Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

NHỮNG GIỌT SƯƠNG NGÀ - Trinh Hoàng






Tôi dựng chiếc xe đạp sát vào bức tường của tòa biệt thự, chiếc xe từ đời Bành tổ. Chắc là có vất bất cứ đâu cũng chẳng ai thèm lấy. Tuy vậy, tôi cũng khóa lại thật cẩn thận. Tôi bỗng mỉm cười khi nghĩ đến kỷ niệm vào mùa khai giảng cách đây hai năm.

Buổi sáng hôm ấy, trời trong xanh đẹp vô cùng. Gió hiu hiu thổi mát, tôi thong thả đạp chiếc xe cũ kỹ “lả lướt” trên đường Lê Lợi. Đến một quán sách quen thuộc bên lề đường tôi dừng lại, dựng “cu cậu” đứng bên một cây trụ điện, khóa lại hẳn hòi, rồi tản bộ quanh đó để mua một vài cuốn sách học cho mùa khai giảng sắp tới. Đến khi tôi trở lại “chốn cũ” thì “người xưa” đã đi đâu mất. Vâng, chiếc xe đạp của tôi không cánh mà đã bay đến… phương trời vô định nào rồi. Gia tài của tôi chỉ có độc nhất là chiếc xe đạp, thế mà nó lại bỏ tôi ra đi để tôi bơ vơ nơi “đất khách quê người”, trong túi không còn lấy một đồng về ô-tô buýt (bao nhiêu tiền bạc đã đổi lấy sách vở hết rồi). Tôi ôm mớ sách trên tay, đứng nhìn sững sờ vào cây trụ điện. Tôi có cảm tưởng như nó cũng đang nhìn lại tôi mà chế nhạo. Thôi, thế là hết!

“Xe đi đường xe tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi (1)
Ai nỡ chia loan và rẽ thúy
Từ nay ta vĩnh biệt em rồi”.

Tôi buồn tôi đi lang thang cũng bởi vì… em đó, em biết không hở chiếc xe đạp yêu quí của anh ơi! Tôi đi dọc theo lề đường Công Lý để tìm… cố nhân của tôi. Chao ơi, chả biết lúc này nó có thèm nghĩ đến tôi không mà tôi lại tha thiết đến nó như vậy. Tôi nhớ lại những kỷ niệm của hai đứa. Tôi cũng quên khuấy nó gốc người gì, chắc là Pháp, Đức hay Ý, Nhựt gì đó, chứ không phải là người Việt Nam (thật đáng buồn cho dân tộc chúng ta!). Nó đến với tôi khi đã “nửa chừng xuân”. Số là một ông bạn ba tôi mới mua một chiếc mobylette nên đào thải nó. Ông ta thấy tôi hằng ngày đi học phải dùng ô-tô buýt chen lấn cực nhọc quá, nên mới “rỉ tai” ba tôi mua cho tôi. (Thực ra nếu ba tôi không mua ông ta cũng bán cho người khác chứ chả tốt lành gì đâu). Đó có lẽ là lần sung sướng nhất trong đời tôi. Ba tôi bấm bụng bỏ ra 500 đồng để rước nó về “hầu hạ” tôi. Năm trăm đồng, đối với gia đình tôi lúc ấy không phải là một món tiền nhỏ. Tôi cưng nó lắm, tắm rửa và trang điểm cho cu cậu luôn. Cu cậu khoái tỉ, híp mắt cười hoài. Có một hôm cu cậu đi chơi với tôi, nổi hứng chạy bon bon, xổ dốc Công Lý và hôn vào một chiếc xe Mercedès vừa thắng gấp. Người tài xế bước xuống, chạy ra sau xem xét rồi gườm tôi một cái… tôi không dám nhìn lại. Tôi bước đến gần ông ta, cúi đầu nhìn xuống đất, năn nỉ:

- Thưa bác, cháu lỡ dại… vì bác thắng gấp quá cháu… cháu thắng lại hổng kịp.

- Chạy xe ẩu quá, coi chừng có ngày bỏ mạng nghe… con.

- Dạ.

Tôi dạ mà tôi không biết là mình muốn nói cái gì. Gã quày quả bước lên xe, ném lại một số âm thanh chát chúa:

- Đi đi.

- Dạ… cám ơn bác.

Khi chiếc Mercedès đã đi xa rồi, tôi bỗng mỉm cười một mình và tiếp tục cho hắn chạy theo.

Những kỷ niệm của tôi với nó thì còn nhiều lắm, như những lần đến trường sớm, cổng trường chưa mở,hai đứa đứng bên ngoài vừa nhấm nháp bánh mì vừa chờ đợi giờ vào, như những chiều nghỉ học hai đứa lang thang dưới bến Bạch Đằng hứng gió v.v… Càng kể nhiều càng thêm đau lòng chứ chả ích lợi gì.

Bây giờ nó không còn thuộc về tôi nữa. Trưa nay, biết ăn làm sao nói làm sao với ba má tôi đây. Thế nào ba tôi cũng mắng cho một trận (ấy là không kể có khi còn “được” ăn đòn nữa chứ!). “Mày là đồ ăn hại, có chiếc xe đạp mà cũng giữ không nên. May mà sắm xe đạp chứ sắm xe gắn máy cho mày thì cả nhà này có nước ăn xin hết”. Rồi đào đâu ra tiền để đi ô-tô buýt mỗi ngày. Tôi còn có cả một lũ em đông như gà. Ba má tôi nghèo, sắm một chiếc xe khác thật là một cao vọng đối với tôi. Điều đó, không bao giờ tôi dám nghĩ tới. Họa chăng là tôi sẽ nhịn tiền ăn quà sáng, để mua. Nhưng đâu phải hôm nào tôi cũng có tiền để ăn sáng. Thường thường, sáng nào chúng tôi cũng ăn cơm nguội. Năm khi mười họa mới có một hôm được phát tiền. Mà hôm đó phải nhịn ăn để dành tiền mua xe đạp thì thật là bất nhẫn. Vả lại nhịn như thế thì biết đến bao giờ mới đủ tiền mua xe?

Bỗng nhiên trước mắt tôi, dưới một gốc cây me, chiếc xe đạp của tôi hiện ra sừng sững. Đúng chiếc xe của tôi rồi : không đèn, không chuông, không “gạc đờ bu”, không đồ che sên, cũ kỹ xấu xí và thiếu thốn mọi thứ.

Chiếc khóa đã được mở tung ra. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, thì thấy một miếng giấy nhỏ dán trên chiếc yên xe với những hàng chữ : “Đừng khóa vô ích, Bảo tàng viện không cần dùng thứ này đâu”.

Tôi nửa mừng nửa tủi nhưng có lẽ mừng nhiều hơn, rồi phóc lên xe đạp từ từ. Mấy người thanh niên mặc đồ cao bồi, đứng bên kia đường, miệng phì phèo thuốc lá, chỉ về phía tôi, mỉm cười với nhau. Tôi không dám nhìn họ nữa và bỗng nhiên đạp thật nhanh dưới ánh nắng vàng rực rỡ ban trưa.

*

Sau một hồi do dự, tôi đưa tay bấm chuông rồi đứng chờ đợi dưới bóng cây hoa sứ từ trong tòa biệt thự vươn cành ra. Về mùa nắng, hoa nở thật nhiều, kết thành từng chùm trắng xóa. Trên cành không một chiếc lá xanh nào. Mấy cánh bướm bay vơ vẩn trên nền trời xanh nhạt. Một người đàn bà độ tứ tuần từ trong tòa biệt thự bước ra. Tôi đoán là một người giúp việc. Bà ta mở cánh cửa ngoài rồi mời tôi vào.

Lối đi có lót những tảng đá xám chen kẽ trên đám cỏ non xanh mướt. Những cây hoa sứ thả bóng mát loang lổ xuống hai bên lối đi. Chen vào đó, là những loại cây ăn trái như vú sữa, mãng cầu, xoài, ổi. Thật là một khu vườn lý tưởng. Cuối vườn là một cái hồ nhỏ nuôi cá vàng có đặt một hòn giả sơn ở giữa.

Tôi theo người đàn bà bước lên bực tam cấp. Bà ta mở cánh cửa phòng làm bằng kính mờ:

- Mời cậu vào, ông chủ đang chờ cậu trong đó.

Một người đàn ông mập mạp, đeo kính trắng, đứng dậy bắt tay tôi. Tôi rụt rè đưa bàn tay nhỏ bé cho ông ta nắm.

- Cậu ngồi chơi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông ta một cách rụt rè. Lần đầu tiên tôi được ngồi trong một căn phòng quá sang trọng. Phòng có đặt máy lạnh, nên mới bước vào tôi đã cảm thấy như nhiệt độ trong người thay đổi một cách đột ngột. Trước mắt tôi, một tấm tranh sơn dầu thật lớn trình bày phong cảnh một buổi chiều ở thôn quê. Màu nắng vàng úa chảy dài trên những khóm tre, bên cạnh một mái tranh tồi tàn. Trên con đường ngoằn ngoèo màu nâu sẫm dẫn đến căn nhà đó, một vài thiếu nữ tóc bỏ ngang lưng thong thả bước với gánh lúa trên vai.

Mải mê ngắm bức tranh đầy màu sắc hòa hợp đó, tôi quên hẳn mục đích của mình. Người đàn ông bắt đầu gợi chuyện:

- Chắc cậu đến đây để nhận dạy giùm mấy cháu?

Đôi mắt tôi rời khỏi bức tranh, nhìn vào chiếc tủ kính đựng đầy ly tách quí giá:

- Dạ. Cháu có thấy đăng trên báo Người Việt nơi đây cần một chân kèm trẻ.

- Đúng vậy. Tôi nhờ cậu kèm hộ giùm cho ba cháu. Một đứa lớp nhất, một đứa lớp ba và một đứa lớp tư. Cậu có thể dạy mỗi ngày một giờ được không?

- Dạ được. Thưa ông, dạy buổi sáng hay buổi chiều ạ?

- Cậu dạy hộ buổi chiều vì buổi sáng chúng nó bận học ở trường. Chúng nó cũng khá thông minh nhưng phải cái tật là ưa làm biếng. Cậu cứ đánh thẳng tay, đừng ngại gì cả. Tôi không có bênh con một cách vô lối đâu.

- Dạ.

- Trước kia, cũng có người dạy chúng nó. Nhưng ông ta vừa mới bị động viên. Ông giáo đó, lấy mỗi tháng hai ngàn. Thôi, thì cứ y như giá cũ, cậu bằng lòng chứ?

- Dạ!

Lần đầu tiên đi dạy kèm tư gia, tôi đâu có biết số lương ấy có xứng đáng với công dạy dỗ của mình hay không? Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời. Hai ngàn đồng, đối với tôi là một món tiền lớn vô cùng. Chưa bao giờ tôi được làm chủ một số tiền lớn bằng ngần ấy. Tưởng tượng đến cuối tháng được cầm trong tay bốn tờ giấy bạc năm trăm, tôi đã sướng run lên được. Tháng đầu tiên, tôi sẽ dành số tiền ấy để mua cho mỗi người một món quà. Tôi sẽ chọn cho ba một chiếc cà vạt thật đẹp và màu thật nhã. Mua cho má một chiếc nón Huế mà má hằng mơ ước – tôi sẽ gởi dì Lan về Trung mua hộ, vì dì ấy ra vô luôn mà lỵ – Cho Thúy một chiếc áo dài màu thiên thanh (chắc cô bé thích lắm). Cho cu Linh một đôi giày ba ta có đóng đế đinh đi kêu lộp cộp đàng hoàng. Cu Dũng một cây viết máy Pilot. Bé Hồng một chiếc áo đầm màu hồng có thêu hoa cúc vàng. Bé Diễm một con búp bế biết mở mắt nhắm mắt để bé khỏi chơi nhờ với lũ bạn hàng xóm. Cu Tân còn bé, mua cho nó một chiếc mũ len hay đôi bít tất cũng được. Ấy quên, còn ngoại nữa. Mua cho ngoại cái gì nhỉ? Phải rồi, mua cho ngoại một hộp trái vải. Ngoại thích thứ này lắm cơ. Còn mình? Mình sẽ mua một cuốn sách thật hay và thật đẹp rồi viết : “Kỷ niêm đầu tiên khi bước chân vào đời. Dùng mồ hôi và nước mắt (!) để đổi lấy đồng tiền”. Phải rồi! Như thế có vẻ nên thơ và… tiểu thuyết lắm!

Nhưng, với số tiền hai ngàn đồng, chả biết tôi có mua đủ ngần ấy thứ không? Mặc, để rồi mình sẽ tính. Còn các tháng sau tôi sẽ đưa hết cho má để sắm sửa cho các em hoặc lo miếng ăn, miếng uống cho gia đình. Khi nào cần, tôi sẽ xin trở lại một ít.

Tôi thấy lòng lâng lâng vui sướng, chợt mỉm cười mãn nguyện. Ông chủ nhà tự nhiên thấy tôi mỉm cười tưởng tôi chê ít:

- Đối với cậu, hai ngàn đồng có lẽ hơi ít phải không?

- Dạ không. Cháu đã nhận lời rồi mà.

- Vậy, ngày mai cậu bắt đầu dạy được chứ?

- Dạ. Chiều mai cháu sẽ lại.

Tôi đứng dậy xin phép ông ra về. Ông thân mật bắt tay tôi và đưa ra đến tận cổng.

Tôi cúi đầu chào ông ta một lần nữa. Ông ta đóng hai cánh cổng sắt lại. Tôi bỗng ao ước một tòa biệt thự như thế. Niềm ao ước cao vòi vọi, cao hơn cả tòa biệt thự, chắc chắn không đời nào tôi với tới nhưng vẫn thích được ao ước như thế.

Chiến tranh đã làm đảo lộn tất cả. Ngày xưa, gia đình tôi đâu đến nỗi khổ sở như thế này. Khi ba má tôi còn ở ngoài Trung, chúng tôi cũng có nhà cao cửa rộng như ai. Trước nhà cũng có một khu vườn đầy cây ăn trái và muôn vàn sắc hoa chen chúc. Nơi đó, biết bao kỷ niệm ấu thơ hãy còn để lại vết tích trong trái tim nhỏ bé của tôi. Rồi chiến tranh ùa đến, người ta tập trung dân chúng vào các ấp tân sinh. Bao nhiêu công lao gầy dựng từ bấy nhiêu đời, bỗng chốc biến thành đống tro tàn dưới sức tàn phá của bom đạn. Với đời sống tù túng trong các ấp chiến lược, chúng tôi chịu không nổi đành phải vào Saigon. Ba má tôi bắt đầu một cuộc gầy dựng khác bằng hai bàn tay trắng. Mấy năm trước, tôi hãy còn nhỏ nên chưa giúp ích gì được cho gia đình. Hơn nữa, ba má tôi rất cưng con, các người không muốn tôi phải vào đời quá sớm. Ba tôi thường bảo : “Con ráng học cho thật giỏi là ba má vui lòng rồi. đừng nghĩ gì đến chuyện đi làm. Con còn nhỏ, tương lai con còn dài. Thiếu gì ngày để con đi làm. Bây giờ cứ lo việc học đã. Ráng lên, chứ rớt phải đi lính rồi con sẽ hối hận”. Nhưng tôi không thể cứ ăn bám vào gia đình mãi. Làm sao yên tâm được để lao đầu vào sách vở khi cảnh nheo nhóc túng quẫn cứ diễn ra hằng ngày hằng hữa. Nếu mình không giúp ích gì cho ba má, ít ra mình cũng không phải là kẻ ăn bám gia đình chứ? Hơn nữa, mình là anh cả của một bầy em sáu đứa, đã từng này tuổi rồi mà chưa sắm cho em được một chiếc kẹo, chiếc bánh thì còn gì xấu hổ cho bằng. Mai mốt đi lính… công ơn cha mẹ vẫn chưa đáp đền… mình sẽ ân hận suốt đời. Nghĩ thế, tôi xin ba má tôi đi làm. Thằng Tài giới thiệu cho tôi một chỗ ở sở Mỹ, lương khá cao. Tôi hỏi ý kiến ba tôi, ông bảo : “Mày làm sở Mỹ tao từ mày luôn”. Sáng nay, mới mua tờ báo, đọc nơi mục rao vặt, thấy có một nơi cần sinh viên còn trẻ, tôi nói:

- Thôi, bây giờ ba cho con đi dạy ở chỗ này nha!

Ba tôi đọc xong lời rao ấy, miễn cưỡng trả lời:

- Ba đã nhiều lần nói với con là ba không muốn con đi làm. Nhưng con cứ đòi đi hoài, lần này ba đành chiều con vậy. Dẫu sao, đi dạy ở tư gia nó vẫn chiếm ít thì giờ của con hơn. Nhưng thực lòng là ba không muốn tí nào đâu.

Đôi mắt ba tôi chơm chớp, ông quay đi nơi khác, không còn nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi ngập ngừng:

- Tóc ba đã bắt đầu lâm râm bạc rồi mà vẫn chưa có một căn nhà để ở. Con không còn muốn đi học nữa. Con muốn vào đời ngay từ hôm nay.

- Không được! Con phải nghĩ đến tương lai của con! Đời ba bây giờ không phải sống cho ba nữa mà sống vì các con. Con phải hứa với ba là con chỉ dạy một nơi ấy thôi, còn để tất cả thì giờ cho việc học. Có thế, ba mới cho con đi dạy.

- Con xin hứa.

Nói xong, tôi xin phép ba rồi xách xe đạp chạy một mạch ra đường. Ba tôi cũng lo sửa soạn đi làm. Má tôi đã gánh hàng rong ra chợ từ lúc trời chưa sáng hẳn. Các em tôi, có đứa đi học, có đứa đang chơi với lũ trẻ hàng xóm. Thúy bận đưa cu Tân ở nhà sau nhưng nó đã nghe được những lời đối thoại giữa ba tôi và tôi.

Lúc tôi về đến hà, Thúy đã ngủ tự bao giờ trên chiếc võng gai với cu Tân. Mái tóc nhung huyền buông lơ lửng trên mặt đất và phủ một phần gương mặt hiền hậu của cô bé. Tôi thấy thương Thúy quá! Mới ngần ấy tuổi đầu mà biết bao nhiêu khổ cực đã đến với nó. Thúy nhỏ hơn tôi ba tuổi, năm nay cô bé mười bảy. Cái tuổi đầy hoa đầy mộng, và thêu dệt biết bao niềm mơ ước trong lòng. Thúy học đến đệ nhị rồi đành phải nghỉ học, ở nhà giúp má tôi nấu cháo nấu chè đi bán và săn sóc các em. Trong các em của tôi, tôi thương Thúy nhất, bởi nó bị thiệt thòi hơn cả.

Thúy đang ngủ, tôi không muốn làm mất giấc ngủ của em. Nhưng vô tình, tôi đụng phải một đầu võng, cô bé chợt giật mình thức giấc.

- Anh về lúc nào sao không kêu em dậy?

- Anh mới vừa về. Tính để em ngủ nhưng đã làm em thức giấc. Em ngủ tiếp đi, khi hôm thức khuya quá phải không?

- Em đưa cu Tân rồi ngủ luôn. Chả biết nó ngủ lúc nào… Mấy giờ rồi anh? Em dậy nấu cơm chứ ba má về bây giờ.

Tôi nhìn chiếc đồng hồ để trên bàn. Chiếc đồng hồ đã cũ, một người bạn của ba tôi cho từ đời nào.

- Mới có 10 giờ hơn. Còn sớm chán mà.

- À! Khi mai giờ anh chưa ăn gì hết. em lấy cơm chiên cho anh ăn nghe, em để phần cho anh đó. Cơm chiên ngon lắm!

- Sao không cho các em nó ăn?

- Mấy đứa lớn ăn rồi, còn mấy đứa nhỏ ăn cháo.

- Em ăn chưa?

- Em cũng ăn rồi.

Tôi cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, thật nhẹ như tia nắng vàng chiếu xuyên qua đám mây, tâm hồn như một con suối hiền thật ngọt chảy qua cánh đồng cỏ non xanh mướt. Một nỗi êm đềm bao la phủ mát trên từng làn da thớ thịt.

*

- Tuấn! Đưa thời khóa biểu thầy coi. Ngày mai có những bài gì nào?

- Thưa thầy, Đức dục, Sử ký, Thường thức và Toán đố.

- Thuộc bài chưa? Đọc thầy nghe xem nào!

- Thưa thầy, mới thuộc có bài Đức dục với Sử ký còn Thường thức em chưa thuộc. Toán đố về động tử nghịch chiều khó quá em làm chưa được.

- Sao không chịu học bài Thường thức?

- Dạ em học không kịp.

- Sao lại không kịp, lo đi chơi phải không? Đưa tay ra đây. Nga, đưa thầy mượn cây thước kẻ, mau lên!

Bé Nga đang hí hoáy viết, nghe tôi gọi, nó giật nẩy mình, cầm cây thước rụt rè đưa tôi rồi tiếp tục viết.

- Thầy đã dặn cứ mỗi bài không thuộc là được “ăn” ba thước, em nhớ không?

- Dạ nhớ!

- Đưa tay ra đây!

Tuấn do dự một lúc rồi từ từ đưa tay ra phía trước bàn.

- Giơ cao lên, không thôi đụng bàn đau lắm đó. Cấm thụt nghe không? Thụt một cái là thầy đánh thêm năm cái nữa. Nhớ không?

- Dạ nhớ!

- Lần sau phải học bài cho thuộc nghe không? Đừng lười biếng nữa nha!

- Dạ.

Tôi giơ cây thước lên thật cao và quật xuống thật mạnh. Thằng bé xuýt xoa mấy cái, rồi lấy tay kia xoa xoa lên bàn tay vừa bị đánh.

- Em đổi tay khác nghe thầy. Thầy đánh đau quá!

- Có đau mới chịu học! Ai biểu lười biếng.

Thằng bé đưa tay kia ra. Tôi quất mạnh xuống hai thước nữa. Mặt nó nhăn nhó, nhưng không dám khóc.

- Đọc bài Đức dục với Sử ký xem nào.

Nó lấy sách đưa tôi rồi đứng vòng tay lại đọc một hơi từ đầu đến cuối, xong bài này đến bài khác.

- Khá lắm! Học tiếp bài Thường thức đi. Toán đố chốc nữa thầy giảng.

Tôi quay sang cô bé:

- Bé Nga thuộc bài chưa? Mai có những bài gì nào?

- Thưa thầy Học thuộc lòng, Ngữ vựng và Toán nhân.

- Đọc bài Học thuộc lòng xem nào.

- Thưa thầy bài:

    Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
    Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

- Được rồi, đọc tiếp bài Ngữ vựng.

- Thưa thầy, bài “giúp đỡ bạn bè”.

Nga đọc thật trơn tru, không vấp váp một chữ nào. Bé Nga học bài rất chóng thuộc (hình như đó là môn sở trường của con gái hay sao ấy) nhưng nó lại dốt toán.

- Đưa mấy bài toán nhân thầy xem nào!

Bé cầm cuốn sách đưa tôi, rồi ngó anh nó, lè lưỡi một cái.

- Sai nữa rồi! Sáu lần bảy bao nhiêu hở bé?

- Thưa thầy sáu lần bảy bốn hai.

- Viết mấy nhớ mấy?

- Viết bốn nhớ hai. Ý quên, viết hai nhớ bốn.

- Sao em lại viết ba nhớ bốn?

- Thưa thầy… em quên.

- Đưa tay ra đây, quên thì đánh hai thước cho nhớ!

Chưa chi bé đã rươm rướm nước mắt rồi. Con gái ưa làm nũng với thầy lắm, chưa đánh đã khóc. Nhưng đối với tôi, không bao giờ có chuyện “ân xá” xảy ra.

Tôi đánh cô bé hai thước, nó ngồi thút thít mãi.

- Sửa bài toán này đi, rồi lấy sách toán đố ra thầy cho bài làm bây giờ.

Nó đưa sách toán cho tôi. Tôi nhìn đăm đăm vào trang sách mà không đọc được chữ nào. Trí tưởng tôi chợt bay đến một khung trời ấu thơ, với những sáng ươm ướp sương mai, những chiều nắng vàng loang loáng, những trưa mùi lúa chín xông lên ngào ngạt. Ở đó bao nhiêu kỷ niệm đã nảy mầm trong quả tim hồng nhỏ bé của tôi. Con đường đi đến trường có nhiều cỏ gà và hoa mút mật màu đo đỏ. Có nhiều trái mú dẻ màu vàng tươi như những quả chuối mật, nhỏ bằng ngón tay cái thơm ngon vô cùng. Năm ấy, tôi cũng bằng tuổi bé Nga bây giờ và cũng đang học lớp tư. Độ nhỏ tôi rất dốt môn chánh tả. Có một lần thầy giáo cho viết một bài độ năm giòng, thế mà tôi viết đến mười lỗi. Ông ta bắt tôi giơ hai bàn tay ra, để sấp xuống, mỗi bàn lãnh năm thước. Cái thước đâu phải nhỏ như thước bây giờ. Nó to bằng một ngón tay cái của người lớn, làm bằng gỗ mun đen tuyền và chắc vô cùng. Tôi bị đánh đau quá, khóc ré lên và chạy ù một hơi về nhà, mặc cho tiếng thầy giáo gọi lại. Má tôi cầm hai bàn tay sưng rướm máu của tôi, khóc nức nở. Ngoại tôi chạy đi kiếm dầu kiếm thuốc xoa bóp cũng rưng rức khóc theo. Nhưng trưa ba tôi về, ông vẫn bình tĩnh như không, còn bảo đáng kiếp ai bảo không chịu học. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, không chịu đi học nữa. Ngoại và má đều bênh tôi. Nhưng chừng vài ngày sau ba tội lại đích thân dẫn tôi đến trường giao cho ông thầy giáo nổi tiếng “ác” với học sinh đó. Từ đó về sau, tôi không bị một trận đòn nào lớn hơn nữa. Cho đến bây giờ, tôi trở thành thầy giáo, mặc dù chỉ là một “cậu giáo” dạy kèm chứ chả danh giá gì. Bỗng nhiên, tôi thấy thương Tuấn và bé Nga quá. Tôi không ngờ là mình đã đánh chúng nó, mặc dù những thước roi này so với những thước roi tôi bị cách đây mười mấy năm thì chả thấm thía vào đâu. Tôi vuốt mái tóc bé Nga rồi hỏi:

- Đau không bé?

- Đau quá thầy.

- Đau không Tuấn?

- Đau quá thầy.

- Có giận thầy không Tuấn?

- Dạ không. Thầy thương em thầy mới đánh chớ, em đâu dám giận thầy.

- Còn bé?

- Bé cũng không giận thầy đâu. Bé thương thầy lắm chứ bộ.

- Thôi, Lộc đọc bài thầy nghe đi nào! Nga làm bài số 2 trang 83 nhé!

*

Tôi bỏ bốn tờ giấy năm trăm vào túi, chào ông chủ nhà, rồi ra về. Món tiền đầu tiên do công lao mình tạo nên. Nó thật to lớn đối với tôi vì chưa bao giờ tôi được làm chủ món tiền như thế. Nhưng nó cũng thật nhỏ bé, ít ỏi vô cùng, khi tôi nghĩ đến ba mươi ngày dài đã qua, tôi tốn không biết bao nhiêu sức lực, để cuối cùng lãnh được bốn tờ giấy như thế. Tôi nhớ đến những lần phải giảng rát cả cổ, khô cả tiếng mà chúng nó vẫn chưa hiểu. Tôi vẫn nhẫn nại, kiên gan nói đến khi chúng hiểu mới thôi. Bực bội khi chúng không làm bài, giận dữ khi chúng nghịch ngợm. Đổng thời, tôi cũng tìm thấy những niềm vui nhỏ bé trên những gương mặt măng sữa đó, mỗi khi chúng làm được một bài toán đố khó hay viết bài chánh tả không có lỗi nào. Tôi rất nghiêm trong lúc học và thật dễ dãi trong lúc hết giờ, ngồi chơi. Chúng nó kể cho tôi nghe mọi chuyện ở trường, ở lớp, ở nhà. Chuyện bạn bè, chuyện thầy giáo cô giáo của chúng nó. Chúng xem tôi như một người anh cả trong gia đình hơn là một ông thầy. Tôi cũng thương chúng như lũ em tôi.

Chiếc xe đạp lăn bánh trên con đường nhựa loang loáng ánh nắng buổi chiều. Sao hôm nay con đường dài ghê! Tôi vừa đạp xe, vừa huýt sáo miệng. Quanh tôi, cảnh vật như bừng lên một nguồn sống mới. Lá hai bên đường như xanh hơn mọi ngày. Hoa rực rỡ và nắng cũng vàng hơn mọi ngày. Tôi nghe văng vẳng như có tiếng chim hót đâu đây (hay tiếng chim đã hót tự đáy lòng tôi). Một niềm vui bao la ùa đến như một cơn gió mát thoáng qua, tôi khẽ mỉm cười mãn nguyện.

Má sẽ có một chiếc nón Huế. Ba sẽ có một chiếc cà vạt thật đẹp. Thúy sẽ có một chiếc áo dài màu thiên thanh. Ngoại một hộp trái vải. Và các em tôi… với những món quà nho nhỏ… Tôi sẽ nắn nót viết từng chữ trên quyển sách mà tôi hằng mơ ước “Kỷ niệm đầu tiên khi bước chân vào đời. Dùng mồ hôi và nước mắt để đổi lấy đồng tiền”.

Niềm mơ ước bay cao tuyệt vời, lóng lánh như những hạt sương mai trắng ngà.

Tôi sẽ dành một sự ngạc nhiên vô cùng cho mọi người. Con sẽ đợi dì Lan đi Huế về, con mới đưa chiếc nón bài thơ cho má, một lượt với chiếc cà vạt của ba. Ngoại ơi, chờ con nghe ngoại. Con sẽ mua một hộp trái vải thật ngon ngoại nhé! Con sẽ nhờ Thúy đi mua với con chứ con đâu biết trả giá. Con sẽ bảo Thúy lựa thứ nào thật to, thật trắng và thật nhiều cơm. Chắc ngoại thích lắm phải không? Còn Thúy, anh sẽ dẫn Thúy đi lựa hàng. Ừ! Chiếc áo dài màu thiên thanh mà em hằng mơ ước đó. Chắc em sẽ ngạc nhiên vô cùng phải không? Rồi hai anh em mình đi mua đồ cho lũ nhỏ nữa Thúy nhé! Đừng cho ai biết hết nghe. Chỉ một mình anh với Thúy biết thôi, chịu không?

Chiếc xe đạp vừa lách vào đầu hẻm, đã nghe tiếng cãi lộn vang lên. Hình như những âm thanh ấy phát ra từ ngôi nhà nhỏ bé nghèo nàn của tôi. Linh tính báo trước như sắp có một việc gì chẳng lành xảy ra. Tại sao lại ở nhà tôi nhỉ? Tôi dựng chiếc xe đạp dựa vào hông nhà, rồi ái ngại bước vào.

Một người đàn bà mập mạp, gương mặt dữ tợn. Hai hàng lông mày rậm và đen như hai con đỉa đang cắn nhau trên vầng trán hẹp. Đôi mắt lươn nham hiểm thủ đoạn. Chiếc mũi dẹp như một quả cà chua ai đặt vào giữa khuôn mặt. Mới nhìn, tôi đã không có một chút cảm tình nào. Tôi chào bà ta. Bà ta vẫn thản nhiên ngồi trên chiếc ghế dựa, quay mặt đi nơi khác, không thèm trả lời. Má tôi ngồi dưới đất, như đang quì dưới chân bà. Giọng bà ta xỉa xói:

- Chị hứa với tôi là cứ 20 tây chị sẽ đem đủ tiền lời đến cho tôi. Năm trăm bạc đâu có là bao nhiêu, sao chị dễ nuốt lời hứa quá vậy? Còn tiền vốn, năm ngàn, chừng nào có chị đưa cũng được, tôi có nói gì đâu?

Má tôi nói như muốn khóc:

- Bà hai thông cảm giùm tôi, tội nghiệp. Tôi tuy nghèo, nhưng lúc nào cũng muốn giữ lời hứa! Mấy tháng trước tôi đều đưa đúng ngày, có tháng nào trễ hẹn với bà hai đâu. Nói thật bà hai thương, tháng này chẳng may thằng cu Tân nhà tôi nó bị đau, tốn không biết bao nhiêu thuốc thang, nó mới khỏi được mấy hôm. Thành thử kẹt tiền cho bà hai, tôi cũng không dám lại để hẹn với bà hai…

- Ai thương tôi mà tôi thương chị? Con chị đau thì chị biết chứ làm sao tôi biết được?

- Bà hai thông cảm giùm… từ nay đến năm tây, thế nào tôi cũng đem tiền lời đến cho bà hai.

- Không thông cảm thông cúm gì hết. Chị không trả tôi cứ ở hoài ở đây, cho đến khi nào chị trả thì thôi.

- Tội nghiệp tôi mà, bà có đợi cách mấy, tôi cũng không kiếm đâu ra để đưa bà hai.

- Ăn nói ngon nhỉ? Bây giờ chị lì rồi phải không? Được rồi, để tôi mời cảnh sát vô đây nói chuyện với chị.

Rồi bà bước ra ngoài. Chả biết nghĩ sao bà ta lại bước trở vô:

- Được rồi, mày không trả thì thôi. Tao cũng chả cần mời ai hết. Mai tao thuê cao bồi đến đây nó hỏi tội mày. Bộ bay tưởng ăn cướp ăn giựt dễ lắm sao? Cướp giựt của ai chứ cướp giựt con này không được đâu nha! Nói trước cho biết.

Má tôi lặng thinh. Má không nói thêm được lời nào nữa. Những lời xỉ vả ấy như những nhát dao chém vào đầu óc tôi. Tôi không thể nào chịu được. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe một người mắng má tôi vì vấn đề tiền bạc. Cũng chỉ vì nghèo mà ra thế. Ngày trước, khi chưa chiến tranh, gia đình tôi còn ở ngoài xứ, có ai dám nói nặng với má tôi một lời nào đâu, nói chi đến chuyện mắng mỏ. Tôi cảm thấy một nỗi tủi nhục trào lên đến tận cổ. Và trong bỗng chốc, một quyết định đến với tôi thật nhanh. Tôi thò tay vào túi quần, móc ra bốn tờ giấy năm trăm:

- Bà hai, bà nên giữ lời một chút! Đây, tiền của bà đây! Bà lấy đỡ hai ngàn… hai tháng sau tôi sẽ thanh toán đủ cho bà!

Đôi mắt bà sáng lên, bà ta đưa tay vói lấy bốn tờ giấy bạc bỏ gọn vào túi rồi phân bua với má tôi:

- Như vậy là chị mới trả cho tôi có một ngàn rưỡi. Còn năm trăm là tiền lời phải không?

Má tôi rươm rướm nước mắt, khẽ gật đầu. Người đàn bà vui vẻ bước ra, không thèm chào ai hết. Má tôi nghẹn ngào, không dám ngước mắt nhìn tôi, có lẽ má sợ sẽ không giữ được những giọt nước mắt của mình.

- Minh!... Tháng lương đầu tiên trong đời con… là để trả nợ cho má…

- Con… con… không muốn ai… mắng má hết!

Những niềm mơ ước của tôi lóng lánh như những giọt sương mai trắng ngà. Những giọt sương đã tan rã vì một tia nắng ấm mới lên. Tia nắng ấm là niềm vui trong lòng má và niềm vui ấy đã sưởi ấm tâm hồn con. Con đã đổi những giọt sương ngà để xin một tia nắng ấm, má biết không hở má? Giọt sương thì vô cùng mong manh và tia nắng vô cùng ấm áp má ơi!


TRINH HOÀNG

__________________
(1) Nhại thơ Thế Lữ


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 104, ra ngày 15-4-1969)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com