Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHƯƠNG XI, XII_THUNG LŨNG RẮN



CHƯƠNG XI



Trong khi Tuấn, Đàm lén bò lên Cấm Thành thì ở một bìa rừng ngoại địa Thung lũng Rắn, Dung và Bạch Liên đang nóng lòng chờ đợi xem có biến cố gì xảy ra. Phong đã dẫn hai chị em đến một nơi an toàn, Nhưng cũng từ đó hai chị em không còn biết tin tức gì nữa.

Hai người được ở trong một lều vải, cạnh lều của Phong và các bạn của anh. Nếu Phong không tiết lộ nhiệm vụ của anh, Dung và Bạch Liên đã bỡ ngỡ tưởng đâu anh ta và các bạn đang sống một cuộc đời du mục. Nhưng cảm tưởng đó tan biến ngay khi hai người thấy một người Thượng cầm súng đứng gác trên một mô đất, cách lều không xa. Trong lều của Phong, một thanh niên Việt đang cắm cúi bên chiếc máy truyền tin nhỏ, và bên cạnh anh, một thanh niên Thượng thứ hai đang say ngủ vì vừa được đổi phiên gác.

Ngoài ba người đó, không còn ai nữa. Chiều qua sau khi đưa Dung và Bạch Liên tới đây, Phong đã lại đi ngay với sáu người khác đến sáng hôm nay vẫn chưa thấy về.

Hai chị em không biết làm gì hơn là ngồi băn khoăn với những câu hỏi : Không biết tình hình ở nhà ra sao ? Tuấn, Đàm đã về chưa ? Và ông Quách Tiến với ông Diệp nữa ?

Người thanh niên Việt chợt rời chiếc máy truyền tin bước ra khỏi lều. Tên anh là Cảnh. Anh mỉm cười tiến lại chỗ Dung và Bạch Liên, nói :

- May quá, tôi vừa bắt được liên lạc với một đồn binh ở đây xong. Đại úy tiểu khu trưởng đang hành quân không có mặt ở căn cứ, nhưng người phụ tá của ông ta hứa sẽ trình lại với ông về tình hình nghiêm trọng ở đây, và hứa sẽ phái quân tiếp viện đến. Đồn binh này ở cách đây 50 cây số không biết có can thiệp kịp thời không.

Bạch Liên hỏi :

- Các anh đóng trại ở đây lâu chưa ?

- Mới mấy ngày. Chúng tôi di chuyển luôn.

- Chắc vui lắm anh nhỉ ?

- Cũng có phần nào thích thú chứ không vui lắm, vì còn phải lo công vụ, và phải đương đầu với rất nhiều nguy hiểm bất trắc…

Dung bật hỏi :

- Các anh làm gì ?

Cảnh cười nhếch mép :

- Bí mật quân sự ! Nhưng hiện thời hai cô đang dự vào một biến cố nhỏ có thể sắp bùng nổ mà chưa ai lường được hậu quả ra sao, nên tôi có thể nói cho hai cô biết là hiện chúng tôi đang theo dõi ngăn chận một vụ buôn bán thuốc phiện lậu…

Bạch Liên ngạc nhiên :

- Thuốc phiện ? !

- Phải. Hẳn các cô cũng biết ở vùng này, dọc biên giới Hạ Lào Trung Việt có rất nhiều thuốc phiện. Thoạt đầu chúng tôi chỉ để ý đến vụ này nhưng rồi lại thấy Hắc Xà có dính líu vào…

- Hắc Xà buôn bán thuốc phiện lậu ?

- Hắn dùng thuốc phiện để làm món hàng đổi chác mua bán khí giới lương thực cung cấp cho lực lượng của hắn. Bởi vậy, từ vụ thuốc phiện đến vụ nổi loạn của Hắc Xà có liên quan với nhau và bắt buộc chúng tôi phải dính mũi vào.

Dung thở dài :

- Thật là rắc rối. Cũng may có các anh biết trước mà đề phòng. Nhưng chẳng hiểu sự việc đang diễn biến ra sao mà chưa thấy động dạng gì hết !

Cảnh cười nhìn Dung :

- Cô sốt ruột lắm phải không ? Chiến tranh là như vậy đó cô. Hễ có chiến cuộc là có sự khắc khoải, lo âu…

Cảnh chợt im vì có tiếng gọi và tiếng người đứng canh trả lời. Anh nói :

- Phong đã trở về. Chắc có nhiều biến chuyển !

Phong phóng ngựa vào trại, theo sau có hơn mười người nữa, trong số có cả sáu người đi từ sẩm tối hôm trước. Họ phần đông là người Thượng, trung thành với chính nghĩa nên sẵn sàng đứng về phía chính phủ chống lại Hắc Xà.

Phong lo cho người ngựa ăn uống nghỉ mệt, rồi mới đến ngồi xuống cỏ, cạnh Dung và Bạch Liên. Anh chỉ gật đầu hỏi :

- Bình yên chứ hai cô ?

Đoạn quay sang Cảnh, anh nói :

- Đêm qua có đụng độ. Tụi này phục kích một đoàn tiếp vận khí giới của Hắc Xà.

Anh rút một vật tròn bằng kim khí giơ ra :

- Coi này. Lựu đạn ! Mình chiếm được bốn thùng !

Cảnh đắc ý :

- Hay quá ! Anh có được tin tức gì không ?

- Nhiều lắm. Tôi đã gặp ông Quận. Ông cho biết vài ngày nay có xảy ra những vụ quấy rối lẻ tẻ, quan trọng hơn hết là vụ âm mưu phá hoại bộ máy truyền tin của đoàn dân vệ khiến phương tiện liên lạc của quận với các nơi bị gián đoạn. Trên sở mỏ cũng có những vụ quấy rối tương tự.

Nhưng cuộc chiến chưa bùng nổ ngay đâu. Tôi có cảm tưởng đây chỉ mới là giai đoạn mở đường chờ Hắc Xà tập trung đầy đủ quân số của hắn. Hình như hắn có một số thủ hạ khá quan trọng đang ẩn nấp sau dãy núi bên kia thung lũng. Tuy chưa biết đích xác, nhưng tôi ngờ hắn sẽ tấn công vào quận đêm nay. Hắn sẽ cố chiếm trọn thung lũng rồi sáng hôm sau mới cướp phá sở mỏ. Bọn mình không thể làm gì được ngoại trừ…

Bạch Liên hỏi :

- Quân của Hắc Xà có đông không anh ?

- Khó ước lượng nổi, vì chưa biết đích xác những nơi nào theo hắn. Hiện thời trong thung lũng có độ vài trăm người.

- Bên ta có bao nhiêu người ?

Phong mỉm cười :

- Vài chục cảnh vệ của sở mỏ, khoảng ba chục dân vệ trên quận, và mấy người của mình đây. Dăm bảy chục người phải chống chọi với vài ba trăm người, có khi hơn nữa. Phiền hơn hết là nếu Hắc Xà chiếm trọn được Thung lũng Rắn, ảnh hưởng và thanh thế của hắn sẽ lan rộng khắp vùng. Nếu không bóp vỡ ngay cuộc nổi loạn khi còn trứng nước với một nhóm vài trăm người, Chính phủ sẽ phải đương đầu với một cuộc nội chiến qui mô hơn.

Để Phong dứt lời, Cảnh mới nói :

- Từ nãy, tôi chưa kịp báo cáo để anh rõ là tôi đã liên lạc được với tiểu khu. Nếu có quân tiếp viện, tình thế sẽ lật ngược trở lại. Mình nên cho người đón đường và hướng dẫn để quân tiếp viện khỏi lọt vào ổ phục kích.

Phong nói :

- Dĩ nhiên, nhưng trong khi chờ đợi, mình cũng phải thi hành kế hoạch của mình.

Cảnh hỏi :

- Kế hoạch thế nào ?

- Phản công theo lối du kích. Tối nay mình sẽ xuống thung lũng. Mình lợi thế hơn Hắc Xà ở chỗ quân mình thiện chiến và kỷ luật, còn quân của hắn chỉ là một đám người ô hợp. Với số lựu đạn vừa chiếm được, chúng ta sẽ cố gắng gây rối loạn trong hàng ngũ loạn quân để hỗ trợ cho ông Quận có thể kéo dài cuộc cố thủ, chờ tiếp viện.

Cảnh gật đầu tỏ ý tán thành.

Phong cho người đi thám thính. Mấy thùng lựu đạn được mở ra phân phát cho mọi người. Cảnh vào ngồi bên máy truyền tin, ngóng đợi tin tức của tiểu khu, nhưng vẫn chưa nhận được gì. Như vậy, kế hoạch của Phong phải được thi hành.

Một thám sát chạy về cho biết 40 người vừa rời thung lũng tiến về phía bọn Phong hạ trại. Họ còn cách 6 cây số thì tới.

Phong lẩm bẩm :

- Chắc bọn chúng dò biết mình ở đây, phải nhổ trại ngay trước khi chúng đến.

Dung và Bạch Liên được dịp trổ tài tháo vát. Các lều vải cấp thời được hạ xuống và cuốn lại. Bìa rừng được xoá hết mọi dấu vết.

Vừa thu dọn xong, thì thám sát thứ hai về báo tin quân địch chỉ còn cách ba cây số nữa và chắc chắn đang tiến về phía họ.

Phong tập hợp các bạn lại :

- Chúng ta nên phân tán ra làm ba bọn. Tôi, anh Cảnh và chú Gơme mỗi người dẫn đầu một nhóm chia ra ba ngả xuống thung lũng. Ai có ý kiến gì về địa điểm tập trung không ?

Bạch Liên đề nghị trại ông Quách Tiến, vì trại nằm giữa trung tâm, lại dễ tìm.

Phong chấp thuận. Cảnh và Gơme cùng đồng ý, vì địa điểm này ai cũng biết.

Phân chia người và công tác xong, Phong quay bảo Dung và Bạch Liên :

- Hai cô theo tôi. Và nhớ kỹ điều này : là hễ có chuyện gì hãy rán nằm yên một chỗ !

*

Gơme dẫn nhóm của anh đi đầu tiên. Nhóm Phong có Dung và Bạch Liên tháp tùng đi sau năm phút. Nhóm Cảnh đi sau với nhiệm vụ cản hậu trong trường hợp bị rượt đuổi.

Hoàng hôn bắt đầu ngả bóng, nền trời đổi từ màu tím sang màu xanh thẫm, rồi ánh sao lấp lánh hiện lên.

Nhóm Phong do anh dẫn đầu tiến vào một lối mòn khúc khuỷu. Họ vừa đi vừa nghe ngóng. Đêm tối đầy rẫy những tiếng động bí mật. Vó ngựa địch quân nghe mơ hồ đâu đó, thoạt gần thoạt xa tưởng như có ở trước mặt lẫn sau lưng. Mỗi bụi rậm, mỗi mô đá đều khả nghi có địch quân ẩn nấp.

Nhưng rồi họ cũng đến được ven thung lũng và tiến vào cánh rừng phía sau trại Quách Tiến.

Phong nói nhỏ :

- Chúng ta vừa theo một lối tắt gần nhất. Hai nhóm kia chắc còn lâu mới tới. Phải báo cho họ biết mình đang ở đây.

Anh sai hai người đi hai ngả tìm đón, và căn dặn phải hết sức cẩn thận kẻo đêm tối bạn thù dễ lẫn lộn.

Trong khi đó Bạch Liên cố lắng nghe động tĩnh ở trại. Nàng chợt nói :

- Hình như tôi nghe có tiếng cười nói từ trong trại vẳng ra. Không biết tình hình ở nhà ra sao ? Có lẽ bác Quách Tiến và bác Diệp đã về hoặc…

Dung tiếp :

- Có thể Tuấn, Đàm cũng đã về rồi.

Phong nói :

- Chờ anh em quy tụ đông đủ tôi sẽ cho người vào dọ thám, Biết đâu bọn Hắc Xà đang ở trong ấy.

Bạch Liên đề nghị :

- Hay anh để tôi thử lẻn vào trong vườn xem. Tôi thuộc hết mọi đường lối trong trại.

Phong lưỡng lự, nhưng rồi cũng quyết định :

- Đồng ý. Cô rán trở về đây cho biết tin tức trong vòng 15 phút.

Bạch Liên băng mình vào đêm tối. Nàng nóng lòng vì Tuấn nên trở thành liều lĩnh. Tới bức tường rào bao quanh trại, vừa chui qua một lỗ hổng vào trong nàng chợt nghe có tiếng Dung gọi khẽ phía sau !

Dung bò sát lại :

- Tôi lén trốn Phong nhân lúc anh ấy quay lưng đi. Tôi nóng muốn biết Đàm, Tuấn đã về chưa, nhưng chỉ nhác thấy có một tên thủ hạ của Hắc Xà vừa đi qua lối kia… Nếu Đàm đang ẩn nấp trong trại tôi có thể báo tin cho nó biết bằng mật hiệu để nó đến với tụi mình.

Bạch Liên gật đầu :

- Phải đấy.

Hai người lẩn vào con đường đã gặp Phong sáng hôm trước. Sao lấp lánh đầy trời, nên dễ nhận được lối đi. Tới bụi cây xế đầu nhà, cả hai ngồi lại, thấy ánh đèn ở cửa sổ từng dưới và nghe rõ cả tiếng cười nói.

Dung nắm chặt tay Bạch Liên.

- Tôi báo hiệu nhé.

Mặc dầu đã được bảo trước Bạch Liên vẫn giật thót người khi Dung rúc lên một tràng tiếng cú kêu. Hình như không ai để ý đến tiếng cú gọi đó và không có tiếng hú đáp lại.

Dung thắc mắc :

- Dù Đàm ở trong nhà hắn cũng phải nghe được, sao không thấy trả lời nhỉ ?

- Có thể hắn không dám trả lời. Mình thử lại gần chút nữa coi… Bạch Liên chợt im. Ở khung cửa sổ vừa hiện ra một bóng người, nhưng không phải ông Quách Tiến, ông Diệp hay chú B’Him. Bóng đó nghiêng mình nhìn ra đêm tối một lúc rồi quay trở vào.

Như thế là đủ. Có những người lạ đang ở trong trại. Bạch Liên kéo Dung lùi lại góc vườn, vừa định chui ra báo tin cho Phong biết, thì bỗng Dung níu lại.

- Im !

Có tiếng động nhẹ, rồi tiếng chân bước rón rén đến gần. Và một giọng thì thào :

- Em đây !

Dung buột miệng kêu sửng sốt :

- Đàm !

Đàm càu nhàu :

- Khẽ chứ ! Làm gì mà la ầm lên thế ?





CHƯƠNG XII



Tuấn, Đàm thấy vững tâm và phấn khởi vô cùng khi gặp Phong. Cả hai đều hãnh diện về những tin tức thu thập được. Nhóm người của Phong đã tập trung đủ mặt ở bìa rừng. Họ vây quanh Tuấn, Đàm, nghe hai anh báo cáo.

Trước hết là ở địa điểm bí mật mà Đàm vẫn gọi là Cấm Thành có một số đông thủ hạ của Hắc Xà đang ẩn nấp.

Tiếp đến tình hình trong trại nhà. Đàm cho biết :

- Ông Phát hiện ở trong đó. Khi Tuấn, Đàm về tới trại, nhìn vào trong sân thì thấy ông ta với một bọn đứng lố nhố trước chuồng ngựa.

Đàm cho rằng ông Phát chỉ giả danh là nhân viên sở mỏ chứ chính thực là một cáo già trong tổ chức của Hắc Xà.

Phong hỏi :

- Họ có bao nhiêu người trong trại ?

Tuấn đáp :

- Thấy có năm con ngựa tất cả.

Phong gọi riêng Cảnh và Gơme bàn định kế hoạch.

Cảnh đem sáu người lén vào trong vườn chia nhau nấp quanh nhà. Ba người khác đến nấp gần chỗ cửa chính. Còn Phong sẽ cùng với Dung và Bạch Liên cưỡi ngựa đi thẳng vào cổng trại, Gơme và ba người nữa ở lại trong rừng giữ ngựa.

Phong dặn :

- Phải hết sức thận trọng, và tuyệt đối không ai được nổ súng.

Khi Phong cùng Dung và Bạch Liên tiến về phía cổng trại, họ làm bộ nói cười như không biết chuyện gì xảy ra. Cổng trại đóng kín nhưng có ánh đèn trong nhà hắt ra lọt qua khe hở. Phong cất tiếng gọi :

- Có ai ở nhà không ? Chú B’Him ơi, ra mở cổng !

Bên trong có giọng lơ lớ quát ra :

- Ai đó ?

Dung lên tiếng :

- Chú B’Him đấy à, Dung và Bạch Liên đây chú ạ. Chú mở cổng cho tụi tôi với !

Có tiếng bàn tán bên trong rồi tiếng chân bước, tiếng tháo chốt kêu lạch cạch và cánh cổng được mở bật ra. Một luồng sáng chói loà từ chiếc đèn bấm chiếu thẳng vào ba người.

Ánh đèn lướt từ người nọ qua người kia. Dung và Bạch Liên chỉ là hai cô gái yếu đuối, vô hại, trừ có Phong đeo một khẩu súng ngắn bên hông, tay trái nắm lỏng dây cương, tay phải đặt hờ trên yên ngựa. Ánh điện dừng lại ở Phong và giọng ông Phát hỏi :

- Anh là ai ?

Phong tự giới thiệu và nói :

- Tôi gặp hai cô gái này đi lạc trong thung lũng nên đưa dùm hai cô ấy về nhà.

Dung tiếp :

- Vâng. Chúng tôi đi tìm Tuấn và Đàm mà không thấy họ đâu cả. Nhưng có phải ông Phát đấy không ạ ? Sao ông lại ở đây, thưa ông ? Chắc cậu tôi nhờ ông đưa tin xuống hẳn thôi ! Cậu tôi hiện ở đâu vậy ông ?

Ông Phát tiến lại gần tra súng vào bao và hạ thấp ánh đèn xuống. Phía sau ông còn ba người cầm súng. Ông nói với Dung :

- Tôi rất mừng được gặp cô. Tôi chưa biết ông Quách Tiến lúc này ra sao. Tôi đến đây tưởng gặp đông đủ cả nhà, chẳng ngờ nhà cửa trống trơn nên ở lại canh chừng hộ.

Dung và Bạch Liên xuống ngựa. Phong thản nhiên nói :

- Việc xong rồi, tôi xin từ giã. Nhưng nhân tiện đã tới đây, ông cho phép tôi vào uống miếng nước. Cả ngày không uống, khát quá…

Đột nhiên Phong đổi giọng :

- Ông Phát muốn sống, bảo đồng chí của ông bỏ ngay súng xuống !

Sự việc xảy ra thật đột ngột, đến nỗi Dung và Bạch Liên tuy đã biết trước cũng vẫn không khỏi sửng sốt. Phong xuống ngựa khi đang nói, làm bộ tự nhiên rồi nhanh như chớp một tay túm vai ông Phát tay kia dí mũi súng vào bụng ông ta.

Phong gằn giọng :

- Nói họ buông súng mau !

Dung và Bạch Liên thi hành ngay kế hoạch đã định, lùi nấp sau ngựa. Bạch Liên rút chiếc còi đưa lên miệng thổi.

Phong quát :

- Vứt súng đi. Các người bị vây rồi.

Quá kinh ngạc, ông Phát chưa kịp mở miệng. Đôi mắt ông ta trợn trừng tưởng như muốn lồi ra khỏi tròng. Hai tên hờm súng phía sau lưỡng lự không dám bắn vì Phong dùng ông Phát làm mộc che. Nghe hiệu còi của Bạch Liên, ba người nấp gần cửa chạy lại. Ông Phát đành nghẹn giọng bảo đồng bọn buông súng.

Phong cười khan :

- Tốt lắm. Hai anh lo giữ hai tên này, anh thứ ba theo tôi đưa ông Phát đi một vòng quanh trại xem còn “đồng chí” nào nữa không.

Trong nhà không có mống nào, nhưng phòng khách, phòng ăn còn bừa bãi rượu, thuốc lá, dấu vết của một cuộc nhậu nhẹt.

Có tiếng gọi bên ngoài :

- Phong !

- Cảnh đó hả ? Cứ vào đi. Xong rồi !

Cảnh vào cùng với Tuấn, Đàm. Hai anh con trai nhìn ông Phát mỉm cười.

Phong ra lệnh :

- Anh Cảnh, anh cho hai người ở lại giúp tôi lục soát trong nhà, còn mấy người theo anh xuống chuồng lấy ngựa đưa hết ra ngoài cổng. Chúng ta sẽ rút lui ngay để còn hành quân chớp nhoáng nơi khác.

Trong khi ấy Dung và Bạch Liên có dịp nhìn rõ Tuấn, Đàm. Hai người trông thật thảm hại, quần áo rách mướp, bẩn thỉu, mặt mũi hốc hác vì đói, mệt.

Cả bọn bỗng giật mình nghe tiếng kêu nghẹn :

- Cứu tôi với ! Chúng tôi ở trên này !

Đàm thốt :

- Ồ ! Ba ! Ba tôi ở trên lầu !

Và Đàm phóng mình lên cầu thang.

Ông Quách Tiến và ông Diệp bị trói ở trên giường, mỗi ông một phòng.

Được cởi trói, hai ông cho biết là hai ông không nhận được thư của Dung. Hai ông đã rời sở mỏ ngay hôm ấy giữa lúc quân Hắc Xà kéo xuống thung lũng. Hai ông phải đi vòng lên quận và về tới nhà vào khoảng nửa đêm.

Trại lúc ấy vắng hoe, chỉ còn mình chú B’Him ở lại. Chú cho biết Đàm, Tuấn chưa về còn Dung và Bạch Liên thì đã được Phong đưa đi nơi khác mà chú không biết rõ nơi nào.

Tin ấy làm hai ông yên lòng, chỉ còn lo cho số phận của Tuấn, Đàm. Trọn ngày hôm sau hai ông đành cứ ngong ngóng chờ đợi ở nhà.

Vào buổi chiều ông Phát vào trại với bốn người mang súng. Nghe ông Phát nói là ông giám đốc sở mỏ phái ông ta xuống để bảo vệ và hộ tống hai ông nếu hai ông muốn rời trại lánh đi nơi khác, nên hai ông tin lời mở cửa cho vào. Nhưng cửa vừa mở, thì bốn họng súng đã chĩa vào người hai ông. Chú B’Him kháng cự bị họ bắn ngã. Hiện chưa biết số phận chú ra sao.

Ông Quách Tiến và ông Diệp thuật lại chuyện đó ở phòng khách. Ông Phát bị trói ngồi căm tức một xó. Phong hỏi thăm thêm vài chi tiết về tình hình trên sở mỏ, nhưng vẫn lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài.

Anh hỏi Tuấn Đàm :

- Hai cậu có nói là Hắc Xà tập trung một số quân ở bên kia thung lũng. Địa điểm đó ở chỗ nào, hai cậu cho tôi biết đích xác vị trí được không ?

Đàm đáp :

- Chỗ đó chúng tôi vẫn gọi là Cấm Thành. Hẳn anh còn nhớ nơi chúng tôi gặp anh sáng hôm qua, lúc anh bị tên mặt sẹo và một tên nữa uy hiếp ?

Tuấn tìm được mảnh giấy, lấy bút phác một bản đồ. Phong nhìn kỹ rồi gật đầu nói :

- Tôi nhận ra rồi ! Hai cậu bảo khu “Cấm thành” này vách đá vây kín chung quanh, và muốn vào đó phải qua một cửa hang nhỏ hẹp ? Ồ ! Nếu chúng còn đó, mình sẽ quơ một mẻ !...

Cảnh và hai người của anh đã tìm thấy chú B’Him bị trói dưới chuồng ngựa. Chú bị đạn bắn vào vai, tuy máu ra nhiều song rất may thương tích không nặng lắm. Chú vẫn đứng vững và theo Cảnh vào phòng khách. Cảnh cho biết ;

- Gơme đã ra thám sát bên ngoài. Anh vừa phi báo có một đội tuần thám của Hắc Xà đang tiến đến, chỉ còn cách trại chừng vài trăm thước.

Phong quay lại nói với ông Quách Tiến và ông Diệp :

- Mình sẽ tìm cách đối phó. Tôi chỉ có thể để lại đây ba người chiến đấu với các ông. Mong các ông giữ vững được trại, và đừng quên canh chừng tên Phát này cho đến khi tôi trở về.

Ông Diệp hỏi :

- Anh cho biết kế hoạch của anh ?

- Trước hết chúng tôi dụ cho đám quân ngoài kia đuổi theo để khỏi xông vào trại, rồi tìm cách vượt sang bên kia thung lũng tấn công đám quân của Hắc Xà tập trung ở đó. Hy vọng có thể cầm chân chúng lại được.

Ông Diệp gật đầu, tỏ ý tán thành. Hồi còn trẻ ông Diệp từng là sĩ quan trong quân đội. Biết rõ kế hoạch của Phong, ông bình tĩnh bảo bạn :

- Bác Tiến, bác cho một người ra canh ngoài cổng, một người gác trong vườn. Xong rồi bác trở vào cho tôi biết tình hình.

Biết bạn sẽ chỉ huy cuộc phòng thủ, ông Quách Tiến đáp :

- Được.

Và ông ra ngoài cùng với Phong, Cảnh và nhóm người của họ.

Ông Diệp tiếp :

- Còn cần một người đứng gác trên mái nhà. Tuấn, phần con vị trí đó. Đem súng đạn lên và phải nhớ chỉ được bắn khi cần thiết. Con quan sát cho kỹ hễ thấy có gì khả nghi hãy báo ngay cho ba biết.

Bạch Liên hỏi :

- Cháu lên với Tuấn được không bác ?

- Cháu cần đi ngủ với Dung cho lại sức.

- Cháu không chịu đâu ! Đang như thế này mà ngủ gì được.

Ông Diệp mỉm cười :

- Nếu vậy được. Cháu làm liên lạc cho Tuấn. Thôi hai đứa lên trên ấy đi.

Đàm :

- Thế còn cháu ?

- Cháu ở lại đây với bác, canh chừng hộ bác ông Phát.

Tuấn và Bạch Liên leo lên sân thượng. Ở trên cao Tuấn có cảm giác như lạc vào khoảng không gian vắng lặng, khác biệt với sự huyên náo đang diễn ra bên dưới.

Trên không ánh sao lấp lánh đầy trời. Trước mặt, lòng thung lũng trải rộng bóng đêm che phủ một tấm màn xanh thẫm dát những đốm bạc long lanh, nom huyễn hoặc như một cảnh trong cơn ảo mộng.

Nhưng ảo tưởng đó chỉ thoáng qua trong chốc lát, vì đêm nay là đêm đầy rẫy những sôi động bất trắc. Nhìn xuống sân sau trại, Tuấn thấy ánh đèn bấm lia sáng, nghe vó ngựa lộp cộp trên nền gạch. Phong và các bạn anh ta đang lên ngựa. Tiếp đó có tiếng hô ngắn rồi đoàn người ngựa rầm rập phóng ra ngoài cổng.

Cánh cổng được đóng kín trở lại. Giọng ông Quách Tiến vang lên, hạ lệnh trói mấy tên tù giam vào chuồng ngựa. Đoạn cùng với hai người, ông đi tuần quanh trại.

Bạch Liên chỉ về phía quận Quảng Sơn :

- Hình như có động ở phía này.

Cùng quay về phía đó, hai người lắng nghe có tiếng súng nổ lóp bóp kéo dài như rang bắp. Rồi một vùng hồng ửng lên lan rộng : Ánh lửa của một đám cháy.

Tuấn nghẹn giọng :

- Quận Quảng Sơn đang bị tấn công !

- Đúng rồi, nhưng tại sao chúng chờ ban đêm mới tấn công ? Sao họ không đánh ban ngày nhỉ ?

Tuấn đáp :

- Chắc họ có kế hoạch riêng, với lại một cuộc tấn công ban đêm gây kinh hoàng cho dân chúng hơn. Anh Phong đã đoán trước thế nào họ cũng đánh chiếm thung lũng nội đêm nay để sáng mai cướp nốt sở mỏ. Anh ấy chỉ hy vọng ngăn chận và kéo dài được cuộc chiến, để chờ quân tiếp viện.

Nhiều tiếng nổ rất gần từ mé rừng dội tới. Trong đêm, lằn đạn bắn ra lóe sáng bay xoắn vào nhau. Tuấn lẩm bẩm :

- Quân tuần thám của Hắc Xà đã tới !

- Chắc anh Phong đang phục kích họ. Cầu trời cho anh ấy thắng. (Sau này Phong cho biết trong cuộc đụng độ này, anh đã dụ cho quân địch đuổi theo để khỏi tiến vào trại rồi nhờ đêm tối thoát khỏi, nhưng bên anh cũng thiệt mất một chiến sĩ).

Phía quận Quảng Sơn cuộc chiến càng lúc càng tỏ ra ác liệt. Bạch Liên tuy nói cứng ngoài miệng, nhưng đã bắt đầu thấm mệt. Nàng thấy buồn ngủ, tâm trí chập chờn như tất cả sự việc đang xảy ra chỉ là giấc mộng. Nàng tựa đầu vào vai Tuấn và thiếp dần vào giấc ngủ…

Dưới phòng khách, ông Diệp không quan tâm đến tình thế bên ngoài đang tiến hành một cuộc phỏng vấn. Ông đứng trước ông Phát bị trói ngồi trên ghế. Chú B’Him được Dung băng bó, cầm súng đứng gác bên cửa sổ. Dung và Đàm ngồi bệt dưới đất, vì theo lời ông Diệp, để tránh những lằn đạn có thể từ ngoài bắn vào.

Ông Phát tuy hai tay đang bị trói, vẫn ngồi vững trên ghế nhìn ông Diệp với vẻ ngạo mạn.

Ông Diệp nói :

- Theo tôi biết, qua những hành vi ám muội và những điều tai nghe mắt thấy về ông bạn thì quả ông là một tên… bất lương. Tôi chưa rõ ông xúi dục Hắc Xà với mục đích nào, lợi dụng lý do chính trị, hay chỉ tối mắt vì kho tàng tìm thấy dưới hầm ngôi đền Chàm. Nhưng điều chắc chắn là ông đã thông báo cho Hắc Xà biết tin vụ khám phá ra kho tàng kia nên hắn mới lợi dụng xách động được một số người.

Ông Phát thách thức :

- Bằng chứng đâu mà ông dám nói như thế ?

- Ông liên lạc với Hắc Xà bằng cách nào ?

- Ai nói với ông là tôi có liên lạc với hắn ?

- Tôi đoán thế. Nhưng việc hỏi cung là trách nhiệm của các nhà hữu trách. Tôi dành cho Phong quyền tra hỏi ông. Hình như anh ta đang điều tra về vụ buôn bán thuốc phiện có liên quan tới phong trào của Hắc Xà thì phải. Phần ông tôi không tin là ông ham sống nơi hẻo lánh này với số lương tầm thường của một nhân viên sở mỏ. Nhưng thôi, chúng mình nói qua việc khác. Hôm qua ông giám đốc sở mỏ có tuyên bố là sẽ cho lấp kín địa đạo đưa vào cửa hầm chứa để kho tàng khỏi bị cướp đoạt khi sở mỏ bị chiếm. Chắc ông cũng biết việc này ?

- Dĩ nhiên, tôi có biết.

- Và vì thế nên ông mới vội rời sở mỏ.

Đàm nói :

- Sáng nay cháu và anh Tuấn có thấy một nhóm người nổ mìn đào bới ngoài khu đền Chàm.

Ông Diệp gật gù :

- Thì ra ông tìm lối khác vì tưởng địa đạo trong sở mỏ bị lấp kín thật rồi phải không ông Phát ?

Ông Phát không giấu nổi vẻ bối rối. Ông ngồi im tròn mắt nhìn Đàm.

Ông Diệp lạnh lùng tiếp :

- Ông bạn cho phép tôi nói thêm ít điều là địa đạo đó không hề bị lấp kín như lời ông giám đốc sở mỏ đã tuyên bố, vì trong hầm chả có gì quí giá cả. Trưa hôm qua ông giám đốc với chúng tôi đã vào hầm mở mấy cái rương ấy ra coi. Chúng tôi chỉ thấy ba pho tượng bằng cẩm thạch chạm trổ rất đẹp, xứng đáng được đem bầy vào viện bảo tàng. Ngoài ra tuyệt nhiên chẳng có tí vàng bạc châu báu nào hết. Chắc ông bạn ngạc nhiên lắm nhỉ ?

Không biết ông Phát có ngạc nhiên hay không, chỉ thấy ông nhìn sững ông Diệp :

- Tôi không thể tin lời ông được !

- Tin hay không là tùy ông. Bởi ông xảo ngôn quen rồi nên ông tưởng ai cũng dối trá như ông vậy. Tôi biết ông đã ba hoa với Hắc Xà về cái kho tàng này nên tôi lo hộ cho tính mạng của ông. Hắn đã tin lời ông tưởng sẽ vớ bở nên mới hứa hẹn nhiều với bộ hạ. Đến khi không thấy gì ngoài ba pho tượng đá, chừng ấy ông sẽ ăn nói làm sao với hắn đây ? Nghe đồn Hắc Xà tính nóng như lửa và coi mạng người như ngóe phải không ông ?

Ông Phát lặng thinh. Ông Diệp tàn nhẫn tiếp :

- Hơn nữa hiện nay ông đứng giữa hai thế kẹt. Dù ông không bị Hắc Xà bắn chết, ông cũng bị chính quyền xét xử. Vì chính ông là người đã gây ra vụ rắc rối này : xúi dục và tạo cơ hội cho Hắc Xà phản loạn. Để nhẹ bớt tội, thiết tưởng chỉ còn một cách là ông nên hợp tác với chúng tôi. Ông bạn nghĩ sao ?

Ông Phát liếm môi, mồ hôi toát trên trán :

- Ông bảo tôi làm gì bây giờ ?

- Chóng muộn gì quân tiếp viện cũng sẽ tới nơi, chừng ấy ông nên cho họ biết rõ mọi chi tiết. Trong khi chờ đợi, ông giúp chúng tôi bảo vệ trại này. Chắc Hắc Xà biết ông đang ở đây chứ ?

- Phải, khi hay tin ông và ông Quách Tiến rời sở mỏ, chính Hắc Xà bảo tôi về đây canh giữ hai ông. Hắn định bắt hai ông để làm con tin.

- Tốt lắm, cứ để cho hắn tưởng ông đang canh giữ chúng tôi. Nếu có người của hắn đến, ông chỉ việc bảo với họ là ông đã làm chủ ở đây. Chúng tôi không muốn có cuộc bắn giết gây thiệt hại cho cả đôi bên, mà có thể ông là cái đích đầu tiên bị hạ.

Bị dồn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ông Phát đành nhận lời. Vừa lúc ấy ông Quách Tiến cắt đặt canh phòng cẩn mật xong, trở vào nói :

- Bên ngoài vẫn yên, nhưng vừa rồi bác có nghe tiếng súng nổ không ?

Ông Diệp đáp :

- Tôi không để ý vì còn mải thảo luận với ông Phát.

Ông cho ông Quách Tiến biết rõ chi tiết, và mỉm cười tiếp :

- Tuy vậy, bác chưa thể ngồi yên được đâu ! Xin bác lên sân thượng tăng cường cho cháu Tuấn. Trên ấy là một vị trí chiến lược rất lợi hại khi cần phải phản công. Chú B’Him và tôi sẽ lo tầng dưới còn cháu Dung và cháu Đàm có thể nghỉ ngơi dưỡng sức.

Lên sân thượng, ông Quách Tiến và người thanh niên Thượng thấy Tuấn ngồi gác bên cạnh Bạch Liên.

Xa xa, tiếng súng vẫn nổ rền quanh quận Quảng Sơn đang bốc cháy.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII, XIV