Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

CHƯƠNG 3_HAI CHỊ EM LƯU LẠC



3

Tàu chạy gần đến Sàigòn, thì hai người trong số các người được vớt lên tàu bị bệnh tả. Bác sĩ thường trực trong tàu vội vàng lo cho họ ở riêng, và tìm phương cứu chữa. Ông Chánh và vài người đàn ông khỏe mạnh đã tiêm thuốc phòng ngừa, được đi lại giúp đỡ người bệnh. Mọi người trong tàu nhốn nháo lo sợ. Hai em Gương Lành nghe nói người làng bị bệnh tả thì ngồi khóc sụt sùi. Cậu Liêm hỏi thì hai em trả lời:

- Em thấy người ta bị bệnh tả, em nhớ đến má em cũng bị bệnh ấy mà chết. Má em vì săn sóc người bệnh nên bị lây, bây giờ ba em lại không sợ cứ đi giúp họ, lỡ may…

Cậu Liêm an ủi:

- Em đừng lo. Má em bị lây vì bà không được tiêm thuốc phòng ngừa, còn ba em đã được bác sĩ tiêm thuốc phòng ngừa, làm sao mà bị lây được.

Sau nửa ngày chạy chữa vô công hiệu, hai người bị dịch tả chết. Người ta phải làm lễ thủy táng. Và lập tức mọi người trong tàu đều được tiêm thuốc phòng ngừa bệnh dịch tả. Tàu đến hải phận Sàigòn, có chiếc tàu nhỏ ở Sàigòn, chở một hoa tiêu khác ra lái tàu lớn vào sông. Ông Thuyền trưởng đánh điện cho nhà cầm quyền ở Sàigòn hay, trên tàu có hai hành khách bị dịch tả chết. Lập tức có lệnh tống đạt lại, truyền mọi người trong tàu không được lên đất. Tàu cập bến Khánh Hội, nhà cầm quyền và một bác sĩ chuyên môn lên tàu khám nghiệm. Họ cho phép các hành khách được lên đất, nhưng phải tạm trú trong một ngôi nhà gần Thương khẩu. Trong thời gian 40 ngày, nếu triệu chứng dịch tả không tái phát, họ mới được về nhà. Trong thời gian này, cấm mọi người không được tiếp xúc với người ngoài. Lệnh truyền ra, ai nấy đều buồn bã, nhất là các hành khách chính thức của tàu, họ đâm ra bực tức với những người bị nạn chìm ghe.

Ông bà Thành Hưng được tin con về bằng đường thủy, liền đi đón, nhưng khi nghe cớ sự, ông bà bồn chồn lo lắng. Cậu Liêm viết thơ nhờ một người cảnh sát thương khẩu chuyển giao cho cha mẹ yên lòng. Trong thơ, cậu cũng bày tỏ với cha mẹ về hoàn cảnh của cha con ông Chánh, cậu ngỏ ý ước ao cha mẹ thuận ý vận động xin nhà cầm quyền cho nhận lãnh cha con ông về nuôi, đồng thời cậu xin cha mẹ gởi tiền bạc, bánh kẹo và mua quần áo theo kích thước cậu đã đo, gởi vào cho hai em Gương Lành mặc. Ông bà Thành Hưng, tuy chưa biết cha con ông Chánh là người thế nào, nhưng vì thương con, nên ông bà đã làm mọi sự như ý con xin, và cho người nhà đem vào. Vận động mãi, người nhà mới được phép gặp cậu Liêm. Cậu mừng rỡ, lấy quần áo mới cho hai em Gương Lành mặc, còn tiền bạc, bánh kẹo, thì cậu phân chia đều cho hết mọi người bị nạn, vì cậu hy vọng thế nào cha mẹ cậu cũng xin được nhà cầm quyền cho nhận lãnh cha con ông Chánh ở lại đất Sàigòn, nên cậu không đưa tiền bạc gì cho ông Chánh. Trong mấy ngày trên tàu, và thời gian tạm trú ở bến Khánh Hội, cậu Liêm và hai em Gương Lành không rời nhau nửa bước. Một hôm, nhân lúc không có ông Chánh, cậu Liêm hỏi hai em:

- Anh muốn đem hai em về ở với ba má anh, và anh em ta sẽ đi học với nhau, các em có bằng lòng không?

Em Gương thưa nhỏ nhẹ:

- Em muốn lắm mà không biết ý ba em thế nào?

Cậu Liêm thừa dịp, đem ý mình nói với ông Chánh, nhưng ông Chánh đã từ chối:

- Cậu ơi! Cha con tôi được cậu thương yêu giúp đỡ thế nầy, thì thiết tưởng suốt đời kết cỏ ngậm vành, chúng tôi cũng không thể đền ơn cậu được, nhưng ngặt vì các người làng tôi bỏ nhà ra đi, là do tôi đề xướng dẫn dắt, nay nửa đường chưa đến nơi đến chốn, tôi lại bỏ họ bơ vơ thì mất chữ thành tín. Chi bằng cậu để cho tôi lo việc cho họ yên đâu đó, rồi sau nầy, nếu ông bà và cậu xét tài hèn trí mọn của tôi, có thể giúp đỡ được việc gì cho ông bà và cậu, bấy giờ tôi xin vâng ngay.

Ở nhà, ông bà Thành Hưng cũng làm đơn trình lên phủ Thống Sứ để xin bảo lãnh cha con ông Chánh, nhưng lá đơn bị trả về. Nhà cầm quyền đòi điều kiện phải có đủ giấy chứng chỉ hạnh kiểm lương thiện nơi ông Chánh cư trú, mới cho phép ông ở lại Sàigòn.

Hai lần thất vọng, cậu Liêm buồn rầu khôn xiết. Cậu khóc tấm tức. Hai em Gương Lành không biết nguyên do, liền hỏi:

- Làm sao anh Hai khóc? Anh Hai nhớ ba má à?

Thấy sắp phải xa hai em nhỏ đơn sơ, dễ thương, cậu Liêm lại càng buồn. Ông Chánh cũng biết thế, nhưng ông không tìm giải pháp nào làm vui lòng cậu được. Thời hạn 40 ngày qua, bác sĩ chứng nhận bệnh dịch tả không còn tái phát nữa, nhà cầm quyền cho các hành khách về nhà, còn các người bị nạn bão, đều được lên chiếc tàu nhỏ trở ra Phan Thiết. Ở đó nhà cầm quyền địa phương sẽ đem họ đến Sông Lũy và giúp họ công việc sinh sống. Mọi người vui mừng thỏa mãn ; riêng cậu Liêm và cha con ông Chánh buồn bã chua xót.

Sáng ngày, lúc mọi người sắp sửa lên tàu ra Phan Thiết, cậu Liêm đưa chiếc vali của mình cho ông Chánh và nói:

- Cháu không ngờ sự thể xảy ra ngoài ý muốn, cháu xin bác cầm lấy vali của cháu đây, trong đó có nhiều quần áo bác dùng được. Ít lâu nữa cháu sẽ liệu ra tìm bác và hai em.

Cậu Liêm ôm choàng lấy hai em Gương, Lành, vừa hôn vừa khóc:

- Thôi anh Hai tạm biệt hai em. Ít lâu nữa, anh sẽ đem hai em về ở với anh.

Nói xong, cậu tháo chiếc dây vàng đeo vào cổ cho em Gương và mở chiếc “lắc” bạc mang vào tay cho em Lành:

- Hai em giữ lấy kỷ niệm nầy để nhớ đến anh!


Trong số những người đáp tàu đi Phan Thiết hôm nay, có cả bác sĩ đã khám bệnh cho các hành khách chuyến tàu vừa rồi. Ông đi Phan Thiết để đón gia đình ông đang ở đó, ra Nha Trang nghỉ. Cậu Liêm giới thiệu cha con ông Chánh với bác sĩ và xin bác sĩ giúp cho ông và các người làng khi đến Phan Thiết có phương tiện đi Sông Lũy.

Tàu ra đã khá xa, mà cậu Liêm vẫn đứng sững nhìn theo. Ông Chánh đứng trên boong tàu, nghẹn ngào nhìn xuống bến, còn hai em Gương Lành thì mếu máo gọi:

- Anh Hai ơi! Anh Hai ơi, mau ra đón các em nghe, anh Hai!

Cậu Liêm trở về nhà nét mặt buồn thiu. Cha mẹ cậu hỏi thì cậu rưng rưng nước mắt trả lời:

- Cha con ổng lên tàu đi Phan Thiết rồi!

Ông Thành Hưng an ủi con:

- Thôi con đừng buồn, để ít lâu ba sẽ xin phép, lo liệu cho cha con ổng vào ở với mình.

Bà Thành Hưng thắc mắc:

- Hai đứa nhỏ tánh tình ra sao mà con thương dữ vậy? Một mình con chẳng sung sướng hơn sao mà còn thích có em nuôi?

- Má chưa biết đó, chớ má nói chuyện với hai đứa nhỏ một chặp, rồi má còn thương hơn con đẻ của má nữa! Thiệt con chưa hề thấy hai đứa nhỏ nào như hai đứa nhỏ nầy. Nét mặt chúng lúc nào cũng vui tươi, hiền lành, tánh tình thật thà, dễ thương hết sức!

Cậu Liêm về nhà đã hơn 10 ngày, mà chưa thấy cha đi Sông Lũy thì cậu hối thúc, nhưng ông Thành Hưng phần vì bận việc, phần thì có ý hứa sơ qua cho con yên lòng, chớ không có ý đi thật, nên chỉ ầm ừ không nhất định. Cậu Liêm thấy vậy buồn lắm, cậu bỏ ăn rồi phát bệnh, bà Thành Hưng bàn riêng với chồng:

- Thuở nay thằng con mình chưa hề xin điều gì quấy quá, có lẽ nó nhận xét cha con ông Chánh đúng đó! Thôi để tôi coi cửa hàng, mình xin giấy đi ra Sông Lũy thử xem. Nếu quả thật như lời con nói thì mình bảo lãnh đem về, bằng không, mình về bảo nó là cha con ổng không muốn vào nữa, chẳng sao!

Ông Thành Hưng tán thành ý kiến vợ. Thấy cha sắp sửa đi Sông Lũy, cậu Liêm mừng quýnh đòi đi theo, bị cha cậu rầy:

- Bộ con tưởng ba không biết đàng đi Sông Lũy sao? Ba đi vắng thì con phải ở nhà với má con chớ. Được việc ba sẽ tin về ngay cho con khỏi trông!

Cậu Liêm tiu nghỉu, nhưng cũng mừng thầm, ít nữa cha cậu sẽ đưa tin về. Ông Thành Hưng lấy vé đi Sông Lũy. Đến nơi ông hỏi thăm tin tức mấy người Quảng Nam mới đến làm ăn nơi đây. Người ta chỉ chỗ họ ở cho ông. Ông đến nơi, thấy mọi người đang ở tạm trong đình làng. Khi mấy gia đình nầy đến Phan Thiết, nhờ ở Sàigòn thông báo trước, nhà cầm quyền địa phương đã giúp đỡ họ di chuyển về Sông Lũy và ông Lý trưởng sở tại đã cho họ tạm trú trong đình làng, chờ làm xong nhà riêng cho mỗi gia đình. Công việc làm thì không thiếu : ai muốn đi hái bông, cán bông thuê tùy ý, ai muốn nhiều tiền hơn thì đi phát rẫy, vỡ đất cày thuê. Xem ra ai nấy đều thỏa mãn. Mấy người nghe nói thân sinh của cậu Liêm đến, liền xúm lại chào hỏi, ca tụng công ơn cậu Liêm đã giúp đỡ họ. Họ khen ông có phước, vì được một người con hiền đức. Ông Thành Hưng nghe người ta khen con mình, lấy làm cảm động lắm. Ông hỏi thăm cha con ông Chánh, thì họ cho biết:

- Khi tàu tới Phan Thiết, thì ông bác sĩ muốn cho hai đứa nhỏ con ông Chánh, đi với gia đình ông ra Nha Trang chơi vài tuần. Phần chúng tôi, cũng đã có nhà cầm quyền giúp đỡ cho đủ phương tiện, không cần có ông Chánh, nên ổng đi theo con ra Nha Trang, chừng vài tuần sẽ trở lại.

Ông Thành Hưng nghe nói thế, vội vàng phân phát chút quà cho họ, rồi từ giã, kiếm xe ô tô đi ngay ra Nha Trang. Đến Nha Trang thì trời đã sáng, ông tìm khách sạn ăn uống, nghỉ ngơi một lúc rồi đi tìm cha con ông Chánh. Ông Thành Hưng không biết tên ông bác sĩ nên chẳng biết cách nào mà tìm, cứ đi lang thang cầu may. Ông ta đi một vòng lên ga xe lửa rồi xuống đường lộ dọc theo bờ biển, bỗng ông gặp một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc theo lối quê, tay xách vali vừa đi vừa khóc, ông liền chạy lại hỏi:

- Chào ông, chuyện gì mà ông khóc?

Người đàn ông mếu máo:

- Ôi! Hai đứa con tôi bị nạn xe lật, chết cả rồi!

Nói xong ông lại khóc to hơn. Ông Thành Hưng thấy chiếc vali người ấy cầm là của con mình, thì đoán chắc đó là ông Đặng Trung Chánh, nên hỏi dồn dập:

- Có phải ông là ông Đặng Trung Chánh không? Hai con ông bị nạn xe làm sao, xin kể hết cho tôi nghe. Tôi là thân sinh của cậu Liêm đây!

Người đàn ông lau nước mắt, trả lời:

- Phải, tôi là Đặng Trung Chánh. Cha con tôi được cậu Liêm giúp đỡ tận tình. Khi chúng tôi từ giã cậu để đi Phan Thiết, thì có một ông bác sĩ đi cùng chuyến tàu. Ông ta thích nói chuyện và dẫn hai cháu đi chơi trong tàu. Ra Phan Thiết, ông lại ngỏ ý muốn đem chúng nó đi theo gia đình ông ra Nha Trang vài tuần, rồi ông sẽ cho xe đưa về Sông Lũy. Tôi thấy ông tốt quá, đành theo ý ông. Tới đây ổng thuê phòng trọ cho cha con tôi ở, còn gia đình ổng thì ở lại trong nhà một người bạn. Hằng ngày ổng cho xe đến đón các cháu đi tắm, đi xem phong cảnh với hai con ổng. Sáng hôm qua, ổng lại đem các cháu đi chơi Hòn Chồng, rồi đi Ninh Hòa, hẹn đến chiều thì về. Mãi đến tối mịt, tôi cũng chưa thấy, liền chạy đến nhà ông hỏi thăm, thì người nhà cho biết xe ông bị lật, ông bà bị thương nặng, còn mấy đứa nhỏ thì có lẽ chết cả rồi, vì trong nhà có người đi ra chỗ xảy ra tai nạn mà chưa về, nên chưa được tin đích xác!

Ông Thành Hưng an ủi:

- Thôi chúng ta trở về nhà trọ đợi tin. Họ nói có lẽ chớ họ có biết rõ ràng gì đâu mà ông vội buồn!

Ông Chánh dẫn ông Thành Hưng về nhà trọ, ông chỉ cái vali cho ông Thành hưng xem và nói:

- Đây là cái vali của cậu Liêm giao cho tôi khi ở bến tàu Khánh Hội. Tôi không muốn nhận, nhưng sợ cậu buồn, nên cầm đem theo chớ thiệt tôi có cần dùng gì đâu.

Hai người đang nói chuyện thì một người thanh niên đi vào hỏi thăm:

- Ở đây có ai tên là Đặng Trung Chánh không?

Ông Chánh vội vàng đứng dậy trả lời:

- Tôi đây, tôi là Đặng Trung Chánh.

- Thế thì ông lên nhà cho ông Bác sĩ gặp.

- Thưa cậu, thế ông Bác sĩ về nhà rồi à? Ông bị thương nặng nhẹ? Mấy đứa con tôi có sao không, cậu?

- Thưa, tôi không biết việc gì hết, tôi đang làm việc, thì có người ra bảo đem xe đến đón ông lên. Thôi xin ông ra đi với tôi.

Ông Thành Hưng cũng lên xe đi với ông Chánh. Đến nơi, vừa xuống xe thì hai em Gương lành ở trong nhà chạy ra ôm chầm lấy ông Chánh:

- Ba ơi! Ba ơi!

Ông Chánh sửng sốt ôm lấy hai con và hỏi dồn dập:

- Hai con không bị gì cả à? Ba nghe nói xe Bác sĩ bị lật mà?

Em Lành nhanh nhẩu:

- Xe Bác sĩ bị lật ba à, mà không có ai bị nặng, chỉ có ông bà ngồi đàng trước bị thương nhẹ nơi chân. Còn hai con ông bà và chúng con ngồi đàng sau, thì lộn tùng phèo đè lên nhau, chỉ đau một tí thôi!

Ông Chánh sực nhớ đến ông Thành Hưng đang đứng đó, vội vàng đứng dậy bảo hai con:

- Này hai con, đây là ông thân của cậu Liêm!

Hai đứa nghe nói đến cậu Liêm thì chạy a lại, nắm tay ông Thành Hưng hỏi tíu tít:

- Thưa ông, anh Hai đâu, các cháu nhớ anh Hai lắm!

Ông Thành Hưng cúi xuống vuốt tóc hai em, chưa kịp trả lời, thì người thanh niên hồi nãy đã ra, giục tất cả vào cho ông Bác sĩ gặp. Ông Bác sĩ nằm trên ghế dựa, một chân quấn băng trắng. Bác sĩ kể chuyện tai nạn cho ông Chánh nghe rồi nói tiếp:

- Ngày mai, sẵn xe chúng tôi vào Phan Thiết, chúng tôi đưa ông vào Sông Lũy, còn hai đứa nhỏ, tôi nghĩ ông nên cho chúng nó đi học, vợ chồng tôi sẽ bảo lãnh cho ít năm. Hai đứa nhỏ sáng trí lắm, nên cho đi học đã, chớ ông đem chúng nó vào chỗ rẫy bái làm gì?

Ông Chánh ngần ngại chưa biết trả lời thế nào, thì ông Thành Hưng bước lại gần chỗ Bác sĩ nằm và trình bày tự sự : nào lúc cậu Liêm gặp cha con ông Chánh ở Đà Nẵng, nào lúc cha con ông bị chìm ghe v.v… rồi ông nói tiếp:

- Thưa Bác sĩ, vợ chồng chúng tôi hiếm hoi, chỉ được một đứa con trai đó. Nay chúng tôi thấy cha con ông Chánh đây là người có thể giúp chúng tôi trong việc buôn bán, còn hai đứa nhỏ, sẽ cho ăn học theo con chúng tôi.

Bác sĩ mỉm cười quay lại hỏi hai em Gương Lành:

- Hai cháu muốn ở lại đây, hay là về ở với cậu Liêm?

Em Gương không dám trả lời, còn em Lành nhanh miệng thưa:

- Thưa Bác sĩ, các cháu muốn về ở với cậu Liêm!

Bác sĩ cười to lên:

- Thế thì hay lắm! Sáng mai, cha con ông vào Sông Lũy thăm mấy người làng, rồi lên xe lửa đi thẳng vào Sàigòn với ông Thành Hưng luôn. À mà cha con ông chưa đủ giấy tờ để vào Sàigòn đâu!

Bác sĩ suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Nhưng mà được, tôi sẽ viết giấy bảo lãnh cho.

Ông Chánh và ông Thành Hưng vui mừng cúi đầu cám ơn Bác sĩ. Hai em Gương Lành chạy lên lầu từ giã bà Bác sĩ và hai cô cậu, con ông bà, rồi trở xuống chào ông Bác sĩ. Bác sĩ hôn hai em một cách thiết ái:

- Thôi hai cháu về, sáng mai ông sẽ cho xe xuống đón.

Dọc đường, cả hai em cười nói huyên thuyên và hỏi tíu tít ông Thành Hưng về anh Hai. Ông Thành Hưng thấy hai đứa nhỏ đơn sơ, dễ thương, ông mừng lắm. Ông hỏi:

- Anh Hai nhớ các cháu lắm, mà các cháu có nhớ anh Hai không?

Cả hai la lên:

- Thưa ông, chúng cháu nhớ lắm, chớ sao lại không?

Em Gương kéo sợi dây chuyền vàng mang trong cổ ra khoe:

- Mỗi lần cháu nhớ anh Hai, cháu lại cầm lấy sợi dây anh Hai đã cho cháu đây.

Em Lành giơ cánh tay trái lên:

- Còn cháu, khi nhớ anh Hai cháu lại rờ vào cánh tay này!

- Sao cháu lại rờ vào cánh tay ấy để nhớ anh Hai?

Lành xắn tay áo lên tận vai : chiếc “lắc” cậu Liêm cho nó rộng quá, nên nó phải đeo ở phía trong cùi tay:

- Cháu rờ vào cái “lắc” anh Hai cho cháu đây!

Ông Thành Hưng trông thấy, ôm bụng cười ngặt nghẽo…

Sáng hôm sau, cả bốn người lên xe đi với gia đình ông bà Bác sĩ vào Sông Lũy. Đến đây, gia đình ông Bác sĩ đi thẳng về Phan Thiết. Còn cha con ông Chánh sau khi đi hỏi thăm người làng, cũng từ giã họ, lên xe lửa vào Sàigòn với ông Thành Hưng. Ở Nha Trang, ông Thành Hưng đã đánh dây thép tin cho cậu Liêm nên khi xe lửa gần đến ga Sàigòn, hai em Gương Lành đã thấy anh Liêm đứng trước sân ga. Xe vừa ngừng, hai đứa đã chạy xuống, đứa bá cổ, đứa níu tay anh vui mừng khôn xiết.

Tối hôm ấy, trong nhà ông bà Thành Hưng thật là vui vẻ. Hai đứa nhỏ quấn quít bên anh hai. Bà Thành Hưng cảm động, ẵm em Gương vào lòng. Đã lâu lắm, bà không được hưởng giây phút êm đềm tình mẹ với con thơ. Phần em Gương mấy tháng trời mồ côi mẹ, nay em dựa đầu vào lòng bà Thành Hưng, em cảm thấy như được chính mẹ em vuốt ve âu yếm…

Từ hôm ấy, mỗi lần bà Thành Hưng đi chơi đâu cũng dẫn hai đứa nhỏ đi theo. Em Gương trong bộ quần áo may cắt theo lối thị thành trông dịu dàng và xinh đẹp hơn trước, còn Lành, bận đồ “soóc” đi giày, trông gọn ghẽ và “oai ra phết”. Những người quen biết thấy bà Thành Hưng dắt hai đứa nhỏ đi chơi thì lấy làm lạ:

- Hai em nhỏ nào đó bà?

- Hai đứa con nuôi tôi đó!

- Thế hả bà? Hai đứa trông xinh dễ thương quá, bà à!

Bà Thành Hưng thấy người ta khen, tỏ vẻ vui thích lắm.

Suốt đầu tuần lễ đầu, ngày nào cậu Liêm cũng dẫn ông Chánh và hai em đi xem thành phố Sàigòn. Hôm được vào xem vườn Bách thú, em Lành về bi bô kể truyện con cọp, con voi, con khỉ, em vừa kể vừa bắt chước điệu bộ của chúng, khiến mọi người cười vang nhà.

Hai đứa nhỏ được đi chơi, xem không biết chán. Đối với chúng nó, Sàigòn cái gì cũng lạ và cũng đẹp hết. Còn ông Chánh lấy làm phân vân, ông nói với ông bà Thành Hưng:

- Thưa ông bà, cha con tôi thiệt là có phước lắm, vì được ông bà thương giúp. Nhưng tôi thấy ông bà tử tế quá cũng sinh ngại ngùng. Tôi muốn ông bà coi tôi như một gia nhân, giao cho công việc làm, chớ ăn rồi đi chơi phố như thế nầy, tôi lấy làm khó xử quá!

Ông Thành Hưng cười:

- Có gì mà ông nghĩ xa xôi. Ông cũng lao đao vất vả bấy lâu nay. Mới vào, tôi thấy ông cần phải nghỉ ngơi một vài tuần. Chúng tôi không muốn coi ông như kẻ ăn người ở đâu. Nào chúng tôi có hơn gì ông đâu, chẳng qua vì hoàn cảnh xui khiến ra như thế, để chúng ta được gặp nhau, giúp đỡ nhau đó thôi.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 4