Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

CHƯƠNG V_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ


CHƯƠNG V

GIƯƠNG BẪY


Phong không mong tìm ra đầu mối tung tích bọn gian khi vào quán ngồi ăn bữa trưa như Minh. Chàng biết ở đời những sự trùng hợp rất hiếm khi xảy ra. Phong lân la hỏi người chủ quán hủ tiếu bằng tiếng Tàu về lũ khách say lạ lùng buổi sáng Minh điện thoại cho chàng. Phong học tiếng Tàu đã ba năm nay, chàng rất thông minh và miệng lưỡi liến thoắng nên từ lâu chàng rành tiếng Quảng Đông như tiếng Việt :

- Tôi thấy sáng nay ở quán có món sộp cho ông chủ lắm mà. Phải không ?

Người Việt gốc Hoa bao giờ họ cũng thích những người biết tiếng Tàu. Nước Việt Nam chỉ là quê hương thứ hai của họ mà thôi. Người chủ quán cũng theo thông lệ ấy.

- Sộp thật nhưng nhiều rắc rối lắm. Anh có biết Cảnh sát hỏi thăm quán tôi không ?

Tử tế lắm ông ta mới trao đổi được bấy nhiêu lời. Phong thấy coi bộ ông ta lảng đi, vội vàng gợi chuyện :

- Cảnh sát đến làm gì ?

Phong lúc sáng nay chỉ đứng ở vòng ngoài, không ai chú ý thấy rõ mặt chàng dù chàng chở Minh về nhà vì chàng muốn như thế. Ông chủ quán cũng tưởng chàng là khách lạ qua đường rỗi thì giờ ngồi nói chuyện chơi mới bảo :

- Năm thằng cũng người Tàu đến đây nhậu. Có một thằng nhỏ người Việt Nam ngồi ăn mì rồi ra khỏi quán gọi điện thoại đi đâu không biết. Một tên Tàu khác đến nói vài câu với tụi năm thằng ban nãy rồi ra xe xích lô đạp định tông và gây sự với thằng nhỏ...

- Thế mấy đứa người Tàu ấy có thường đến đây nhậu không ?

Ông chủ lắc đầu :

- Không bao giờ. Chúng hoàn toàn lạ mặt. Sáng nay tôi vừa mở cửa quán được một chút là tụi chúng vào. Tôi thấy chúng chẳng phải dân lao động quanh đây.

Phong chẳng lạ gì những lời ông chủ nói. Vì ngay trước khi chở Minh ra xe hơi chàng đã được ông Cò cho biết sơ qua lời khai của người nhân chứng là chủ quán hủ tiếu. Bọn gian nọ đối với ông rất lạ. Chàng nghe có lý và tin người chủ quán nói sự thật với Cảnh sát nên mới bố trí vụ làm chiếc vòng giả với bà Long. Bây giờ chàng đến kiểm chứng lại, thế thôi. Phong hơi thất vọng vì chàng chẳng moi móc được gì thêm ở ông chủ quán.

Phong dọn đường rút lui :

- Cảnh Sát hỏi thăm quán, ông chủ sợ gì ? Sợ bị "hỏi thăm" tới sổ sách lắm hả ?

Ông ta nhăn mặt cười trừ. Rồi nói :

- Thì tôi là người buôn bán mà. Chắc anh có quen người Tàu lâu năm rồi phải không ? Giọng nói giống lắm.

Phong bịa ra :

- Ba tôi người Việt. Má tôi là Tàu. Đến đời tôi thì vợ tôi... là Tàu. Nhưng tôi ở nhà bắt nói tiếng Việt là ngôn ngữ quê hương ba tôi.

Ông ta biểu đồng tình :

- Đàn ông phải có oai quyền trong gia đình chớ. Nhưng tôi thích... tiếng Tàu hơn.

Phong cốt ý la cà cho đến 2 giờ trưa là giờ bắt đầu công tư sở làm việc. Bây giờ nhìn đồng hồ 2 giờ kém 15 chàng cáo biệt :

- Chào ông chủ. Chúc ông buôn may bán đắt. Lúc nào rảnh tôi ghé thăm.

- Anh cứ lại ăn. Tôi tính giá rẻ đặc biệt.

Phong đến tòa báo đầu tiên lúc 2 giờ. Người giữ mục quảng cáo chưa đến. Chàng phải ngồi chờ. Cô mặc áo dài nâu nhạt có lẽ bận trang điểm nhiều nên 2 giờ 15 mới đủng đỉnh đến ngồi vào bàn. Phong bắt đầu câu chuyện :

- Tôi muốn đăng quảng cáo lớn… ngay số báo chiều nay.

Cô ta trợn mắt :

- Ngay chiều nay ? Làm sao kịp ? Tôi không nhận được quảng cáo này.

Phong "ga-lăng" :

- Cô nói chuyện hay lắm. Tôi nghe giọng cô như chim hót. Tôi có một chị bạn cũng người Huế như cô. Chị ấy cũng dễ thương như cô vậy.

Chàng ngừng lại một chút đợi phản ứng cô gái. Quả nhiên cô ta mất hết… vẻ cáu kỉnh, và cúi đầu dịu dàng, cho tương xứng với lời chàng khen. Phong năn nỉ :

- Ông chủ tôi bảo tôi đi đăng quảng cáo cho cuộc triển lãm đồ cổ của ông vào sáng mai. Tôi quên khuấy đi mất. Mãi bây giờ mới nhớ ra. Mong cô giúp tôi nêu không tôi sẽ... mất việc. Tôi biết báo bây giờ gần lên khuôn nếu làm gấp vẫn còn kịp. Mãi tối bảy giờ mới phát hành cơ mà. Cô giúp tôi nhé ?

Cô gái hơi ngần ngại :

- Không phải tôi tiếc gì nhưng ông Quản Lý khó lắm...

Phong ngắt lời cô một cách dịu dàng :

- Cô nhận là có họ hàng bà con của cô đến nhờ đăng chắc ông Quản Lý sẽ nể cô làm việc ở đây mà nhận lời chứ ?

- Tôi chỉ sợ không giúp ông được như ý muốn.

- Tôi biết cô sẽ giúp được. Đàn bà con gái khéo nói thường làm người ta xiêu lòng hơn, phải không cô ?

- Tôi sẽ cố gắng hết sức. Chắc ông sẽ không thất vọng.

Phong trả tiền, chào cô và ra đi. Cũng tương tự ở những tòa báo và cơ sở quảng cáo khác, Phong không đến nỗi nào phải vào gặp nói chuyện thẳng với những viên Quản Lý khó khăn và mất cảm tình kia. Những cô gái trẻ tiếp khách hàng thân chủ đều sốt sắng giúp chàng hết lòng.

Phong còn có một dụng ý khác. Đó là chàng không thích cho có quá nhiều người có "địa vị lớn" trong giới thương mãi biết việc triển lãm quá gấp gáp của ông Lý Thường Phát. Chàng nghi ngờ Chu Quốc là quản lý hãng chuyên chở đường biển Mạnh Tư ắt phải quen biết nhiều với những viên Quản lý ở những xí nghiệp cung cấp dịch vụ khác. Những cô thư ký tiếp khách có biết chắc cũng không hại mấy.

Phong được rảnh rang (tạm thời thôi) và nhìn đồng hồ : 5 giờ đúng. Chàng ghé qua về nhà bà Long. Bà vẫn còn ở hãng. Phong phóng xe lại hãng. Bà Long khoe ngay khi vừa thấy Phong :

- Tôi chọn mãi mới được chiếc vòng nhựa trắng có cùng một kích thước với vòng cẩm thạch. Tôi nhuộm màu đỏ và cho máy mài lại. Khó nhất là phải làm cho nổi mấy đường gân màu đỏ cam. Nhờ cô Duyên chỉ dẫn tận tình chi tiết nên giờ đây tôi đoán anh trông thấy cũng phải nhầm giữa vòng thật và vòng giả. Này anh xem.

Phong ngắm nghía đôi vòng lóng lánh. Đẹp thật. Giống hệt cẩm thạch… bạc triệu, không có chỗ chê. Tuy thế Phong cũng hỏi Duyên :

- Duyên thấy thế nào ?

- Như khuôn đúc, chú ạ. Nhưng còn chữ "Chu" và "Vương" cháu không nhớ chữ Tàu nên máy khắc chưa được.

Phong gật đầu :

- Dễ quá. Để chú viết cho.

Chàng viết hai chữ Chu và Vương theo đủ các lối cho Duyên nhận mặt. Bà Long gật gù :

- Tôi không ngờ anh giỏi tiếng Tàu quá xá. Anh học hồi nào vậy ?

- Hơn ba năm rồi chị ạ.

- Tôi biết chữ Tàu nhưng chỉ những mẫu thông thường ở đồ nữ trang thôi, thí dụ "Phúc, Lộc, Thọ" hay "Cung, hỉ"… v.v... "Chu" và "Vương" là chữ riêng chỉ một dòng họ, tôi chịu.

Rất nhanh, máy khắc chữ tối tân đã làm xong nhiệm vụ. Bây giờ thì bà chủ hãng bảo :

- Các đồng nghiệp của tôi bây giờ nhìn ngoài cũng không thể biết nổi là vòng giả. Trừ phi họ... cầm lên tay thấy nhẹ.

Phong gật đầu :

- Như thế là chu tất chị ạ. Vì tôi có cho ai sờ mó đến đâu: Tôi sẽ trưng nó... trong tủ kính kín mít.

Bà Long góp ý :

- Vậy anh nên để lót một nền nỉ màu... đỏ nhạt bên dưới và dùng bóng đèn nhỏ chiếu ánh sáng xuyên qua lớp nỉ để óng ánh đẹp hơn.

Phong bảo Duyên :

- Duyên ra xe trước đợi chú.

Rồi chàng hỏi bà Long khi Duyên đã đi khuất :

- Chị tính hết bao nhiêu để tôi hoàn lại. Bạn là bạn và... công việc là công việc. Thật trước đây tôi không thể tưởng tượng được chị có thể làm đôi vòng giả y hệt vòng thật.

- Thôi để tặng anh.

Dù Phong nài ép bà Long vẫn từ chối. Chàng đành bảo :

- Chủ nhật tới tôi muốn mời anh chị dùng một bữa cơm Tàu với tôi ở Chợ Lớn. Không biết anh chị nghĩ thế nào ?

- Rất hân hạnh. Nhưng... đó là anh trả tiền công tôi làm vòng... giả đấy phải không ?

Phong quả quyết :

- Chị nghĩ như thế oan cho tôi lắm.

Nhưng chàng lại cười và tiếp theo ngay :

- Nhưng tôi cũng không dám trái ý chị. Đàn bà muốn là trời muốn mà.

Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi vào cửa phòng làm việc của bà Long. Ông ta đứng tuổi nhưng rất khỏe mạnh và đẹp trai. Phong đoán biết đon đả :

- Thưa anh, chị đã nói với tôi rất nhiều về anh. Tôi là Phong bạn của chị hồi còn đi học.

- Anh vui tánh quá. Lại tôi chơi tối nay nhé. Tôi cũng muốn được quen biết thân với những bạn của vợ tôi.

- Tôi bận lắm anh ạ. Cảm ơn anh. Tôi hy vọng mình sẽ gặp nhau sáng mai tại phòng triển lãm của nhà sưu tập đồ cổ Lý Tường Phát. Tôi đã mời và chị đang chờ anh về hỏi ý kiến anh trước khi nhận lời.

Thực sự thì như chúng ta biết, Phong ban nãy quên khuấy chưa mời bà Long đi coi triển lãm. Nhưng được cái chàng mau mồm miệng và bà Long cũng rất hiểu tính nết người bạn cũ nên họ hội ý rất mau. Bà nói với chồng :

- Phải đấy anh ạ. Anh nghĩ thế nào ?

- Anh rất sẵn sàng.

Phong bắt tay ông Long ra xe. Ông đứng ở cửa vẫy theo cùng với vợ từ giã chàng. Bỗng xe Phong rú lên rồi tắt máy. Chàng mở cửa xe hối hả nói :

- Xe tôi hết nước rồi. Xin lỗi chị cho tôi ít nước đổ vào xe nhé.

Ông Long để vợ đi chỉ chỗ cho Phong. Ông vẫn... là người đàn ông Đông Phương, không thích việc nhỏ mọn. Phong chỉ chờ có thế, chàng bảo nhỏ với bà Long :

- Xin chị tuyệt đối giữ kín việc làm giùm đôi vòng với mọi người và cả... anh nhà nữa nhé. Chừng tuần lễ nữa thì có thể nói ra ngoài được không hại gì. Xe tôi chỉ... thiếu nước tí xíu thôi, chị đừng lo lắm.

Bà Long mới vỡ lẽ là anh chàng thám tử vờ vẫn để dặn bà lời quan trọng.

Phong nhẹ nhõm cả người khi ngồi trên xe hơi máy lạnh. Chàng đã đồng thời trả được... công khó của người bạn gái giúp mình bằng một buổi đi chơi hào hứng sáng mai ở phòng triển lãm, đồng thời tìm cho ông Lý Tường Phát thêm hai người khách sang trọng thượng lưu… dù người khách ấy không mua một món trưng bày nào cả.

Phong ghé lại nhà Minh thăm thằng bé. Cha mẹ Minh cho biết là thằng nhỏ đã đỡ nhiều. Nó chỉ còn hơi choáng váng lúc ngồi dậy và nhảy nhót mà thôi. Minh cũng quá xá lắm, nhiều phen muốn thử sức nên chạy chơi như thường và hơi… mệt. Phong hỏi thăm Minh vài câu. Rồi chàng điện thoại cho bác sĩ :

- Tôi là Phong ở nhà thằng bé Minh mới lỗ đầu lúc sáng đây. Xin bác sĩ cho biết Minh đã có thể làm việc rất nhẹ được chưa ?

- Chẳng hạn như…

- Như là nhận mặt một số người nào đó dính líu vào một vụ phạm pháp. Vì nhu cầu điều tra mong bác sĩ giúp cho tôi.

- Minh làm việc cũng chẳng hại gì. Nhưng tôi giúp ông bằng cách nào ?

Phong suy nghĩ vài giây đồng hồ :

- Tôi muốn đem Minh đến một chỗ khác… nghĩa là khỏi nhà nó vào sáng mai.

- Khó quá.

- Ở đó có một số bức vẽ trẻ con... ồ… đang nô đùa chạy nhảy… đó là một điểm đặc biệt. Bác sĩ có thể viện lý do thằng Minh hiếu động nay phải nằm một chỗ, đầu óc tù túng khó chịu sẽ lâu lành để khuyên cha mẹ Minh đem con đến đó chơi một buổi để tâm thần thoải mái, giải thoát tất cả những dồn nén.

Giọng viên bác sĩ có vẻ ngạc nhiên. Nếu ông ta là bạn của Phong chắc chàng nói chuyện dễ dàng hơn nhiều. Đàng này, sáng nay vì quá cấp bách, Phong mời đại một viên bác sĩ lạ trên đường xe chàng đi.

Phong thầm nghĩ : "Ông ta nệ cổ lắm. Ông ấy già rồi mà. Không chịu theo đúng... tiến bộ y học  dĩ nhiên là tiến bộ y học theo kiểu của Phong  Thật uổng công mình nói dối với cha mẹ Minh ông ấy là bạn thân của mình."

Phong năn nỉ mãi, viên bác sĩ mới miễn cưỡng :

- Được rồi, tôi giúp ông. Ông đưa dây nói lại cho cha hay mẹ Minh gì cũng được.

Được viên bác sĩ nói chuyện, ông bà nhà giàu này mừng lắm. Đến khi ông bác sĩ khuyên nên tìm một nơi nhiều tranh ảnh trẻ con nô đùa chạy nhảy để Minh mau lành bệnh, đầu óc thơ thới thì ông cha của Minh suy nghĩ đến nỗi đầu dây đằng kia cúp mất lúc nào không biết.

Phong vờ vĩnh hỏi thăm :

- Bác sĩ nói gì thế ông?

- Tôi khó nghĩ quá.

Rồi ông nói chuyện ra. Phong yên tâm  ban nãy chàng nói chuyện với Bác sĩ rất thấp giọng, chắc chắn trong nhà không ai nghe rõ  và sốt sắng :

- Để sáng mai tôi sẽ đưa em Minh đi chơi giúp ông bà. Chỗ này tốt lắm. Theo sự hiểu biết của tôi em Minh rất mạnh khoẻ.

Phong quan sát rất mau lẹ và rất sâu sắc. Lúc sáng ngồi chờ ông Lý Tường Phát cả nửa giờ đồng hồ, thời gian ấy đối với nhà thám tử quá đủ để chàng nhớ hết mọi vật trang hoàng trong cửa hàng và trong phòng riêng của ông ta. Các bức hí họa cổ về trẻ con chạy nhẩy đối với chàng bây giờ… thật vô cùng quí giá.

Chàng mang được Minh đi nhận mặt đám khách đến xem  chàng đoán chắc thế nào tụi gian phi cũng mò đến để tìm hiểu vòng nào thật vòng nào giả  mà cha mẹ Minh vẫn không ngờ con mình đang hành nghề thám tử. Minh đã cho Phong biết cha mẹ nó vẫn nghĩ là con mình bị du đãng gây sự, đập lỗ đầu và thấy Minh vẫn còn đau nên cũng không hỏi tội con trai vội.

Phong đắc ý :

- Ta đoán không sai. Quả không uổng công ta đưa Minh về nhà. Để việc này cho nhân viên Cảnh sát thì sự việc thêm rắc rối. Ông bà tất sinh nghi, có thể cản trở công việc điều tra gần thành công.

Phong hẹn bảy rưỡi sáng mai sẽ lại rước Minh đi cùng với cha. Ông nhà giàu luôn luôn cẩn thận lo lắng cho đứa con. Ông tiễn chàng ra về.

Phong ghé qua nhà Quân bảo thằng bé sáng mai đến phòng triển lãm. Minh đau không hành động được thì Quân sẽ thế. Chưa chắc Chu Quốc đích thân đến xem trưng bày đồ cổ để có thể nhận ra là Quân chính là đứa trẻ gây sự với hắn hôm nọ mà sinh nghi, đề phòng. Đồng bọn năm sáu tên người Việt gốc Hoa của hắn chỉ rành mặt thằng Minh thôi. Đáng tiếc cho chúng là Minh lại… giấu mặt rất kỹ trong bóng tối.

Phong gọi điện thoại lại nhà ông Lý Tường Phát. Tiếng ông oang oang :

- Cảm ơn anh Phong về chuyện đăng quảng cáo trên các báo và vẽ biển, băng vải kịp chiều nay. Nhưng... tôi không hiểu sao anh lại để thêm là đặc biệt có đôi vòng ngọc "Chu" và "Vương" của ông già bạn tôi trong số đồ cổ triển lãm ? Anh nói thế tôi lấy đâu ra bây giờ ?

Phong cười :

- Ông khỏi lo. Tôi sẽ mang đến sáng mai, trước 8 giờ. Ông sửa soạn giùm tôi hai chiếc hộp thật đẹp, để vừa đôi vòng ngọc đeo tay đàn bà, kích thước thông thường ấy mà. Nếu được nên lót nhung hay nỉ đỏ nhạt và rọi đèn cho có ánh đỏ lộng lẫy thêm thì tốt nhất...

- Tôi hiểu...

- Ông cứ bảo là của ông bạn già cho mượn trưng bày với những khách đến xem. Tôi mong ông sẽ hài lòng vì sáng mai có rất nhiều nhân vật quan trọng tai mắt trong và ngoài nước đến dự.

- Có những ai xin anh cho biết để tôi liệu bề đón tiếp ?

- Có cả hàng Đại sứ, Tổng trưởng... đủ cả... Tôi muốn nhờ ông một chút nữa nhé.

- Xin anh cho biết.

- Ông dời dùm tôi những bức tranh họa trẻ con chơi đùa chạy nhảy hồn nhiên vào phòng trong nhìn ra gian hàng. Có phải ông dùng gian hàng làm phòng triển lãm không ?

- Phải nhưng anh bảo tôi làm thế…

- Mục đích gì phải không ? Dài lắm sẽ giải thích với ông sau nhé. Tôi... chưa ăn tối đói bụng lắm rồi... chào ông... xin phép ông...

Phong ngắt điện thoại gọi sang đường dây nhà Sang. Chàng nghe tiếng ông già :

- Phong đấy phải không ?

- Vâng, mọi sự ổn thỏa lắm. Tôi cho quảng cáo cuộc triển lãm đồ cổ sáng mai của ông Lý Tường Phát trong đó có cả đôi vòng ngọc thạch. Việc đôi vòng hôm nay chắc Duyên đã nói chuyện với anh rồi...

- Có nói rồi...

- Tôi quảng cáo gợi sự chú ý vừa phải của người đọc về đôi vòng vì ồn ào quá sẽ dễ cho bọn gian sinh nghi. Nhưng thế nào cũng đến tai bọn chúng.

- Tại sao ?

- Tôi đánh tiếng gián tiếp qua trung gian một người bạn gái tín cẩn... mới quen đến viên quản lý hãng chuyên chở đường biển Mạnh Tư...

- Thế à ?

- Phải. Thôi chào anh. Sáng mai nhớ đi dự nhé.

Bây giờ thì khá khuya khoắt rồi. 11 giờ. Phong ngại ra đường kiếm tiệm ăn tối. Chàng lục lấy đồ nguội ăn đỡ. Chàng tự nhủ : "Kế của ta là hư hư thực thực khó lường. Bọn gian gian chắc chẳng khi nào lại dám tưởng tượng là ta dùng lại một kế dẫn dụ chúng mà... chính chúng đã rõ trong cuốn băng nhựa ghi âm. Vòng ngọc giả, vòng giả rồi lại thành vòng thật. Chúng sẽ còn phải điên đầu nấn ná ở lại đây vài hôm nữa chứ chưa dông đi mất ngay. Và chỉ vài hôm thôi, ta sẽ xoay chuyển lại tình thế. Tuy rằng có đôi phần mạo hiểm trong kế hoạch nhưng ta phải chấp nhận may rủi. Chắc chắn ta sẽ thành công. Ha ha... ha ha ha..."

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI

CHƯƠNG IV_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ


CHƯƠNG IV

 NGƯỜI BẠN CỦA CHỊ DUYÊN


Quân thì ngủ ngon ngay khi trở về nhà và… leo lên giường. Minh, trái lại, thay quần áo đến ngay nhà Sang. Cả nhà đang quây quần ở phòng khách, bàn tán xôn xao. Minh bước vào trong, lễ phép chào tất cả. Nó chú ý ngay đến một người thanh niên lạ mặt, có dáng dấp quí phái. Chị Duyên giới thiệu :

- Đây là anh Hưng, bạn thân của chị cùng học ở ngoại quốc cũng về chơi kỳ hè này. Anh học giỏi lắm.

Anh Hưng bắt tay Minh. Anh có đôi mắt rất sáng và tinh nhanh. Anh vồn vã :

- Em học cùng lớp với Sang hả ?

- Thưa anh vâng.

Vì cả nhà Sang đang nói chuyện về chiếc vòng, họ có vẻ mất tự nhiên khi có người lạ cùng ngồi chung phòng nên anh Hưng biết ý rủ Minh :

- Em ra sân nói chuyện với anh đi. Anh không có em trai nhỏ, anh thích em lắm.

- Vườn hoa hồng đẹp lắm hả anh ?

- Chỉ ngửi mùi thơm thôi là anh đã đoán được rồi. Sáng nay anh đến định rủ chị Duyên và anh Cao đi lên Thủ Đức picnic một bữa nhưng gia đình chị đang gặp chuyện xui xẻo.

- Anh cũng biết à ?

- Ừ. Chị Duyên có kể cho anh nghe về đôi vòng ngọc gia bảo của gia đình chị. Đôi vòng cẩm thạch huyết dụ ấy quí lắm. Nhưng anh không biết là còn một chiếc chôn theo xuống mộ ông bác chị Duyên cũng mới bị mất. Sáng nay anh tới chị mới nói lại.

- Hôm nọ anh có dự buổi tiệc tối ấy không ?

- Có chứ. Anh có nghe chị Duyên la cầu cứu và chị bị giật mất một chiếc vòng cẩm thạch ngay lúc tắt điện.

Tự nhiên Minh thấy trong lòng nổi lên một niềm nghi ngờ đối với người con trai tên Hưng này. Anh nói rất thành thực nhưng cặp mắt sắc như nước của anh lắm khi làm người đối thoại phải bối rối. Minh dò dẫm :

- Thưa anh tha cho em vô lễ, tên anh là gì… Hưng ?

- À, Đinh văn Hưng. Em hỏi chi vậy ?

Minh tránh ra :

- Em thấy mến anh, muốn biết tên anh chơi thôi mà.

Trong bụng Minh thầm nghĩ nếu anh Hưng thành thật  Kiểm chứng lại cũng dễ lắm, chỉ hỏi lại chị Duyên là rõ ngay chứ gì  thì quả anh không dính dáng gì đến đôi vòng ngọc. Anh là người Việt Nam, họ Đinh còn những người khả nghi họ Chu, gốc Trung Hoa.

Minh đổi vấn đề :

- Anh học bên Mỹ chắc mất nhiều thì giờ lắm ? Em nghe nói thường thường sinh viên bên đó thức đến 2, 3 giờ sáng.

- Nhưng tụi anh bắt đầu học trễ. Thường là 10 giờ đêm. Ban ngày hoặc chơi thể thao hay làm thêm lấy tiền xài nếu nhà nghèo. Phần đông những sinh viên ngoại quốc và ngay cả người Mỹ bản xứ đều phải làm việc để lấy tiền đi học.

Câu chuyện lan man ra nhiều đề tài rất rộng rãi. Anh Hưng dường như thích chí, luôn miệng giảng giải thêm cho Minh. Anh bảo :

- Lúc nào Minh rỗi đến chơi với anh. Nhà anh ở số 1134 Trần Hưng Đạo. Nếu có thể, em mang thêm bạn học cho anh biết mặt nhé. À, cũng có khi anh ở tận trên Hương lộ xa lắm.

Minh cám ơn anh và chào từ giã.

Một luồng gió mát thổi ẩm ướt hơi nước làm Minh khoan khoái. Nó dừng chân bên công viên, không xa biệt thự Cao-Duyên-Sang lắm, hai tay khuỳnh ra làm mấy cử động hô hấp phổ thông. Minh không buồn ngủ chút nào. Nó tỉnh táo và sáng suốt như người vừa được uống thuốc tiên.

Tại một quán hủ tíu gần đó mùi nước lèo thơm bốc lên nức mũi. Mới ăn sáng xong mà Minh vẫn thấy thèm nhiễu nước miếng. Nó bước lại gần và… vào tiệm.

Phổ ky chạy lăng xăng. Minh lấy một tô mì vịt. Phần đông những người ngồi ăn ở đây là Tàu. Họ nói tiếng Tàu với nhau nghe rất... quen tai dù Minh chẳng hiểu tí tẹo gì.

Minh nhìn sang bàn bên cạnh. Mấy người đàn ông trẻ, lực lưỡng có vẻ thợ thuyền, phu phen tay chân còn lấm đang nhậu. Thật lạ lùng. Họ uống bia dữ thế rồi lát nữa đây làm sao làm việc được? Thường dân lao động sáng sớm chỉ ăn bánh mì xíu mại với cốc cà phê đen là sang lắm rồi. Luôn luôn những người lao lực này phải vội vã, tranh thủ thời gian. Họ vội ăn, vội uống, vội nói, vội cười, vội đi, vội đứng. Những động từ chia đều bắt đầu thêm chữ vội. Mình đã từng nghe chú tài xế ở nhà nó bảo rằng có khi phu bến tàu uống cà phê bằng cách đổ ra dĩa cho nguội nhanh. Minh nhăn mũi cho rằng như thế chẳng còn thưởng thức được hương vị gì của cà phê. Uống như trâu uống.

Thình lình Minh lơ đãng dòm xuống chân họ rồi giật nảy mình. Người nào người nấy chân đi giày lấm đầy bùn và đất. Lại là thứ đất xám ngả đen đặc biệt giống màu đất ở nghĩa trang Gò Vấp. Chung quanh đây đất cát nâu nhạt tuyền một màu, làm gì có đất xám đen.

Hay họ từ Gò Vấp lên đây uống cà phê, nhậu bia ? Vô lý. Dưới đó thiếu gì quán. Gần nhà hơn và… chắc chắn rẻ tiền hơn vì là vùng ngoại ô thành phố. Vậy có đến bảy chục phần trăm hy vọng nhóm người này chính là đám gian phi đột nhập vào nghĩa trang đêm qua.

Không biết sự ước lượng của Minh có đúng không nhưng đám người kia  năm người tất cả  đang gọi thêm đồ nhậu. Có lẽ ít có đám khách lạ lùng đến thế nên nhà hàng hủ tiếu vội vàng phải vớt… xương bò ninh trong thùng nước lèo ra chiều khách.

Minh nhìn biết buổi sáng nhà hàng không bán món nhậu. Muốn tò mò theo dõi đám người này Minh gọi thêm... một tô hủ tiếu và một chai nước cam vàng.

Thời gian trôi qua chậm đến sốt ruột. Bốn năm người khách vẫn… châm tiếng Tàu như bắp rang. Minh giận mình sao lại chẳng phải là người Tàu hoặc tại sao các trường Trung học Việt Nam không… dạy tiếng Tàu như một sinh ngữ để đến nỗi bây giờ họ nói gì Minh mù tịt. Chờ mãi Minh mới nghe thấy… một tiếng chửi thề tục tằn kèm vớí câu nói :

- Mẹ cha thằng Coóng ! Làm phách rủ đi ăn không thèm.

Minh chú ý lắng tai tuy tay vẫn không ngớt gắp hủ tiếu đưa lên miệng. Tên kia lè nhè tiếp :

- Tao thấy chiếc vòng chắc phải đáng bạc triệu. Tụi nó bủn xỉn chia cho tụi mình mỗi đứa có ba chục ngàn.

Suýt chút nữa Minh... làm rớt đũa khi nghe nói đến "vòng". Xác suất trúng mục tiêu của Minh bay vù lên đến chín mươi phần trăm. Một tên khác nói át đi :

- Mày muốn chết không. Câm ngay. Mày say rồi.

Hắn say thật. Lướt khướt gần gục xuống mặt bàn. Một đứa khác xổ thêm một tràng tiếng Tàu chừng như đe dọa tên say. Thế là ngoài ba câu tiếng Việt ấy, chúng không nói thêm một chữ Việt nào nữa.

Minh uống cho hết ly nước cam vàng rồi gọi điện thoại ở một trạm công cộng gần đó cho Phong. Nó thầm đoán chắc Phong cũng không có ở nhà. Anh ấy đang hoạt động dữ dội bên ngoài mà. Nhưng kết quả lại may mắn quá sức tưởng tượng :

- Tôi, thám tử Phong đây. Ai đang gọi xin cho biết quí danh ?

- Em đây, Minh nói chuyện với anh Phong đây. Em nói anh nghe, có lẽ em đang phát giác là ngồi chung quán với một bọn người rất khả nghi là bọn gian phi vào nghĩa trang Gò Vấp sáng nay… Vâng, em vừa nói chuyện vừa canh chừng bọn chúng. Địa điểm : Quán hủ tiếu Lợi Ký gần biệt thự Cao-Duyên-Sang..: chỉ cách chừng 100 thước về phía đầu đường... Anh đến ngay nhé.

Minh có vẻ vội vã lắm. Nó không kịp chào Phong cho phải phép như thường lệ vì ngoài kia bọn người năm tên say đã lũ lượt lảo đảo bước ra khỏi quán. Minh gác máy lao mình ra ngoài. Nó quên cả giữ gìn ý tứ. Một chiếc xích lô đạp lao vút qua thắng không kịp đụng phải Minh ngã lăn trên lề đường. Minh nhảy lên kịp thời nên chỉ bị xây xát nhè nhẹ. Người phu xe sừng sộ :

- Thằng nhỏ có mắt hay không mà chạy bạt mạng vậy ? Tao không thắng lại kịp là tiêu đời mày.

Minh nổi xung :

- Xe ông thắng không ăn thì đừng có chạy nhanh. Tôi không bắt đền ông thì thôi, ông gây với tôi nỗi gì !

Minh vô tình nhìn thấy một đôi giày dính đất bùn xám giống bọn… nó đang theo dõi… nằm ở chân người phu xe. Trời ơi ! Tên này cũng cùng bọn với tụi kia đấy mà. Minh trừng mắt nhìn rất kỹ vào mặt người đối diện :

- Sáng nay ông có đi vào nghĩa trang Gò Vấp phải không ?

Hắn ta biến sắc mặt... lầm lì không nói. Minh bảo :

- Đợi chút nữa cảnh sát tới phân xử chuyện phải trái giữa ông và tôi lúc nãy.

Và Minh hô lớn : "Bớ người ta ! Bắt lấy nó. Đồ ăn cướp", khi thấy hắn rút trong túi sau xe một khúc cây dài và vuông. Hắn ta võ rất giỏi. Minh đoán thế. Vì hành động rất nhanh đến nỗi Minh không kịp tránh đòn. Lúc Minh ngửng đầu lên khỏi mặt đất gượng nhìn theo thì chiếc xe xích lô chỉ còn là một bóng mờ ở xa xa.


Phong vực người bạn trẻ ra xe. Minh choáng váng. Phong xem qua vết thương rồi bảo :

- Không đến nỗi nào. Em chỉ cần nằm tỉnh dưỡng... chừng một tuần lễ là khỏi.

- Em... nhức đầu quá anh Phong.

- May mắn là khúc cây đập phớt qua xương sọ và em cũng không bị cạnh ngọn vuông... âu yếm hôn, em đừng lo gì cả. Em nằm nghỉ đỡ ở băng sau. Anh lái xe chở em về nhà.

Dĩ nhiên ba má Minh cuống cả lên. Phong an ủi :

- 5 phút nữa bác sĩ sẽ tới. Lúc chở Minh về nhà tôi đã ghé qua nhà một người bạn thân, y sĩ. Anh ấy tận tâm và giỏi lắm. Mong ông bà thứ lỗi cho tôi. Đáng tiếc là tôi không có thời giờ thăm bệnh cho Minh.

Phong muốn ở lại với Minh lâu hơn nữa nhưng thời giờ cấp bách không cho phép. Chàng... làm sao phải tìm ra và ngăn chận đôi vòng rớt xuống đáy bùn sâu thăm thẳm của bí mật. Chàng đã phạm nhiều lỗi lầm sơ đẳng của nghề trinh thám, quá chủ quan khinh địch, nay đến giờ hành động phản công.

Tự nhiên Phong rẽ vào biệt thự Cao-Duyên-Sang như một cái máy. Ông già quen thuộc ra đón :

- Có gì lạ mà anh gấp quá vậy ?

- Tôi muốn nhờ sự tiếp tay của anh.

- Rất sẵn sàng.

Phong trầm ngâm đốt một điếu thuốc lá, nhả khói một vòng tròn mờ nhạt bay chầm chậm lên không trung. Chàng mở lời :

- Tôi nghe nói anh rất thân với ông Lý Tường Phát, chủ nhân một tiệm bán đồ cổ kỷ vật Đông Phương đồng thời cũng là một nhà sưu tầm cổ vật rất nổi tiếng ?

- Phải, anh cần nhờ gì đến ông ta ?

- Tôi... muốn sáng mai ông ta sẽ mở một cuộc triển lãm đồ cổ.

- Trời ơi !

- Anh sợ không kịp ? Sửa soạn tốn công phu và thời giờ lắm phải không ? Nhưng nhà ông ta đông người lắm cơ mà.

Phong tiếp :

- Anh vào thay áo để đi cùng với tôi đến gặp ông Phát. Nếu không, tôi sẽ... không thể bảo đảm việc tìm lại... đôi vòng ngọc.

Ông già đang trù trừ nghe Phong bảo thế vội đi thay quần áo ngay. Ông vẫn tiếc và muốn giữ đôi vòng kỷ niệm của cha mẹ và còn có ý định truyền lại cho con cháu làm của gia bảo. Ông đau lòng xót dạ... khi nghĩ đến việc mất đi đôi vòng vĩnh viễn.

Tiệm đồ cổ "Gia Long" lộng lẫy nằm sừng sững trên đường Công Lý. Phong ngừng xe bảo :

- Mình đến viếng ông Phát ngay. Nhớ qua đường thật nhanh vì tôi sợ có người theo dõi.

Trời chẳng chiều người. Phong cẩn thận tránh được người theo dõi  Rất có thể có  thì… ông Phát đi vắng. Ông già bảo :

- Đành ngồi chờ vậy. Tôi mới nhờ cô thu ngân điện thoại về nhà riêng ông Phát cũng không có. Ông bạn tôi say mê đồ cổ lắm. Nếu ông không đến tiệm... trưng bày thì đừng tìm ông... ở chỗ khác vô ích. Ông như thế là rất bận việc cần và thường khi ông đi chẳng bao giờ cho người nhà biết trước.

Phong nóng lòng. Chàng hút hết điếu thuốc này lại châm lửa điếu tiếp theo ngay. Mắt chàng mở lớn, nhìn trừng trừng thẳng vào cuốn Reader's Digest mà chẳng đọc hiểu gì. Tiếng tích tích nho nhỏ của chiếc đồng hồ tay nghe rất rõ trong gian phòng đợi lớn rộng và yên lặng.

Nửa giờ đồng hồ sau có tiếng xe hơi đỗ xịch lại. Ông già mừng rỡ :

- Ông Phát tới đó. Luôn luôn ông dùng chiếc Austin cũ kỹ.

Ông Phát bước vào. Ông già bắt tay ông Phát, giới thiệu :

- Đây là thám tử Phong, bạn thân của tôi và cũng là người đang giúp tôi tìm lại chiếc vòng ngọc. Anh hay tin chưa ? Tôi mất cả hai chiếc rồi.

- Trời ơi ! Thật ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Là một người sành đồ cổ, ông Phát biết giá trị của đôi vòng ấy lắm. Ông cũng là một thương gia nghĩa là... có mang sự tính toán hơn thiệt luôn theo mình :

- Theo thời giá, đôi vòng ngọc ấy phải hơn ba triệu bạc.

Phong không chú ý đến... tiền bạc. Chàng nói trực tiếp vào vấn đề cấp bách :

- Thưa ông Phát, ông có vui lòng giúp ông bạn đây tìm lại được đôi vòng ?

- Dĩ nhiên là tôi rất vui lòng.

- Trong việc tìm lại vòng, tôi rất cần đến sự giúp đỡ của ông. Lúc nãy cô thu ngân có nói chuyện là năm nay ông có ý định mở một cuộc triển lãm cổ vật. Thưa ông có đúng không ?

- Đúng.

Phong thản nhiên trước sự lạ lùng của người đàn ông to béo, trán cao đầu hói kia. Chàng tiếp :

- Tôi muốn ông vui lòng tổ chức cuộc triển lãm ấy ngay ngày mai. Tôi sẽ xuất tiền túi ra để quảng cáo không công cho ông.

- Rất tiếc...

Không để ông Phát kịp dứt khoát từ chối, Phong tấn công :

- Tôi sẽ mời thêm một số nhà sưu tầm đồ cổ Đông Phương người ngoại quốc ở các Tòa Đại Sứ và ở những đại lý thương mãi đến trong buổi lễ khai mạc.

- Để tôi tính lại...

- Thời giờ gấp rút lắm rồi, ông Phát. Nếu cần trả tiền phụ trội cho nhân viên làm đêm, tôi sẽ đài thọ cả. Ông nghĩ sao ?

- Tôi…

- Tôi biết làm phiền ông lắm nhưng vì cần điều tra và trừng phạt tội ác mong ông nhận lời.

Ông già xen vào :

- Anh Phát đừng sợ lỗ lã. Tôi sẽ giới thiệu anh một số nhà xuất cảng đồ cổ ở Đài Loan và Nhật Bổn. Họ làm ăn lớn tính giá hạ hơn nhiều nơi khác, rất lời.

Ông Phát bằng lòng :

- Tôi đành chiều ý anh và anh bạn thám tử trẻ đây vậy.

Phong cám ơn và hỏa tốc ra xe. Chàng phóng như bay đến một người bạn gái cùng học một lớp ngày xưa. Cô này bây giờ đã có chồng và là chủ nhân một hãng... làm đồ nữ trang giả cho đàn bà. Dĩ nhiên Phong phải gọi cô bằng bà đàng hoàng :

- Thưa bà, tôi đến muốn gặp bà Long có việc cần.

- Tôi là bà Long đây ông cần chi ?

Bà Long dường như không nhận ra người bạn cũ. Tuy thế bà nhìn Phong ngờ ngợ :

- Hình như tôi có gặp ông ở đâu rồi ?

Phong nói đùa :

- Vâng cũng có thể. Tôi vẫn hay đi dạo phố mỗi buổi chiều thứ bảy, chủ nhật và cũng có nhiều… dịp dự những dạ tiệc. Bà nhớ ra tôi mang máng cũng phải..

Bà Long nhìn chàng giây lát rồi la lên :

- Anh Phong phải không ?

- Chính tôi đây.

- Anh cứ gọi tôi bằng… chị cho thân mật. Tôi không thích bạn cũ gọi bằng bà.

- Vâng, nếu chị cho phép.

Bà thở dài :

- Đàn bà chúng tôi mau già quá. Các anh trẻ lâu thật. Ngoài ba mươi vẫn là thanh niên...

Phong ngắt lời :

- Chị định nhạo tôi trẻ con chứ gì ? Chắc chị cũng biết tính tôi từ hồi Trung học, hay nói đùa, đến bây giờ vẫn không bỏ được. Tôi đến đây định làm... mặt lạ nhưng không dè chị nhận ra ngay, tài quá.

- Anh nghe nói làm… thám tử ?

- Vâng, và một thám tử không nên để cho... ngườí quen nhận biết nếu mình không muốn.

Bà Long cười vui vẻ :

- Ý anh định nói đây là một lỗi lầm nghề nghiệp... cố ý.

- Chị rất thông minh.

Chàng thám tử của chúng ta vẫn chưa bỏ hết thói tự kiêu. Chàng nói tiếp :

- Bởi vì trong vụ điều tra này tôi cần đến sự tiếp tay của chị nên tôi nghĩ… người quen chắc dễ nói chuyện hơn người lạ.

- Tôi có thể giúp anh được những gì ?

Phong nhìn thẳng vào mắt người bạn gái cũ. Chàng ngắm khuôn mặt trái xoan kiều diễm tuy hơi xuất hiện những vết nhăn lờ mờ và... khen :

- Chị trông vẫn trẻ đẹp như ngày nào.

Bà Long sung sướng :

- Cám ơn anh.

Người đàn bà vui lòng thì họ sẽ rất sốt sắng tận tụy giúp đỡ ta. Phong nghĩ thế, chàng tiếp :

- Tôi muốn làm một đôi vòng ngọc thạch màu huyết dụ. Trên thân có khắc chữ "Chu" và "Vương" rất giống vòng thật. Đối với chị chắc không có gì khó lắm.

- Anh có thể cho tôi xem vòng thật một chút không ?

Phong cười :

- Nếu còn vòng thật thì tôi cần gì phải đặt làm vòng giả. Chị yên trí, tôi có người biết rất rành vòng thật... đến cố vấn cho chị... miễn phí.

- Người đó là ai ?

- Chủ nhân vòng thật. Chị chờ một chút tôi điện thoại về nhà.

Phong gọi điện thoại đến cho Duyên. Cô đến ngay nhà riêng của bà Long. Phong chờ ở đấy. Chàng quả có con mắt tinh đời. Đàn bà thích và rành về nữ trang hơn đàn ông nhiều, nhất là với người con gái trẻ tuổi xinh đẹp như Duyên có một món nữ trang gia bảo rất quý giá là đôi vòng ngọc thạch.

Phong là bạn với ông già, cha của Duyên. Chàng còn ít tuổi, Duyên gọi chàng bằng chú. Phong bảo :

- Duyên hãy giúp bà Long, bạn của chú, làm một đôi vòng ngọc thạch thứ hai nhé.

- Chú nói sao ?

- Mình tạo ra đôi vòng thứ hai để gây sự hoang mang nghi ngờ cho bọn gian, Duyên hiểu chưa ?

- Cháu hiểu rồi.

- Cần nhất là phải thật giống mới được. Chú bận việc phải đi ngay, Duyên ở lại đây với bà nhé.

Phong đi đến các tòa Đại Sứ chàng quen biết để mời những nhân vật quan trọng đến dự. Chàng cũng chạy như ma đuổi để đến gặp và mời những người có tiếng tăm trong xứ sáng mai dự buổi khai mạc triển lãm đồ cổ của Lý Tường Phát. Phong có thể nói dối rất tài khi cần, nhưng chàng chẳng bao giờ thất hứa. Lúc ở nhà một vị giám đốc giàu có đi ra, Phong nhìn đồng hồ lẩm nhẩm :

- Một giờ trưa rồi. Mình phải kiếm cái gì dằn bụng đã.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

CHƯƠNG III_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ


CHƯƠNG III

 NHỮNG TIA SÁNG MONG MANH


Minh về thẳng nhà Quân chờ sẵn. Má Quân không biết chuyện gì, hỏi thì Minh chỉ cười bảo là bạn cùng lớp đến chơi thăm Quân. Bà vui vẻ :

- Quân nó nói với bác là lại nhà thằng Sang chơi. Nó đi từ sáng sớm. Cháu tên gì ?

- Thưa bác, cháu tên Minh.

- Ủa thế cháu Minh chưa gặp Quân sao ?

Minh bịa chuyện :

- Sáng nay cháu bị hư xe đến nhà Sang rất trễ. Lúc cháu đến thì Quân ra về rồi.

- Vậy thì cháu đợi nó một chút. Nó chắc cũng sắp về.

Bà nhớ ra khoe ngay cậu con :

- Thằng Quân ngoan lắm. Không bao giờ đi la cà ngoài đường mà không xin phép bác.

- Vâng, anh Quân thì số dách.

Minh thoái thác khôn khéo :

- Bác chắc đang bận dở tay làm bếp... xin bác cứ để cháu tự nhiên. Cháu ngồi đợi anh Quân chút xíu được rồi. Cháu sợ làm phiền bác.

Bà mẹ Quân đành xuống bếp làm tiếp công việc dở dang. Minh làm thế là vì nó sợ ngồi nói chuyện lâu với mẹ Quân, nó sẽ sơ hở giấu đầu lòi đuôi thì khổ. Dù sao nó cũng chỉ là một đứa trẻ con, nghĩa là chưa biết có đủ trí khôn để nói dối người lớn cho xuôi được hay không.

Nửa giờ sau, thì Quân về đến nhà. Nó hớn hở :

- Đúng như mày nói. Tao được thám tử Phong lãnh ra ngay. Ông ta hình như bảo đằng Cảnh sát là ông nhờ tao làm công việc điều tra ấy. Tên theo dõi mất bình tĩnh, bị tao chọc tức mấy câu, nổi sùng đánh tao ngay ở sở Cảnh sát. Dĩ nhiên tao đề phòng trước, né được nhưng hắn bị nhốt một ngày và nộp phạt 500 đồng.

- Nghĩa là hắn còn ở trong đó đến ngày mai ?

- Phải.

- Mày định làm gì nữa đây ?

Quân ngạc nhiên :

- Sao mày hỏi tao ? Mày quyết định đi.

- Tao thử coi đầu óc mày minh mẫn đến độ nào.

Quân nghĩ ngợi một lúc rồi reo lên :

- Đúng rồi. Sao ban nảy tao quên khuấy. Mình đến nhà ông thầy Việt Văn năm ngoái để hỏi chữ "Chu" và "Vương".

Như thường lệ, mẹ Quân vẫn dễ dãi cho con đi chơi với bạn. Quân nhìn đồng hồ : 11 giờ trưa.

*

Thám Tử Phong điện thoại đến nhà Minh. Ông gọi bất ngờ giữa lúc thằng bé đang ngủ trưa. Minh hơi tức mình, cầm ống nói mẹ chuyển cho, lơ là :

- Alô ! Alô ! Tôi đang được hân hạnh nói chuyện với ai đó ?

Có tiếng cười ha hả bên kia đường dây như chế nhạo giọng nói vừa ngái ngủ, vừa dằn dỗi của Minh. Rồi tiếng người đáp :

- Cậu Minh có biết mấy giờ rồi không ? Ba giờ hơn đấy. Ngủ trưa như thế là... đủ quá rồi.

Minh hét vào trong máy :

- Ông là ai ?

- Sao cậu bé thám tử của tôi bây giờ dở tệ thế ? Tôi là Phong, mới nói chuyện với cậu sáng nay đây mà.

Minh bẽn lẽn :

- Xin lỗi ông Phong... Sao tôi không nhận ra giọng nói của ông... Là lạ thế nào ấy… Sao ông biết số điện thoại nhà tôi mà gọi đến ?

- Có gì đâu. Tôi hỏi Sang biết số nhà cậu. Tra trong niên giám điện thoại là có ngay số điện thoại. Tôi vắn tắt chỉ nói một lời : mời cậu đến gặp tôi ngay.

- Để tôi đến rủ Quân luôn thể nhé ?

- Thôi, mình cậu đủ rồi. Chào cậu.

Và ông ta cúp máy y như Minh cúp lúc sáng. Cậu bé lầm bầm trong lúc thay quần áo :

- Rõ ràng là ông ta muốn ăn miếng trả miếng.

Minh lấy xe gắn máy lại nhà thám tử Phong. Ông đang ngồi chờ nó ở phòng tiếp khách. Trông ông còn trẻ, chỉ ngoài ba mươi. Đặc điểm có một hàng râu mép cắt tỉa rất công phu tạo cho ông một vẻ nghiêm nghị lạ lùng. Tuy thế ông hay mỉm cười và khuôn mặt ông luôn luôn như sáng lên không làm cho ông già trước tuổi. Ông mở lời trước:

- Hân hạnh được gặp cậu Minh... lần đầu tiên.

- Tôi cũng rất hân hạnh...

Thám tử Phong rất tự nhiên và... thông cảm tuổi trẻ :

- Chờ tôi chút nhé. Tôi lấy bánh ngọt và cà rem cho cậu Minh giải khát. Tôi cũng... hơi đói bụng rồi.

Khi cả hai ung dung nhâm nhi cà rem, Phong đề nghị :

- Tôi còn ít tuổi, vậy cậu Minh gọi tôi bằng anh cho thân mật nhé.

- Vâng, nếu anh cho phép.

- Anh bắt đầu nói lại câu chuyện hồi sáng cho em nghe. Tên đó là người Trung Hoa...

- Thảo nào ! Hắn nói tiếng Việt rất sõi nhưng giọng vẫn hơi ngọng nghịu.

- Nói đúng hơn hắn là người Việt gốc Hoa. Hắn họ Chu... Nghĩa là có một sự trùng hợp nào đó với chữ... "Chu" khắc trên chiếc vòng...

Minh gật đầu nghe Phong nói tiếp :

- Hồ sơ cảnh sát của hắn rất minh bạch, không hề có dấu vết khả nghi. Chúng tôi chẳng có quyền hạn chi điều tra, thẩm vấn hắn trực tiếp về vụ chiếc vòng, đành thi hành pháp luật tạm giam hắn lại một ngày về tội hành hung. Hắn chối là không hề theo dõi ba em...

- Tức thật ! Nhưng mình cũng không nắm được chứng cớ rõ rệt... – Minh công nhận.

- Vì thế anh nhốt hắn một ngày để xem phản ứng đồng bọn hắn bên ngoài còn đang tự do…

- Lỡ tụi đồng đảng không phản ứng ?

- Thì mình đành chịu. Tuy nhiên anh có thể theo dõi kín đáo hắn ta vì dù sao anh cũng đã rõ địa chỉ, gốc gác, lý lịch hẳn phần nào. Hắn tên là Chu Quốc, một người Tàu, thuộc hạng trung lưu, ngụ tại đường Khổng Tử, số 543 A.

- Còn nghề nghiệp ?

- Đại diện thương mại... tầm tầm nghĩa là quản lý một hãng chuyên chở đường biển nhỏ xíu, thuộc hạng… cắc ké. Tên hãng là Mạnh Tư.

- Chứ không phải Mạnh Tử ?

Cả hai cùng cười. Bỗng Phong nghiêm mặt :

- Dám là Mạnh Tử đấy. Anh quên không nhớ rõ lắm. Thôi em ăn cho hết cà rem đi, ngon lắm.

- Nhiều quá anh ạ. Em... ngấy cà rem quá rồi. Chào anh em về.

- Em về. Lúc nào muốn liên lạc với anh dùng điện thoại tiện hơn. Anh sợ... chính em cũng bị theo dõi nữa.

Minh về.

Ba ngày sau, cuộc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ. Tên Chu Quốc đã được thả tự do ra rồi. Hắn chẳng có điều gì mờ ám đáng ngờ vực nên Phong thấy nóng ruột như lửa đốt.

Buổi chiều hôm ấy, Phong ngồi ăn phở ở một xe nhỏ đường Pasteur. Bỗng Quân đi qua, nhìn Phong ngờ ngợ. Phong vội hỏi :

- Em muốn nói với tôi điều gì ?

- Thưa ông có phải là Phong, thám tử...

- Phải. Em là ai ? Sao biết tôi ? Em ngồi xuống đây với tôi. A, tôi nhớ ra rồi... Tôi đã gặp em ở Sở Cảnh Sát mấy hôm trước.

Phong kêu thêm tô phở thứ nhì cho Quân. Khách hàng vắng, chỉ có hai anh em và ông chủ xe. Nhưng Phong cẩn thận :

- Em để lát nữa nhé.

Câu nói tối nghĩa ấy dĩ nhiên là Quân thừa thông minh để hiểu. Nó không khách sáo, so đũa lau chùi sạch sẽ và... ăn phở ngay cho nóng.

 Khi hai người ngồi trên xe Renault của Phong, chàng lẳng lặng quay kính xe lên, mở máy lạnh rồi bảo Quân :

- Em nói đi. Ở đây chỉ có trời mới đoán được chúng ta bàn chuyện gì. Tôi trách em nhát quá, đã gặp tôi một lần mà không dám nhận người quen ngay.

- Em là Quân, bạn của Sang và Minh.

- Anh biết.

- Em hôm nay tình cờ gặp ông...

- Gọi tôi bằng anh cho thân mật. Tôi đâu lớn hơn em bao nhiêu tuổi.

- Cảm ơn ông... anh.

- Em nói tiếp đi.

- Em có được thằng Sang kể lại câu chuyện chiếc vòng cẩm thạch. Nó nói nói hiện giờ còn một chiếc vòng thứ hai nữa... đang chôn dưới mồ ông bác.

- Anh biết là em muốn lấy chiếc vòng ấy lên…

- Em cũng tính như thế. Em đoán là bọn cướp đã lấy được một tất phải muốn có chiếc thứ hai cho đủ cặp. Mình sẽ dùng chiếc vòng còn lại làm mồi dụ bọn chúng.

Phong vỗ tay :

- Một ý kiến hay. Vậy bây giờ mình đào lên...

- Không được anh ạ. Vì phải ba năm mới bốc mộ. Em hỏi kỹ thằng Sang rồi. Bác nó chết vừa đúng... 14 tháng. Làm sao bây giờ ? Đó là điều em muốn hỏi anh.

Phong nhíu mày suy nghĩ trong khi thằng Quân sung sướng tự nhủ : Mình có đầu óc trinh thám và mưu kế có thua gì thằng Minh. Tình cờ gặp anh Phong mà mình nghĩ ngay ra được đề nghị mới lạ và hấp dẫn đó.

Phong nói :

- Có một cách thức cổ điển nhưng chắc ăn. Anh thấy ông già ba Sang có vẻ mê tín và xưa lắm. Nếu mình bảo thẳng ông ta bốc mộ để lấy chiếc vòng lên chắc hẳn ông ta không chịu. Đó là chưa kể đến vợ con của người quá cố nữa.

- Hay mình làm một chiếc vòng giả ?

Phong lắc đầu, giọng chàng đều đều như đang nói chuyện với chính mình :

- Cũng không ổn vì bọn cướp lẩn quất đâu đây sẽ nhận ra ngay là giả. Anh đoán chúng là dòng dõi người họ Chu bên Tàu, rất tinh mắt đối với ngọc thạch, nhất là tối hôm đó chúng đã đoạt được một chiếc vòng… thật và… hai chiếc vòng giống nhau như đúc.

Quân hỏi :

- Thế thì mình làm sao ?

- Em khoan hỏi  Phong hơi gắt gỏng  A! Anh nghĩ mình có thể tìm một lý do gì để họ tự ý bốc mộ.

- Thí dụ như…

- Một thầy địa lý chẳng hạn, bảo gia chủ phải bốc mộ vì ngôi đất ấy sẽ triệt đường danh vọng phú quý của con cái về sau. Dù để mộ tạm thời chỉ trong ba năm cũng không ổn. Phải… bốc ngay lập tức.

- Anh kiếm đâu ra ông thầy địa lý…

- Anh sẽ nhờ một ông bạn vong niên khăn đóng áo dài đến thăm biệt thự Cao Sang lát nữa đây.

Hai anh em thích chí cả cười. Quân đính chính :

- Biệt thự Cao-Duyên-Sang chứ anh ?

- Ừ. Em cho anh biết thêm chi tiết về ngôi mộ ông bác của Sang đi.

- Sang nói sơ qua thôi. Tên ông là Nguyễn Thân, chết năm kia... được 14 tháng rồi... mộ ở nghĩa trang Gò vấp, khu sang nhất.

Phong bảo :

- Dĩ nhiên. Nhà giàu lắm mà.

- Đâu có anh. Nhà Sang giàu nhưng ông Thân chỉ trung bình. Ông già ba Sang phải chôn ông anh ở khu hạng nhất vì ông Thân đã giúp ông khá nhiều lúc mới vào đời.

- Ông ta phải làm đàng hoàng vì... còn chiếc vòng ngọc gởi nhờ trong quan tài ông Thân nữa. Lỡ có ai biết... lấy đi thì sao ?

Quân hơi rùng mình trước câu nói của Phong. Nó chép miệng :

- Anh nói nghe ghê quá. Khéo mình bị phỗng tay trên, mất cả chì lẫn chài.

- Hôm nay không phải ngày... thứ Sáu mười ba. Nếu phải chăng nữa thì anh cũng không bao giờ thất bại. Nếu tiền hung thì hậu phải kiết.

- Anh thật là một con người lạc quan.

Phong hơi kiêu ngạo :

- Những người có tài và tự tin ở tài mình thường lạc quan.


Bao giờ ở đời người ta cũng hay gặp những trục trặc bất ngờ. Đêm hôm ấy một bóng đen bí mật tiến gần lại xe hơi của Phong lúc gần 12 giờ khuya. Một cách rất dễ dàng hắn ta lấy chìa khóa mở cửa xe y như chủ nhân thiệt thọ và lúi húi gỡ một vật gì đó mang ra khỏi xe. Tất cả diễn ra trong vòng 5 phút. Rồi hắn khóa cửa xe lại và đi mất.

 Phong phải để xe hơi trên lề đường trước cửa văn phòng trinh thám tư của chàng. Trên lầu sau có một gian phòng ngủ nhỏ là nơi chàng nghỉ ngơi. Cô thư ký chỉ làm việc ban ngày và ra về sau giờ làm việc. Phong rất ghét súc vật nên chàng không nuôi chó để canh giữ nhà và văn phòng làm việc như một số đông đồng nghiệp khác.

Phong đã trang bị cho trụ sở và xe hơi một hệ thống chuông báo động đặc biệt. Chàng có phần ỷ y quá đáng ở hệ thống ấy nên nay bị một vố thật nặng. Hậu quả thì sáng hôm sau chàng sẽ rõ.

Chúng ta theo dõi người bí mật. Hắn chính là Chu Quốc. Một chiếc xe Traction cũ kỹ đưa hắn về một ngôi nhà lạ, nằm trên đường Lục Tỉnh. 12 giờ giới nghiêm. Đường vắng, xe hơi phóng thật nhanh và khi họ vừa về đến nhà thì còi hụ, báo hiệu giờ giới nghiêm. Vừa khéo.

Họ vào nhà. Chỉ một cái nút ấn là máy thu băng nhỏ xíu đặc biệt phát ra tiếng nói của Phong và Quân. Tiếng người hơi rè nhưng vẫn nghe rõ. Chu Quốc nghe xong quay sang bảo người đàn ông ăn mặc theo kiểu Tàu, trạc ngoài 30 tuổi :

- Anh điện thoại cho bọn thằng Coóng làm việc ngay đi, khi hết giới nghiêm 5 giờ. Phải hoàn tất trước 6 giờ vì trời sáng. Đêm nay trời có mây, lát nữa mưa và trời u ám sẽ lâu sáng hơn mọi ngày. Tôi mừng là mình sẽ hoàn thành công việc. Nhờ Trời phù hộ cho dòng họ Chu.

- Anh Quốc nói đúng lắm. Chúng ta sẽ trở thành phú gia địch quốc. Có điều tôi muốn bàn là anh đừng nên đến nghĩa trang Gò Vấp sáng mai. Nếu anh đủ lòng tín nhiệm tôi, tôi sẽ thay anh cố gắng hết sức lo cho xong nhiệm vụ.

- Bao giờ tôi cũng tín nhiệm anh. Anh nói phải. Tôi có lẽ đang bị theo dõi. Thằng nhỏ chết bầm kia tự nhiên gây sự. Tôi tức muốn chết...

Người kia là Quách Tràng, anh em họ với Chu Quốc. Anh ta còn là một người bạn rất thân của Quốc từ ngày nhỏ xíu. Quốc đứng tuổi nhưng với Tràng quả là ý hợp tâm đầu. Đôi bạn vong niên này chẳng giấu nhau một chuyện gì dù nhỏ nhặt đến đâu.

5 giờ 5 phút một chiếc xe hàng đỗ lại trước cửa nghĩa trang Gò Vấp. Xe chưa ngừng hẳn một tiếng càu nhàu nho nhỏ :

- Muốn chết sao mà mày ngừng đây. Chạy mau đi rồi đến góc cuối đường nhả bớt ga chầm chậm cho thằng Coóng và các em nó xuống. Mày dừng xe lại bên kia đường ngang hông nghĩa địa chờ tụi nó. Dặn hoài cũng vậy thôi.

Năm sáu bóng người lố nhố lao xuống xe lẩn vào góc nghĩa trang như những bóng ma. Chúng khiêng theo một thùng dụng cụ nặng. Trời mùa hạ đáng lẽ phải sáng rồi nhưng vì đêm qua mưa và trời nhiều mây nên ánh sáng vẫn nhá nhem bao trùm bãi tha ma.

Không khó lắm, bọn gian tìm được ngôi mộ ông Nguyễn Thân. Mộ của ông được xây tử tế, có bia bằng đá xanh hẳn hoi, tuy không kiên cố lắm vì sau ba năm còn bốc dỡ đi. Sáu người tất cả, làm việc cùng lúc. Cuốc và xẻng, xà beng bẩy được tảng đá ngôi mộ và đào sâu xuống huyệt. Huyệt nông chỉ độ 3 thước nên 10 phút sau cỗ áo quan lộ ra ngoài trời. Một tên trong bọn dường như mừng quá rú lên :

- Coóng ! Mày thấy chưa. Tụi tao số dách.

Coóng gắt :

- Chỉ hay khoe công không đúng lúc. Làm tiếp mau đi còn "chẩu" chứ. Cảnh Sát hốt hết bây giờ. 5 giờ 20 rồi. Nói gì thì nhớ khe khẽ dùm tao.

Tên kia cụt hứng hì hục làm. Chúng cho xà beng vào để bứng nắp áo quan lên. Một bộ xương trắng hếu hiện ra cùng với một chất nước lầy nhầy ghê tởm. Mớ tóc còn nguyên chưa tiêu. Một ít gân và da dính két vào xương ở các khuỷu khô đét lại. Một điều rất lạ vì nước vẫn lấp xấp trong áo quan.

Coóng hình như không để ý đến điều lạ đó. Thằng này thọc tay xuống dưới lớp nước mò móc hồi lâu rồi nói :

- Quái dị ! Tao không thấy chiếc vòng.

- Mày xem kỹ lại đi.

Coóng thọc sâu xuống dưới chân bộ xương. Nó mừng rỡ :

- Đây rồi. Lạ quá ! Vòng đeo ở tay thì lại ở dưới chân

- Mày không thấy bàn tay văng đi đâu mất à ? Gân mục rã ra, xương bàn tay trôi đi, cái vòng tuột khỏi cổ tay là phải có gì là lạ.

Coóng lấy một bình nước sạch mang theo đổ ra rửa sạch vòng ngắm nghía :

- Đúng là vòng nhà họ Chu. Có chữ "Chu" và "Vương" đây này. Vòng đỏ au thật đẹp. Thế này cầu hồn chắc linh lắm. Về mau, nhớ đừng bỏ lại bất cứ vật gì của mình.

5 giờ 30 là chiếc xe hàng vọt đi êm như ru. Mưa bỗng đổ xuống rầm rập như trút nước. Sấm sét đùng đùng. Người gác nghĩa trang thức giấc, ngái ngủ bò xuống giường :

- Mình để chuông 6 giờ thiếu 15. Còn sớm quá trời lạnh mình đánh thêm một giấc nữa. Chưa chắc có ai đi thăm mộ giờ này đâu.

Vì thế sáng hôm đó mãi... 7 giờ cổng nghĩa trang Gò Vấp mới chính thức mở rộng cho khách thăm mộ... đầu tiên là Phong, Minh và Quân.

Trở lại với Phong. Chàng đang ngủ say đến 6 giờ 30 thì đồng hồ reo. Phong thường thức giấc vào giờ này để tập thể dục. Chàng bỗng thấy nóng ruột như lửa đốt. Phong nghi ngờ bọn gian có thể chiếu cố đến chiếc xe hơi của chàng  thám tử mà mất xe thì hết chân cẳng chạy  nên ở trên lầu cao dòm xuống. Thấy chiếc Renault vẫn lù lù trước cửa chàng yên chí quay vào, tự nhủ :

- Chắc tại đói bụng nên ruột gan cồn cào. Bao tử đòi thỏa mãn nhu cầu căn bản của con người. Ta đi làm đồ ăn là hợp lý.

Phong ung dung làm trứng chiên và sữa tươi lạnh để có một bữa điểm tâm thịnh soạn... thay luôn cho bữa cơm trưa. Ngày hôm nay chàng bận nhiều việc, không có thì giờ ăn trưa.

7 giờ thiếu 10 phút Phong xuống xe hơi bỗng chàng la lên :

- Ai đột nhập vào xe của tôi ? Sao chuông không báo động ?

Phong mở cốp xe thì thấy chuông vẫn nguyên vẹn. Chàng ghé mắt dòm xuống gầm xe thì thấy sợi dây điện có dấu nối lại. Chàng lẩm bẩm :

- Đúng bọn chúng chơi ta ! Chúng đột nhập vào xe ta làm gì ? Chất nổ chăng ?

Phong có thói quen dán một sợi tóc nhỏ xíu ngang qua cánh cửa xe ở gần phía sàn xe, rất xa ổ khóa. Đó là cách chàng kiểm soát sự xuất nhập vào xe dù… hệ thống chuông bị phá hỏng. Vì thế, sáng nay nhìn bề ngoài chiếc xe vẫn... bình thường, ngoan ngoãn nhưng Phong biết ngay có hiện tượng lạ xảy ra.

Một mẩu giấy bạc nhỏ xíu còn rớt trên nệm. Phong đọc sơ qua, choáng người :

- Rõ ràng quá rồi ! Sao ta vô ý thế. Hôm qua không kiểm soát xe để chúng đặt máy ghi âm. Thế này thì chúng ra tay trước ta ở nghĩa địa Gò Vấp rồi.

Phong tính toán nhanh như máy điện toán IBM. Chàng biết bọn gian chưa có ý giết mình. Nếu không chàng đã chết khi mở cánh cửa xe. Đặt chất nổ đối với chúng đâu phải là một tội ác ghê gớm mà chúng không dám làm.

Xe Renault phóng như bay. Phong ghé qua nhà Quân rồi Minh, rước chúng đi phụ một tay với chàng, lục soát trước khi người gác nghĩa trang phát giác và báo cho Cảnh sát biết. Có nhiều người qua lại nơi đó sẽ thủ tiêu tất cả những dấu vết khả nghi có thể giúp chàng phăng lần ra manh mối.

Hai thằng bé còn mặc quần áo ngủ. Chúng xin phép cha mẹ sơ qua rồi ra xe với Phong. Cha mẹ của Quân và Minh tuy hơi lạ nhưng cũng yên tâm vì thấy Phong là người đứng đắn.

Nhà Minh ở gần ngoại ô nên chỉ ba phút chạy xe là đến nghĩa trang. Chàng nóng nảy bóp còi liên tiếp. Người gác sợ hãi chạy ra mở cổng. Ông ta biết lỗi của mình, sợ chuyện bê trễ đến tai Hội Tương Tế thì mất một chỗ làm nhàn hạ.

Một cảnh điêu tàn diễn ra trước mắt ba người. Phong suy tính rất nhanh muốn chỉ cho Minh và Quân biết lối ra vào của bọn cướp. Chàng hỏi :

- Đố Minh biết bọn cướp ra bằng đường nào và vào bằng đường nào ?

 Minh lặng thinh. Nó ra bờ tường rào nghĩa địa quan sát hồi lâu rồi trở vào :

- Bọn chúng vào bằng góc nghĩa địa tận cùng kia và ra bằng lối ngang hông.

- Tại sao ?

- Vì em đoán bọn chúng phải leo rào vào nghĩa địa. Mà bờ tường bên hông có những vệt chân dẫm đầy bùn đất lem luốc hơn bờ tường ở góc nghĩa địa. Em nhớ đêm qua trời mưa và bên trong nghĩa địa là đường đất còn lề đường bên ngoài tráng xi măng.

- Đúng lắm.

Quân không bỏ lở cơ hội góp ý :

- Em đoán chúng mang theo nhiều dụng cụ lắm. Anh nhìn những vết chân lún sâu xuống đất ướt thì biết. Dấu chân in trên đất thành hai hàng đường chỉ rõ lối ra vào của bọn chúng.

- Em cũng giỏi lắm.

- Còn anh nhận xét thấy những gì ?

- Để về nhà anh nói. Câu chuyện dài lắm. Bây giờ mình phải điện thoại cho Cảnh sát và biệt thự Cao-Duyên-Sang.


Ông Cò tính chuyển giấy mời Chu Quốc đến Quận Cảnh Sát để điều tra lần thứ nhì nhưng Phong không tán thành. Chàng nói :

- Mình làm việc bí mật hay hơn. Rút dây động rừng.

Minh ngồi chờ Phong ngoài xe, buồn bã :

- Anh đã mời ông bạn giả làm thày địa lý đến nhà Sang hôm qua chưa ?

- Anh có đến nhà nhưng ông đi vắng. Bây giờ thì… mình khỏi nhờ ai cả.

Quân chép miệng thở dài :

- Thế là phí hết bao công toi. Anh cho em… về nhà đi ngủ.

- Phải đấy, cả em Minh nữa. Các em mặc pyjama đi ngoài đường bất tiện.

Khi Phong đã quyết thì không ai cản trở được ý định của chàng.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV

CHƯƠNG II_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ


CHƯƠNG II

 CÂU CHUYỆN CHIẾC VÒNG HUYẾT DỤ

Quân ngần ngại mãi song lỡ hẹn với Minh cũng phải đến biệt thự Cao-Duyên-Sang lúc 8 giờ sáng. Thằng quỉ hẹn gì sớm quá, nhà thằng Sang giàu lắm khi giờ đó mới ngủ dậy và... đang ăn điểm tâm. Thật là bất tiện vô cùng.

Quân đến nơi thì Minh cũng vừa bấm chuông. Người làm công mở cửa. Hai bạn bước vào trong. Ông già, ba Sang vẻ mặt sầm sầm có vẻ không muốn tiếp khách. Cả chị Duyên và anh Cao cũng lơ là. Sang ngồi im thin thít một chỗ chẳng dám hé răng. Minh tự nhiên như không :

- Anh Quân hôm qua bỏ quên chiếc mù soa nên rủ cháu sáng nay đến tìm cho mau. Chúng cháu biết là bác đang bận...

Ông dịu nét mặt :

- Hai cháu ngồi chơi.

- Thưa bác ăn sáng chưa ? Nếu chưa xin bác cứ tự nhiên... Cháu sợ bác phiền...

Bất đắc dĩ ông phải mời :

- Hai cháu vào ăn sáng với bác. Đợi tí nữa người làm dọn xong mình đi qua phòng ăn.

Quân tức tối. Nó đâm ra thù Minh. Điều Quân tiên liệu trước đã không sai. Thằng Minh tóc dài nhà cũng giàu có tiếng thiếu gì bữa ăn điểm tâm mà tới đây giờ này. Minh dường như không biết tâm sự của bạn, nó sẽ thúc cùi chỏ vào hông Quân :

- Mày sướng nhé. Ghé tai gần đây tao nói nhỏ cho nghe. Tao muốn tạo dịp làm thân, thật thân với gia đình thằng Sang để điều tra vụ mất chiếc vòng cẩm thạch đêm qua.

Quân quên cả giận :

- Mày điều tra ? Mày có điên không ? Mày điều tra ra cái đồng hồ vàng mất chưa ?

Minh cười trừ :

- Mày đừng mỉa mai tao vô ích. Tả Ao ngày xưa còn phải công nhận : Địa Lý không táng được mả nhà. Huống hồ tao chỉ là... thám tử tập sự. Quân cướp vặt giật bách một cái rồi chạy mất, tao chẳng phải cảnh sát điều tra sao ra được.

Quân hiểu ra, vừa buồn cười vừa tức tức :

- Mày bảo tao cướp vặt hả ?

Ngay lúc ấy một người bồi mặc quần áo trắng hiện ra lễ phép :

- Mời ông chủ và các cô cậu qua xơi điểm tâm.

- Được rồi anh sang trước đi.

Bữa ăn sáng kiểu cách và thịnh soạn đó đối với Quân không ngon chút nào. Món ăn mắc tiền, bổ dưỡng, làm rất khéo nhưng Quân bị gò bó, mất tự nhiên. Ở nhà thường mỗi ngày, Quân và các em nhồm nhoàm gói xôi hay khúc bánh mì thịt là xong. Vừa ăn vừa chạy đi chơi, có thể nói chuyện hay ngắm trời mây tùy thích. Minh trái lại, rất chững chạc, ung dung thưởng thức món ăn, khen :

- Trứng ốp la và jambon ngon quá. Bánh mì chắc không pha bột gạo hả bác ?

- Ừ. Bác dặn mua tận trên tiệm bánh Moderne ở đường Nguyễn Huệ đó.

- Bác thật sành ăn.

Ông già hứng chí :

- Bơ này cháu biết chưa ? Bơ Pháp, thứ đặc biệt người bạn bác mới đi về cho đó.

- Bác... tài thật.

Quân lấy làm lạ. Chẳng lẽ Minh chỉ "điều tra" bằng những lời đưa đẩy thông thường khách sáo ấy sao ? Minh như biết được ý nghĩ của bạn, nháy mắt ra dấu cho Quân nhẫn nại, tiếp tục :

- Bữa ăn bác cho tụi cháu sáng nay thật tuyệt.

Minh nói thế vì lúc ấy bữa điểm tâm gần tàn. Ông già mời mọc :

- Cháu và Quân dùng cà phê sữa nhé ? Cà phê cho dễ tiêu…

- Vâng, cám ơn bác.

Ngừng lại một chút Minh hỏi :

- Cháu thấy bác dường như có điều lo nghĩ, không để tâm thường thức cà phê. Cháu đoán là điều ấy có liên quan đến chiếc vòng ngọc thạch mất đêm qua...

Ông già gật đầu :

- Bác có nghe chị Duyên nhắc đến việc cháu đuổi theo tên cướp. Cháu thuật lại cho bác nghe đi.

- Vâng, cháu sẵn lòng.

Minh kể chuyện. Nó nói chẳng những bằng miệng mà còn bằng tay, chân, vẻ mặt, thân người. Chị Duyên đang buồn cũng bật cười khen :

- Em Minh diễn xuất khá lắm. Ráng học lớn lên thi vào trường Quốc Gia Kịch Nghệ.

Minh lắc đầu :

- Chị đừng nói thế. Em thề với chị là em nói thật, tất cả sự thật, không đóng kịch chút xíu nào đâu.

Quân xen vào :

- Chị đừng tin thằng Minh. Nó... xạo lắm.

Minh tảng lờ như không nghe thấy tiếp tục kể. Và nó kết luận :

- Cháu nghĩ không phải tự nhiên mà điện bị tắt. Và cũng chẳng tự nhiên mà dây điện từ cột vào nhà bị đứt. Có người phá hoại, bác ạ.

Ông già hơi ngạc nhiên bảo Minh :

- Cháu cứ nói tiếp.

- Hai đầu dây đứt cong cong chứng tỏ có người cắt đứt rời ra rồi nối lại. Cháu đoán họ nối sơ sài và có thể dùng sợi dây khác, không dẫn điện buộc vào ngay mối nối ấy, và thả dài xuống gần mặt đất. Khi nào họ muốn chỉ nắm đầu dây này giật mạnh một cái là dây điện đứt và điện trong nhà bị cúp ngay.

Ông già đổi ngay thái độ, rất vồn vã quý hóa Minh :

- Bác phục cháu là đứa trẻ có đầu óc. Cháu phân tích giống hệt nhà thám tử Phong tối hôm qua đến đây. Tuy nhiên có điểm khác là ông ta chưa dám đưa ra giả thuyết quá táo bạo là có người đứng ngoài đường giựt đứt dây điện...

Minh cười :

- Có lẽ từ giờ cháu nên dè dặt một chút.

- Khỏi cần cháu ạ. Cháu thấy có gì lạ cứ nói ngay cho bác hay anh Cao chị Duyên cũng được. Có cháu tiếp tay chắc bác tìm lại được chiếc vòng ngọc sớm.

- Cám ơn bác quá khen. Thưa bác cháu về.

- Cháu không tìm cho Quân khăn mù soa nữa à ?

Minh trêu chọc bạn :

- Chắc Quân nghe chuyện nãy giờ đủ... bù lại chiếc khăn mù soa bị mất rồi. Bác mặc kệ nó.

Hai bạn rút lui thật nhanh. Chị Duyên và anh Cao đi vào nhà trong từ lâu. Minh không quên nắm tay Sang :

- Mày đưa tụi tao ra cổng chứ.

Ông già gật đầu cho phép. Minh thừa thắng xông lên :

- Bác cho phép Sang đi chơi với tụi cháu ra phố mua sách một lát nghe bác.

- Các cháu về sớm đấy nhé.

- Vâng, bác yên trí.

Chỉ thoáng một phút, Sang thay quần áo xong xuôi. Nó chào cha và tung tăng theo hai bạn ra đường. Quân tâm lý :

- Mày ở nhà lúc này thấy không khí ngột ngạt lắm phải không ?

Sang thú nhận :

- Mày nói phải. Tao buồn quá.

- Mày nói cho tụi tao nghe chuyện cái vòng đi. Tao với thằng Minh hứa sẽ kín miệng như bưng. Chúng tao chỉ muốn giúp đỡ gia đình mày thôi.

Minh phê bình :

- Thằng Quân lâu lâu nói một câu tao nghe được.

Quân nhìn Sang chờ đợi, Sang bắt đầu :

- Cha tao muốn giữ bí mật chuyện riêng của gia đình không cho người ngoài biết. Nhưng đến tối qua thì không được nữa. Tao nghĩ có kể lại cho tụi mày biết cũng chẳng sao. Vòng cẩm thạch ấy có một cặp. Theo lời ông nội tao kể lại thì lâu lắm rồi, có một người Tàu họ Chu đói lả gần chết nằm gục ở trước cửa nhà. Ông bà tao hồi đó giàu có lớn, tính ham làm phúc nên mang anh ta vào cho ăn uổng tử tế. Sau đó vài hôm anh ta cũng chết.

- Tại sao ?

- Anh ta không chết vì đói mà vì bệnh sưng phổi. Sương đêm ngoài Bắc Việt quá lạnh. Trước khi chết anh ta trao lại đôi vòng ngọc cẩm thạch xanh nói là tặng cho ông bà nội tao đền ơn cứu tử.

- Mày nói lộn : Vòng đỏ chớ đâu phải xanh ?

- Không, vòng xanh. Mày phải biết vòng cẩm thạch xanh chôn theo người chết lâu ngày hóa đỏ dần dần...

Quân nhăn mặt :

- Tao cũng đã từng nghe nói qua rồi. Nhưng… ghê quá…

- Từ đó hễ trong họ có người chết là ông bà tao để nhờ vào quan tài cặp vòng ngọc, lúc bốc mộ sẽ lấy lên. Vòng đỏ từng tia một, rồi từng khúc và sau cùng là cả thân vòng.

- Sao hôm qua chị Duyên đeo có một chiếc ?

- Chiếc đó đỏ au tất cả vòng. Chiếc còn lại đang để dưới mồ của ông bác tao vì còn một khúc màu hồng lợt lợt.

- Vòng đỏ có ích gì ? Đắc giá hơn phải không ?

Sang gật đầu :

- Phần nào đúng như vậy. Theo thời giá cặp vòng ấy hiện giờ bạc triệu...

Minh và Quân lè lưỡi. Sang tiếp :

- Vòng đỏ nghe nói kỵ gió, kỵ sương... ôi thôi nhiều thứ lắm. Mày về hỏi chị Duyên là rõ ngay.

- Mày kể chuyện người Tàu ấy nữa đi.

- Hết rồi. Ông ta trăn trối là nếu nhà tao có phúc đức thì sẽ nhờ chiếc vòng ngọc mà giàu thêm. Phú gia địch quốc. Chỉ có thế thôi.

Quân cười, dở giọng nửa nạc nửa mỡ :

- Mày thấy cặp vòng ngọc có đặc điểm gì không ? Nói đi, biết đâu tao với thằng Minh tình cờ thấy được nó... ở một nơi nào đó thì nhận ra ngay.

- Có hai chữ nho "Chu" và "Vương" khắc rất nhỏ đối diện nhau. Hai cái vòng giống nhau như đúc. Tiếc quá, chiếc vòng kia còn ở dưới… mồ nếu không tao lấy cho mày xem.

Minh cười :

- Chữ Hán khó thật nhưng nếu chỉ nhận biết có hai chữ thì cũng dễ. Lát nữa tao ghé hỏi ông thày Việt Văn. À, "Chu" và "Vương" viết theo lối chữ nào ? Triện hay Thảo ?

- Triện thì phải.

Minh lảng xa :

- Mày thích xi nê không hả Sang ? Tao bao luôn thằng Quân nữa.

- Thôi mình đi ăn kem rồi về. Tao không có hứng.

- Bây giờ không có hứng thì rồi sẽ có hứng. Không quan hệ.

Sang phản đối :

- Mày độc tài quá đâu được.

- Tao có lý do riêng. Bây giờ phải thi hành trước, khiếu nại sau.

Minh hai tay nắm lấy Sang và Quân đẩy vào một rạp xi nê bình dân gần đó. Nó hối hả lấy vé, mắt liếc chừng ra sau lưng. Chờ đợi lâu, Minh dục :

- Xé dùm tôi ba vé hạng nhất.

- Rất tiếc, phim này cấm trẻ con dưới 18 tuổi. Các cậu đưa thẻ căn cước tôi coi.

Minh đỏ mặt, nói gượng gạo :

- Xin lỗi, tôi sơ ý.

Sang và Quân nắm tay nhau cười khúc khích. Minh ra đến nơi, Quân bảo :

- Đáng đời mày Minh ạ. Cứ thích ra vẻ thông thái.

- Mày quê quá trời.

Minh đành cười trừ. Nhưng chỉ nửa phút sau nó chỉ cho Sang và Quân về phía xa xa :

- Ở cuối đường hình như có đám cãi cọ đánh lộn chi đó. Mình chạy mau ra xem.

Ba bạn phóng người nhanh như thỏ. Chạy mệt muốn đứt hơi tới nơi nhìn thấy trống trơn, Quân càu nhàu :

- Mày trông gà hóa quốc rồi Minh. Có gì đâu ?

Minh ung dung :

- Mày nhìn lại sau lưng xem.

Sang cũng ngoái cổ dòm lại. Một người đàn ông đứng tuổi đi rất hối hả cùng chiều với bọn trẻ. Minh giải thích :

- Hắn kín đáo lắm. Lúc đầu tao không phát giác ra được. Khi thấy rạp xi nê tao muốn thử lại bài toán nên rủ tụi bay vào xem chớp bóng, thất bại, tao bày ra trò "chạy đua" này. Và hắn mắc mưu, rượt theo. Tụi bay xem hắn đang đi chậm chậm lại đấy.

Sang và Quân nhìn Minh bằng cặp mắt thán phục. Quân gật gù :

- Tao công nhận thằng Minh có năng khiếu trinh thám đặc biệt và bén nhạy.

Sang hỏi :

- Làm sao mày biết có người theo dõi tụi mình trong khi chính mày vừa nói là không phát giác được ?

Minh đùa :

- Bí mật nghề nghiệp…

- Mày làm ơn nói rõ ra đi.

- … Thú thật là tự nhiên tao cảm thấy như thế... có lẽ đó là giác quan thứ sáu…

Biết Minh không chịu nói. Sang im lặng. Gã đàn ông kia rẽ vào một đường hẻm nhỏ từ lâu. Minh bảo :

- Tụi mình đi dạo tiếp như thường...

Mặt Sang hơi tái. Nó nói :

- Tụi bay đưa tao về...

- Mày không về lấy được một mình sao ?

- Tao hơi sợ...

- Thế thì được rồi.

Ba đứa trẻ vừa cất bước được một quãng ba chục thước thì Minh liếc lại thấy người đàn ông lại lẽo đẽo theo sau. Quân lần này cũng biết thế đi sát nói thầm với Minh :

- Hay bọn cướp muốn bắt thằng Sang... Tao nghi chuyện này có liên quan đến chiếc vòng ngọc thạch.

- Đã hẳn rồi. Mày có muốn tóm cổ hắn không ?

- Tóm thế nào được. Hắn vô tội kia mà, ít nhất là cho tới giờ phút này.

Minh hạ thấp giọng :

- Thì tao cho hắn một tội nho nhỏ. Có hại chi đâu. Mày có học võ nhu đạo phải không ?

- Ừ mà mày hỏi chi vậy ?

- Đến cấp nào rồi ?

- Đai nâu…

- Tốt lắm. Mày đi trước tách rời tao và thằng Sang rẽ vào trong xó xỉnh nào đó mặc thêm chiếc áo mưa của tao ra ngoài cho khác đi. Đợi hắn đi đến mày gây chuyện thế nào đó kéo dài lời qua tiếng lại chừng năm phút kịp thời gian cho tao báo cảnh sát và thằng Sang lên xe taxi về nhà.

- Lỡ hắn trông rõ mặt tao thì sao ?

Minh quả quyết :

- Hắn chưa nhìn rõ mặt mày đâu. Có điều sau chuyện lôi thôi này… là hắn biết rõ mặt mày. Chỉ cần mày đề phòng từ đây về sau. Mày có học võ phòng thân rồi, sợ gì.

Nhanh như cắt, Quân lủi đi mất. Hai bạn Minh và Sang tiếp tục tản bộ. Được năm phút bỗng có tiếng ồn ào phía sau. Minh bảo Sang :

- Để mặc tao. Mày về một mình trước đi. Tao bảo đảm là sẽ không có gì xảy ra dọc đường đâu.

Minh vẫy một chiếc taxi trờ qua và ấn bạn vào. Rồi nó phóng lại một viên cảnh sát gần nhất cách đó chừng 100 thước, nhờ can thiệp :

- Thưa thày, bạn tôi đang bị hành hung. Mong thày giúp cho.

Thày cảnh sát sốt sắng đi ngay. Vẹt đám đông người thì Minh thấy ngay Quân đang la lối :

- Ông đi vấp vào tôi làm rách áo mưa. Ông phải đền tôi đi chứ.

Người đàn ông quay sang viên cảnh sát phân bua :

- Thày coi thằng nhỏ ngồi nghênh ngang chân cẳng đưa ra ngáng lối đi. Tôi vấp phải suýt ngã. Chưa hỏi tội nó thì nó ào ào bắt đền.

Dĩ nhiên là cả hai được mời về bót. Minh gọi nhờ điện thoại công cộng về cho thám tử Phong. Rất dễ dàng nhờ cô điện thoại viên ở Tổng Đài sốt sắng tìm giùm Minh và chuyển đường dây nói cho thám tử Phong :

- Tôi là Minh, muốn nói chuyện với ông Phong, văn phòng trinh thám tư...

- Alô, tôi là Phong đây...

- Tôi là bạn của Sang, con út của thân chủ mới nhất của ông đêm qua, biệt thự Cao-Duyên-Sang đó… Ông nhớ ra rồi phải không ? Tôi có món quà tặng ông ở Sở Cảnh Sát... Có tên nọ theo dõi chúng tôi không rõ định làm gì, tôi đã lập kế nhờ cảnh sát tóm hắn... về tội cãi vã gây chuyện... với bạn tôi. Sang đã về nhà rồi. Mong ông đến ngay sở Cảnh Sát khéo léo điều tra hắn cho kín đáo. Chào ông.

Minh cúp máy.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

CHƯƠNG I_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ



CHƯƠNG I

BUỔI HỌP MẶT

Quân hớn hở vào nhà trong xin phép mẹ :

- Thưa mẹ có Sang rủ con đi ăn. Con đi mẹ nhé.

- Ăn ở đâu hả con ?

Quân cười xòa :

- Có bữa tiệc họp mặt nho nhỏ ở nhà Sang đó mẹ. Chị của Sang mới ở ngoại quốc về chơi trong kỳ hè này...

- Mẹ hiểu rồi. Con đi nhớ về sớm nhé... Có phải để phần cơm cho con không ?

- Thôi mẹ ạ.

Quân chạy thật nhanh vào phòng thay quần áo. Nó diện thật kẻng từ đầu đến chân. Nào giầy mới đánh xi bóng như gương, chiếc áo sơ mi trắng cổ hồ bột thật cứng, quần tây màu xám tro. Sang có vẻ hơi nóng ruột, đi đi lại lại ngoài phòng khách. Quân vừa ló đầu ra, Sang đã trách :

- Mày sửa soạn lâu quá. Y như đàn bà.

Quân cãi :

- Mới mười phút mà mày kêu ca nỗi gì. Lỗi ở mày tự nhiên rủ tao đi.

- Thôi mình đi là vừa. Nào đi đi…

- Mày làm như đuổi tà không bằng.

Quân và Sang là bạn học cùng lớp đệ Tứ. Năm tới chúng lên đệ Tam. Hai đứa nói chuyện không mấy hợp nhau, chẳng hiểu sao lại trở thành bạn thân được. Bạn cùng học đã phê bình:

- Chúng nó như chó với mèo.

Sang phì cười :

- Ai bảo tụi mày là chó mèo không "sống chung hòa bình" được ?

Quân bồi thêm :

- Nên nhớ hai vật mang điện cùng dấu... đẩy nhau và hai vật mang điện khác dấu... hút nhau.

Lũ bạn phục tài hùng biện của hai đứa này quá. Nhưng chúng vẫn không chịu thua :

- Để xem tụi bây sống chung hòa bình được bao lâu.

- Hai đứa bay... hút nhau mãi thế nào cũng có ngày bươu đầu sứt trán.

Thấy Quân trầm ngâm, Sang nhắc :

- Mày có nhớ thằng Minh không ?

- Minh nào ? Quân lơ đãng.

- Minh tóc dài đó.

- A ! Nhớ rồi. Nó làm sao ?

Sang buồn buồn :

- Nó mới bị giật mất cái đồng hồ vàng.

Quân ngạc nhiên quá :

- Giật hồi nào ?

- Mới sáng nay. Nó khóc sướt mướt như con gái. Tao an ủi mãi và để nó bớt buồn tao mời nó đến chung vui tối nay với tụi mình. Tao thấy mày không ưa nó nên phải dặn trước.

- Mày yên chí. Quá lắm là như tao... với mày là cùng.

Sang... không cười trước câu nói pha trò rất có duyên của Quân. Quân cũng biết tính bạn hay lo chuyện bao đồng nên cũng chẳng nói thêm gì nữa.

Đường đi ngắn dần và hai bạn đến biệt thự Cao Sang lúc 6 giờ 25. Đây là nhà của Sang. Gia đình Sang còn đủ ba má và có ba người con : Anh Cao, chị Duyên và Sang là con út. Có lần Quân hỏi về tên biệt thự thì ba Sang bảo :

- Nữ sinh ngoại tộc cháu ạ. Vì thế bác lấy tên anh Cao và thằng Sang ghép lại đặt cho nhà này. Cháu nghĩ có phải không ?

Quân khôn khéo phản đối để ông già khó tính nệ cổ kia khỏi mích lòng :

- Bác dạy rất đúng nhưng... thời đại mới, kỷ cương mới...

Quân biết ông rất thích Nho học nên phải dùng chữ Hán cho ông hiểu và tôn trọng ý kiến của nó. Quả nhiên, ông già nhíu mày suy nghĩ, miệng lẩm bẩm :

- Thời đại mới, kỷ cương mới...

Lần ấy Quân không dám nói nhiều hơn sợ ông chạm tự ái. Nó ra về ngay, khi ra đến cổng còn hỏi Sang, giọng đầy ắp những thắc mắc :

- Ba mày xưa như thế làm sao chị Duyên du học được ?

- Chị ấy học giỏi lắm. Lúc xin học bổng giấu ba tao. Không cho ông biết. Khi được rồi thì ba tao la hét dữ lắm nhưng sau cũng để cho chị đi vì ông tiếc cơ hội bằng vàng cho con gái lập thân. Má tao nói vào giúp chị Duyên nữa. Sau cùng ba tao lên Lăng Ông xin xâm, theo quẻ dạy để chị đi học.

- Ly kỳ nhỉ ?

Câu chuyện ba tháng trước hiện ra rõ mồn một như mới xẩy ra chiều hôm qua. Quân sung sướng hít một hơi hương hoa căng phồng hai buồng phổi. Ngôi biệt thự song lập này có một vườn hồng rất đẹp, rất thơm. Một thiếu nữ mảnh khảnh hiện ra. Mắt cô đen nhánh và sáng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. Nước da trắng như trứng gà bóc. Quân reo lên :

- Chị Duyên ! Còn nhớ em không ?

- Làm sao chị quên em được. Rõ em tôi khéo lẩn thẩn.

Duyên vuốt ve mái tóc... rối bù của Quân :

- Cậu công tử ăn diện đúng điệu lắm... nhưng sao tóc chưa chải...

Quân vội ngắt lời chị Duyên. Nó hơi thẹn :

- Chị đừng trách em. Tại Sang dục em quá xá...

- Chị không trách em đâu. Chị còn đang định cám ơn em nữa.

- Cám ơn em ? Quân tròn mắt.

Duyên gật đầu :

- Phải. Em có nhận thấy nhà này hôm nay có gì lạ không ?

Quân bỡ ngỡ :

- Bác làm tiệc đãi chị ?

- Không. Đó là vấn đề phụ, việc chính là… mà thôi em ra cổng nhìn kỹ lại sẽ thấy ngay.

Trời nhá nhem tối. Nhưng Quân tinh mắt có hạng. Nó nhìn ra ngay tên biệt thự. "Cao Duyên Sang". Quân hét lên vui sướng :

- Nhất chị rồi đấy. Chị... Bây giờ bình đẳng với nam giới thực sự đó nghe.

Sang láu táu :

- Ba tao có vẻ nghĩ ngợi từ hôm mày nói chuyện chị Duyên với ông. Và ông cho sửa lại tên nhà trước khi chị Duyên về. Tao sơ ý quên chưa cho mày hay.

Chị Duyên cảm động :

- Ba chị tiến bộ hẳn trông thấy em ạ. Ông nói : "Con nào chẳng là con". Chị mừng lắm.

Đèn điện thắp sáng choang cả nhà trong lẫn nhà ngoài. Khách đến càng lúc càng đông. Bạn của anh Cao, bạn của chị Duyên và bạn của Sang (Minh và Quân đấy). Mọi người vui vẻ cười nói. Tiệc tổ chức theo kiểu Mỹ, không có chỗ ngồi nhất định cho mỗi người, trái lại khách được tự do múc lấy đồ ăn, thức uống và tự do đi lại dạo chơi khắp vườn hoa hồng. Quân chợt nhớ đến Minh, hỏi nhỏ Sang :

- Nó đâu rồi ?

- Nó là ai ?

- Thằng Minh chứ còn ai nữa.

- Nó mới đứng đâu đây uống rượu ngọt với tao mà. Mình đi tìm nó nói chuyện chơi.

- Ừ thì đi tìm nó.

Sang nghe giọng Quân hơi miễn cưỡng thì lấy làm lạ :

- Tại sao ban nãy mày nhắc đến thằng Minh tao bảo đi tìm mày ngần ngại ?

- Gặp nó tao hơi ngượng. Lúc trước gây với nhau hoài.

- Theo tao là yên chuyện. Chín bỏ làm mười đi Quân ạ.

- Tao cũng định thế.

Sang kéo bừa Quân đi. Những ngọn đèn trắng được tắt bớt đi. Ánh sáng hơi mờ của những bóng đèn tròn bọc giấy bóng màu tạo cho khu vườn một vẻ huyền hoặc. Quân vừa kịp thấy dáng Minh thì ngay lúc ấy đèn tắt phụt. Có tiếng xôn xao của khách đến chơi. Vài cô gái mất bình tĩnh la hoảng lên. Trong số ấy có chị Duyên :

- Trời ơi ! Ai cứu tôi... Nó ăn cướp...

Quân dằng tay Sang ra, phóng mình về phía có tiếng chị. Hình như mấy anh lớn bạn chị Duyên và anh Cao cũng chạy rầm rập. Chỉ trong giây lát một quang cảnh hỗn độn vô cùng xảy ra. Tiếng chân chạy, người hét, tiếng quát tháo, kêu cứu… biến ngôi biệt thự xinh đẹp thành một địa ngục trần gian. Anh Cao la lớn :

- Đừng nhốn nháo. Ai ngồi yên chỗ nấy. Chút xíu điện sẽ có lại... Duyên chờ anh chút...

Phải cần đến anh hét ba bốn lần cảnh lộn xộn mới dịu dần. Quân đứng lại theo lệnh anh Cao. Lúc này nó mới hơi tỉnh táo để quan sát. Đèn ngoài đường lộ và ở các nhà chung quanh hàng xóm vẫn sáng. Chỉ riêng có biệt thự Cao-Duyên-Sang là tối như đêm ba mươi. Vậy là đường dây dẫn vào nhà bị đứt. Từ lề đường vào trong nhà xa quá nên ánh vàng vọt từ cột điện chiếu ra không đủ sáng tỏ khu vườn.

Quân đã lần mò đến được bên cạnh chị Duyên. Nó nhận ngay ra chị nhờ mùi thơm đắt tiền đặc biệt của nước hoa Chanel trên mái tóc huyền. Nó hỏi :

- Chị mất cái gì vậy hả ? Để em đi tìm cho.

Chị Duyên đang khóc thút thít. Anh Cao cũng vừa đến. Anh hỏi, dục dã :

- Nói đi Duyên.

- Em mới bị cướp mất chiếc vòng cẩm thạch anh ạ.

- Thật thế sao ?

Anh Cao thảng thốt kêu lên. Tiếng kêu não nuột đến mức Quân nghĩ rằng nó không thể nào có đủ can đảm nhìn mặt anh nếu đèn bật sáng. Một khuôn mặt tái xanh, thất vọng... đến hết muốn sống ở đời.

Quân lay mạnh vai chị Duyên :

- Chiếc vòng màu đỏ chị đeo ở tay hồi chiều đó phải không ?

- Em... em đừng hỏi...

Đó là một câu xác định gián tiếp nhưng rất hùng hồn. Quân đứng ngơ ngác thì Sang chạy đến:

- Mày đấy phải không Quân ?

- Ừ, tao đây. Chị Duyên mất chiếc vòng cẩm thạch rồi.

- Mày nói sao ?

Giọng Sang cũng ngạc nhiên không kém anh Cao. Thay vì lập lại câu chuyện một lần nữa, Quân hỏi gặng :

- Chiếc vòng mắc tiền lắm hả Sang ?

- Không, nó quý lắm... Mà thôi, mày cho là mắc tiền... cũng đúng...

Quân cười chọc tức bạn để Sang khai ra những điều nó cần biết :

- Mày giỏi lắm. Làm trai cứ nước hai mà nói. Mày không thích thì thôi, tao tìm thằng Minh.

Minh đứng ngay đấy từ hồi nào. Nó nói :

- Mày đừng giấu anh em nữa Sang. Tao biết cả rồi. Lúc đèn tắt, chị Duyên la cướp rồi một bóng đen chạy thật nhanh qua chỗ tao đứng. Tao chứa kịp phản ứng vì quá bất ngờ thì hắn leo rào ra đường. Lúc nhìn ra lộ thì chỉ còn nghe tiếng máy xe Honda từ xa vẳng lại.

Thế là hết. Sang gục đầu xuống thấp. Quân biết thế là vì hai tay nó đang giữ lấy hai vai Sang bỗng thấy nằng nặng. Nó an ủi :

- Mày đừng buồn. Chiếc vòng ấy đắt lắm hả ?

- … Đắt thì đắt thật nhưng quan trọng là vì chiếc vòng ấy là vật gia bảo của dòng họ nhà tao. Ba tao mới đưa cho chị Duyên đeo hồi chiều.

Minh xen vào :

- Vòng cẩm thạch có một đôi phải không ?

Sang ngửng phắt đầu lên :

- Ừ, nhưng tại sao mày biết ?

Chị Duyên và anh Cao cũng đang chăm chú theo dõi câu chuyện của ba đứa trẻ con. Minh từ tốn:

- Tao đoán thế là vì bóng đen ban nảy vừa chạy vừa nói lẩm nhẩm : Tiếc quá ! Tiếc quá ! Lúc đầu tao ngờ là nó giựt hụt vòng nay biết rõ là chị Duyên mất thật rồi nên lập tức tao đoán vòng có đôi. Hắn tiếc vì lấy được có một cái.

Ánh đèn mờ ảo nóng nực của đèn dầu hôi được thắp lên soi sáng bàn tiệc từ lúc nãy. Anh Cao chẳng biết làm thế nào vớ được một cái đèn pin rất mạnh đang cầm trong tay, anh bật lên soi khắp các chốn chung quanh chỗ chị Duyên bị giựt vòng ngọc một lần nữa rồi thở dài :

- Minh nói đúng. Mất thật rồi, em Duyên ạ.

Bỗng anh như nhớ ra điều gì vội chạy vào trong nhà. Giây lát sau một ánh sáng trắng dịu mắt của đèn măng-sông tỏa ra khắp vườn. Anh Cao xin lỗi :

- Tôi rất tiếc vì việc tắt điện ngoài ý muốn tối hôm nay...

Anh đang lúng túng sắp đặt trong óc lời tiễn khách ra về thì Quân nói hớt :

- Em mong các anh chị ra về vui vẻ và đêm nay ngủ rất ngon.

Có tiếng vỗ tay rào rào tán thưởng thằng bé. Không khí ảm đạm, không chút hào hứng vẫn chưa xua đuổi đi được. Buổi tiệc họp mặt hóa ra phải ngưng nửa chừng. Quân nhìn đồng hồ 8 giờ 30.

Chị Duyên nói thật khẽ với Minh và Quân :

- Hai đứa em về đi. Chị cám ơn lắm… nhưng trong nhà đang có chuyện buồn… đây là việc riêng của gia đình chị... hai em thông cảm.

Minh hăng hái :

- Em ghé qua bót Cảnh sát báo cho họ hay chị nhé.

- Đừng em. Ba chị và anh Cao đã điện thoại nhờ một văn phòng trinh thám tư quen biết lo dùm. Hai em cứ yên tâm.

Quân cúi đầu nói nhỏ :

- Em và Minh... thành thật chia buồn với chị và hai bác. Em mong sáng mai sẽ được Sang cho hay... chị mới tìm lại được vòng ngọc thạch.

Chị Duyên cốc nhẹ vào đầu Quân :

- Em phải cẩn thận chút nhé. Nói thế là em bảo chị làm rớt đâu đó rồi la hoảng phải không ?

- Em… không có ý nói thế. Em xin lỗi chị. Chào chị em về.

Hai đứa trẻ đứng ngoài đường đợi xe taxi. Nhà Quân gần, có thể đi bộ được nhưng nó muốn đi cùng với Minh cho thân thiện. Bạn… mới làm quen lại mà. Bỗng Quân thấy Minh ngước nhìn lên cột đèn xế cổng nhà Sang, ngắm nghía, giây lát rồi mỉm cười. Minh bước lại, gần đầu dây điện đứt lòng thòng nằm trên mặt đất quan sát :

- Mày thấy có bao giờ nhà đèn dùng sợi dây nối để dẫn điện từ cột vào nhà không ?

Quân ngẫm nghĩ :

- Nếu có chắc hiếm lắm. Hôm nọ nhà sát cạnh nhà tao xin công tơ. Tao nghe ông thợ nói rõ rằng phải dùng dây nguyên vì nếu xài dây nối thì mối nối ấy dễ bị nóng đỏ lên có thể gây hỏa hoạn mỗi khi trong nhà dùng một cường độ lớn.

- Phải rồi. Mối nối điện trở lớn gấp bội đường dây thẳng. Mày nhìn xem có phải đầu sợi dây điện đứt cong cong không ?

Quân cãi :

- Nhưng nó đứt giữa sợi thực mà. Không tin mày nhìn lên trên cột còn thấy một đoạn ngắn dính lại.

Minh bí mật :

- Tao có nói ngược mày đâu. Nhưng tao cá mười ăn một là ở đầu dây đứt trên cột ấy cũng bị bẻ quẹo cong cong y như đầu nằm dưới đất. Thôi mình về.

Quân còn muốn nói thêm nữa nhưng một chiếc taxi vừa chạy trờ tới. Minh đưa tay ngoắc lại rồi mở cửa đẩy bạn vào trong trước miệng nói :

- Khuya rồi, về đi ngủ. Ngẩn ngơ gì ông tướng.

Chiếc xe chạy mau trong đêm. Đến trước cửa nhà Quân, Minh bảo tài xế ngừng lại rồi hẹn :

- Sáng mai 8 giờ mày đến nhà thằng Sang gặp tao nhé.

- Mày lại nhà nó nữa sao ?

- Thì bạn bè thăm hỏi qua lại là thường. Mày nhớ nhé.

Quân vào nhà trong, đi ngủ. Lần đầu tiên nó trằn trọc mãi trên giường. Không phải Quân ngạc nhiên về sự "làm lành" mau lẹ của Minh. Đó là lẽ đương nhiên của tuổi trẻ, mau giận cũng mau quên. Chỉ lạ lùng về những đầu dây điện đứt cong cong kia.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II

ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ - Xuân Quang


Tác giả : XUÂN QUANG
Loại Hoa Đỏ


Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

NGỒI GỌI MÂY TRÔI - Đỗ thị Hồng Liên















Khi ta ngồi gọi mây rừng
Trăm bông điệp nở rưng rưng đầu cành
Kìa con chim lạ bay quanh
Ngày đi qua cũng vàng hanh nắng chiều

Còn em mùa hạ cô liêu
Đôi bàn tay mộng buồn hiu giữa trời
Có ai làm gió mây trôi
Thổi vào đôi mắt ngậm ngùi hương bay

Những chiều về nhớ bóng cây
Nằm âu yếm giữa một bầy cỏ non
Sáng ra mở cánh cửa hồn
Nhớ tà áo mỏng bay nương đời người

Nụ cười xưa đã xa xôi
Đường xưa những bước chân vui đã mờ
Khi ta ngồi đợi mây đưa
Trăm bông điệp nở sầu chưa vội vàng

Mai mùa hạ bước chân sang
Mai con bướm nhỏ về hoang mang cười
Khi mây về lại bên đồi
Em con chim nhỏ ấm đôi môi hồng

Một mùa xưa có đơm bông
Nhớ không tà áo mênh mông cõi trời.

                                         Đỗ Thị Hồng Liên

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 223, ra ngày 1-6-1974)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

TÍ CHUỘT MẤT TÍCH - Mương Sao


Thanh cà-rem là biệt danh của Thanh, một đứa bé ngoan ngoãn, chăm chỉ. Ngoài giờ học, Thanh phải đeo thùng kem đi bán để kiếm lời, phụ thêm vào ngân quỹ gia đình. Không như nhiều đứa trẻ khác cho việc đi bán kem là xấu hổ, Thanh không mặc cảm mà còn lấy làm hãnh diện nữa. Vì thế, người ta không lạ gì khi thấy nó bán kem ngay trong trường học của mình vào những giờ chơi.

Cũng nhờ thế mà Thanh cà-rem làm quen được với mấy đứa bé khác học ngang lớp nhưng khác buổi. Đó là Vĩnh, San hô, Khánh và Tí chuột. Bộ năm chơi với nhau rất thân nhưng cũng rất thường hay cãi nhau chí chóe. Trong bốn đứa bạn, có thể nói Thanh cà-rem phục nhất Vĩnh. Thằng này vừa học giỏi, vừa thông minh, lại khéo đối xử nữa. Chỉ phải cái tội lúc nào cũng làm ra vẻ chỉ huy, hết "ra lệnh' cho đứa này, lại "ra lệnh" cho đứa khác. Nhưng xét kỹ, Vĩnh cũng đáng mặt chỉ huy lắm. San, tự là San hô, không phải vì bạn bè muốn gọi tên nó thành tên loài san hô ở ngoài biển, mà tại San có hàm răng... hô. Miệng nó lúc nào trông cũng như cười. San hô hay pha trò và thường xung khắc với Thanh cà rem luôn, hễ có dịp là hai đứa cãi nhau bằng thích mới thôi. Khánh là gái, hay làm bộ làm tịch nhiều lúc phát bực mình. Rốt cuộc chỉ có Tí chuột là chiếm được nhiều cảm tình của Thanh nhất. Thằng bạn này tuy vóc dáng nhỏ nhất bọn, tính tình lại nhút nhát, làm việc thì chậm chạp nhưng đối với bạn bè thì rất chí tình. Thanh cà rem thương Tí chuột là vì vậy.

Hôm ấy, Thanh cà rem học buổi chiều. Mới năm giờ rưỡi sáng, nó đã soạn thùng để đi đến hãng lấy kem bán sáng. Đi được một quãng thì Thanh gặp Tí chuột đi mua cà phê về. Tí chuột chào Thanh bằng một nụ cười triển lãm hai cái răng cửa sún. Nó bảo Thanh:

- Hôm nay mày lấy kem sầu riêng nghe Thanh. Ra chơi tao mua đấy!

- Chắc hôm nay mày giàu hả Tí chuột?

- Chứ sao! Ba tao về phép mới cho tao hai chục!

- Được rồi, tao sẽ lấy kem sầu riêng.

Hai đứa chia tay nhau. Vừa đi, Thanh cà-rem vừa thấy trong lòng rộn lên niềm vui vì nó để ý rằng hễ hôm nào gặp Tí chuột là nó bán chóng hết thùng kem. Cái thằng chút chít ấy xem thế chứ có duyên mở hàng lắm đấy!

Tí chuột thì vừa đi vừa nghĩ đến cây kem sầu riêng thơm phức. Kể ra có một thằng bạn như Thanh cà rem cũng sướng, muốn ăn loại kem gì cứ nói một tiếng là được như ý ngay. Phiền một điều là tại nhà nghèo nên dù bạn bè mua kem, Thanh vẫn lấy tiền như thường, chứ phải nhà nó kha khá một tí thì chắc là nó... cho không! Ờ mà nghĩ lại mới thấy mình ngớ ngẩn chứ. Đã giàu thì ai lại đi bán kem bao giờ nhỉ!

*

Thanh cà rem đến trường đúng lúc ra chơi. Nó nhìn về phía cửa lớp Nhì B tìm bóng bọn Vĩnh, San hô, Khánh, Tí chuột. Vĩnh, San hô và Khánh đã ra. Thanh cà rem rung mạnh cái chuông trong tay. Ba đứa kia nhận ra chỗ nó đứng ngay, cùng bước đến. Thanh cà rem hỏi:

- Tí chuột đâu rồi?

Vĩnh:

- Hôm nay nó không đi học...

- Ủa, sao lạ vậy? Tao mới gặp nó đi mua cà phê hồi sáng sớm này mà. Nó còn hẹn mua kem của tao nữa...

- Không chừng nó bệnh...

- Bệnh thế quái nào được. Tao thấy nó khỏe như vâm...

Khánh:

- Hay là nhà nó có việc gì bận...?

San hô:

- Chẳng hạn như có đám giỗ chẳng hạn... (Cu cậu chợt mỉm cười rồi tiếp) Cầu trời cho như thế đi... Như thế thì thế nào tí nữa nó cũng đến mời bọn mình đi ăn giỗ...

Vĩnh nạt San hô:

- Mày thì chỉ ham ăn...

San hô chỉ Thanh cà-rem:

- Nhưng nếu không có những thằng ham ăn như tao thì thằng Thanh cà rem bán kem cho ai?

Đã bảo là Thanh cà rem và San hô xung khắc với nhau mà. Thanh cà rem cãi liền:

- Ai nhờ mày mua mà mày kể công đấy thằng kia?

San hô:

- Chứ hôm nọ thằng nào dụ tao : mua dùm tao cây kem cuối cùng đi...

- Hôm ấy, tại tao kẹt chứ bộ...

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Vĩnh định bụng can thiệp thì ngay lúc đó, có tiếng xe gắn máy đằng cổng trường. Vĩnh nhìn ra và nó nhận được ngay ba Tí chuột trên chiếc xe gắn máy. San hô nói:

- Đó, chúng mày thấy chưa, ba Tí chuột đến tìm bọn mình đó...

Khánh:

- Đừng tưởng bở, nhỡ ba nó đi xin phép cho nó nghỉ học thì sao?

Vĩnh:

- Với lại chúng mày để ý mà xem, sao mặt ba nó tái xanh như vừa gặp chuyện gì quan trọng lắm thì phải?

Thanh cà-rem:

- Ừ nhỉ! Ba nó đang hối hả đi vào văn phòng thầy hiệu trưởng...

Vĩnh "ra lệnh":

- A lê! Bọn mình chạy lại đằng đó xem nào!

Rồi nó phất tay ra hiệu. San hô, Khánh, Thanh cà rem chạy trước, Vĩnh lót tót theo sau. Chợt có đứa học trò gọi mua kem, Thanh cà rem phải dừng lại bán hàng. Bán xong, nó hối hả đi về phía văn phòng Hiệu trưởng. Một đám đông học trò bao quanh nơi đó. Ông Hiệu Trưởng, các thầy cô và ba Tí chuột có mặt cả nơi hiên văn phòng. Chà! Chắc có chuyện gì quan trọng rồi đây!

Thanh cà-rem tìm được bọn Vĩnh, San hô, Khánh trong đám đông thì ba Tí chuột cũng vừa kiếu ra về. Ông Hiệu trưởng và các thầy cô tiễn ông một quãng rồi trở lại văn phòng xúm lại bàn tán. Thanh nóng lòng hỏi các bạn:

- Chuyện gì thế chúng mày?

Vĩnh đáp bằng một giọng mất bình tĩnh:

- Tí chuột đi lạc từ sáng sớm đến giờ...

San hô không còn cười giỡn nữa:

- Ba nó đến trường hỏi xem nó có đi học hay không?

Khánh thêm:

- Người ta nghi nó đã bị bắt cóc...

Tí chuột bị bắt cóc! Tí chuột mất tích! Tí chuột đi lạc! Không ngờ chuyện lại quan trọng đến thế! Bọn Vĩnh, San hô, Khánh và Thanh cà rem nhìn nhau không biết phải tính sao bây giờ. Chuông vào học lại reo vang. Thanh cà rem hỏi Vĩnh:

- Bọn mình phải làm gì?

Vĩnh quyết định thật nhanh:

- Tối nay, cả bọn họp nhau ở sân trường để bàn tính. Nhớ chưa?

Tất cả cùng bằng lòng. Sau đó, bốn đứa chia tay. Vĩnh, San hô, Khánh vào lớp. Còn Thanh cà rem khoác thùng kem lên vai, tay lắc chuông, chân rảo bước hướng về phía cổng trường. Có tiếng người gọi mua kem mà vì mải nghĩ đến chuyện Tí chuột mất tích, phải đợi gọi đến lần thứ hai, Thanh cà rem mới giật mình nghe ra. Nó chạy vội về phía có tiếng gọi để bán hàng.

*

Tối hôm ấy, Vĩnh ra chỗ hẹn trước tiên, kế là Khánh, San hô. Cuối cùng mới tới Thanh cà rem. Thanh than van:

- Ba tao đi làm về trễ quá, má tao chờ cơm hoài nên bực mình cằn nhằn. Rồi ba má tao đôi co nhau một hồi làm bữa cơm đã trễ lại càng trễ hơn. Tụi mày chờ tao có lâu không?

Vĩnh:

- Cũng khá lâu. Nhưng chẳng sao. Mình bàn gấp chuyện của Tí chuột đi.

Thanh cà rem:

- Vẫn chưa có gì mới lạ chứ? Nghĩa là Tí chuột vẫn chưa về nhà?

Vĩnh gật đầu:

- Và chưa ai biết rõ Tí chuột bỏ nhà đi hay bị bắt cóc nữa? Lúc xẩm tối tao có đến nhà nó hỏi thăm, má nó nói ba nó đã đi cớ bót.

San hô tiếp lời:

- Tao hân hạnh báo tin cho chúng mày biết, ba tao được lệnh ông Trưởng Ty phải điều tra vụ này.

Khánh:

- Như vậy, tao thấy rõ là bọn mình phải giúp ba San hô trong việc điều tra tông tích của Tí chuột rồi...

Thanh cà rem gật gù:

- Mày nói phải đó Khánh.

Nhưng Vĩnh lắc đầu ngay:

- Đừng tưởng dễ. Tao không tin là ba San hô bằng lòng nhận sự hợp tác của bọn mình. Chúng mày quên rồi sao : người lớn vẫn hay xem thường trẻ con, bao giờ họ lại chịu cho mình làm việc chung.

San hô bênh vực ba:

- Nhưng ba tao thì khác...

Vĩnh:

- Nhận xét của tao đúng hay sai rồi sau sẽ hay. Bây giờ, chúng mày thử góp ý kiến xem Tí chuột bỏ nhà đi hay nó bị bắt cóc?

Bộ ba San hô, Khánh, Thanh cà rem hăng hái phát biểu ý kiến. San hô nhận xét Tí chuột là đứa nhút nhát. Khánh bảo Tí chuột rất có hiếu với ba má. Khánh thêm : Tí chuột đã hẹn mua kem sầu riêng của nó thì không thể quên lời được. Cuối cùng, Vĩnh dựa vào các nhận xét đó mà kết luận rằng nhất định không phải Tí chuột bỏ nhà ra đi.


Như vậy chỉ còn vấn đề thứ hai là Tí chuột đã bị bắt cóc. Nhưng, ai đã bắt cóc Tí chuột? Tổ chức buôn con nít? Mẹ mìn? Bắt cóc Tí chuột để làm gì? Đòi tiền chuộc chăng? Thanh cà rem lắc đầu:

- Gia đình Tí chuột nghèo sát đất thì lấy tiền đâu mà chuộc.

Bàn luận thêm một hồi cũng chẳng đi đến đâu. Vĩnh đề cập đến một điều quan trọng hơn cả : kể từ ngày mai, cả bốn đứa phải để ý dò xét, thu lượm hết thảy những tin tức có liên quan đến Tí chuột để may ra, có thể tìm được tông tích của nó chăng?

Đồng ý xong xuôi, Vĩnh không quên "ra lệnh" cho San hô về thử xin phép ba xem ông có cho bọn nó hợp tác trong cuộc điều tra hay không? San hô nhận lời. Bốn đứa chia tay nhau về học bài.

*

Quả đúng như Vĩnh suy đoán, ông cảnh sát Thế đã gạt phăng đề nghị của con là San hô khi thằng này vừa ngỏ lời. Ông nói : "Chúng mày mà được cái tích sự gì? Được cái bộ ăn cho no rồi phá quấy!".

San hô thông báo cho ba bạn hay. Cho đến lúc đó, người ta mới chỉ tìm được một chi tiết liên quan đến vụ mất tích của Tí chuột : cái ly mà Tí chuột đi mua cà phê cho ba nằm lăn trong một góc đường vắng trên ngõ về nhà nó. Như vậy, Tí chuột đã mất tích tại địa điểm đó ; hoặc là nó ném ly cà phê để bỏ đi (điều này thì ít ai suy đoán), hoặc là nó bị bắt cóc và đánh rơi cái ly (lý lẽ này được đa số cho là hợp lý hơn).

Cuộc điều tra của người lớn dùng lại ở đó. Bọn trẻ cũng tắc nghẽn y hệt. Tông tích của Tí chuột vẫn hoàn toàn bí mật. Má và các em nó khóc sướt mướt, sưng mắt. Ba nó đánh liều trễ phép để đi tìm con.

Đến ngày thứ ba kể từ khi câu chuyện xảy ra thì bọn Vĩnh, San hô, Khánh, Thanh cà rem bắt đầu chán nản trong cụ điều tra. Chúng nó cùng cảm thấy bất lực và đứa nào cũng nghĩ trong bụng : "Còn lâu chúng mới có thể trở thành những tay thám tử được".

Chiều ngày đó là chiều chủ nhật, ở không buồn quá, Vĩnh rủ San hô, Thanh cà rem đến nhà Khánh tán gẫu chơi. Nhà Khánh đang xây "pờ lăng xê" đã đổ bê tông xong, cả bọn có thể lên đó hóng gió được. Chỉ có má con nhỏ ở nhà nên cả bọn tương đối thấy tự do hơn khi có ba nó. (Ba của Khánh là ông Ngọc Khôi có tiếng là ghét trẻ con).

Khánh dẫn các bạn lên sân thượng chơi. Lần đầu tiên được đứng trên nóc nhà bê tông, cả Vĩnh, San hô lẫn Thanh cà rem cùng thấy khoái chí vô cùng. Vĩnh xuýt xoa:

- Chà, đứng đây mát phải biết.

San hô:

- Khi nào nhà mày xây xong, nhớ mỗi chiều chủ nhật cho bọn tao lên đây chơi nghe Khánh.

Thanh cả rem thì phóng tầm mắt thật xa, làm văn sĩ:

- Ôi, tít phía chân trời, những mái nhà san sát...

San hô "thọc gậy" bạn liền:

- ... chẳng khác nào những cây cà rem san sát nhau trong thùng.

Thanh cà rem sừng sộ:

- Này thằng kia, mày nhạo tao đó hả?

- Ai thèm nhạo mày.

Lại sắp sửa vào cuộc đôi co rồi. Vĩnh cản:

- Chúng mày chỉ được cái bộ cãi nhau. Hãy nhìn theo hướng tay tao đây này... Chúng mày có thấy cái gì không?

- Cái gì đâu?

- Căn nhà xây cao vút tít đằng xa đó. Chúng mày có thấy không đã?

Thấy rồi. Nó quét vôi xanh chứ gì?

- Ừ. Chúng mày có thấy cái bảng hiệu treo nơi lan can căn nhà nữa không?

- Thấy!

- Thế chúng mày có đọc được chữ gì trên ấy không?

Bọn San hô, Thanh cà rem, Khánh nhíu mắt nhìn hàng chữ lớn trên tấm bảng hiệu mà vì xa quá, mờ hẳn đi. San hô nói:

- Hình như là Quần Hùng thì phải?

Khánh lắc đầu:

- Tao thì tao thấy như là... quần lưng... cơ.

Cả bọn cười ồ.

Thanh cà rem hỏi Vĩnh:

- Mà tại sao mày lại hỏi chúng tao về cái bảng ấy?

Vĩnh cười:

- Tại tao đọc hai chữ ấy không được. Tao hỏi thử xem chúng mày có đọc được không vì tự nhiên dạo này tao sợ mắt tao... kém... nên không trông xa được...

San hô cười hì hì:

- Thì ra mày sợ bị cận thị. Ối giời ơi, mày mà đeo kính vào chắc là trông đẹp trai lắm đấy.

Cả bọn cười theo San hô. Lúc ấy bên dưới nhà có tiếng ông Ngọc Khôi. Vĩnh bấm các bạn:

- Về thôi chúng mày.

Thanh cà rem nấn ná tiếc rẻ:

- Mới lên chơi chút xíu đã về rồi... (rồi nó pha trò) Này Khánh, chúng tao về nhé. Phần mày đấy, mày hãy đọc kỹ xem cái bảng hiệu ở căn nhà quét vôi xanh là Quần Hùng hay Quần Lưng rồi cho chúng tao biết với nghe chưa?

 Cả bốn đứa cười hỉ hả với nhau. Ngay lúc ấy nơi cầu thang, ông Ngọc Khôi xuất hiện. Thế là bốn cái miệng im thin thít. Ba đứa con trai khoanh tay lại:

- Lạy bác ạ.

Ông Ngọc Khôi chỉ gật đầu một cái rồi tiếp tục bước lên sân thượng. Bọn Vĩnh, San hô, Thanh cà rem líu ríu xuống. Thanh cà rem nói nhỏ với San hô:

- Ba con Khánh dữ như ông chằng...

*

Sáng thứ hai, Thanh cà rem gặp Vĩnh, San hô, Khánh vào giờ ra chơi. Khánh nói với cả bọn:

- Tao biết rõ hai chữ nơi cái bảng hiệu căn nhà lầu xanh rồi.

San hô hỏi dồn:

- Thế nào? Tao đoán có đúng không? Quần Hùng chứ gì?

Khánh xì một tiếng. Vĩnh:

- Vậy thì Quần Lưng hả?

Khánh bụm miệng cười:

- Chấn Hưng!

- Dễ nhỉ! Có thế mà chẳng đứa nào nghĩ được. (Thanh cả rem lẩm nhẩm) Nhưng mà làm sao mày biết được chứ? Mày đứng trên sân thượng mà cố đọc hả?

- Đâu có, tao hỏi má tao. Má tao nói đó là một tiệm mua bán sửa chữa ti vi, ra đi ô. Má tao cũng nói thêm là má tao có quen với ông bà chủ tiệm ấy. Mấy hôm nay tiệm Chấn Hưng đóng cửa, cả gia đình đi Đà Lạt đổi gió. Chính má tao là người được nhờ giữ hộ chìa khóa của căn nhà ấy...

Thanh cà rem chép miệng:

- Đi Đà Lạt chơi thì sướng nhỉ!

Vĩnh cắt đứt mơ mộng của Thanh cà rem:

- Thôi, bỏ qua chuyện đó đi, mình nói đến chuyện Tí chuột. Có đứa nào biết thêm điều gì mới lạ không?

San hô loan báo:

- Ba tao làm việc bí mật quá, tao chẳng moi được một chi tiết nào cả.

Khánh buồn rầu:

- Tôi nghiệp Tí chuột, không biết bây giờ nó ở đâu?

Cả bốn đứa cùng im lặng. Thanh cà rem quên phứt cả việc của mình : bán kem!

Đến lúc nó sực nhớ ra thì chuông vào học cũng vừa reo. Cả bọn chia tay nhau. Thanh cà rem bước về phía quốc lộ rao hàng. Rồi không hiểu sao, đôi chân nó lại hướng về phía tiệm máy Chấn Hưng mà bước. Thanh nhẩm tính:

- Hôm nay cà rem còn nhiều, mình đi về phía này cũng nên. Từ đây tới đó rồi từ đó ngược trở về nhà, hy vọng sẽ bán hết hàng. Nhân tiện, ghé xem thử cửa tiệm ấy một tí.

Đi một lúc thì Thanh cà rem thấy tấm bảng hiệu cách chừng trăm thước. Có người gọi mua kem. Thanh ghé lại bán được ba cây một lúc. Nó đậy nắp thùng kem sắp bước về phía trước, nhưng khi ngẩng đầu lên hướng về phía tiệm Chấn Hưng, nó ngạc nhiên thấy cửa tiệm mở hé, rồi từ trong ấy, một người đàn ông bước ra. Lạ chưa? Thanh cà rem tự nghĩ. Con Khánh vừa bảo với nó là ông bà chủ Chấn Hưng đi Đà Lạt chơi rồi kia mà. Người đàn ông kia là ông chủ tiệm Chấn Hưng? Ông ta vừa ở Đà Lạt về?

Người đàn ông kéo cửa lại, khóa trái. Thanh cà rem càng thắc mắc hơn. Người kia cũng rời khỏi nhà. Đi ngang căn kế cận, ông ta quay vào chào người chủ nhà đứng trước cửa đó rồi đi thẳng. Ngang chỗ Thanh cà rem đứng, nó mời:

- Mời ông mua kem.

Người đàn ông xua tay:

- Không mua.

Rồi ông ta đi thẳng ra trạm xe lam đứng đợi xe. Trong lúc chờ đợi, ông ta rút thuốc lá ra gắn trên môi rồi móc túi lấy quẹt lửa mồi thuốc. Chiếc quẹt lửa nối liền với chùm chìa khóa. Và... suýt chút nữa Thanh cà rem phải kêu lên khi thấy nơi chùm chìa khóa của người đàn ông nọ có con sóc nhỏ bằng đồng giống hệt như con sóc bằng đồng Thanh tặng Tí chuột để móc chìa khóa hôm nào!

Thằng bé bỗng run lên. Chao ơi! Chi tiết quan trọng lắm đó nghe không! Biết tính sao bây giờ?

Chiếc xe lam ngừng lại. Người đàn ông bước lên xe. Thanh cà rem bối rối quá. Có phải đúng con sóc bằng đồng kia là của Tí chuột không? Người đàn ông lạ (hay ông chủ tiệm Chấn Hưng?) có liên quan gì đến vụ mất tích của Tí chuột chứ?

Người tài xế xe lam bắt đầu cho xe chạy. Thanh cà rem chợt hành động như cái máy. Nó gọi với theo:

- Khoan ông ơi, cho tôi lên với.

Người tài xế quay lại càu nhàu:

- Sao hồi nãy không lên cùng ông khách?

Người đàn ông kia nhìn Thanh. Nó vờ nhìn về phía khác để tránh sự nghi ngờ của ông ta.

Đi một quãng thì người đàn ông kia xuống xe. Thanh định xuống theo như sợ bị nghi ngờ nên để xe đi một quãng ngắn nữa mới kêu dừng lại. Người tài xế xe lam lại được dịp cằn nhằn thằng bé.

Nhưng Thanh chẳng để ý gì. Nó đang mải miết trong việc theo dõi người đàn ông khả nghi. Có người gọi mua kem, Thanh cũng vờ như không nghe thấy. Nó nhìn theo người đàn ông. Nó nhìn rõ ràng ông ta bước vào một căn nhà có một đứa bé lên ba, lên bốn đang chơi thơ thẩn một mình. Thanh tiến lại. Bỗng nó tròn mắt khi thấy cái áo sơ mi màu xám có thêu con chim vàng trước túi của Tí chuột phơi trên thành một chiếc ghế trong nhà!

*

Những điều Thanh tình cờ phát giác được loan báo cho Vĩnh, San hô, Khánh cùng biết. Bốn đứa hội ý rồi quyết định đến nhà San hô thuật chuyện cho ba nó nghe. Ông cảnh sát Thế tức tốc sang nhà Khánh hỏi bà Ngọc Khôi về vụ người chủ tiệm Chấn Hưng gởi chìa khóa. Bà Ngọc Khôi ngạc nhiên khi biết chuyện và cho biết bà còn giữ chìa khóa trong túi. Ông cảnh sát Thế yêu cầu bà giữ kín chuyện để ông dễ hành động. Sau đó, ông quay điện thoại liên lạc với Ty cảnh sát thì tiếp được tin ở đây cho biết sáng nay người hàng xóm của tiệm Chấn Hưng có đến trình Ty về vụ một người lạ mặt xưng là người nhà của ông bà Chấn Hưng từ Đà Lạt về xem xét nhà cửa.

Nắm trong tay đầy đủ yếu tố, ông tới nhà Thanh xin phép cho nó được theo ông lên Ty. Ông căn dặn bọn Vĩnh:

- Chúng mày phải ở nhà đêm nay, mọi chuyện hãy để tao lo liệu.

Bọn Vĩnh vâng dạ. Nhưng sau đó chúng họp nhau quyết định không thể ở nhà được. Đã biết chỗ Tí chuột bị giữ, chúng khó thể làm ngơ. Tối đến, Vĩnh xin phép ba má sang nhà Khánh chơi. Khánh xin phép đến nhà San hô chơi. San hô xin đến nhà... Vĩnh.

Chúng nó gặp nhau ở sân trường. Vừa đủ mặt là cả bọn kéo ngay ra đường đón xe lam đi đến căn nhà nghi ngờ giam giữ Tí chuột. Theo lời chỉ dẫn của Thanh cà rem.

Khi chúng tới nơi thì mọi việc đã xong xuôi. Cảnh sát vây quanh căn nhà bí mật. Người trong xóm xúm lại xem đông nghẹt. Ba đứa phải chen mãi mới vào lọt bên trong. Chúng nó gặp ngay Tí chuột đang đứng bên Thanh cà rem. Vĩnh, Khánh, San hô bất cần sự có mặt của các nhân viên công lực và mọi người hiếu kỳ, chạy xổ lại bên Tí chuột:

- Chúng tao này Tí chuột!

- Mày có bị họ đánh đòn không?

- Mấy ngày nay họ cho mày ăn gì?

- Bộ đêm ngủ không có mùng sao mà tay chân mày đầy nốt muỗi cắn thế này hả Tí chuột?

Tí chuột mừng mừng tủi tủi trước mấy đứa bạn. Lúc ấy, những người có mặt trong căn nhà giữ Tí chuột bị bắt điệu cả ra xe để đưa về Ty. Ông cảnh sát Thế trở lại chỗ Tí chuột đứng. Thấy bọn trẻ đứng lố nhố cả đấy, ông trừng mắt nói:

- A! Ra chúng mày dám cãi lời tao, dám kéo cả đến đây! Được rồi, xong vụ này tao sẽ cho chúng mày biết oai.

Dọa thế nhưng ông lại mỉm cười. Nhìn năm đứa trẻ đứng bên nhau, trong số, Tí chuột gầy rộp hẳn đi, Thanh cà rem hớn hở, Vĩnh Khánh nghệt mặt ra còn San hô thì tái xanh mặt vì nghĩ thế nào cũng bị bố nẹt cho chục roi là ít ; viên cảnh sát ra lệnh:

- Cả năm đứa leo lên xe jeep, tao đưa về nhà! A lê, mau lên!

*

Tí chuột đã về với gia đình. Tên lưu manh cung khai tất cả. Theo cung từ của hắn, hắn và đồng bọn nhân cơ hội ông bà chủ Chấn hưng đi xa định mạo nhận người nhà dùng chìa khóa giả xâm nhập cửa tiệm làm một vố. Hôm Tí chuột đi mua cà phê về, hắn và một đồng bọn đang bàn tính với nhau trong ngõ hẻm. Tí chuột nghe được. Hắn sợ việc bí mật bị phanh phui nên phải tạm giữ Tí chuột một chỗ chờ mưu tính xong xuôi sẽ liệu. Lần Thanh cà rem gặp hắn từ trong tiệm Chấn Hưng đi ra là lần hắn đến địa điểm để dò xét hầu hôm sau trở lại vơ vét một chuyến. Không ngờ ngay đêm hôm đó cả bọn đã bị tóm cổ.

Một hôm, Thanh được ông Trưởng Ty cho gọi lên Ty để nhận giấy khen thưởng. Ông Trưởng ty còn cấp riêng cho Thanh Năm ngàn đồng để tiêu vặt. Ông bà chủ Chấn hưng từ Đà Lạt về, nghe tự sự vội tìm đến nhà Thanh cám ơn và trao tặng nó một cái radio thật đẹp. Tí chuột được tặng một cái đồng hồ nhỏ và bọn Vĩnh, Khánh, San hô mỗi đứa một cây viết máy để dành khi nào lên lớp sáu sẽ dùng.

Bọn học trò trong trường thì truyền tai nhau câu chuyện ly kỳ này với ý phục Thanh cà rem vô cùng. Điều này khiến Thanh lấy làm hãnh diện lắm. Nhưng có một rắc rối xảy ra : bọn trẻ chỉ nhắc đến Thanh mà quên hẳn công của ông cảnh sát Thế, ba San hô, khiến San hô bực mình. Một hôm, khi bộ năm gặp nhau, San hô vào đề liền:

- Vụ Tí chuột mất tích vừa rồi, công đầu là ba tao!

Thanh cà rem cãi liền:

- Nếu không có sự phát giác của tao thì còn lâu ba mày mới bắt được bọn bất lương!

Vĩnh vào cuộc:

- Đừng tưởng bở! Nếu tao không bày đặt ra vụ đọc tên tấm bảng hiệu của tiệm Chấn Hưng thì làm gì mày lại lò dò đến đấy để phát giác với phát tào?

Khánh dẩu mỏ:

- Xí! Nhưng nếu tao không dẫn chúng mày lên sân thượng thì làm sao mày nhìn được tấm bảng hiệu Chấn Hưng?

Rồi bốn đứa cứ theo cái vòng lý luận lẩn quẩn ấy mà cãi nhau chí chóe. Chỉ có Tí chuột là vô can trong vụ này. Nó đứng cười toe mà nhớ lại những ngày bị bắt cóc!


MƯƠNG SAO    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com