Kinh nghiệm cho biết, nếu không chú ý giữ gìn, áo quần tôi sẽ lấm láp sau khi đi bộ tám cây số. Tôi cũng biết rằng bất cứ một vết dơ nào trên áo quần của tôi thảy đều không qua khỏi con mắt của đám học trò. Vì lẽ ấy, tôi phải đi chính giữa đường mòn, tránh va chạm vào các cành cây cho tới khi ra đến con đường lớn Academy Hollow. Lúc tôi tới cổng trường, rất nhiều học sinh ở các nơi xa đang từ trên ba xe ca lớn đổ xuống. Nhiều em ở cách đây trên 20 cây số. Chúng cũng phải dậy thật sớm đi bộ năm bảy cây số trước khi đáp xe ca đến Landsburgh. Những em phải giúp việc cha mẹ, trước khi đi học có lẽ phải dậy từ bốn hay năm giờ sáng. Các giáo sư đã có mặt đông đủ. Những học sinh có nhà tại Landsburgh lại là những em sau chót. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy quá nửa số học trò cũ ở Winston cũng có mặt nơi đây. Tôi vội đi tới hỏi han các em ăn ở tại đâu. Ai cũng có chỗ trọ rồi, duy có Budge Waters không biết trọ nơi nào vì không đủ tiền trả cho chủ trọ. Tôi bảo Budge về ở nhà tôi. Ông Watson đã thấy lân la nói chuyện với Jesse Jarvis, chàng trai tóc hung cân nặng hơn 80 kí lô.
 
Chúng tôi vào lớp chậm mất năm phút. Số học sinh bây giờ đông gấp đôi lúc tôi theo học ở đây, nhưng trường ốc không thay đổi. Tôi phải để văn phòng Hiệu trưởng cho một giáo sư mở lớp và tổ chức thêm một lớp khác ở cuối hành lang lầu một. Chúng tôi phải mượn bàn ghế của một thánh đường gần trường, để mọi người đều có chỗ ngồi học cho tươm tất. Buổi mai này tôi phải nghỉ dạy để ra tiếp xúc với những học sinh bị đuổi niên học trước. Chúng đều tỏ vẻ thông minh thẳng thắn và dễ thương. Trong bọn này có cả em ruột tôi là James Stuart. Tôi đồng ý thu nhận lại tất cả và cũng không hỏi tại sao bị đuổi.
 
Trong giờ nghỉ trưa để ăn cơm, tôi để ý thấy một tấm biển nhỏ cắm trên bồn cỏ với mấy giòng chữ : “Không được đi lên bồn cỏ nếu không sẽ bị nghiêm phạt”. Tôi rất khó chịu về lời cảnh cáo ấy, luận điệu này chỉ gợi trong tôi ý nghĩ bước đại lên đó xem sao. Tôi cho thay ngay câu khác vào đó : “Yêu cầu tôn trọng bồn cỏ”. Học trò có phản ứng thuận lợi với lời khuyên nhủ này. Chúng nhận thấy ngay nhà trường hành động để bảo vệ quyền lợi chung chớ không có ý chống lại học sinh. Sau đó, tôi mới biết, trong số học sinh được thu nhận lại, có một em năm ngoái đã bị đuổi vì dẫm lên bồn cỏ.
 
Nhà trường hoạt động được bốn tuần rồi. Một hôm tôi nhận được cú điện thoại của ông Hinton, nhân viên Hội Đồng Giáo dục thành phố đòi gặp tôi để nói chuyện riêng. Tôi hẹn ông gặp nhau sau khi tan học. Tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi ông sẽ nói về chuyện gì đây ? Chuyện liên can đến nhà trường ? Đến cá nhân tôi ? Ông Hinton từ trước đến nay hết sức tốt đối với tôi. Ngày tôi đậu bằng Trung học, ông là người duy nhất có quà tặng tôi. Hai ông bà gửi cho tôi một tờ năm đô la kèm theo một cái thư vắn tắt mấy hàng rất khó đọc. Thư ấy viết rằng ông bà thấy tôi đi qua nhà liên tiếp mấy năm, bất kể nắng mưa, không có chiếc áo choàng ngoài. Hai ông bà rất vui mừng thấy sự bền trí của tôi toàn thắng mọi trở lực. Có lần hai ông bà nói thẳng với tôi, nếu có con cũng mong nó có nhiều tham vọng như tôi.
 
- Này ông Jesse, bấy nay ông cũng biết cảm tình của vợ chồng tôi đối với ông như thế nào. – Ông Hinton nói rất dịu dàng khi bước vào văn phòng tôi. Vì thế tôi thấy cần đến đây nói thẳng với ông vài chuyện.
 
- Có chuyện gì sai lệch trong trường này chăng ?
 
- Không phải thế. Đây là chuyện về ông.
 
- Chuyện về tôi ?
 
- Phải. Tôi đã bàn soạn với nhà tôi trước khi tới gặp ông. Vấn đề hơi tế nhị, tôi đã định thôi không nói nữa. Nhưng ông biết đấy, chúng tôi vẫn có ý coi ông như người trong nhà.
 
- Ông làm tôi băn khoăn quá.
 
- Tôi có hai việc muốn nói. Ông ghé miệng gần mặt tôi, nói nho nhỏ như sợ người ta nghe thấy. Việc thứ nhất là lối ăn mặc của ông.
 
- Lối ăn mặc của tôi ? Người ta phê bình ra sao ?
 
- Ông hãy nhìn gấu quần của ông xem.
 
Tôi kéo chân ra khỏi gầm bàn, nhìn kỹ chẳng thấy gì. Ông nói có lẽ phòng này không đủ ánh sáng và đi đến bên cửa sổ, kéo tấm mành lên. Ánh nắng chiếu ùa vào.
 
- Đấy, ông nhìn lại ống quần ông mà xem. Phía dưới có màu khác hẳn, đó là màu vàng xanh như thể ông nhuộm vậy.
 
- Ừ nhỉ. Ông nói đúng. Nhưng phải có ánh nắng rọi vào mới thấy được. Dầu sao cũng không phải là tôi nhuộm.
 
- Cả thành phố Landsburgh đều nói rằng ông đã nhuộm phía dưới ống quần, vì quần cũ rồi, cái quần không đi đôi với cái áo được nữa. Ông thừa biết ở đây người ta hay để ý đến áo quần kẻ khác…
 
- A ! Tôi biết rồi. Đây là vết các nhụy hoa. Buổi mai, tôi ra đi rất sớm, ống quần quẹt vào cỏ cây đầy sương sớm và thêm nhụy hoa nữa. Nhưng phải có cặp mắt cú vọ mới thấy được.
 
- Ông lạ gì bọn học trò nữa, có gì qua được tai mắt chúng đâu. Những việc chẳng ra gì chúng cũng kháo nhau rồi về nhà nói lại với phụ huynh, thế là tất cả mọi người đều biết.
 
- Đây là lần đầu một việc như thế này làm bận tâm tôi.
 
- Việc thứ hai, theo luật lệ địa phương, khi tới dạy ở Landsburgh thì phải cư trú tại chỗ. Điều này có lẽ ông không rõ khi nhận chức vụ này. Đối với Hội đồng chúng tôi, đó là một vấn đề nguyên tắc cần được tôn trọng.
 
Tôi ngồi im suy nghĩ. Ông Hinton cười thân mật, nói tiếp :
 
- Ông nghĩ coi, nếu ông cư ngụ tai đây, vấn đề thứ nhất đương nhiên được giải quyết. Dọc đường phố của chúng tôi làm gì có cỏ dại. Ống quần ông sẽ không có vẻ như được nhúng vào thuốc nhuộm nữa, y phục lúc nào cũng tươm tất.
 
- Nhất thiết phải ở lại thành phố này hả ông ?
 
- Jesse ơi, nhất định như thế đó.
 
- Nếu giáo sư Will Hadden có thể trả 40 đô la tiền ăn và ở tại khách sạn, trong khi lương tiền ít hơn tôi, không lẽ tôi lại không thể chi tiền như ông sao ?
 
- Jesse, tôi rất khổ tâm phải đề cập đến những chuyện mới rồi, đến những lời dị nghị ; nhưng Hội đồng cho rằng chỉ có tôi dễ nói chuyện với Jesse, vì cảm tình sẵn có bấy nay.
 
- Ông chỉ làm nhiệm vụ của ông là Hội viên Hội đồng Giáo dục. Tôi có dám phiền trách gì đâu. Để thứ hai tới, tôi sẽ dọn về ở luôn đây.
 
- Thế thì tốt quá. Họ hết nói vào, nói ra.
 
*
 
Căn phòng của tôi tại khách sạn Landsburgh nhìn thẳng ra phố chính của thị trấn này. Phòng ở lầu cao, tầm mắt của tôi vượt quá các mái nhà quanh đó, và chỉ bị chận ngang bởi dãy núi cao án ngữ ở phía Nam thành phố. Từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn rõ gần hết con đường lớn và hết các ngã ba, ngã tư giao điểm với các phố khác. Tôi chọn phòng này vì rộng rãi mát mẻ và sáng sủa hơn nhiều phòng khác. Ngay đêm đầu, sau khi ăn tối, tôi tản bộ quanh các phố. Tôi phải đáp lễ nhiều người khi họ chào tôi. Phần đông là phụ huynh học sinh, hoặc do các học sinh. Họ cũng đi dạo phố như tôi. Trở về khách sạn, tôi lo soạn bài ngày mai và tắt đèn đi ngủ sớm. Nhưng đâu có ngủ được. Không phải vì quen với sự im lặng nơi quê tôi mà bây giờ không ngủ được. Mới đây, khi tu nghiệp tại Peabody , tôi ở trọ tại trung tâm thành phố Nashville . Suốt đêm có tiếng tàu điện nghiến trên đường sắt và tiếng xe hơi rồ máy chạy như bay. Ở đây không có những tiếng động ồn ào ấy, nhưng tiếng nói, tiếng cười vang vọng từ đường phố đưa lên, khiến tôi không ngủ được. Trong tiếng nói vọng lên, có những giọng quen thuộc. Tôi ngồi dậy đến dựa bên cửa sổ. Lúc đó gần nửa đêm rồi, đèn điện hai bên đường sáng choang, ai đi lại dưới đó tôi đều thấy rõ.
 
Mặc dầu đêm đã quá khuya, một số học sinh nam nữ trường tôi vẫn còn bát phố, cười đùa inh ỏi. Tôi nhận diện được một số học sinh chuyên môn tới trễ và học hành chẳng ra làm sao. Cha mẹ chúng đã chỉ trích chúng tôi là quá nghiêm khắc với con em họ khi chúng đã kém điểm. Có người dám nói rằng tôi và phân nửa giáo sư trong trường đáng được thải hồi. Trong khi đó, chính họ không làm tròn trách nhiệm cha mẹ, để con lêu lổng như vậy. Chúng còn quần tam tụ ngũ lén lút cùng nhau uống rượu. Tôi nghe nói đến một người chuyên sống về nghề bán rượu lậu ; vậy mà từ trước đến giờ không hề gặp sự khó khăn nào, bất kể người của Đảng nào nắm quyền. Hôm nay chính mắt tôi trông thấy ông ta từ đầu phố đi lại. Trời không lạnh, nhưng ông vẫn khoác chiếc áo ngoài sù sù, bước đi chầm chậm, ông dừng lại nói chuyện với người này, người kia vài ba phút. Mấy hôm sau tôi mới được biết phía trong áo ấy có nhiều túi lắm, mỗi túi đựng một chai uýt ki cỡ nửa lít và phần tư lít ; như thế lúc đi lại chai nọ không va vào chai kia được.
 
Vấn đề thật tế nhị và nghiêm trọng, nhưng tôi không thể giải quyết một mình được vì nó vượt quá phạm vi học đường. Đó là một vấn đề của thành phố, của quận và của cả tiểu bang nữa. Tôi không có thẩm quyền để xía vô những vụ to lớn như vậy, chỉ có thể hạn chế phần nào ảnh hưởng tai hại đối với học sinh mà thôi. Bây giờ phải làm sao đây ? Đề cập cách nào để dân chúng ở đây đỡ chạm tự ái, cho họ khỏi chống đối ra mặt ? Cuộc sống vật chất và tinh thần cùng sự tiến bộ của nhà trường chịu ảnh hưởng trực tiếp của đời sống ngoài xã hội. Muốn cứu vãn tình thế này, cần có sự cộng tác của các đoàn thể và hiệp hội sẵn có ở địa phương, một người làm gì được.
 
*
 
Theo tôi, Hội Phụ Huynh học sinh là tổ chức có thể hành động hữu hiệu trong vấn đề này. Tiếc rằng tổ chức ấy không được mạnh. Phụ huynh học sinh ở các nơi xa không gia nhập hội và cũng chẳng bao giờ tới họp bàn điều gì, vì thiếu phương tiện xê dịch. Lâu nay hoạt động của Hội chỉ có tính cách giao tế. Thỉnh thoảng phụ huynh và các giáo chức họp mặt, nói chuyện gẫu bên chén trà và mấy chiếc bánh ngọt, thế thôi. Tôi muốn Hội hoạt động tích cực hơn để xây dựng cho cộng đồng, cho học đường. Khốn thay các ông lại biếng đi họp, tôi biết nói thế nào với các bà mà chồng họ phần đông cũng đầy tật xấu.
 
Tôi băn khoăn lo nghĩ đã mấy ngày chưa tìm ra giải pháp, may sao cơ hội tự dẫn đến. Lệ của chúng tôi là mỗi buổi trưa có hai giáo sư ở lại trường trông chừng học sinh, còn mấy người kia xuống phố ăn cơm. Hôm đó đến phiên tôi và Watson. Tôi lững thững đi quanh trường và ra phía sân thể dục. Vừa tới góc rào, tôi thấy một đám lối mấy chục học sinh đứng bu quanh một chỗ, nhìn cái gì đó rất chăm chú. Tôi lại gần, chẳng ai hay biết. Tôi gạt đám đông nhìn vào thì hỡi ôi, bốn cậu đang ngồi đánh xì dách trên một chiếc áo choàng trải trên cỏ. Một cậu là con vị Mục sư, cậu kia là con một ông giáo làng còn hai cậu là con các thương gia trong phố. Tôi thản nhiên hất hàm hỏi chúng :
 
- Sao, em nào ăn đó ?
 
Cả bốn cậu đỏ mặt tía tai, không nói nên lời. Còn đám đứng ngoài vội vàng lảng hết. Tôi chậm rãi bỏ đi, không tịch thu cỗ bài hay tiền tang gì cả. Bốn cậu lo sợ và yên trí là chiều đó thế nào cũng bị tôi gọi lên văn phòng. Nhưng không. Thói quen cờ bạc rượu chè đã tiêm nhiễm vào phần lớn học sinh rồi, bệnh quỷ phải có thuốc tiên, tôi không thể chỉ khiển trách như thường lệ được. Tôi tin rằng vụ tôi bắt tại trận 4 học sinh đánh bài sẽ loan truyền đi khắp nơi, qua cửa miệng của mấy chục tên tò mò hay đứng chầu rìa. Uy tín nhà trường sẽ bị tổn thương.
 
Người đầu tiên hỏi tôi về vụ trên là bà Hunter, vợ ông Mục sư. Bà muốn biết tôi trừng phạt con bà như thế nào. Tôi nói lấp lửng là chưa có ý định dứt khoát và chưa chừng tôi sẽ bỏ qua. Bà ta kinh ngạc, mắt nhìn tôi như nảy lửa.
 
- Thế nào ? Ông chấp nhận cho học sinh bài bạc ư ?
 
- Đâu phải thế.
 
- Vậy tại sao ông không làm gì cả ?
 
Tôi im lặng không trả lời. Dụng ý của tôi để bà tức giận và đem cuộc đối thoại ngắn ngủi này đi rao truyền ở nhiều nơi. Y như rằng. Hôm sau mấy bà mẹ của ba trò kia đến tìm tôi để biết rõ thái độ tôi thế nào. Tôi cũng trả lời rất mơ hồ và để mấy bà bàn luận với nhau. Cuối cùng, mấy bà đều kết luận là tôi dung túng cờ bạc trong trường. Và vấn đề ấy được ghi vào chương trình nghị sự của cuộc họp phụ huynh sắp tới.
 
Mấy em chơi bài vừa buồn vừa lo, mấy lần lên tìm tôi để tạ tội và xin cho biết biện pháp kỷ luật sẽ áp dụng. Tôi bảo mấy em cứ về học. Chúng không hiểu tôi đang trừng phạt nặng nề bằng cách kéo dài sự lo âu của chúng.
 
Buổi họp của Hội Phụ Huynh kỳ ấy có vẻ thật khác thường. Ai nấy đều có vẻ đăm chiêu, không còn nói cười bả lả như trước nữa. Chính ông Mục sư và nhiều ông thân sinh của học trò tới dự cùng các bà vợ. Bà Albert Davis, Hội Trưởng của hội, giải quyết mau lẹ các việc thường xuyên rồi dõng dạc cất tiếng nói :
 
- Thưa quí vị, một sự kiện mới xảy ra trong trường Trung học của chúng ta, nó làm cho các bậc cha mẹ phải lo phiền và cần được đem ra mổ xẻ hôm nay. Tất cả bà con trong thành phố đều xúc động khi hay tin ở trường có những cuộc đỏ đen. Bốn học sinh bị bắt quả tang chơi bài, thế mà không một em nào bị trừng phạt. Vậy xin mời ông Hiệu trưởng Stuart cho biết rõ về vụ này.
 
Được mời phát biểu, tôi đứng lên nhìn thẳng cử toạ :
 
- “Tôi rất vui mừng được dịp lên tiếng nơi đây, vì tôi có nhiều điều cần được trình bày với quý vị phụ huynh học sinh. Trước hết tôi xin giải thích tại sao không phạt các trò bài bạc. Tôi cho rằng có trừng phạt các em cũng vô ích, trong khi nhiều cám dỗ còn tồn tại ở thị trấn này”.
 
Tôi nói tiếp vì lẽ gì tôi tới mướn phòng trọ tại khách sạn và tình cờ thấy rõ nếp sống bất bình thường của một số con em họ. Tôi bảo ai không tin lời tôi, xin cứ lên phòng tôi mà xem. Tôi hỏi lại các phụ huynh có biết con em họ lêu lổng ngoài đường phố như thế chăng ? Và họ có biết đến mấy giờ sáng chúng mới về nhà không ? Các bà thì thầm với nhau, nhiều bà đỏ mặt không dám nhìn tôi nữa. Tôi nói tiếp đã thấy các em ấy mua rượu uýt ky lậu để uống. Trước đây, trong một cuộc đua ghe, có mấy em say khướt khiến nhà trường cũng mang tiếng mang tăm. Tẩy trừ sự cám dỗ của rượu nồng, riêng các giáo sư không sao làm được. Đó là nhiệm vụ của phụ huynh học sinh phải tìm cách ngăn chận việc buôn bán rượu lậu.
 
- “Trong nhiều gia đình ở Landsburgh người ta vẫn chơi bài. Người ta sát phạt nhau vì tiền trước mặt các trẻ nhỏ. Trong các cuộc tranh đấu túc cầu, biết bao nhiêu vị ăn bận rất sang trọng, tay cầm bó bạc, lăng xăng lui tới ở ngoài đường biên để cá nhau về sự thắng bại của trận cầu. Người ta dám bỏ ra năm bảy mươi đô la để đánh cá. Vậy chính các phụ huynh ấy phải sửa đổi nếp sống của mình, để đừng nêu gương xấu cho con em nữa. Khi ấy mới có thể ngăn cấm học sinh bài bạc. Tôi xin cảm ơn bà Hội Trưởng đã đề cập đến vấn đề này. Nhân dịp này, tôi cũng xin nhờ quý vị khuyến cáo cái ông chuyên bán rượu lậu đừng bán cho bọn trẻ nữa”.
 
“Cuối cùng tôi xin thưa rằng Trường học của chúng tôi không thể sống biệt lập trong vòng rào được. Chúng tôi tùy thuộc rất nhiều vào quý vị. Tất cả đồng bào trong thị trấn này, dù đàn ông hay đàn bà, già cả hay trai trẻ đều có trách nhiệm với ngôi trường này. Cách cư xử, lối sống của quý vị ở trong nhà hay ngoài đường phố sẽ được phản ảnh trong đời sống của học đường. Quý vị có thể giúp đỡ hoặc gây tai hại rất lớn cho nhà trường”.
 
Nhờ cuộc họp sôi nổi ấy, nhiều vấn đề của thành phố được giải quyết. Người ta không thấy mấy ông nhà giàu đi rảo quanh sân banh để đánh cá như trước. Các tiệm khiêu vũ cũng đóng cửa từ 9 giờ đêm, vì Hội Đồng thành phố đã cho ban hành lệnh giới nghiêm và sau giờ đó học sinh nam nữ không được lảng vảng ngoài đường. Không có thanh thiếu niên nào bị bắt về tội uống rượu nữa. Thế là nhà trường đã khiến dân chúng địa phương tự động thay đổi lề lối sinh hoạt. Chỉ hơn một tháng sau, phụ huynh học sinh đã thấy rõ kết quả tốt đẹp của sự cộng tác mật thiết giữa gia đình và học đường. Những em thường bị ăn “trứng gà” nay học hành đã khả quan. Những vụ đi trễ hay vắng mặt không lý do giảm đi đến 80 phần trăm. Trách nhiệm của giáo sư nhẹ hẳn đi. Học sinh lười biếng trước kia, nay có vẻ ham học hơn và yêu mến nhà trường.
 
*
 
Cô Helen Kirsten là giáo sư duy nhất không phải quê quán ở Kentucky . Cô sinh trưởng ở Nữu Ước và học hành từ bé tới lớn tại đó. Cô chỉ rời thành phố hoa lệ và vĩ đại ấy để về quê tôi dạy học. Muốn thích nghi với đời sống đơn giản của một thị trấn vùng quê, cô Kirsten đã hy sinh nhiều tiện nghi và thú vui, mà nào chúng tôi có hay.
 
Buổi đầu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cô khác hẳn chúng tôi về nhiều phương diện : giọng nói, cách diễn tả, sở học và quan niệm giáo dục. Cô rất khó tính, không bao giờ nhân nhượng với ai cũng như đối với chính mình. Cô phụ trách môn Anh văn lớp 9 tôi chưa hề thấy cô vớt điểm cho trò nào, dù chỉ một điểm thôi. Ngày nào cô cũng đến trường sớm nhất và ra về sau chót. Trong các cuộc họp cô chỉ ngồi nghe, nhưng khi được yêu cầu cho biết ý kiến thì không khi nào cô tỏ ra lúng túng và ý cô thật độc đáo. Cô được chỉ định thêm chức vụ quản thủ thư viện. Công việc thật là bộn bề, nhưng chẳng ai thấy cô hé răng than phiền điều gì. Cô chỉ nói với tôi mấy câu :
 
- Ông Stuart ơi ! Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm tròn cả hai trách vụ của tôi. Ông đừng băn khoăn nữa. Ráng chờ đợi ít tuần rồi ông sẽ thấy.
 
Cô đã dành hai tuần để tuyển lựa một số học sinh có thiện chí, huấn luyện cho biết cách trông coi thư viện. Sau đó, mỗi buổi học có hai em luân phiên thường trực để cho mượn sách. Những lúc ra chơi, cô đến thư viện giải quyết những trường hợp hơi gút mắc. Nhờ cách tổ chức cùng sự tận tâm của cô và các em học sinh nói trên, suốt niên học, trường tôi không mất cuốn sách nào.
 
Tuy không phải người địa phương, cô Kirsten đã hoà mình với chúng tôi rất mau chóng. Chúng tôi đã hiểu cô và hai bên thông cảm nhau khá dễ dàng. Riêng cô rất chú trọng đến lối phát âm của chúng tôi và tìm hiểu các thổ ngữ. Trong một lúc tâm sự với một nữ giáo sư người địa phương, cô đã không tiếc lời khen ngợi giọng nói vùng này. Cô cho rằng giọng nói ở đây không quá dịu dàng và cũng không trúc trắc. Người ta chỉ nhấn mạnh vào các tiếp đầu ngữ và chẳng bao giờ phát ra âm sau cùng. Người ta nói như bình thơ, vui tai lạ lùng. Về phần dân chúng địa phương, họ cũng thương mến cô lắm. Rất ít khi gặp mặt cô ở thành phố trong mấy ngày nghỉ cuối tuần. Phần nhiều cô được học sinh vùng núi mời cô về chơi nhà các em, để cha mẹ có dịp làm quen với cô con gái thị thành mảnh mai và đẹp đẽ ấy. Những ngày ấy, cô giáo sư người Nữu Ước được sống gần gũi những nông dân, những tiều phu lam lũ cần cù, giữa những nếp nhà bằng cây ván, không có điện toại, không có điện khí và nhất là không có cả cái buồng tắm rất là thiết yếu. Nhưng trái lại, cô được dịp nhìn tận mắt người ta hái bắp, nhổ khoai, ép mật hay hạ cây rừng cao lớn kềnh càng như thế nào. Cô được dịp quan sát nếp sinh hoạt của những người tự đặt ra những vũ điệu, những bài ca hay những trò vui để giải trí với nhau.
 
Cô Kirsten, xuất thân từ một vùng hết sức khác biệt với địa phương này, đã làm cho trường tôi thêm phong phú do sự hiện diện của cô. Vì vậy tôi thiển nghĩ, các trường ở Hoa Kỳ nên trao đổi giáo sư với nhau. Nhờ thế, tầm mắt của học sinh sẽ được mở rộng, việc đào luyện các em sẽ tốt đẹp vững vàng hơn. Thành phần ban giảng huấn mà gồm những giáo sư ở nhiều vùng khác nhau là một điều hay. Nếu giáo sư cùng là người địa phương với nhau, sự nghèo nàn về tinh thần khó tránh được, nếu tình trạng kéo dài. Với sự góp mặt của những nhân vật tiêu biểu cho nhiều địa phương, cương nhu khác nhau, tư tưởng khác nhau, truyền thống khác nhau, tất nhiên sự kết hợp ấy phải sinh động và cấu tạo ra nhiều mới lạ.
 
*
 
Vào khoảng đầu xuân, chúng tôi hướng dẫn những học sinh ưu tú lên tỉnh AUCKLAND dự cuộc thi tuyển toàn Tiểu Bang. Cuộc tranh tài rất gay go vì có nhiều trường tham dự, trong số có những trường lớn hơn trường tôi gấp bốn năm lần. Nhưng chúng tôi vẫn có Budge Waters đứng đầu hàng “xung kích tiền phong”. Nhờ được cha mẹ tôi nuôi dưỡng, nên Budge vẫn tiếp tục học ở đây. Mỗi khi sắm quần áo mới cho thằng James, em tôi, mẹ tôi lại mua thêm một bộ cho Budge. Vả lại ngoài Budge Waters, trường chúng tôi còn nhiều học sinh ưu tú khác. Kết quả cuộc thi tuyển thật là mỹ mãn. Budge chiếm ngao đầu về ba môn hắn dự thi. Có hai em khác đoạt thêm hai giải nhất. Ngoài ra các em kia chiếm được non chục giải nhì, ba và bốn. Tổng kết, chúng tôi đứng đầu toàn tỉnh, vượt xa các địch thủ và được liệt vào hạng trường danh tiếng nhất của Tiểu bang.
 

VÕ TOÀN                    
lược dịch                     

(Theo bản Pháp văn của Claude Lévy)