Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

THƯƠNG EM - Vũ Phương Trình


Nếu có ai hỏi Trung vì sao yêu em nó thế, Trung chắc chắn không thể trả lời được. Phải chăng vì con Búp quá xinh, vì chúng chỉ có 2 anh em? Hay vì nó ngoan ngoãn theo lời dạy của má nó, của cô giáo ở trong trường? – Với Trung, không hẳn chỉ có thế. Còn nhiều nguyên do nữa kia. Những nguyên do mơ hồ nó không định rõ được, không biết lấy lời lẽ gì để diễn tả. Lần con Búp lên sởi, nóng sum súp, nó thương quá đến phải ôm em, để thốt “Sao anh thương Búp thế?” mà nước mắt hai hàng vắn dài nữa là…

Không riêng gì mẹ nó mà cả xóm Ngã Sáu đều biết việc ấy. Hình ảnh thằng nhỏ Trung ốm nhom, cõng con Búp đi chơi khắp phố, đã quen thuộc với mắt mọi người như một bức tranh sống. Nhất là những ngày nghỉ hè nầy. Buổi sáng, buổi chiều, hoặc vườn “Ông Tượng”, hoặc đầu hẻm chú Tư hớt tóc, đều có mặt 2 anh em nó, tụm ba tụm bẩy với mấy đứa trẻ cùng xóm chơi đùa. Má Trung có thể kể là người nghèo nhất khu phố. Bà bán hàng rong ở chợ, đi sớm, về muộn nên ít thì giờ chăm sóc tới chúng. Nội việc lo cái ăn cho ba mẹ con cũng đã mệt rồi. Tuy vậy, không cần dạy, lòng thương mẹ cũng đủ khiến Trung ngoan ngoãn. Nó có thể lý lắc, ham chơi thật đấy – trẻ con nào không thế – nhưng ít khi thái quá đến nỗi làm má nó buồn. Khi Búp mới đầy 2 tuổi, má Trung giao con nhỏ suốt ngày cho Trung mà không phải lo lắng. Bà biết nó yêu em nó lắm. Mỗi chiều về chợ, khi nhìn 2 đứa đã tắm rửa, áo quần sạch sẽ chờ ngoài đầu hẻm, bà quên cả mọi nhọc nhằn. Bà được an ủi biết bao vì chúng. Đúng hơn, vì đứa con nhỏ ngoan ngoãn sớm hiểu biết. Phải, Trung còn nhỏ, mới chỉ 11 tuổi. Trung học lớp ba, và học rất chăm. Một trong những cái thú được ứng dụng sự học của nó là đọc truyện cho em nghe. Có thể nói đó là thú giải trí độc nhất của hai đứa. Những quyển truyện nhi đồng nho nhỏ trở thành quen thuộc, cần thiết như gói xôi, mẩu bánh dằn bụng mỗi sáng. Ban đầu, Trung đọc những truyện dã sử, cổ tích ngắn trong sách học của nó. Rồi đến những cuốn truyện mượn bạn. Rồi đến chỗ nhịn quà để mua. Cũng may cô hàng báo thương tình nên nó chỉ phải nhịn một thời gian. Sau đó, được cô cho mượn đọc chứ không phải mua nữa. Thực khoái. Thế là sáng nào Trung cũng dắt em đến quán báo để được quẳng cho một tờ mới nhứt. Ngồi bên nhau, dưới bóng cây mát, hai đứa mê mẩn để tâm hồn đi phiêu lưu theo nhân vật trong truyện. Khi ấy, Trung tay thì vạch cuốn truyện, miệng chậm rãi từng tiếng để con Búp kế bên nó theo kịp. Con nhỏ chẳng là chậm hiểu và đãng trí lắm sao? Nó ngơ ngáo đôi mắt, như uống từng lời đọc của anh, thế mà nhiều lúc Trung phải nhắc đi lặp lại mãi mới… “Ừa, em biết dồi”… để nó có thể tiếp tục. Tội nghiệp. Trung nghĩ chắc em nó sau nầy học chậm lắm. Được chữ B quên mất chữ A. Nhưng thế nào đi nữa nó cũng sẽ dạy con Búp đọc, khi con bé lớn hơn chút nữa. Nó nói với em như vậy. Con Búp ừ à sung sướng, làm nó càng thương…

Một thích thú khác của Trung là tìm kiếm hoặc làm lấy đồ chơi cho em nó. Có lần nó hì hục cả buổi để bắt chước chế một cái xe đẩy kêu loong coong cho Búp. Lần khác, nó đổi con diều bầu chưa được chơi một lần để lấy con búp bê của thằng bạn cho em. Trung sung sướng với sự sung sướng của đứa em gái. Hình như chăm sóc, làm thế nào để em vui cũng là một hạnh phúc riêng cho nó rồi. Chưa kể đến sự bảo vệ, quí báu em như trứng mỏng. Trận đánh lộn dữ nhất của Trung cũng vì xót em nó. Con Búp bị thằng Cốm, một thằng lỳ lợm, lớn hơn cả Trung dọa mãi đến khóc. Thực ra, Cốm cốt ý gây với Trung và tưởng Trung chẳng dám làm gì. Nó không thể ngờ con Búp chỉ mới mếu mà Trung đã nổi xung lên xông vào nó. Bữa đó hai thằng đánh nhau đến chẩy máu. Con Búp được bữa khóc no, không phải vì dọa, mà vì thương, vì sợ cho anh. Nó chưa bao giờ thấy anh dữ đến thế, trong khi Trung mình đầy bụi, lấm la lấm láp, lại tỉnh bơ hỏi nó: “Búp có sao không? Anh đánh nó sợ rồi! Nó không dám dọa Búp nữa đâu…”

Ai cũng thương hại hai anh em gần như côi cút đó. Cô Tám hàng tạp hóa vẫn cho Trung thêm một cái bánh hoặc một viên kẹo khi Trung vào mua cho em ăn. “Đừng đưa nốt cho nó đấy, ăn ngay đi” cô cười dặn vì biết lần nào Trung cũng nhường cả cho con Búp. Ông già Hiên thì yêu gương mặt bầu bĩnh của Búp nên Trung hay dẫn em lại nhà ông thêm vào ít cái nựng nịu, con nhỏ sẽ được mấy củ khoai hoặc vài cái bánh vòng, nhâm nhi cả buổi không hết. Một lần ông giấu con Búp, rồi thích thú nhìn gương mặt lo sợ hốt hoảng của Trung đi tìm kiếm. Ông lại dọa già: “Hay nó lọt xuống giếng? Hay nó bị mẹ mìn bắt rồi?” Đến khi Trung chực khóc mới chịu thôi. Sau lần ấy Trung giận ông Hiên, không đến chơi một thời gian, trong khi ông già lại càng thương hai đứa hơn…

Cứ như thế, Trung tưởng sẽ sống mãi cuộc sống êm đềm ấy. Nó không bao giờ ngờ có ngày phải xa lìa em nó…

*

Bắt đầu là lúc Trung nhận thấy má nó có vẻ buồn. Bà ít nói, ưu tư hiện rõ trong mắt. Bà âu yếm dịu dàng với hai con hơn, trong một vẻ như sắp chia lìa chúng. Nhất là với Búp. Nhưng con nhỏ không biết gì, thấy má yêu lại thêm nhõng nhẽo. Trung thì khác, Trung tin có sự phiền muộn gì trong lòng má. Những lần trước buôn bán ế ẩm hay bị xui xẻo chuyện gì, má đều nói Trung rõ. Kỳ nầy, má im lặng giữ kín ý nghĩ. Trung không dám hỏi vì má chưa đá động gì tới. Nó chỉ nhìn bà, ngạc nhiên, tìm hiểu, lúc nghe bà buông những tiếng thở dài…

Tuy vậy, cuối cùng Trung cũng rõ. Chính má Trung thổ lộ cho nó biết. Lúc ấy, bà đang vá áo của Búp, bên con nhỏ đã ngủ say trên chiếc giường cũ. Khi thấy Trung đến cạnh, bà chợt giữ nó lại hỏi. Câu hỏi chắc đã cân nhắc suy nghĩ nhiều lắm mới được thốt ra:

- Trung! Con chịu xa em con không?

- Sao má?

Quả thật Trung không hiểu gì cả khi nghe hỏi, thế là má Trung kéo nó lại gần mình, giãi bầy:

- Con nhớ cô Toản tối kia lại thăm nhà mình không? Cô là bạn của má. Con cũng thấy cô thương Búp lắm chứ? – Bà run giọng – Cô muốn xin em con về nuôi đó…

Cô Toản. Trung nhớ ngay người đàn bà đó. Một gương mặt hiền hậu, một giọng nói ấm áp, dịu dàng. Hôm trước, đã cho Trung mười đồng ăn quà với em. Phải. Hôm ấy cô tỏ vẻ yêu con Búp lắm, nựng nó mãi. Nhưng Trung đâu ngờ cô lại đi đến ý nghĩ đó. Xin em Búp ư? – Không thể được. Trung ngước nhìn má nói:

- Đừng má! Con hỏng chịu đâu!

Má Trung thở dài vuốt tóc nó:

- Má biết. Má cũng không muốn. Má thương con Búp lắm chớ sao không? Nhưng má nghĩ kỹ rồi.

Trung định nói, nhưng má nó tiếp ngay sau đó, giọng nghiêm hơn:

- Con, con cũng biết nghĩ rồi, con hãy nghe má. Từ khi má sanh em con đến giờ, còn cầm dự sống được là nhờ ít tiền dành dụm ba con để lại. Giờ tiền ấy hết cả rồi. Má cố gắng hết sức để nuôi hai con đầy đủ, nhưng má không thể… Dù có qua ngày được nhưng chẳng lẽ để hai đứa lây lất mãi như thế nầy sao?

Lời mẹ nói làm Trung xúc động. Bao ý nghĩ trong óc nó định nói ra tan đi đâu mất cả. Nó run run nói:

- Thế má chịu hả?

- Ừ!

Trong lúc Trung chỉ thở dài, mẹ nó tiếp:

- Cô Toản hiền và tốt lắm. Ngày xưa khi chưa sanh hai con, cô là hàng xóm của mình. Giờ cô ở Đà Lạt nên cũng sắp về đó. Má phải tính sớm.

- Thế Búp phải theo luôn về Đà Lạt sao…

Câu nói Trung buông ra không nghĩ ngợi – thật buồn bã thất vọng. Má Trung ôm nó:

- Con đừng ngại em con bị cực khổ. Trái lại, đời nó sẽ sung sướng gấp nghìn lần bây giờ. Cô Toản chỉ còn một mình, không con cái gì hết. Cô nói thương Búp như chính con đẻ của cô. Con không muốn em con được sung sướng vậy sao?

Trung không thể nói gì thêm với mẹ. Cổ nó tắc nghẹn lại. Trong ý nghĩ nó biết nó không cãi được quyết định của má nó nữa. Có năn nỉ, có khóc cũng vô ích. Lòng thương em lúc ấy bỗng dạt dào trong tim. “Búp à. Anh sắp xa mày rồi. Búp sẽ không còn ở với má, với anh nữa… “ Nó không chận nổi một tiếng nấc làm rung động đôi vai nhỏ.

Má Trung như đọc rõ ý nghĩ con. Bà nói:

- Đừng khóc. Con khóc chỉ làm má buồn thêm. Đây là một dịp may cho em con, cho nhà mình, tuy phải đau đớn một chút…

Bà còn dặn nó đừng cho ai biết việc ấy, nhất là Búp. Trung dạ rồi vào mùng ngủ. Giấc ngủ đến chập chờn những hình ảnh buồn bã. Một lần nó chợt choàng tỉnh giữa đêm tối, để nhìn em nó như muốn ghi lại lần chót khuôn mặt con bé. Nó thấy mẹ ủ chặt Búp vào lòng, trông khổ sở đến thương…

Từ khi đó, không ai thấy Trung cười lần nào. Cả mẹ nó cũng thế. Căn nhà nhỏ sẽ tưởng như hoang vắng nếu không có những tiếng cười, những tiếng nói líu lo của Búp. Con bé vẫn vô tư lự, suốt ngày bắt Trung vui đùa với nó. Biết đâu vẻ hồn nhiên, những nụ cười, những câu nói ấy làm anh nó thêm thấm thía nỗi buồn trong lòng, khiến Trung muốn quên đi mà không được. Phải. Không thể quên được, dù một phút, một giây… Đã có lần, Trung bồi hồi giở sách Địa lý, dò trên hình bản đồ đất nước hai chữ Đà-Lạt. Nó càng se thắt khi nghe Búp gợi lại một ý nghĩ cũ:


- Nữa Búp lớn, anh Trung dạy Búp đọc nghe? Chắc à.

Nó ậm ừ chứ không vui vẻ hứa chắc như những lần trước. Khi đọc truyện cho con bé nghe cũng vậy. Nhiều lúc, Trung để hồn tận đâu đâu, con nhỏ mê nghe, phải nhắc mãi Trung mới giật mình đọc tiếp. Đọc như một cái máy, không hứng thú gì nữa…

Nhưng dù thế nào, Trung cũng cố nén lòng không cho em biết chuyện cô Toản nhận nó làm con nuôi. Trung chỉ thử hỏi Búp một lần “Nè! Nếu ai cho tiền Búp thiệt nhiều, em chịu bỏ má bỏ anh ở với người ta không?” – Con nhỏ trả lời “Hong! Hong! Em chỉ thích ở hoài với anh, với má à!” Và nhiều, nhiều nữa. Những câu trả lời ngây thơ chân thành chỉ làm Trung thêm xót xa…

Mấy ngày sau cô Toản xuống thăm má Trung lần thứ hai. Kỳ nầy, cô thực vui vẻ, cưng chiều anh em Trung như chính con mình. Búp quen ngay với khuôn mặt dịu hiền của cô. Nó chịu xoắn xuýt theo cô cả ngày. Với Trung, Trung hiểu những cử chỉ, thái độ ấy lắm…

Vì chỉ sau đó một ngày, má nghỉ bán buổi sáng, dẫn hai anh em xuống nơi cô ở, nói là để thăm…

Chạng vạng hôm đó, má Trung về chợ bắt gặp nó ngồi bên cửa một mình, mặt thờ thẫn buồn hiu. Nó ôm bà, nói trong nước mắt:

- Con không bằng lòng cho em Búp đâu! Má đòi em về cho con…

Bà mẹ không nói không rằng, dìu nó vào nhà. Trung nức nở khóc như muốn thổ lộ tất cả những nỗi niềm trong lòng ra với mẹ. Khi nó đã dịu phần nào xúc động, mẹ nó mới nói:

- Má biết con nhớ em con. Con thấy rất trống trải cô đơn khi vắng bóng nó. Con tưởng má không thấy vậy sao? Nhưng tất cả rồi sẽ qua đi, con à.

Thằng bé lắc đầu quầy quậy. Nó cố khẩn khoản với mẹ:

- Ngày mai người ta đi xa rồi. Má phải đòi họ lại liền. Con không thể xa nó. Con nhớ nó quá. Má không thương em con sao?

Bà mẹ nghiêm giọng:

- Sao con lại hỏi vậy? Ai đau lòng cho bằng má chứ. Má không nuôi nổi hai đứa mới phải hy sinh thế. Con tưởng má ghét bỏ gì nó hả?

Im lặng một chốc để dằn sự xúc động, bà tiếp:

- Má đã biện bạch để con rõ rồi, đáng lẽ con biết suy nghĩ, phải thương má mới đúng…

Trung nghe những tiếng rưng rức khóc. Nó nhìn lên. Mắt nó bắt gặp đôi mắt đầm đìa lệ của mẹ. Đã lâu, có lẽ từ ngày ba nó mất đến giờ, nó mới thấy mẹ khóc. Nó không biết nói gì, mà cũng không muốn nói gì nữa… Nhưng trong óc, ý nghĩ đòi ngay em nó về vẫn ray rứt không tan biến. Trung thấy thật thương em. Nó như còn nghe văng vẳng tiếng khóc của con bé lúc phải xa anh, xa mẹ. Nó đoán tiếng khóc ấy sẽ còn mãi cho đến khi em nó gặp lại nó, lại mẹ, được trở về căn nhà cũ mới thôi. Nó suy đi nghĩ lại mà lòng thêm thôi thúc, bồi hồi…

Khi bóng đêm hoàn toàn ngự trị vạn vật thì Trung không dằn tâm được nữa. Từ cửa nhà, nó vùng chạy ra đầu hẻm như đuổi theo một hình bóng vụt qua. Nó chỉ nghe kịp tiếng “Trung” đầu tiên của lời mẹ nó gọi giật lại, rồi không còn gì khác ngoài tiếng gió bên tai. Trung chạy không kịp thở. Đến lúc mệt quá, nó lảo đảo ngồi bệt xuống một gốc cây để thở, để nhìn chung quanh xem đã đến đâu. Còn xa, xa lắm, nhưng Trung quyết phải tới đó. Nó phải đến nhà cô Toản…

Nó cũng không ngờ mình chạy nhanh thế. Ngôi nhà gạch nhỏ lúc ban sáng nó đã đến giờ sừng sững trước mắt như một ảo ảnh mơ hồ. Bao xúc động trong lòng Trung vụt lắng xuống. Lúc nầy, nó mới kịp nghĩ tới hành động đang làm của mình. Nó đến đây với ý gì? Phải chăng mong gặp em nó lần cuối – hay đúng hơn, mong năn nỉ cô Toản trả lại con nhỏ? Nó đứng khựng lại. Còn mẹ nó nữa? Mẹ nó sẽ nghĩ sao chứ? Trung lúng túng đến ngẩn ra. Không biết nên đi tới hay lùi trở về. Giữa phút đó, bỗng nó nghe một giọng con nít từ nhà vọng ra, tiếng nhỏ nhưng làm tim nó đập mạnh như muốn thoát khỏi lồng ngực. Vì đó là giọng nói của con Búp…

Nó tiến tới cánh cửa sổ độc nhất còn mở hé, run rẩy như một kẻ trộm đạo. Nó thấy có hai bóng người trong phòng. Một là cô Toản, đang lúi húi bên chiếc va ly quần áo, còn một – mắt Trung nhòe lệ – chính là em nó. Con nhỏ ngồi đong đưa hai chân, trên một chiếc ghế cao kề bên.

Và Búp đang cười – Phải, Trung không thể lầm. Búp đang cười với cô Toản, khi cô đưa một cái áo mới, nhỏ ướm vào người mình. Tiếng cười trong trẻo, hoàn toàn sung sướng đến xa lạ mà Trung chưa nghe bao giờ. Giọng cô Toản vang lên, cùng một lúc với một cái áo lạnh vung vẩy trong tay:

- Con cũng thích mầu nầy chứ? Cô mua hai cái để con thay đổi, không sợ rét mướt nhé!

Búp cũng đang mặc một cái áo như vậy, nhưng mầu đỏ, bó ngoài một áo đầm mầu hồng ngắn, trông thật dễ thương. Con nhỏ còn mang một đôi giầy vớ trắng, có lẽ là đôi giầy đầu tiên trong đời, khiến Trung nhìn phải ngờ ngợ. Nó không tin em nó lại xinh tươi đến như vậy. Nếu không nhìn tận mắt, nó chẳng đời nào tưởng tượng nổi. Vì vậy, nó cảm động muốn bật khóc với hình ảnh trước mắt. “Chắc con nhỏ sung sướng mê đi. Từ bé đến giờ mới được dịp có những thức ấy”.

- Ý có ai ngoài kia cô ơi!

Tiếng con nhỏ bên trong làm Trung giật mình, cắt đứt ý nghĩ. Có lẽ vì không để ý, nó đã nhón đầu lên cao quá khiến em nó trông thấy. Ý nghĩ cũ vụt thoáng qua óc : Có nên gặp cô Toản không? Nó phải nói gì với cô?…

Câu giải đáp chỉ cần một giây, vì khi vừa nghe tiếng guốc lóc cóc bên trong Trung vụt đứng dậy chạy lủi đi. Nó chỉ kịp núp vào một vách tối thì cửa nhà cô Toản đã mở. Cả con Búp cũng ra theo cô. Hình như cô Toản nói một điều gì, rồi sau đó Trung nghe tiếng hai người cười nhỏ. Tiếng cười không hiểu sao lại làm nó đau lòng…

… Khi Trung về, xóm ngã Sáu nhà nào nhà nấy đã đóng cửa im ỉm chỉ trừ một căn vách lá nhà nó còn leo lét ánh đèn. Mẹ Trung vẫn đợi con bên cửa. Khi thấy nó, nhìn gương mặt nó, bà buông ngay tiếng hỏi nhỏ:

- Sao con?

“Sao con?” Trung hiểu hai chữ ngắn ngủn ấy lắm, dù hai mẹ con chưa trao đổi chút ý tưởng. Nó nhìn đôi mắt mẹ. Đôi mắt nó sẽ hiện ra biết bao vẻ vui mừng với hình ảnh em nó lúc nầy. Lần đầu tiên, nó thông cảm biết bao lòng mẹ, thấy thương mẹ hơn lúc nào cả…

Nó vội ôm lấy bà, để chỉ buông một câu nhỏ, nhưng chứa đựng tất cả tình yêu trong lòng:

- Họ đi cả rồi! Má ơi…

Vũ Phương Trình
(trai Việt)      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 50, ra ngày 1-8-1966)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com