Mẹ ốm liên tiếp ba tuần
liền. Lần thứ nhất, tôi thấy mẹ tôi nằm dài suốt ngày. Ban đầu, chúng tôi cũng
không chú ý mấy, mẹ tôi vốn được có một sức khỏe dồi dào. Gặp ngày nghỉ, thấy
mẹ tôi thức từ tinh mơ sáng làm đủ trăm linh tám việc – từ việc lau nhà, đi chợ,
giặt gịa, nấu bếp đến cả việc viết lách, cưa cắt, đóng đục, may vá… cho đến tận
11 giờ đêm chưa ngưng tay –, tôi lấy làm ngờ ngợ… cho cái sức khỏe dẻo dai kia.
Tôi, tôi xin thú thật vốn là đứa nhác việc nhất nhà chỉ được có mỗi việc học là
chăm thôi – khi nào tôi có định giúp hay bị mẹ sai cũng thế – một chút việc vặt
như nhặt rau, rửa bát vào lúc không có người giúp việc là chỉ một chốc sau tôi
thấy mệt nhoài đi. Tôi rửa bát thì lâu la lâu lắc, giặt gịa thì chậm như rùa,
cho nên rốt lại mẹ tôi tranh lấy, kêu lên:
- Thôi! Để đấy! Trông con
làm, mẹ chán quá đi! Con cái chi đâu mà không giống mẹ lấy một ly…
Ấy thế là tôi rảnh tay,
phóng tuốt lên nhà đọc sách, không hề thắc mắc gì về việc mẹ một mình với nhiều
việc dưới nhà. Anh Vũ càng tệ hơn : anh ấy mà lau nhà thì nhà ướt như người ta
xách nước dội và mẹ tôi phải giặt thêm một bộ áo quần của anh sau đó, hóa ra
giúp mẹ đâu không thấy mà thành thêm việc cho mẹ. Hai đứa nhỏ thì kể đến làm
chi cho bận trí? Chúng chỉ biết thay áo quần liên tiếp : uống nước làm ướt một
tí : thay! Ăn cơm làm dính một chút thức ăn : thay! Đi học về dính mực vào áo :
thay! Ra vườn cho gà ăn, vọc đất bẩn : lại thay! Công bình mà nói thì chỉ có
chút chị Thu là đứa con đắc lực trong chuyện giúp đỡ mẹ tôi, được mẹ tôi vừa ý
: chị ấy mà thay bao gối, trải drap giường thì phẳng phiu y như mẹ. Chị mà
xuống bếp thì đâu vào đấy, giặt gịa cũng tài. Khốn một nỗi : ông Trời ông ấy có
luật bù trừ cho nên siêng giúp mẹ, chị lại hơi… nhác học! Ba tôi không ngừng
kêu:
- Mợ cứ sai con cho lắm vào,
còn để thì giờ cho nó học hành chứ! Chia việc ra chứ! Con Hà kia, thằng Vũ kia!
Cứ nhong nhong…
Mẹ cãi:
- Nào tôi có để chúng nhong
nhong, vẫn sai cắt đấy chứ, nhưng mà…
- Mẹ sai tụi nó xong, mất
công mẹ hay con làm lại, mệt thêm!
- Ôi chao! Làm như chỉ có
hai mẹ con mấy người là giỏi. Thứ việc bếp núc, việc trong nhà, tao chỉ thổi
phù cái là xong tất! (giọng ba tôi nghiêm lại) muốn gì thì muốn, nhưng ba không
muốn thấy con Thu theo ba công việc bậy
bạ bỏ cả học hành đâu đấy, nhé?
Mẹ tôi còn là tay thợ khéo
nữa cơ, mẹ có thể thay cái cửa lưới chắn muỗi, đóng một cái ghế ngồi thâm thấp,
trộn xi măng tô lại hay vá cái sàn nước một cách tài tình. Không có cái bay như
thợ hồ, mẹ tôi dùng một con dao tô tiếc láng bóng làm cho ba tôi vốn hay chê
mẹ, cũng phải ngắm nghía công trình của bà mà khuyến khích một câu chiếu lệ:
- Cũng tàm tạm.
Tức thì thằng Minh vênh mặt
lên, ưỡn ngực ra, bộ ngực lép kẹp, phản đối:
- Tàm tạm sao được ba? Ba
phải khen mẹ con chớ. Mẹ con tài lắm mà.
Chả phải nó tốt lành gì mà
bênh mẹ, chẳng qua nó phụ với mẹ trong công tác đó, nên nó muốn được thơm lây
đấy thôi. Mỗi bận mẹ tôi định xúc tiến việc của thợ hồ, thợ mộc là y như có nó
phụ một tay : lấy cái búa, đưa cái kìm, múc ca nước, xúc xô cát v.v… Toàn là
những công việc hợp với thói nghịch ngơm của cu cậu cả mà.
Mẹ tôi, thấy mình làm được
cái này lại tiến tới cái khác : mẹ dám chạy ra hiệu bán gạch men trắng mua mấy
tấm để thay vào chỗ gạch men vỡ ở bếp trong lúc tôi hồi hộp thay cho mẹ : đố
khỏi làm không nên trò, bị ba chế cho xem. Trong lúc tôi và chị Thu đứng đó sốt
ruột vì thấy xi măng nhem nhuốc đầy trên gạch men, thì Minh nhanh nhẹn đem đến
cho mẹ một gói bột trắng như bột mì. Mẹ tôi dùng một cái khăn cũ lau thật sạch
mặt gạch men rồi trộn tí nước vào bột trăng trắng đó tô lên mấy kẽ trống, đoạn
lại rắc thêm bột khô lên. Chỉ mươi phút sau công trình hoàn tất, nom không thua
chi tay thợ lành nghề. Bấy giờ chúng tôi được hiểu thêm là có đi vào nghề thợ hồ mới biết còn lắm điều
bí mật, hay ho (theo ý mẹ tôi). Khi dì tôi đến, trông quang cảnh ấy, gật gù lẩm
nhẩm gì đó và chỉ chiều hôm sau, dì trở lại, trao cho mẹ tôi một gói giấy dài,
cồm cộm mà rằng:
- Đây, biếu chị.
Mẹ tôi thong thả mở giấy ra,
cả bọn tôi ồ lên một tiếng : dì tặng mẹ một cái bay! Thế nghĩa là dì định
khuyến khích mẹ tôi đi sâu vô nghề thợ hồ. Tôi ngầm phản đối. Cái nghề chả có
gì thú vị với bọn này cả. Tưởng đâu gói kẹo hay gói bánh thì còn mê được.
Một lần, ba đi vắng 3 hôm.
Mẹ động viên cả nhà trong công tác sơn cửa : tất cả cửa trong nhà lớn bé đều
được sơn hết. Mà phải chớp nhoáng trong ba hôm, không được kéo dài, ba về ba
kêu là hôi hám, dính vướng nọ kia. Trưa, hai giờ mới có cơm. Chiều tám giờ chưa
được ăn. Chúng tôi ấm ức trong lòng mà không dám kêu ca phản đối chút gì.
Mẹ vẫn nói bằng giọng hãnh
diện:
- Mẹ ấy à? Ai làm gì được,
mẹ cũng làm được. Mẹ chả thua ai cái gì cả, dù người đó là đàn ông đi nữa. Mình
cũng tay chân, mặt mũi, trí óc như đàn ông, thua họ chỗ nào?
Mẹ tôi chỉ có một điểm chịu
nhận là kém : không học được nhiều. “Tao mà được học hành đàng hoàng coi! Phải
biết!
Ba tôi giễu:
- Mợ không được học hành
đàng hoàng, tôi cũng biết mợ quá đi rồi, khỏi phải khoe tài!
Mẹ tôi không thay đổi mặt,
tiếp liền:
- Các con thế là sướng lắm :
được học hành, có đủ cha mẹ, có người săn sóc… Hồi nhỏ mẹ làm gì được như tụi
bay… Muốn ăn gì có nấy…
Tiếp nữa là một tràng đại
luận cả ba lẫn mẹ thay phiên nhau trình bày (nhiều lần cho đến nỗi tôi gần
thuộc). Đại khái ba tôi thì kể rằng mỗi sáng cả nhà chỉ được ăn cháo với muối
hay đường đen. Khi nào ông nội tôi lãnh lương mới được ăn bánh mì phết bơ
bretel. Đừng hòng có bơ lạnh kiểu bây giờ, làm gì sắm được cái tủ lạnh, bói
cũng không ra nữa là! Đi học về ba phải lau xe đạp cho ông nội, xe đạp mà kêu
là xe máy, chả biết máy móc ở chỗ
nào…
Mẹ tôi:
- Hồi bà ngoại còn, mỗi lần
bà đi chợ về, cho mẹ và các cậu, các dì một quả chuối luộc đó là một món quà
quí nhất… Mẹ tiết kiệm, lột cái vỏ ăn trước rồi sau mới nhẩn nha ăn chuối sau.
Trong khi đó, cậu S tụi bay lột vỏ vứt xuống gạch, ăn chuối, ăn xong cu cậu
nhìn tới nhìn lui thấy chị và các em đều đang ăn thì len lén, cúi xuống nhặt vỏ
lên phủi cho sạch sẽ… cho vào miệng rất ngon lành!
Ba tôi:
- Buổi trưa ông nội ngủ, ba
hay bác T, chú P, phải thay nhau mà nhổ tóc ngứa cho ông, lơ tơ mơ làm ồn ông
lấy chổi lông gà ông quất cho sưng mông lên…
- Chớ có đâu như tụi bay bây
giờ, làm biếng quá. Ba có sai nhổ tóc là kiếm cớ lảng liền, đứa thì : con bận học ; đứa thì : con buồn ngủ ; đứa thì : con đi cầu!
Chị Thu lên giọng kẻ cả. Đến
lượt mẹ:
- Muốn đá banh, mẹ phải lấy
rơm bọc giẻ rách ra ngoài làm thành một quả bóng tròn… chớ không phải như tụi
bay : mẹ mua cho quả này, chơi chán, vứt đi đòi quả khác, không thèm cất giữ
cẩn thận đâu.
- Hồi đó làm gì có nước máy?
Ba xách nước trầy cả tay. Bà nội nói : “Tụi bay không xách nước lấy gì nấu ăn
cho?” Thèm cái đồng hồ, cái bút máy và chiếc xe đạp còn hơn thèm ăn chả, mà
chẳng bao giờ được những món xa xí phẩm đó cả.
Vũ chen vào:
- Còn chị Thu bây giờ : đồng
hồ tay thì để vậy, xuống tắm dưới biển không thèm tháo ra, để cho hư đi, tốn
tiền ba mẹ…
Nghe nhắc đến vụ đó, chị Thu
đỏ bừng mặt, gắt:
- Thôi đi, khỉ! Ai mượn mày
nhắc? Ba la tao rồi. Tài xoi móc là không ai bằng!
Anh Vũ vẫn vênh vênh cái mặt
lên, cãi:
- Chị Thu đừng nói hai tiếng
xoi móc mà mất lòng con gà Hà, chỉ có gà nó mới xoi móc lôi thôi chớ khỉ như em
không nhỏ mọn vậy đâu, chị lầm rồi…
Minh như ngứa miệng, chen
vô:
- Thiệt mà! Em thấy chị Thu
sướng lắm : ba sắm xe suzuki cho chị nè, mà chị đi dính đầy bùn chị khỏi có lau
đi…
Mẹ chợt nhớ ra:
- Phải đó, hôm qua, con chở
mẹ đi mà mẹ phát ngượng với người đi đường, xe pháo gì bẩn quá sức… người ta sẽ
nói là nhác nhớm…
Anh Vũ cười khà khà, chêm
vào một câu độc địa:
- Trời ơi mẹ! Mẹ chưa biết,
để dơ dơ mới là tay chì, lau sạch coi
quê lắm mẹ ơi!
Mẹ tôi trừng mắt:
- Ai nói vậy đó? Nói mẹ nghe
coi! Ai nói lau sạch quê?
Anh tôi hoảng hồn, chống
chế:
- Dạ, chị Thu nói đó mẹ.
Không phải con, con không bao giờ nói bậy như vậy đâu.
Chị Thu gây liền:
- Tao nói hồi nào đâu? Thằng
này ẩu…
- Thì hôm trước chính em nghe
chị nói với chị K. bạn chị, rõ ràng…
- Ngon lành quá! Chì quá!
Mẹ cười gằn kèm theo câu
nói. Chị Thu đỏ bừng mặt lên:
- Đó là con nói chơi mà, mẹ
nghe lời thằng khỉ…
- Lại khỉ! Sao chị không nói
nhỏ nhẹ với em coi, có phải vui hơn không! Em thấy mấy người trong sách xưng hô
với nhau nghe dịu dàng hết sức, chớ đâu có lối mày tao như chị nói với em…
Không lịch sự chút nào hết…
Rồi anh ấy bắt chước mẹ, giở
cái giọng răn đời ra:
- Đứa nào cũng lớn đại rồi
mà không ngớt làm phiền cha mẹ, không đứa này thì đứa khác…
Ba cười ngất:
- Con trai ba cũng có tài
khôi hài đó chớ!
Được thể, anh Vũ nhìn quanh
một vòng và vây tôi luôn:
Thật mà ba, con Hà đó, nó
không bao giờ kêu con bằng anh hết. Ngay giữa mặt bạn con mà nó cũng kêu Vũ… Vũ! Làm con tức hết sức vậy đó…
Tôi không nhịn được, buột
miệng nói liền:
- Thì tên Vũ không kêu Vũ,
biểu người ta kêu bằng gì bây giờ?
Tức thì anh có cớ để buộc
tội tôi:
- Đó, ba mẹ thấy chưa? Nó
không thèm kêu con bằng anh, xưng em rõ ràng thấy chưa? Nó xưng là người ta thấy chưa? Trong nhà này, con
bị ăn hiếp, lấn áp quá sức, trên chị dưới em, chèn ép con không thở được…
Tôi thấy anh ấy có vẻ hơi có
trớn, liền phanh lại bằng một câu khá độc:
- Không ưng kêu là Vũ thì từ
nay sẽ được kêu là Cu, anh Cu! Chịu
không?
Anh tôi tức thì nhảy nhổm
lên như thể bị kiến đốt thình lình:
- Cái gì? Cái gì… Cu? Mày
điên hả?
- Điên gì? – tôi làm bộ thản
nhiên như thường – lúc trước anh không phải là Cu sao?
- Ê! Hồi đó là tao còn nhỏ,
kể gì?
Ba tôi chen vào câu chuyện:
- Ờ, nghĩ người Việt Nam
mình thật cũng kỳ : hễ đẻ con trai là kêu Cu
liền! Làm như không có tên gì khác vậy!
- Thiệt, quê quá, ba há?
Anh Vũ thích chí, thêm vô.
Chị Thu cười khùng khục trước khi nói:
- Thôi, nói ai làm chi, mày
cũng vậy chớ khác gì? Lúc trước mày cứ xưng Cu
hoài có sao đâu? “Chị Thu, đưa cái này cho Cu”,
“Hà! Cuốn sách mẹ mới mua cho Cu mà,
sao mày lấy coi trước? Trả đây Cu”…
- Thôi, thôi! Chuyện đó
thuộc về quá khứ rồi! Đừng nhắc tới, coi kỳ quá, Thu ơi! Con trai của mẹ lớn
tướng như vầy mà kêu Cu coi sao được?
Mẹ cấm tụi bay!
Mẹ tôi thiên vị rõ ràng.
Nhưng phải công bình mà nhận rằng trong vòng nửa năm nay anh tôi lớn phổng lên.
Mấy cái mụn trứng cá biến mất, khuôn mặt vuông vức y như cái bánh chưng (vậy mà
coi đẹp mới là kỳ), da anh ấy tươi tắn hết sức, mũi dọc dừa, mắt nâu và tệ nhất
là đôi mày cong vòng y như hình vành trăng lưỡi liềm nằm đều đặn, ngay ngắn
trên hai con mắt nâu giống như mầu mắt mẹ tôi. Trừ khi nào anh tôi xịu mặt vì
bị ba la hay mẹ mắng (những lúc đó coi thật không được chút nào), còn thì mặt
anh tôi khá dễ coi, nhất là khi anh cười : răng trắng bóng đều đặn. Quên, môi
hồng tươi nữa chớ! Anh tôi có cái giọng cười đặc biệt : khà khà, khà khà đến
hay. Phải công bình mà nói thêm : nếu anh ấy mà không có khuôn mặt vuông chữ
điền kéo lại thì anh trở thành một đứa con gái liền, và như vậy chắc tôi là kẻ
buồn trước nhất. Bạn học chúng sẽ trêu “Ê! Hà, anh mày sao như con gái, kỳ
quá!”. Tưởng tượng đến mấy tiếng đó tôi đủ thấy xấu hổ rồi. Nhờ cái vuông vức,
anh tôi có chút đỉnh hùng khí nam nhi trên mặt. Cảm ơn Trời! Cảm ơn Ngài đã cho
tôi một ông anh như vậy. Nhưng ảnh có thói ở dơ : khăn mặt đen thui, luôn luôn
nói một câu không thay đổi mỗi lần mẹ tôi thay khăn mặt cho mình:
- Mẹ cho con khăn màu đi mẹ,
con không ưng khăn trắng, mau dơ quá.
Câu trả lời của mẹ vẫn luôn
luôn không thay đổi:
- Chính vì vậy mà mẹ giao
cho con khăn trắng, chớ nếu khăn màu, con càng để dơ không chịu giặt sạch mỗi
ngày.
Số là thế này : dạo trước,
chưa có phòng tắm trên lầu thì tối tối, chị Thu giặt một lần luôn cả bảy cái
khăn của cả nhà. Mẹ tôi mua cho mỗi người một cái khác màu nhau, để dễ nhận ra,
khỏi lầm. Tính nết mỗi người thể hiện rành rành qua cái khăn mặt của họ : khăn
của mẹ tôi và chị Thu rách trước nhất song đặc biệt, cho đến lúc rách vẫn giữ
màu cũ hay trắng trẻo, kế tới là khăn em gái út và khăn tôi hơi dơ dơ đôi chút.
Khăn ba và cu Minh giống nhau : khá dơ, cuối cùng là khăn anh Vũ, dơ không còn
chỗ chê!
Từ khi có phòng tắm trên lầu
thì anh ấy đem khăn lên móc riêng, chị Thu có lên lấy xuống hay bảo anh ấy đem
xuống cho chị giặt mỗi tối, song có nhiều khi chị gào rát cổ chưa thấy mặt ảnh,
vì vậy mẹ tôi không cho chị giặt nữa. Phần khác, mẹ bảo:
- Nó lớn rồi, để nó tự lo
lấy những cái nhỏ nhặt thuộc phần nó cho quen. 15 tuổi đầu mà còn bắt chị giặt
khăn mặt, coi không được.
Thế là từ đó, anh ấy tự giặt
khăn. Lâu lâu, mẹ tôi hay chị Thu lên dọn trên phòng tắm trên lầu lại la oai
oái:
- Trời ơi! Khăn của thằng Vũ
quá sức! (hình như hai người cùng kỵ, không nói đến tiếng dơ)
Thế là mẹ – hay chị Thu –
mất gần nửa giờ để giặt khăn cho ảnh. Có khi mẹ đem xuống máy giặt bỏ vô, “chớ
giặt tay không nổi”, mẹ nói.
Trong lúc đó, khăn của Minh
và ba tôi đã chễm chệ ở dưới nhà từ lúc nào rồi – quả thật tôi không hay biết
hai khăn này chạy xuống lúc nào, vì hồi
đầu ba tôi dõng dạc tuyên bố là “đàn ông, con trai ở riêng trên lầu”.
Tôi đi đến một kết luận rất
khoa học : “đàn ông, con trai ở dơ”. Thành thực mà nói, tôi cũng chẳng được kỹ
lưỡng như mẹ và chị Thu, song tôi khó mà dơ bẩn nổi với hai người. Hễ thấy cái
khăn tôi đen đen một chút là hai người la lên:
- Con Hà ở dơ quá… con gái
mà như vậy, coi không được.
Hừ, rõ là bất công, làm y
như ở dơ là đặc quyền của con trai, đàn ông vậy.
Đôi khi, tôi và anh Vũ ngồi
lại thảo luận với nhau coi những người ăn ở sạch sẽ trên thế giới có gì khác
hơn đồng loại không? Quả tình, chúng tôi thấy họ không có gì nổi bật, đặc biệt
hết : Henri Dunant và Florence
Nightingale thì nổi tiếng vì lòng nhân, Đức Quang Trung và cụ Phan Đình Phùng
được nhắc nhở do lòng yêu nước, Phạm Ngũ Lão và Trần Bình Trọng được khâm phục
do gan góc, Huyền Trang và Marco Polo thì có tinh thần mạo hiểm. Còn vô số
người khác được hậu thế ca tụng do những đức tính khác nhau không kể xiết,
nhưng chưa có một ai được đề cao do sự ăn ở sạch sẽ bao giờ. Vậy thì, tại sao
mẹ tôi và chị tôi lại cứ đặc biệt lưu ý về đức này, kia chớ?
Dơ hay sạch, có quan trọng
chi lắm đâu? Mà thời buổi này, tôi thấy những người hơi dơ dơ lại được chú ý là
đằng khác, điều đó chứng tỏ họ được tự do. Nghe nói bên tây, mấy cô gái sống
dưới gầm cầu sông Seine để móng tay dài và đầy
cáu ghét ; tại Sài gòn này, có nhiều thanh niên để tóc dài, râu không cạo, áo
quần không giặt mà đi rong giữa phố với bộ mặt hết sức là kiêu ngạo, ta đây.
Nói theo giọng bạn bè tôi thì họ có vẻ kênh là đằng khác, họ có xấu hổ chi đâu
chớ?
Tôi, tôi không ao ước được
tự do tới mức đó, tôi dơ in ít thôi, song mẹ và chị tôi la lối om sòm:
- Hà, con gái lớn rồi đó,
liệu chừng…
- Hà! Sao không lau tủ đi!
- Hà! Cái giường đầy bụi
kìa!
- Hà! Cái bàn…
Song từ bữa mẹ nằm liệt, chị
Thu bận học thi, người ở về quê thăm nhà (kỳ quái, hễ mỗi lần nhà tôi có vẻ cần
người thì là người ở về quê), không ai nhắc nhở, nhăn nhó, kỳ kèo chúng tôi về
chuyện dơ sạch nữa. Bụi đóng trên tấm gương soi dày cho đến nỗi em tôi dùng ngón
tay vẽ lên mấy chữ : “bà Hà ở ác” rõ mồn một, đi ngang là thấy liền. Bụi bặm
tha hồ tung hoành không kiêng nể. Hai đứa nhỏ bỏ cả thói quen nằm dài ra sàn
gạch bông mà đọc truyện đời xưa. Thậm chí cái điện thoại cũng đầy những bụi. Ba
tôi gắt gỏng hơn bao giờ hết. Bao gối không thay giặt đều đặn mỗi tuần lễ, đen
thấy mà ghê. Cái bàn ăn, cái ghế ngồi, cái gì cũng đầy bụi, sách vở bừa bãi
lung tung. Hình như căn nhà tối lại vì bụi đóng. Trên trần, mạng nhện giăng hơi
nhiều, mỗi lần có gió, nó đong đưa như những cái võng tí hon. Vài con gián bắt
đầu xuất hiện thăm thú tầm phơ đây đó, rồi một hôm chúng bò lổm ngổm trong tủ
áo quần của chúng tôi. Vâng! Ngay cả trong tủ chúng tôi! Tôi gần khóc khi trông
thấy trứng chúng gắn cứng trong góc cửa. Vài cái khăn tay thêu, đôi vớ, một cái
quần và hai cái áo bị gián nhấm lem nhem. Tôi khóc thật, chớ không còn là muốn khóc.
Tôi chợt nhớ lại, có nhiều
đêm đang ngủ ngon bỗng bị đánh thức đột ngột vì tiếng động và ánh sáng do mẹ
tôi gây ra trong phòng ngủ của mẹ hay ngoài phòng khách. Chị Thu trở mình,
giọng ngái ngủ:
- Cái gì vậy mẹ?
- À! Tụi bay cứ ngủ đi! Mẹ
rượt theo con gián.
Tưởng gì! Mẹ tôi rượt theo
một con gián mà làm mất giấc ngủ ngon của lũ con!
- Nó đâu vậy mẹ?
- Không biết, chắc nó bò
theo khe cửa ở buồng tắm. Mẹ rượt hết hơi…
- Mà mẹ giết nó được chưa?
- Rồi! Mẹ tụi bay mà thua
một con gián sao? Thôi, để mẹ tắt đèn cho mà ngủ.
“Tách” một tiếng, ánh sáng
vụt tắt biến. Căn phòng tối om. Vậy là may đó, nhiều bữa mẹ tôi không rượt kịp,
con gián chui vô kẹt tủ, ngăn kéo là bà lục tung ra hết, tìm cho kỳ được mới
thôi. Nếu nó còn ẩn núp đâu đó, ngoan cố không chịu bò ra đầu thú thì bà liền
cầu viện đến bình thuốc muỗi, thứ hiệu của Mỹ chính cống, xịt ra nồng hăng muốn
buồn nôn. Nhiều khi vì một con gián, mẹ tôi dám xịt hết nửa bình thuốc muỗi,
nồng nực cả nhà, bay tuốt lên lầu, đến nỗi ba tôi cũng biết, ông hét dựng lên.
Được cái, sau những cuộc
chiến đấu so le không đồng cân sức như vậy, luôn luôn mẹ tôi thắng trận. Tôi cứ
nằm yên, nghe tiếng dép bà vô phòng tắm, rồi vòi nước chảy ào ào. Tôi không
thèm dự vô cuộc chiến đấu vô nghĩa, tầm thường như vậy. Chị Thu đôi khi chồm
dậy phụ lực với mẹ tôi, săn đuổi kẻ thù cho tới cùng. Sáng hôm sau, chúng tôi
đem chuyện này ra bàn tán, trêu chọc mẹ và chị tôi rất là vui vẻ.
Nhưng giờ đây, mẹ tôi nằm
một chỗ, bọn tôm tép được tha hồ tung
hoành. Mùi phân gián át cả mùi băng phiến trong ngăn tủ tôi, trứng gián gắn cả
trong áo tôi. Quân đểu giả! Bọn hùa gió
bẻ măng! Bọn thừa nước đục thả câu!
Trời ơi! Tôi thương mẹ quá!
Sạch sẽ có lợi thật chứ! Sao tôi không nhận ra điều giản dị này sơm sớm?
Trong lúc cắm cúi lau dọn và
nguyền rủa kẻ thù nhỏ bé mà sức phá hoại vô song, tôi tự hứa từ nay sẽ sạch sẽ
để vừa lòng mẹ, tự hứa từ nay mỗi đêm, hễ mẹ tôi chỗi dậy đi săn gián, tôi sẽ
phụ lực người liền chứ không nằm ườn, chờ xong để có thể yên thân ngủ tiếp như
trước nữa.
Chợt, một câu hỏi lóe sáng
trong đầu tôi, sáng rực và nhọn như cái lưỡi câu bằng thép : “Nhưng ngộ mẹ nằm luôn? Mẹ không dậy nữa, mẹ
chết thì sao?” Trời đang lạnh mà tôi toát mồ hôi ướt đẫm sống lưng. Câu hỏi
ghê gớm quá! Đâu có thể có chuyện ghê gớm đó? Ủa, tại sao không? Trong bụi vốn
có nhiều thứ vi trùng độc hai, rất nhiều… biết chừng đâu vì sự nhác nhờn của
tôi, mẹ tôi đã hít phải những con sâu vô hình đó? Nói theo khoa học thì nó có
hình, nhưng rất nhỏ, con mắt thường không thấy được, ngày một ngày hai, cho đến
lúc, chúng quật ngã mẹ tôi… Sao không? Có nhiều người đàn ông to lớn mà còn bị
vi trùng quật ngã, huống hồ mẹ tôi…
Bậy bạ! Tôi tự mắng tôi, tại
mẹ ỷ mạnh, mẹ dầm mưa hoài, mẹ thức khuya hoài, mẹ dậy sớm hoài nên mẹ đau, chớ
vi trùng nào mà hạ nổi mẹ? Nhưng để vững bụng, tôi chạy vào giường, đứng ngay
dưới chân mẹ tôi, thăm thú xem bệnh tình mẹ ra sao. Nom mẹ tôi có vẻ tỉnh táo
hơn mọi hôm, hai gò má đã hơi ửng hồng và bà đang chăm chú nghe nhạc : bản cầu sông Kwai, bản ruột của mẹ, cao xanh
ạ! Thật tôi mừng ghê gớm, mừng như khi tôi thi Đệ Thất đỗ cao ngày nào vậy đó.
Thế là, tôi chả cần phải hỏi
thăm sức khỏe mẹ gì cả, tôi phóng ba bước ra ngoài. Vì quá mừng, tôi quên cả ý
tứ dè dặt cho nên tôi làm cánh cửa dội mạnh, mẹ tôi lên tiếng:
- Hà, con làm gì đùng đùng
vậy hả? Con gái gì mà…
- Sao mẹ biết là con?
- Chớ còn ai vô đây? Mày là
chúa ồn ào, mày đúng là Người Việt gốc
Voi theo lời cậu mày thường nói…
Tôi chống chế:
- Dạ, con vô thăm chừng mẹ
thử coi mẹ có khỏe không, và con thấy mẹ khỏe nên mừng quá.
- Hừ! Làm sao con biết là mẹ
khỏe? Nói phét vừa vừa chứ…
- Sao con không biết, mẹ
khỏe nên mẹ mới có thể nghe nhạc sông
Kwai… có đúng không nào?
MINH QUÂN