Khi
đoàn quân xuất hiện, hàng một, người nọ cách người kia dăm bước, súng
trên tay chĩa ra hai bên, đi dài như con rắn trên quãng đường rầy bên
kia đường, ấy cũng là lúc trống tan học trường tôi vang lên.
Những
tiếng thùng thùng nghe quen thuộc và đầm ấm làm sao! Các thầy, các cô
thì như đập ngăn, tiếng trống thì như giải phóng. Chúng tôi ào ra khỏi
lớp. Như thác lũ. Như mưa điên. Có lẽ còn hơn ong vỡ tổ gấp bội. Nhất là
lớp tôi, lớp có nhiều học sinh ngụ chung một khu xóm xa trường đến hơn
ba cây số.
Tôi
đợi em tôi, thằng Nghiêm, nơi cổng trường, rồi hai chị em mới nối gót
các bạn đi bộ về nhà. Bên kia đường, con rắn lính của trung tâm huấn
luyện vẫn trườn đi. Bên này đường, con rắn học trò chúng tôi cũng trườn
đi. Nhưng thay vì hàng lối, thứ tự, oai nghiêm, chúng tôi, đứa đi một
mình, đứa cặp kè với bạn, đứa gặp ống lon giơ chân đá, đứa cười to, đứa
chuyện vãn, đôi khi, dạt ra đến phần ba đường cái. Xe cộ trên quãng
đường này tương đối ít. Thật hiếm, một chiếc xe vận tải, to tướng, cồng
kềnh vụt qua, thẳng đường đi Quảng Ngãi. Thỉnh thoảng, một chiếc xe hơi
"đầu cụt" – chúng tôi gọi loại xe chuyên chở hành khách mới xuất hiện này như thế –
với khách đầy nhóc, với quang gánh, thúng mẹt phía sau, trên mui từ Phù
Cát chạy về Qui Nhơn hay ngược lại. Xe lôi, với những chú, bác tài xế
trên nệm chiếc gắn máy, thì tương đối nhiều. Nhưng chẳng hề gì, các bác,
các chú ấy nhất định phải tránh chúng tôi rồi. Bằng những hồi còi inh
ỏi. Hay bằng những câu la lối:
"Xích dzô! Xích dzô!". Đáp lại, chúng tôi dạt vào lề đường. Có khi, một đứa nào đó, gọi với theo:
- Cho quá giang đi chú!
Rồi cười lên khanh khách, nhìn theo bóng chiếc xe lôi nhỏ dần trên quốc lộ.
Chiều
nay, trời bỗng dưng sập tối vì một đám mây lớn phía trời tây. Hướng phi
trường quân sự, góc trời lóe sáng hẳn, ửng đỏ. Phía trung tâm huấn
luyện, những hồi còi tập hợp đã vang lên từng chập. Đi bên tôi, Nghiêm
có vẻ buồn. Tôi hỏi:
- Bữa nay có chi vui không Nghiêm?
Nghiêm giật mình:
- Chi vậy chị?
Em
tôi như đang nghĩ ngợi gì đó thì phải. Thằng bé lên chín, nhưng còn khờ
như mới lên bảy, lên tám, với cái đầu hớt ngắn - kiểu tóc ba phân của
mấy người lính trung tâm huấn luyện - và cái miệng hay cười với hai bờ
môi đỏ như son – nét tướng của những người quí phái – nhích cái cặp da cũ, sờn rách ra sau lưng, hai tay ghịt chặt, quay nhìn tôi, đợi nghe lại câu hỏi. Tôi bỗng cười vu vơ:
- Mày đang nghĩ gì đó? Nghiêm!
Nghiêm ấp úng:
- ... đâu có...
- Chứ sao tao hỏi, mày không nghe...?
- ... Tại... Tại em không để ý...
- Mà thôi... Bộ bữa nay trong lớp có chuyện gì sao mà coi mày buồn dữ vậy?
Nghiêm lặng thinh. Em tôi bước hơi chậm lại, đầu nghiêng nghiêng, mắt hướng về phía khu xóm xa xa. Tôi gặng hỏi:
- Sao? Chuyện chi vậy?
Một
lúc lâu im lặng, một lúc lâu với những bước chân nặng nề trên đường, em
tôi mới nói nhưng không phải để trả lời câu hỏi của tôi. Nghiêm nói:
- Sao ba đi lâu quá? Chị hỉ?
Chỉ
bấy nhiêu, tôi đã hiểu vì sao. Tội nghiệp em tôi. Sao ba đi lâu quá?
Sao ba đi lâu quá? Không biết lần này là lần thứ mấy chục, mấy trăm, em
tôi hỏi câu đó. Bỗng dưng tôi thấy ngại ngùng, không thốt nổi câu trả
lời "Rồi mai mốt ba về" như mọi khi. Tôi buồn giọng:
- Ờ... Không biết sao ba đi lâu quá vậy nữa...
- Hay là ba quên mẹ, quên chị em mình rồi...?
- Không đâu...
- Chớ sao...
Chúng
tôi đã về đến xóm. Trời vừa tối. Ngọn núi sau lưng xóm tôi xám sậm hẳn.
Vài nhà đã lên đèn, ánh đèn dầu vàng vàng, buồn buồn. Em tôi bỗng nói:
- Chị nè, ngọn núi kia có phải núi Trường Sơn không chị?
- Thì đó chớ gì.
- Cô giáo em mới kể về núi Trường Sơn đó... Dài thật là dài... Chạy hết thảy miền Trung lận...
- ...
- Cô chỉ cho tụi em coi bản đồ nữa... Em thấy núi Trường Sơn nhìn ra biển...
- ...
- Đứng trên ngọn núi, không biết mình có thấy biển không chị hỉ?
- Ơ... Không biết nữa...
- Phải chi thấy được biển...
- Chi vậy?
- Thì thế nào trên biển lại chẳng có tàu, biết đâu, mình thấy chia61c tàu biển có ba trên đó...
Tôi
bật cười trước ý nghĩ vu vơ của em. Số tuổi còn quá ít để hiểu những
vấn đề cần suy nghĩ. Cũng như cách đây sáu năm, đứa bé trai lên ba đã
không hiểu được gì về những vụ cãi nhau, những vụ náo động trên boong
chiếc tàu buôn, nơi ba nó làm việc, và rồi, không hiểu luôn chuyến phi
cơ đưa mẹ con nó rời khỏi vùng trời Sàigòn huy hoàng, vùng trời đã quyến
rũ mất của mẹ con nó người chồng, người cha, để về đây, xứ Tây Sơn heo
hút, nghèo nàn.
Tôi nói:
- Thôi, dẹp mấy vụ đó đi. Tới nhà rồi kìa...
Nơi
cửa tiệm tạp hóa - thật ra, một cái quán nhỏ thì đúng hơn - chị Hường
tôi đang ngồi vá áo. Có tiếng xèo xèo của xoong đồ xào, mẹ tôi đang xào
dưới bếp.
Chị Hường dừng tay, nhi82n ra:
- Tụi bay về trễ quá vậy?
Nghiêm:
- Đâu có trễ chị hai. Tại trời mau tối đ1o chớ...
Tôi kể bằng một giọng vui vui:
- Thằng Nghiêm đòi leo núi Trường Sơn để tìm chiếc tàu biền của ba đó chị...
Chị Hường mỉm cười, nói với Nghiêm:
- Giỏi quá hỉ, mà mày ước chừng mày leo lên đó được không?
Tôi hiểu câu hỏi đùa của chị, nhưng Nghiêm, nó chưa biết gì cả, nó đáp:
- Để em rán coi sao chị...
Tôi và chị Hường cùng cười đứa em trai ngô nghê. Rồi thoắt nhiên, cả hai chị em cùng hướng nhìn về phía ngọn núi mờ xa...
*
Buổi
sáng hôm ấy, sau khi rời khỏi nơi Nghiêm ngồi gặm khúc bánh mì - gốc ổi
sau nhà - để lên nhà trên trông coi cửa tiệm cho mẹ đi chợ, chị đi cất
hàng ; một lúc, tôi trở lại chỗ cũ thì không thấy em tôi đâu cả. Tôi gọi
Nghiêm, đi tìm Nghiêm từ trước ra sau, nhưng vẫn không thấy đâu. Muốn
mở cửa rào sau ra cánh đồng dưới chân núi xem có nó ngoài đó không – rị mọ với mấy cái hang dế không chừng – nhưng còn cửa hàng tôi đành trở lên.
Vào
giờ những bà nội trợ tíu tít nơi chợ búa, những ông công chức, thợ
thuyền đều phải có mặt nơi sở làm, và những đứa trẻ chăm chú nơi trường
học – tám, chín giờ sáng –
cửa tiệm tạp hóa của gia đình tôi thật vắng khách. Nhiêu hôm, suốt
khoảng thời gian tôi ngồi trông hàng, không một người khách nào cả. Rảnh
rỗi, tôi hay đem những việc lặt vặt ra làm : đơm cái nút, vá cái áo,
thêu cho Nghiêm hàng tên nơi ngực, lôi mấy cuốn truyện nhi đồng ra xem.
Thường Nghiêm ê a học bài gần đó, và tôi mải mê với công việc trong
tiếng ê a đó, thật thanh bình và hạnh phúc, cho tới lúc mẹ hay chị về.
sáng nay, không co Nghiêm, tự dưng tôi thấy trống trải quá, không muốn
làm gì cả. Tôi chỉ mong sao mẹ, chị mau về, để tôi chạy quanh quẩn coi,
Nghiêm ở đâu, và đang làm gì?
Mãi
khi nắng lên khá cao, rọi những trái trứng gà từ vài lỗ đinh hàng tôn
hiên nhà xuống những bao ni lông me, xí muội, những keo bánh, kẹo, chị
tôi mới về. Tôi chạy a ra ngoài xe lôi, giúp chị một tay, đem hàng vào
nhà. Tôi kể:
- Thằng Nghiêm đi đâu từ sáng tới giờ đó chị... Em gọi hoài chẳng thấy thưa...
- Chắc nó đến nhà bạn bè chơi chớ gì nữa... Cái thằng đến hư...
- Không chắc đâu, em nghi nó ra đồng...
- Thì chạy đi tìm nó thử coi sao. Để tao trông nhà cho...
Như chim sổ lồng, tôi chạy băng ra phía sau. Tôi gọi vang vang:
- Nghiêm ơi! Nghiêm ơi!
Mảnh
vườn nho nhỏ im lìm, tiếng cành lá lào xào như bàn tán. Tôi mở cổng
vườn sau, ra ngoài, cẩn thận gài lại rồi mới dõi mắt khắp cánh đồng tìm
bóng Nghiêm. Ruộng đồng miền Trung nghèo như xứ sở, tôi chỉ đảo mắt một
vòng là hết khu ruộng. Nghiêm đâu chẳng thấy. Thật lạ.
Tôi trở lại nơi của hàng. Chị Hường hỏi:
- Sao? Thấy nó không?
- Không thấy đâu hết chị! Kỳ ghê!
Mẹ tôi vừa đi chợ về. Chị Hường thuật:
- Mẹ, thằng Nghiêm bỏ đi đâu chơi mất biệt từ sáng tới giờ đó.
Mẹ tôi bỏ giỏ đồ ăn xuống, gỡ cái nón ra quạt phạch phạch:
- Sao không đi kiếm nó coi...
Tôi:
- Con ra ngoài đồng kiếm rồi mẹ...
- Chạy qua mấy nhà quen coi có nó không. Bảo nó về gấp, tao mua quà để trong giỏ đây nè...
Tôi dạ rồi chạy đi. Nhưng mấy nhà quen, không đâu có Nghiêm hết. Mẹ tôi đâm lo:
- Nó đi từ sáng tới giờ hả?
- Con không biết rõ từ lúc nào nữa, lúc mẹ với chị đi được một chút thì con gọi nó, không thấy nữa...
Con Hường coi nhà nghe, tao chạy đi kiếm nó chút coi...
Hai
mẹ con tôi chia nhau đi tìm Nghiêm, để một lúc, gặp nhau ngoài cánh
đồng. Khi ấy, nắng đã cao và sương mù nơi lưng chừng núi tan hẳn. Mẹ tôi
lơ đãng nhìn về phía đó. Ánh mắt bà bỗng sáng lên. Bà chỉ tay về phía
trước, nói với tôi:
- Mày ngó kỹ coi, có phải thằng Nghiêm đó không?
Tôi
nhìn theo hướng tay mẹ. Và tôi thấy nơi lưng chừng núi, xen lẫn màu
xanh rêu của cây cỏ, một cái áo đỏ nâu thoăn thoắt leo lên. Cái áo đỏ
nâu của em tôi.
Tôi chạy dài trên đê, gọi lớn:
- Nghiêm! Nghiêm!
Nhưng dường như em tôi không nghe gì cả. Cái áo đỏ ở quá cao. Nó vẫn lên cao dần.
Mẹ tôi cũng vừa chạy, vừa gọi thật lớn:
- Nghiêm! Leo lên đó làm gì vậy con? Xuống mẹ nói!
Nghiêm vẫn không nghe được gì. Mẹ tôi hốt hoảng:
- Không xong rồi, phải đuổi cho kịp nó. Núi không có đường mòn bám cây mà leo nguy hiểm lắm... Nhan... Con leo được không?
- Dạ được...
- Leo theo mẹ nghe...
Mẹ con tôi chạy như bay về phía chân núi. Rồi hối hả leo lên.
Ngọn
núi với cây cỏ lòa xòa nơi mặt đất thì nhiều, nhưng những cây cao thỉnh
thoảng mới gặp, hơi dốc, rất khó leo. Thường ngày, khi nào nổi hứng
lắm, chị Hường rủ tôi và Nghiêm leo lên chơi, nhưng chỉ một quãng ngắn
là cùng. Leo lên tìm một gốc cây nào đó, ngồi nói chuyện, hay đi quanh
quẩn tìm hái sim. Nghiêm còn nhỏ, lần nào leo, nó cũng than mệt rồi nhìn
lên đỉnh núi tắc lưỡi, hít hà. Thế nhưng sáng nay...
Mẹ tôi leo mau quá, bỏ tôi một quãng khá xa. Nghiêm tít trên cao. Tôi lưng chừng dưới. Mẹ tôi bắt tay làm loa gọi:
- Nghiêm! Nghiêm!
Em tôi vẫn chưa nghe. Tôi lên gần tới. Mẹ tôi:
- Hay là con xuống đi, để mình mẹ leo theo nó đủ rồi...
- Con không xuống đâu... Mẹ cứ để con leo từ từ lên...
Mẹ tôi nhìn tôi ái ngại. Cuối cùng, mẹ đành quyết định:
- Cẩn thận nghe con...
Rồi
mẹ bám cây, leo lên. Tiếng gọi của mẹ lồng lộng trong gió mai. Một
khoảng lưng mẹ ướt đẫm mồ hôi. Em Nghiêm tôi vẫn vô tình lên thật cao.
Mẹ tôi cũng xa tôi dần. Tôi đưa mắt nhìn xuống phía dưới, và tôi bỗng
thấy chóng mặt. Có lẽ Nghiêm nhớ lời chị Hường dặn : khi leo lên đừng
nhìn xuống. Nó không hề quay lại.
Càng lên cao, trời càng lạnh dù nắng đang đỏ rực. Tiếng mẹ tôi vẫn vang vang:
- Nghiêm! Nghe mẹ gọi không? Nghiêm!
Em tôi bỗng dừng lại. Có lẽ nó đã nghe tiếng mẹ gọi. Mẹ tôi leo mau hơn. Nghiêm dừng lại hẳn, quay đầu lại. Mẹ tôi:
- Xuống đi con! Leo lên đó làm gì vậy?
Với
cái áo đỏ nâu sậm màu hơn, màu đỏ nâu với mồ hôi ướt đẫm, em tôi nhìn
mẹ rồi ngước nhìn lên đỉnh núi, không còn bao xa nữa. Rồi nó lại leo. Mẹ
tôi tiến lên mau hơn. Tôi đứng tựa vào một gốc cây – không còn đủ sức leo thêm nữa –
nhìn hai người trân cao. Cái áo trắng của mẹ tôi và cái áo đỏ nâu của
em tôi mỗi lúc một gần hơn. Rồi cuối cùng, Nghiêm bị giữ lại. Tôi không
còn nghe được những gì mẹ tôi nói với Nghiêm nữa – xa quá –
nhưng tôi thấy rõ, Nghiêm vùng vằng trong tay mẹ, và nó khóc. Tôi bỗng
nhìn xuống phía dưới. Những nếp nhà nhỏ xíu nằm im lặng dưới chân núi
làm tôi giật mình. Chúng tôi đang ở một cao độ đáng kể!
Lúc mẹ tôi đưa Nghiêm xuống đến nơi tôi đứng đợi, em tôi vẫn còn khóc. Mẹ tôi chỉ vào tôi:
- Mày coi đó, chị mày nó leo đến mệt phờ ra đó. Sao hư vậy con?
Nghiêm ngước nhìn lên đỉnh núi tiếc rẻ. Mẹ tôi nhẹ giọng:
- Thôi, đứng đây nghỉ một chút rồi xuống. Tao mệt quá rồi...
Nghiêm đứng im, thút thít, thỉnh thoảng lại nấc lên. Mẹ tôi bảo tôi:
- Mày hỏi nó thử coi, Nhan! Tao hỏi, nó nhất định không nói leo lên núi để làm gì nữa...
Không
cần hỏi, tôi cũng đã biết, và biết rất rõ. Tôi nhớ đến cái mà tôi gọi
là ý nghĩ vu vơ của em tôi hôm nào. Những lời ngây thơ của nó văng vẳng
bên tai tôi : "đứng trên ngọn núi, mình có thấy biển không chị hỉ?...
Thế nào trên biển chẳng có tàu... Biết đâu mình thấy chiếc tàu có ba..."
Tôi nói với mẹ:
- Nó leo lên núi để ngó biển đó mẹ.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Chi vậy? Con khùng rồi hả Nghiêm?
- Nó muốn thấy chiếc tàu biển có ba trên đó...
Bờ môi mẹ tôi run run. Bà nhìn em tôi không rời. Rồi hai mắt bà long lanh. Bà hỏi:
- Phải vậy không Nghiêm?
Em
tôi không đáp, mà nó bỗng khóc lớn, bật thành tiếng. Mẹ tôi chạy lại,
ôm gọn nó trong vòng tay. Bà nói : "Tội nghiệp con tôi", rồi khóc theo.
Tôi
ngước nhìn lên đỉnh núi. Tôi nghe từ lòng tôi, đâu đó, câu nói dành
riêng cho Nghiêm : "Em yêu của chị ơi! Thái Sơn cao vời lắm!".
(Trong "Hãy mưa trên đồng hoang")
NGUYỄN THÁI HẢI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 180, ra ngày 1-7-1972)