Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

KỶ NIỆM - Trinh Chí



Chỉ còn một buổi chiều nữa là tôi sẽ xa thành phố Tuy Hòa. Bắt đầu ngày mai tôi sẽ về quê hưởng một mùa hè thơ mộng bên cạnh người mẹ hiền và đứa em nhỏ dại. Nắng nhuốm vàng đường phố loang lổ màu huyết phượng rơi.

Còn một buổi nữa, biết làm gì cho hết nhỉ? Hay là mình đến thăm cô giáo Việt văn. Phải rồi! Tôi rủ thằng Giáo, thằng Danh và chị Thủy cùng đi. Qua khỏi một con đường đất nhỏ và một vườn hoa đầy hương thơm ngát, chúng tôi đến nhà trọ của cô giáo vừa lúc cô đang sắp xếp hành lý để mai về Nha Trang. Không kịp chúng tôi hỏi, cô đã nở một nụ cười để chào ba cậu và một cô học trò.

- Các em đến thăm cô đấy à?

- Dạ! Chưa gì mà cô lo sắp xếp đồ đạc sớm quá vậy?

- Để mai rảnh còn đi thăm mỗi nơi một ít chứ.

- Mai cô định đi chuyến tàu mấy giờ đó cô?

- Chắc cô phải đi chuyến 2 giờ chiều chứ chuyến 6 giờ sáng sớm quá.

Chị Thủy hỏi:

- Thưa cô, chiều nay cô có rảnh không?

- Rảnh chứ sao không. Các em định rủ cô đi đâu đó? Hay là Thủy muốn bao cô một chầu chè lạnh phải không?

Chị Thủy cười, nhe hai hàm răng trắng nõn:

- Dạ không. Em muốn mời cô ra biển “hứng gió” với chúng em cho vui.

Nghe chị Thủy nói thế, chúng tôi vội “tán đồng ý kiến”:

- Phải đó! Đi biển chơi đi cô.

Cô nhìn tôi – cậu học trò cưng nhất của cô – mỉm cười rồi bảo:

- Chính lại kệ sách đem dùm mấy quyển Việt văn cô sắp vô rương rồi đi.

Xong đâu vào đấy, chúng tôi gồm một “phái đoàn” năm người bắt đầu khởi hành. Danh, Giáo và tôi đi trước. Cô và chị Thủy vừa đi vừa tâm sự ở sau. Bóng chúng tôi ngã trên mặt lộ mỗi lúc một dài thêm. Hai bên đường những đóa hoa phượng e lệ cắn đỏ đôi môi ửng hồng. Mấy đám mạ nón mới cấy xanh mượt và bằng phẳng như một tấm thảm khổng lồ. Bầu trời trong xanh, không gợn một làn mây mỏng. Gió hiu hiu thổi như mơn trớn, làm phất phới những tà áo dài trắng xóa.

Chẳng mấy chốc, rặng phi lao ở bờ biển hiện ra trước mắt chúng tôi, với một bãi cát trắng lấp lánh phản chiếu ánh sáng mặt trời trông như những hạt kim cương nhỏ li ti.

Và kia! Mặt biển trong xanh chạy mãi cho đến dãy núi ở chân trời. Nếu không có những làn sóng bạc đầu đuổi bắt nhau, người ta có thể ví đó như một tấm kính khổng lồ. Vài cánh buồm nhấp nhô trên làn sóng như nhảy múa, như reo mừng. Ba đứa chúng tôi đứng đợi cô và chị Thủy ra. Lấy chiếc nón dựng ngửa trên bãi cát, chị Thủy bỏ ra một mớ đậu phọng rồi bảo:

- Mời cô và các “nhóc tì” ăn đậu phọng.

Không đợi mời đến lượt thứ hai chúng tôi “tấn công ác liệt” vào chiếc nón khiến chị Thủy phải nhăn mặt kêu trời:

- Để cô ăn với chứ, mấy “ôn” con!...

Rồi chị quơ một nắm thật lớn bỏ vào bàn tay cô. Cô mỉm cười:

- Để cho tụi nó ăn. Cô ít ăn đậu phọng rang lắm.

Ăn xong chúng tôi để mặc chị Thủy và cô giáo ở đấy, chạy ra nô đùa với sóng biển. Vui lắm cơ, chúng tôi đứng ở mép bờ biển chờ những làn sóng chạy đến gần mình rồi mới chạy vào bờ. Những làn sóng ấy sao mà giỏi thế không biết. Lần nào chúng nó cũng đuổi kịp chúng tôi và níu lấy chân chúng tôi làm ướt cả quần áo. Đôi khi chúng tôi cũng thắng chúng nó vậy, song rất ít. Thằng Giáo bỗng nảy ra một trò chơi mới:

- Bắt còng chơi Chính!

- Ừ! Phải đấy. Chịu không Danh?

Lẽ dĩ nhiên là thằng danh cũng gật đầu “đắc co”. Các bạn có biết con còng không? Nó chính là con dã tràng đó các bạn ạ. Giống như con cua nhưng cao “giò” hơn, và ốm yếu như “thư sinh” vậy. Mai của nó hơi ngả sang màu xanh dương. Muốn bắt nó không phải dễ đâu nhé. Bạn phải nhử nó bằng cách là đứng xa cái hang của nó ra. Chờ lúc nó chui lên đi kiếm ăn là bạn chạy theo, chụp lấy nó. Nhưng cho khéo chứ không thì nó “kẹp” đấy nhé.

Chúng tôi chia nhau mỗi đứa “hùng cứ” một phương và bắt thi xem thử đứa nào được nhiều. Trong bọn, tôi là đứa bắt kém nhất bởi vì tôi nhát gan quá cứ sợ nó “kẹp”. Thằng Danh bắt rất tài. Nó được một con còng khá to. Tôi đề nghị:

- Đem cho cô đi tụi bay!

Thế là ba đứa chúng tôi chạy lại chỗ cô ngồi. Lúc bấy giờ có mấy chị nữ sinh Đệ Tứ mới đến nữa (Năm ấy, chúng tôi học Đệ Thất). Trời mát dần, thiên hạ đi tắm biển càng lúc càng đông. Tôi đem con dã tràng đến bên cô:

- Thằng Danh nó tặng cô đấy.

- Gì vậy?

- Thưa cô, con dã tràng.

Cô cười – bao giờ cô cũng cười mà lỵ.

- Dã tràng xe cát biển đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Cô lượm một sợi dây trên bãi, cột vào càng con dã tràng, buộc vào một viên đá lớn rồi để tự do cho nó đào hang trốn.

Chơi chán, chúng tôi rủ nhau ra biển tắm. Ngụp lặn trong làn nước trong xanh và mằn mặn chúng tôi cảm thấy khoan khoái làm sao. Gió ở đây mỗi lúc một nhiều khiến chúng tôi mát lạnh.

Trời tối dần. Cảnh hoàng hôn trên bãi biển sao mà thơ mộng lạ lùng. Những đám mây tím, đỏ chen nhau tìm chỗ đứng. Mặt trời xuống dần phía chân núi, người ta có cảm tưởng như mặt biển nhuốm máu.

Từ xa bỗng có tiếng chị Thủy gọi:

- Giáo ơi! Cô kêu về.

Ba chúng tôi vội chạy lên bờ thay quần áo rồi lại phía cô. Cô nhìn tôi mỉm cười:

- Nãy giờ cô quên mất. Sao Chính không làm thơ đi.

Tôi ngượng muốn chết, chẳng biết trả lời sao, thì thằng Danh xen vào:

- Thưa cô, thi sĩ bận đi bắt dã tràng đấy ạ.

Cô ra lệnh cho cả bọn ra về. Chiều xuống dần, xuống dần cho đến lúc mặt trời đi ngủ dưới đáy biển.

Trưa hôm sau, thằng danh về Đông Tác, cô giáo đi Nha Trang.

Chị Thủy, thằng Giáo và tôi đáp xe lửa về La Hai. Ngồi trên xe, tôi cố ôn lại những kỷ niệm dưới mái học đường. Nào những lúc học không thuộc bài bị thầy phạt. Nào những lúc đi học trễ bị quì. Và nhất là lúc được cô giáo khen mình là “thi sĩ” vì làm trúng cách bốn câu thơ lục bát, tôi cảm thấy lòng sung sướng vô hạn. Tôi liên tưởng đến thằng Danh vóc người cao lớn khỏe mạnh, rất giỏi Anh văn. Thằng Hoàng “Copie”. Thằng Tiến luôn luôn không thuộc bài. Thằng Thanh và chị Dung là hai cây toán. Chị Trinh vô địch Việt văn…

Tôi nghĩ đến gia đình chú Bảy (nhà tôi trọ học) với bao kỷ niệm êm đềm tôi đã chôn giấu ở đó ; làm sao kể xiết. Nào những lần bị lụt tối không chỗ ngủ. Nào những lần đi câu cá với tụi nhỏ con chú Bảy. Nào những lần lên núi Nhạn… chọc khỉ, hái hoa mai. Tôi lật ra từng trang lưu bút để xem những nét mặt quen thân và chợt nhớ đến câu thơ của XUÂN TÂM mà cô giáo đã dạy:

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi trời mai đầy ánh sáng

Thấm thoát đã năm năm trời trôi qua. Tôi không có dịp trở lại Tuy Hòa. Mùa khai giảng năm sau tôi theo mẹ vào SàiGòn sống với ba tôi. Những hình ảnh ở Tuy Hòa bây giờ chỉ còn là một kỷ niệm, kỷ niệm đã in sâu trong trí óc tôi không bao giờ phai mờ được. Bây giờ tôi là một kẻ xa quê hương, tiếc nuối những hình ảnh cũ. Chẳng biết mọi người còn nhớ đến tôi chăng? Riêng tôi tôi vẫn nhớ đến cô giáo , thằng Danh, thằng Giáo và chị Thủy. Nhất là thằng Danh, tấm ảnh dán vào cuốn lưu bút tôi vẫn còn giữ kỹ. Bây giờ mùa hè lại đến và lại gieo vào hồn tôi một nỗi buồn man mác nữa.


TRINH CHÍ      


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 48, ra ngày 1-7-1966)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com