- Một cây số đi
chân mỏi ghê, mỏi gớm…
- Suỵt, nghe
tôi hát, vầy nè:
Một cây số đi
chân rồi đường còn xa lắm không?
Một cây số đi
chân rồi ôi tiếc quá đôi giày.
Một… Hai… Hai
cây số đi chân rồi…
- Thôi, “tốp”
bớt, đi hoài tả tơi còn gì?
- Anh này nhà
quê, chẳng giống tôi tí nào.
- Giống sao
được, chú mày là giày trái quen thói ngược ngạo. Mệt đứ đừ vẫn cứ sinh chuyện
gây gổ.
- Anh này lạ
chưa, lý lẽ của anh chưa chắc đã luôn luôn đúng. Đó, lại giành bước trước.
- Ối, ai cứu
chúng tôi. Hai anh giày ác quá, mù hay sao mà bước xuống vũng sình?
Những bước chân
các thiếu sinh rầm rập tranh nhau chui qua lỗ cống lù, theo đúng mật lệnh trong
trò chơi lớn. Còn sót lại một bóng bé nhỏ khập khễnh quậy tạy trong bùn sình
hôi thúi.
Đôi vớ rùng
mình tịt mũi. Anh giày trái vừa bị túm lên, nhểu nước đen ròng ròng. Anh chàng
xấu hổ phân bua:
- Tôi đâu có
muốn phiêu lưu.
- Dạ, anh tài
lắm, giá mà anh dây giày xỏ mũi anh của anh chặt chịa hơn.
- Ậy, đừng
buồn. Bây giờ ca lên cho đời thêm tươi:
Ba… cây số đi
chân rồi, ôi tiếc quá đôi giày…
- Chán phèo,
anh nói đến cái tôi hơi kỹ.
- Hễ nói đến
giày là biết có vớ liền. Phải không anh giày phải?
- Lần này chú
mày nói một câu nghe được.
- Thôi đi, lỡ
giày “săng đan” thì sao?
- Mấy nhà tu
hành cũng dùng vớ chớ bộ.
- Họ đi chân
đất mà.
- Mấy bà Sơ,
ông Cha cẩn thận lắm. Và còn người bệnh sợ gió nữa. Vớ hữu dụng vô cùng.
Đôi vớ nghe
khen, nở phồng cả người.
Quả vậy, chả là
vớ nở ra vì thấm nước. Cậu bé vừa nhúng cả giày lẫn vớ xuống ao bèo. Cậu vắt
đôi vớ hết sức mình, đeo giày lên vai. Lâu ngày da thịt tiếp xúc với mặt đất
lấy hơi cậu bé cũng cảm thấy thú. Nhẹ tênh! Cậu dư sức vượt kịp đội mình.
Đôi giày nằm
lăn lóc, mỗi chiếc một nơi. Tha hồ phơi nắng. Chúng khát đến há hốc mõm ra. Bây
giờ giày đã biết nước đi đâu. Nước hóa hơi bay êm thấm. Giày vớ làm hòa với
nhau. Anh giày phải binh đôi vớ. Anh giày trái có bài hát vô lý, với câu chót
là:
- Vớ sao vào
nồi cơm…?
Giày trái cố
cãi:
- Rõ ràng, tôi
nghe người ta hát. Hổng tin hỏi anh tập nhạc thử.
- Ui da, chị
cứu thương vô duyên. Thân poncho tôi chỉ còn mỗi tấm da, nào có êm ái như anh
nệm hơi mà chị rơi như trời giáng vậy.
- Xin lỗi quí
vị, mệt quá. Và tôi bị liệng một cách rất ư là tàn nhẫn. Tàn nhẫn như cái đinh
rỉ đã đâm vào gót chân…
- Khiếp! Chắc
chết hết?
Vớ nhao nhao lo
lắng. Gió vừa đưa vớ đáp cạnh chị cứu thương.
- Chưa sao.
Lủng giày và vớ thôi.
- Ồ! Bạn tôi.
- Máu ra nhiều
lắm. Này, đừng sợ. anh chàng vớ nọ tuy bị thương tích nhưng thấy máu đỏ, chính
là thuốc bị vấy qua mà thôi.
Đôi giày trại
thở phào nhẹ nhõm. Chị cứu thương lạnh lùng nói tiếp:
- Coi chừng tới
phiên các anh, tôi hết cả bông, băng rồi đấy. Anh sổ tay cho biết vùng này
miểng chai, đinh, sắt nhiều lắm… Nghĩa địa rác mà lỵ.
Chị cứu thương
tự cho đã làm xong bổn phận. Nắp đóng cẩn thận, và chị thiếp đi. Hình như đôi
giày bị bỏ rơi. Ban đêm “ca” hoạt động của mấy đôi dép. Dép xào xạc lê trên nền
lớp học, lặng lẽ chuyện trò. Nhiều đôi dép ngủ sớm. Dép sợ tai nạn, dù các cậu
bé trấn an bằng các anh đèn pin, đèn bão. Dép làm sao so với giày bố dày cui.
Không có dép, các cậu bé chịu khó ở dơ một chút. Không có giày mới nguy.
Nhưng có vài
cậu lười biếng, chẳng biết giữ gìn vật dụng đi trại. Thường thì sắp đến kỳ trại
mới lo tu bổ săn sóc. Đôi giày thật tội nghiệp. Có lẽ ở tù chung thân còn sướng
hơn chúng, vì có người săn sóc thường xuyên. Đằng này chúng như bị vứt bỏ. Cậu
bé đi tìm lăng xăng. Cán chổi khều anh giày trái ở gầm giường. Anh giày phải
thì bẹp dí dưới sức nặng của ông ba lô. Ông khổng lồ chứa trong bụng lắm loại
lỉnh kỉnh. Bụi nhiều vô kể. Thêm đất đỏ lỳ lợm từ kỳ trại theo về. Chúng rủ rê
lũ nhện giăng tơ để quấn thêm bụi rác làm bè đảng. Cậu bé phủi sơ sịa. Móc đôi
vớ ra xem xét, cậu bé thầm tính: “Thủng gót, lòi mấy đầu ngón chân. Không sao
cả. Mang đại vào, kỳ sau vất thùng rác là vừa… Còn đôi giày. À, à…”
- Khoan cậu ơi,
tụi này xin đi theo cậu mãi, chớ vứt tụi tôi vào thùng rác. Vĩnh biệt các bạn!
Lũ dụng cụ đi
trại sụt sùi từ giã đôi giày trại. Nhất là chị cứu thương. Chị hối hận đã không
chữa bệnh cho đôi giày trại. Thuốc gì chị cũng có, nhưng chị ích kỷ không phát.
Chị đổ thừa đôi giày hay hát nên sinh rộng mõm, nhức miệng. Chao ơi! Chị không
biết thưởng thức âm nhạc, và chị quên rằng: “bệnh của giày đã có mấy ông thợ
sửa giày”.
Thêm lần nữa,
đôi giày đi theo cậu chủ một cách thảnh thơi. Chúng đong đưa trên ghi đông xe
đạp, và giũ lũ bụi, đất lỳ lợm xuống. Nhưng bọn này ắt khỏi có ngày về. Cậu bé
đã mặc cả xong xuôi.
- Bác khâu gấp
giùm cháu. Thứ sáu cháu lấy để còn kịp đi cắm trại.
- Yên chí, dán
keo, khâu chỉ đàng hoàng, xài tới mòn vẹt gót và mang không vừa mới bỏ. Mốt
nhé!
Đôi giày trại
muốn reo “hoan hô” thật lớn. Vậy là chúng có thể gặp lại anh em, bạn bè. Dĩ
nhiên công việc sẽ sai chạy, đều đặn. Chúng đỡ đần cho những gót chân bé bỏng
của cậu bé, che chở những chông gai, chướng ngại mà cậu mạnh dạn lướt qua. Chen
vào giữa những anh giày da sang trọng đã sờn, đôi giày bố hiên ngang hát, mặc
ai khó chịu:
“Mang giày
vớ tốt, mang khăn áo lành
Tôi chào đất
nước tôi nay thái bình…”
Những chiếc
giày bật cười, chợt nhớ tiếc thời trai tráng vàng son khi xưa. Mõm anh nào cũng
hả lớn, đen ngòm và chẳng thấy răng đâu. Dù sao, đôi giày vẫn lạc lỏng. Chỗ của
chúng là đồng ruộng với núi đồi. Ở đó chúng sẽ tung tăng ca hát tự do hơn. Bác
thợ giày lơ đãng cầm chúng lên ngắm nghía. Bác gật gù chê bai:
- Điệu này chỉ
tổ tốn keo.
Đôi giày trại
hơi buồn khi nghĩ đến những ngày sắp tới. Hy vọng chất keo của bác thợ giày
không bền bỉ để chúng mau được há họng ra.
Phan Khương Thái