Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN NGHỆ
1. – LẦN VÀO BÓNG TỐI
Nép người sau một gốc me to
lớn, Tư Búa đưa đôi mắt cú vọ quan sát xung quanh. Bấy giờ vào khoảng nửa đêm,
trời tối mù. Con đường nhỏ chạy ngang qua đây vốn đã im vắng càng thêm im vắng.
Hai bên nhà đã đóng cửa, không một bóng người. Tư Búa để ý đến ngôi nhà lầu
trước mặt mình nhiều nhứt. À, nó cũng im lìm. Chắc mọi người trong nhà đều say
ngủ, thật là thuận tiện để hành động! Tư Búa nghĩ vậy và tiến lại phía hàng rào
sắt, leo vào trong. Đoạn, hắn lần theo các bụi kiểng, băng qua cái sân rộng đến
sát nhà. Hắn đi quanh một vòng, đôi khi vỗ nhẹ vào vách rồi áp tai nghe ngóng.
Ngôi nhà vẫn lặng lẽ, mọi cửa đều đóng kín, không thấy một tia sáng lóe ra,
không nghe một tiếng động. Tất cả mọi vật chìm trong bóng tối. Chẳng có gì đáng
ngại cả.
Thăm dò xong, Tư Búa lại trở
ra phía trước ngôi nhà lầu. Hắn đưa mắt nhìn lên sân thượng, đứng lặng một lúc
lâu. Chẳng phải hắn suy tính, tìm mưu chước chi. Công việc đó không phải đợi
đến giờ mới nghĩ tới. Thật ra, trước khi đến “thăm” ngôi nhà nầy, Tư Búa đã
vạch sẵn một chương trình hành động thật hoàn hảo rồi. Phải tính trước, cũng
như phải biết rõ những điều kiện thuận lợi hắn mới dám ra tay chứ. Nhưng những
điều thuận lợi cho Tư Búa là gì? Nguyên hắn đã dò biết được gia đình giàu có
nầy gồm hai ông bà, bốn đứa con. Hôm nay tụi con lại kéo nhau đi cắm trại, hay
đi chơi đâu đó. Điều đáng mừng thầm là chúng còn dắt cả con chó hung dữ ở nhà
đi theo nữa. Thế là trong nhà chỉ còn hai ông bà nọ, chị bếp, anh tài xế, quả
là điều kiện thuận lợi để Tư Búa thực hiện những gì hắn vẫn hằng mong muốn mỗi
khi đi ngang qua đây vậy… Tư Búa đứng im một chốc là để soát lại các việc định
làm. Liền đó hắn đem cái túi vải to vẫn mang trên vai xuống. Trong túi một cuộn
dây luộc, một con dao, một xâu chìa khóa đủ cỡ, đủ loại. Hắn lôi sợi dây ra
ngoài. Sợi dây nầy khá dài, hơi nhỏ nhưng hẳn là chắc lắm. Đầu dây có buộc một
móc sắt được quấn vải vẩn thận để tránh tiếng vang khi va chạm. Cầm một đầu
dây, Tư Búa quăng mạnh đầu có móc sắt kia lên. Như một con rắn biết bay, sợi
dây rời tay hắn phóng lên cao, cái móc sắt mắc ngay vào thành bao lơn sắt trên
sân thượng. Giật giật sợi dây, biết chắc nó khó sút, Tư Búa mang túi, phăng dây
leo lên. Chẳng mấy chốc hắn đã đứng vững trên sân thượng. Tháo sợi dây cho vào
túi lại, hắn bước về phía cửa lầu. Mặt tiền của lầu có những khung cửa kiếng
hắn chỉ cần lấy dao cắt kiếng khoét một lỗ, chui vào trong, như đã định. Nhưng
vừa tính lấy đồ nghề ra, chợt nhìn chếch sang mé bên trái, hắn ngạc nhiên suýt
kêu ồ lên: Kìa, ở một khung cửa phía đó có một lỗ hổng khá lớn! Bước lại gần
xem xét, hắn càng kinh ngạc hơn: Lỗ hổng đó không phải vì kiếng vỡ tự nhiên, mà
rõ ràng là do kiếng bị cắt mất một khoảnh. Ai tạo ra lỗ hổng nầy? Để làm gì
chớ? Không lẽ chủ nhà làm thế để rước trộm vào? Tư Búa tự đặt nhiều câu hỏi, và
không biết trả lời sao cho đúng. Ồ, nhưng hơi đâu băn khoăn vơ vẩn. Đã có ngõ
vào sẵn, đỡ mất thời giờ khoét cửa, còn đợi gì không chui vào trong? Nghĩ thế,
hắn ghé nhìn vào lầu quan sát. Bên trong tối đen, chẳng nghe động tịnh gì. Hắn
yên lòng luồn người theo lỗ hổng của khung cửa nọ chui vào, nhẹ nhàng không một
tiếng vang. Đứng im một lúc cho mắt quen với bóng tối, hắn tiến lại bên cửa cái
của lầu. Hắn phải mở hờ cửa nầy để lúc ra dễ dàng, hoặc khi có động thoát cho
nhanh. Vào được bên trong rồi thì mở cửa nào lại không được? Hắn loay hoay tìm
chốt cửa. Tìm được, hắn lại thêm một phen sửng sốt. Quái! Có chuyện kỳ lạ thế
à? Chốt cửa đã được ai mở ra rồi đây. Nghĩa là hắn chỉ cần kéo nhẹ, cánh cửa
cũng bật mở ra liền. Bỗng hắn lùi lại, ngó dáo dác. Phải chăng đây là một trò
đùa của chủ nhà? Người ta dọn đường cho hắn vào để tóm cổ? Hắn rùng mình sợ hãi
với ý nghĩ đó, và sửa soạn một cử chỉ sẵn sàng thoát thân.
Song, một phút, rồi hai
phút… vẫn không thấy chi hết. Hắn thở phào nhẹ nhõm, rồi lại bảo thầm: Mình chỉ
tưởng bậy. Làm sao họ biết được mình đến lúc nào mà bày chuyện ấy. Đây có lẽ
nhờ “Tổ” giúp mình cũng nên. Thôi tiếp tục công chuyện chớ, chẳng lẽ tốn công
rình rập nhiều ngày, đến khi vào được nơi đây mình lại bỏ dở hay sao?
Đã vững dạ, Tư Búa lần theo
vách tường đi tìm chỗ để bạc, hoặc nơi cất đồ quí giá trong nhà. Hắn bước rón
rén, di động êm ru như một cái bóng. Hắn lùng khắp lầu, song chỉ thấy toàn
những phòng trống với những kệ sách, những nhạc cụ vứt bừa bãi. Hình như trên
lầu nầy dành riêng cho các cô cậu con chủ nhân, chẳng có vật gì đáng để ý. Muốn
tìm ra các món hắn phải mò xuống dưới mới được. Lập tức hắn tiến lại cầu thang
dò từng nấc đi xuống.
Xuống tới dưới, Tư Búa đứng
im một chỗ trong góc tối, lắng tai nghe ngóng cẩn thận. Ở đây không hoàn toàn
vắng lặng như trên lầu. Hắn nghe rõ tiếng đồng hồ “tích tắc” khô khan, tiếng
ngáy vang đều từ một căn phòng. Được một chốc, hắn rời chỗ ẩn tạm, bắt đầu sục
sạo.
Nhưng, đi chưa được mấy
bước, vừa vượt qua một góc tường, thình lình Tư Búa chạm phải một người tiến
ngược chiều. Cả hai đâm sầm vào nhau và đồng kêu lên kinh ngạc, hoảng hốt:
- Ý!
- Ái!
Kinh ngạc có lẽ là phần
người kia. Còn hoảng hốt thì Tư Búa vậy. Hắn than thầm: Chết rồi! Chắc thằng
cha chủ nhà đây! Thằng chả đi đâu mà không đèn không đuốc, làm mình không thấy
đụng đầu vầy nè? Xui quá! Thôi chạy! Nhanh như cắt hắn phóng mình về phía cầu thang.
Hắn cứ tưởng ngay sau đó, người nọ sẽ hô hoán lên, báo động. Nào ngờ y nín
thinh, và lạ thay, cũng lật đật chạy lên cầu thang để rút lẹ lên lầu như hắn!
Hai người cùng phóng nhào về một chỗ, nên phải đâm nhau một lần nữa. Lần nầy sự
va chạm mạnh hơn trước nhiều. Cả hai cùng thấy đau điếng, ngã bật ra. Khổ làm
sao, Tư Búa còn đụng nhằm một cái ghế đặt gần đó, làm nó ngã theo, gây một
tiếng động thật lớn, vang rõ trong đêm khuya. Tiếng động làm mọi người trong
nhà chợt thức. Tư Búa nghe có tiếng hỏi to:
- Cái gì vậy? Ai làm cái gì
vậy?
Rồi lại có tiếng bước chân
đi đến gần. Bóng đen vừa chạm với Tư Búa vụt chỗi dậy, leo gấp rút lên cầu
thang. Tư Búa cũng không chậm trễ chạy theo bén gót. Ngay lúc ấy, có tiếng quát
ầm bên dưới:
- Ăn trộm! Bớ làng xóm ăn
trộm!
- Đâu? Đâu?
Vừa chạy, Tư Búa vừa hỏi
người phía trước:
- Nầy… nầy bạn, thế ra bạn
cũng là…
Không chậm bước, y đáp cộc
lốc:
- Ừ.
- Vậy mà tôi tưởng bạn là…
- Tôi cũng vậy.
Tuy không nói rõ, nhưng cả
hai đã thông cảm nhau lắm. Thì ra, bạn là kẻ trộm, tôi cũng là thằng khoét
vách. Hai đứa gặp nhau, đứa nầy cứ ngỡ đứa kia là chủ nhà, thế mới sanh chuyện!
Tư Búa đã hiểu vì sao khung cửa trên lầu bị cắt, cửa lầu bị mở sẵn. Có gì lạ,
chính tên trộm kia vào trước hắn đã tạo ra thế.
Đến cửa lầu, Tư Búa hỏi:
- Ra bằng lối nào?
- Theo tôi.
Tên nọ bảo, và mở tung cửa
chạy ra ngoài, leo tuốt lên mái ngói. Tư Búa làm theo. Hắn không thoát bằng
cách lên lầu lúc nầy được, vì túi đồ nghề đã đánh rơi trong lúc ngã. Lên được
trên mái rồi, tên trộm dẫn đường bò lần sang mé bên phải. Ở đó có một nhánh cây
khá lớn đong đưa sát mái nhà, làm cây cầu cho y chuyền qua thân chính, tụt
xuống đất. Tư Búa bắt chước ngay. Thế là cả hai sắp thoát nạn. Tên nọ nhảy
xuống trước, Tư Búa chưa kịp nhảy theo, chợt nghe y kêu rú lên đau đớn. Đồng
thời một giọng cười đắc thắng vang lên:
- Ha ha!... Tao biết lắm mà,
thế nào mầy cũng ra ngõ nầy… Ông Ba ơi, hãy ra coi ăn trộm, tôi hạ nó rồi nè!
Trong nhà có tiếng hỏi vọng
ra:
- Chú Năm tài xế đó hả? Ờ,
để tui ra ngay.
Tư Búa vội thu mình, ngồi im
sau một chòm lá, cúi nhìn. Hắn thấy tên trộm kia lăn lộn dưới đất. Cạnh đó, một
bóng người đứng chống nạnh, một tay xách khúc cây to… Bây giờ hắn tính sao đây?
Hình như người nọ không có biết còn hắn ở trên cây nữa. Hắn cứ việc ngồi yên, đợi
người ta bắt dẫn tên trộm kia đi, rồi sẽ xuống chăng? Không, hắn phải cứu tên
nọ mới được. Vả lại, trên nầy không phải là một chỗ ẩn tốt, người ta có thể bất
chợt nhìn lên, và bắt gặp hắn liền. Suy tính xong, Tư Búa đạp mạnh vào nhánh
cây dưới chân, buông mình xuống. Đã nhắm kỹ cả thân hình hắn, với cặp chân
xuống trước rớt ngay lên mình người cầm cây. Chỉ nghe “hự” một tiếng, người nầy
té quỵ, nằm im. Tư Búa đứng lên bảo tên “đồng nghiệp”:
- Ê, chạy chứ bạn!
Y rên rỉ:
- Tôi không đi nổi. Nó quất
cho một gậy vào chân đau muốn chết đây.
- Hừ. Thôi để tôi cõng cho,
trốn mau, chậm lụt có đường vào khám.
Tư Búa bảo, và kê vai cõng
tên nọ chạy đi. Hắn vừa thoát khỏi rào thì bên trong chủ nhà la hoảng:
- Ối trời! Chú Năm sao thế
nầy?
Hắn càng gia chân bước vội.
Đến đầu đường, cách chỗ “làm
ăn” khá xa, Tư Búa không còn lo sợ nữa. Hắn đi chậm lại, vì bắt đầu thấy nặng
nhọc bởi xác người trên lưng mình. Bỗng hắn nghe có tiếng quát:
- Ê, đứng lại, anh kia!
Hắn bủn rủn cả tay chân,
đứng dừng lại. Một thầy cảnh sát cỡi xe đạp từ từ chạy đến, hất hàm hỏi:
- Nửa đêm cõng ai đi đâu
vậy?
Cố lấy giọng bình tĩnh, Tư
Búa đáp:
- Dạ, anh bạn tôi lỡ uống
rượu say quá đi không nổi nên tôi phải cõng đưa về nhà.
Lanh trí, tên trộm nằm trên
lưng hắn giả giọng lè nhè hỏi:
- Sao, anh bảo tôi say
hả?... Tôi đâu có say…
Thầy cảnh sát bật cười:
- Thôi đi đi. Mấy anh thiệt,
coi chừng có ngày chết vì rượu!
2. – NGUYÊN NHÂN
Minh vừa bước ra sân, các
anh em của nó đang chơi đùa vui vẻ đều ngưng hắn lại. Cố nở một nụ cười thật
tươi, nó nói:
- Anh Lộc cho tôi chơi với!
Oanh, Dũng, Cường cho tao chơi với nhen!
Mấy đứa nhỏ không nói gì.
Còn thằng Lộc cau có bảo:
- Không, nhứt định không cho
mầy chơi. Đi chỗ khác!
Thấy Minh xịu mặt xuống
trông thật đáng thương, con Oanh nói:
- Thôi anh Lộc, ảnh biết lỗi
rồi, cho ảnh chơi đi.
Lộc cương quyết lắc đầu:
- Không được. Đứa nào chơi
với nó thì cũng xấu như nó, cũng bị ghét bỏ như nó vậy.
Minh vụt nổi giận:
- Tôi làm sao mà xấu?
- Mầy còn hỏi nữa à? Ăn cắp
không xấu sao?
- Chính anh đã…
- Thôi im, tao hỏng nói
chuyện nhiều với mầy.
Lộc mắng át, và quay bảo đám
em nhỏ:
- Tụi mình đi tìm nơi khác
chơi, đừng thèm gần cái thứ ăn cắp.
Cả bọn kéo đi, bỏ một mình
Minh đứng đấy. Nó nhìn theo thằng Lộc mím môi căm tức. Buồn quá nó ra ngồi
ngoài cửa rào, ngó mông lung. Khổ lắm, đã mấy hôm nó bị mọi người trong nhà đối
xử như một kẻ trọng tội, đáng khinh. Nó là một đứa con sinh khó. Má nó đã suýt
chết vì nó. Sẵn ghét nó rồi, bây giờ má nó càng ghét nó hơn. Ba nó cũng vậy.
Tủi hổ nhứt là anh chị em nó cũng xa lánh, hất hủi nó nữa. Cái tội ăn cắp tiền
của ba nó quả là nặng lắm, nhưng với một trận đòn nên thân không đủ phạt nó rồi
sao? Vả lại cái chuyện xấu xa kia phải đâu tự nhiên nó làm. Chính thằng Lộc –
anh nó – đã xúi nó mà nào ai có biết cho.
Nguyên hôm trước Minh đang
ngồi nghịch mấy con dế ngoài phòng khách thì anh nó khều lại chỗ vắng, hỏi:
- Nầy, mầy muốn có tiền xài
chơi không?
Chà, tiền ai lại không muốn.
Có tiền là có tất cả những gì mình ước ao. Nó gật đầu:
- Nhưng anh hỏi chi vậy?
- Tao thấy má bỏ quên xâu
chìa khóa trong buồng, mầy lấy nó mở tủ tiền kiếm vài chục tụi mình chia ăn
bánh.
Minh rùng vai, thè lưỡi:
- Tôi không dám đâu, má bắt
được thì chết!
- Chớ sợ, có tao canh cửa
buồng.
Minh cúi đầu, di di ngón
chân trên cát, ra dáng suy nghĩ. Im lặng một chốc, Lộc hỏi:
- Sao mậy?
Minh ngẩng lên:
- Mà anh coi chừng má cho kỹ
nha?
- Đừng lo chuyện đó.
Hai anh em dắt nhau vào
phòng ngủ.
Đến cửa buồng, Lộc bảo khẽ:
- Xâu chìa khóa trên bàn
kìa, làm lẹ lên!
Minh tiến vào, nhặt xâu chìa
khóa, bước lại tủ bạc run run mở cửa. Tim nó đập thình thịch. Trong thâm tâm nó
biết làm thế nầy là xấu lắm, vậy mà nó cứ làm. Trước tiên vì nó muốn lấy lòng
anh. Lâu nay thằng Lộc vẫn hay bắt nạt nó. Bây giờ nó làm vừa ý thằng nầy, xem
thằng nầy có đổi thái độ chăng. Hai nữa, các thức bánh kẹo, các món đồ chơi
cũng gợi lòng ham muốn của nó nhiều.
Minh đã mở được cái tủ, thò
đầu vào. Tủ có nhiều ngăn quá, biết chỗ nào cất tiền đây? Nó đang loay hoay,
bỗng:
- Thôi hết chỗ nói! Minh,
tao thật không ngờ!
Đứng gác trước cửa buồng,
Lộc nghe rõ tiếng má nó quát. Biết đã lộ chuyện, nó co giò chạy mất. Bên trong,
thằng Minh khụy xuống, sợ hãi đến tột độ.
Đã có thằng Lộc canh chừng,
sao còn xảy ra chuyện đáng tiếc thế? Ấy bởi hai đứa chỉ để ý đến cửa ra vào, mà
quên phức cái cửa sổ buồng ngó ra sân. Má chúng nó đã tình cờ đi ngang qua đó,
nhìn vào, và bắt gặp quả tang thằng Minh đang trổ tài… ăn cắp.
Dĩ nhiên sau đó Minh phải
chịu một trận đòn đích đáng. Phần thằng Lộc bỏ đi một lúc lâu mới về. Nó giả vờ
như không hay biết chi cả. Và nếu thằng Minh khai là do nó xúi làm bậy, thì nó
đã có cớ để trả lời: Tự nãy giờ nó có ở nhà đâu mà bảo nó nhúng tay vào vụ nầy.
Thằng Minh chỉ khai ẩu để chạy tội thôi. Nhưng, nó đề phòng cũng thừa. Em nó
cắn răng chịu đòn mà không khai chi hết. Thằng nhỏ tưởng làm vậy khiến anh nó
biết ơn quí mến nó hơn. Dè đâu, trái lại, thằng Lộc sợ sự thật bị lộ ra nên còn
tìm cách làm cho mọi người trong nhà ghét bỏ lạnh nhạt với nó nhiều hơn nữa. Có
như vậy nó mới không có dịp nói rõ điều gì với ai chớ…
Thấy Minh ngồi rầu rĩ bên
rào, một đứa bé vẻ mặt tinh ranh đi ngang đấy dừng lại hỏi:
- Ê, ngồi làm gì đó bồ? Đi
chơi?
Nhận ra thằng Hậu, dân trong
xóm, Minh quay lại, hỏi:
- Chơi cái gì?
- Chưa biết. Nhưng bồ cứ
theo tôi, mình đi tìm vài “mạng” nữa rồi thế nào cũng có trò vui hà. Đi hôn?
Minh đứng lên: Ờ, thử đi
theo thằng nầy xem. Bọn anh em mình nhất định không chơi với mình thì mình tìm
chơi với những đứa khác vậy. Minh có ế bạn đâu?
Từ trước đến giờ, Minh chưa
hề theo chơi với bọn trẻ trong xóm vì xem ra chúng không hợp tánh ý mình. Nay
có chuyện buồn mới đi phá lệ.
Và rồi, Minh không ngờ đi
theo bọn thằng Hậu là một điều hay. Nó được dự nhiều trò chơi do đám bạn tổ
chức, thật vui vẻ, mặc tình đùa giỡn. Hôm ấy nó về ăn cơm trễ, với nét mặt
khinh khỉnh, bất cần sự thân mật của anh em.
Từ đó, Minh thường hay bỏ
nhà đi chơi với chúng bạn. Gia đình đã không có cảm tình với nó thì nó cũng
không thích gì gia đình. Trừ những bữa cơm, ít khi thấy mặt nó ở nhà. Mà cũng
chẳng ai buồn hỏi tới nó, hoặc có hỏi thì thế nào cũng kèm theo những lời rầy
mắng la ó khiến nó chán ngán thêm. Nó càng đi chơi nhiều thì tánh tình càng
thay đổi nhiều: hỗn láo, dữ tợn, xấu xa gấp bội. Bởi lẽ, tụi bạn nó không chỉ
bày cho nó những trò vui mà còn dạy cho cả những thói xấu: đánh lộn, ăn cắp
vặt, khuấy phá người… đủ thứ. Mỗi lần bị người mắng vốn, ba má nó lôi đầu nó về
đánh chẳng nương tay. Song, nó chỉ sợ hãi trong chốc lát rồi chứng nào tật nấy,
còn sinh ra liều lĩnh hơn. Bản tính nó như vậy, không thích ai đối xử mạnh bạo
với mình. Càng mạnh bạo với nó, nó càng làm quấy nhiều, để tỏ sự phản đối, dạ
gan lì. Ba má nó chẳng rõ thế, nên phải lầm to trong công việc dạy bảo nó vậy.
Rồi một hôm, nghe lời xúi
dục của bạn bè, Minh lén đánh cắp của ba má nó một số bạc lớn, bỏ trốn đi ăn
xài một phen cho thỏa thích. Ba má nó tức giận đăng báo từ nó luôn.. Thế là nó
trở thành một đứa trẻ hoang.
Ở không xài phí mãi rồi tiền
cũng hết, Minh phải ăn nhờ ở đậu nơi nhà người ta. Những kẻ chứa nó tất nhiên
không thuộc hạng tốt. Họ bắt nó làm những chuyện xằng bậy như họ. Họ dắt dẫn nó
đi sâu vào con đường tội lỗi. Nó lớn dần lên trong bóng tối. Và, cho đến một
ngày kia, nó trở thành một tên trộm lành nghề. Khó ai biết được dĩ vãng của nó,
vì con người nó thay đổi, tên nó cũng đổi. Cái tên Minh đẹp đẽ quá, tươi sáng
quá không hợp với hiện tại của nó chút nào. Nó chọn một tên khác biểu hiện cho
cuộc sống bất lương: Tư Búa!...
Kể đến đây Tư Búa rút lấy
điếu thuốc cuối cùng trong cái bao giấy, bật quẹt hút. Khói thuốc bay tỏa, như
niềm đau tỏa rộng trong lòng hắn. Ngôi nhà thấp lè tè, tranh tối tranh sáng
khiến nét buồn trên mặt hắn càng thêm sâu đậm. Gã trẻ tuổi nằm nghe chuyện trên
bộ vạc kế bên cũng lặng thinh, ngửa mặt nhìn lên mái lá, trầm tư theo dõi một
con nhện giăng tơ.
Đêm qua, sau khi trộm hụt và
suýt bị nguy ở ngôi nhà nọ, Tư Búa đã cõng tên trộm bị thương về nơi trú ngụ
của mình, băng bó cho y. Tuy chưa hề quen biết, song cùng cảnh ngộ, tự nhiên cả
hai thấy mến nhau nhiều, như đã thân từ trước. Vết thương của tên trộm trẻ tuổi
kia không nặng lắm, song đi đứng thật khó khăn. Tư Búa đã mời y ở lại tĩnh
dưỡng vài ngày, và y đã bằng lòng, sau khi hết lời cảm tạ. Chiều nay Tư Búa bắc
ghế ngồi bên gã bạn mới, thân mật chuyện trò. Hắn đã kể rõ những kỷ niệm buồn vui
trong đời và cả những nguyên nhân đưa hắn vào “nghề” như trên.
Im lặng mãi cũng khó chịu,
Tư Búa rít một hơi thuốc thật dài, quay hỏi tên trẻ:
- Rắc, còn mầy, trông mầy
bảnh trai quá, sao lại…
Rắc – tên gã nọ – mỉm cười:
-Tôi thì trái hẳn anh. Vì được mẹ nuông chiều
quá mà tôi hư đốn. Chắc anh cũng đoán biết, tôi là một thằng con lai. Tôi không
thấy mặt cha tôi ra sao, chỉ biết có mẹ. Mẹ tôi thương tôi, nhưng thương một
cách mù quáng. Bà chỉ nghĩ đến tôi, không cần biết phải quấy gì cả – Phải thành
thật mà nói như thế – Thường thường tôi đi chơi với chúng bạn có phá phách ai
bị họ mách lại, mẹ tôi chẳng những không rầy tôi lời nào còn bênh vực mắng át
lại người ta. Điều đó khuyến khích tôi làm bậy nhiều hơn. Kết quả là đến ngày
nay…
- Hiện giờ bà già ở đâu?
- Mẹ tôi hiện sống dưới
tỉnh, và cứ ngỡ tôi lên đô thành làm việc xưởng, như tôi đã nói dối với bà!
Trầm ngâm giây lát, Tư Búa
bảo:
- Nên làm ăn đàng hoàng lại
Rắc à. Nếu mầy cứ tiếp tục con đường nầy thì khó sống. Đây là một lời khuyên
thành thật, mầy hãy nghe tao!
Rắc nhìn hắn:
- Tôi đang tính như vậy. Còn
anh, cũng bỏ “nghề” chớ?
Tư Búa lắc đầu:
- Phải trước kia tao sớm
thức tỉnh, hay được ai khuyên bảo như mầy thì hay biết mấy! Bây giờ thì trễ lắm
rồi. Tao có muốn tìm việc làm chánh đáng cũng không xong. Người ta sẽ xét lai
lịch tao, và với những tiền án tao sẽ bị bỏ tù rục xương, Rắc à!
Ngừng một chốc, hắn tiếp:
- Nếu mầy trông gương tao mà
tránh, thì tương lai của mầy sẽ sáng lạng. Đừng như tao, ngày mai…
Vất tàn thuốc vào góc nhà,
hắn mỉm cười cay đắng:
- Ngày mai… không biết sao
mà nói!...
_____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II