Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

CHƯƠNG IV_MƯA HẠ


CHƯƠNG IV


NHẬT KÝ CỦA HOÀNG TRỌNG DIỄN

Chí Hòa… ngày… tháng… năm…

“Nguyễn thị Duy An!

“Mình gọi thầm cái tên dễ thương đó và nghe ấm cả hồn.

“Nguyễn thị Duy An, em có nghe tôi nói không, Em có nghe tôi gọi tên? Tên em sao ba mẹ khéo chọn, mềm mại, nồng nàn như ánh mắt em, như con người em vậy đó An?

“Vì em mà tôi trở thành lãng mạn.

“Vì em mà tôi tìm lại được bản chất “người” của một thân xác sống uất nghẹn tưởng chừng như không có hồn.

“Em đem sự sống đến cho tôi rồi em có lấy lại không An?

“Nụ cười em sao mà phúc hậu.

“Ánh mắt em sao thánh thiện lạ lùng.

“Giọng nói em cho tôi cảm tưởng nghe lại một điệp khúc thánh ca của một mùa Giáng Sinh xa nào thời thơ ấu.

“Niềm tin ngủ yên trong tôi chợt dưng trở dậy. Tôi ôm lấy, ghì xuống, chôn trở lại tận cùng tiềm thức nhưng không thể được nữa, nó đã sống lại thật rồi. Tâm hồn tôi, niềm tin yêu của ngày nào đời chưa vương khổ. Ngày đó tim tôi còn mềm. Tôi còn biết khóc, biết buồn. Một thời gian mất hết những cảm giác đó. Bây giờ nhờ em mà tôi tìm lại được đó An.

“Ồ nhật ký, chúng mình nói chuyện nhiều rồi phải không? Tôi nói với bạn nhiều về người con gái đó. An. Nguyễn thị Duy An! Tên như một nốt nhạc dịu dàng phải không nhật ký?

Mình nhớ đến An nhiều, nhiều quá. Nhớ hơn mình tưởng. Mỗi lần An đến rồi về, mình ngỡ như vừa đánh mất đi một phần sự sống. Tụi bạn trong trại đang kháo nhau về vụ “tương tư” của “đại ca”. Tụi nó chế nhạo mình sắp trở thành văn sĩ viết tiểu thuyết diễm tình. Tự dưng mình muốn được gọi bằng tên, muốn được gọi là Diễn, chứ không còn muốn mang danh tên tù 702, “đại ca” của chúng nó nữa. Mình không sợ tên thật của mình, mình không trốn tránh bản chất của con người như xưa. Có lẽ mình ước ao tìm về. Mình nao nức sống trở lại quá khứ.

“An đẹp quá. Nàng có vẻ lạ hơn mọi lần. Không hiểu do sự khác lạ của y phục hay một chút son phấn làm mặn mà thêm gương mặt kiều mị kia? Có lẽ cả hai. Mình chợt mang mang một niềm vui rằng nàng đã “làm đẹp” cho mình. Dĩ nhiên đó chỉ là ước đoán. Ước đoán và hy vọng. Nhưng nó cũng giúp mình sung sướng thật nhiều.

“Hộp kẹo bé bỏng kia, phản ánh của một sở thích trẻ thơ, dễ yêu lạ lùng. Cô bé nghĩ mình cũng còn được sự hồn nhiên như nàng chắc. Có thể lắm chứ! Nàng ngây thơ và yêu đời, làm gì hiểu nổi một kẻ đã lăn lóc trong cuộc sống như mình được.

“Mình nhìn An qua một ý tưởng thật mong manh. Nàng như một cánh hoa đọng bằng sương khói, dễ dàng tan biến bất cứ lúc nào, chỉ cần một tia nắng nhỏ. Tình yêu dào dạt trong tim mình vẫn cố dằn để lặng câm. Mình sợ. Thật sự là mình sợ nói ra sẽ mất nàng vĩnh viễn. Hãy nương nhẹ cho cành hoa sương đừng tan đi. Để ít ra còn nhìn thấy được. Có lẽ mãi mãi mình không dám thố lộ tình cảm của mình cho An biết. Mình không xứng đáng để được nàng yêu.

“Mình khổ đau khi nghĩ đến người yêu của An. Hẳn anh ta phải là một thanh niên trí thức đẹp trai, con nhà giàu… Anh ta phải có đủ diều kiện tạo cho An một cuộc sống sung sướng. Còn mình? Mình có gì đâu ngoài danh số tên tù 702 và những hình ảnh, tên tuổi nằm trong sổ bìa đen của các cơ quan Cảnh Sát?

“Chua xót quá. Đời mình chưa một lần dệt huyền thoại yêu đương. Tình yêu nào cũng đẹp, nhưng mình chưa được hưởng bao giờ. Lăn lóc trong cuộc đời giang hồ mình chỉ có những mối tình tạm bợ với những cô gái qua đường, thế thôi. Chưa hò hẹn với ai. Giờ gặp được người yêu trong mộng thì phải trốn tránh.

“Mình chợt ước ao được có trong tay cây cọ, giấy và một ít màu, mình sẽ vẽ lại hình ảnh kiều mị của Duy An. Chắc chắn thành công, vì hình ảnh nàng không giờ phút nào mờ nhạt trước mắt mình.”


Chí hòa, ngày… tháng… năm…

“12 giờ đêm.

Tụi thằng Thành, Thúy, Hùng đi kết thúc hồ sơ chiều nay. Tụi nó mừng ghê. Vậy là hy vọng sắp được xử. Xử rồi chưa chắc án nhẹ hay được về liền mà không hiểu sao ai cũng mong được đi xử. Thà biết rõ án, còn ở lâu hay mau chứ đừng như một tội nhân ngửa cổ chờ lưỡi máy chém đong đưa mãi trên đầu. Nhức tim lắm.

“Về một lượt với Thành có thêm hai ông mãnh can tội cướp giựt ngoài công lộ. Tụi nó nằm dự thẩm phòng 10, đứa nào đứa nấy méo mặt. Thằng Bích về tháng trước, nằm khám gần hai năm trời ra tòa lãnh 6 tháng tù treo, tức muốn hộc máu mồm.

Hồi chiều Thành nói chuyện với mình khá lâu, về người yêu của nó. Hai đứa nó yêu nhau nồng nàn. Cô bé khá dễ thương, không đẹp nhưng mặn mà. Thành bảo nó đi kết thúc hồ sơ mà không gặp cô ta, nó lo quá, không biết cô bé có đau ốm gì không? Mấy lần trước nó đi tòa đều gặp, vì thế hôm nay nghe giấy gọi sáng nay ra tòa nó mừng quá, thức cả đêm viết thư cho người yêu, đến sáng đem thư đi, rồi đem thư về, nó muốn khóc.

“Hoàn cảnh hai đứa nó cũng tội. Sống ngoài vòng gia đình. Hai đứa lo cho nhau từng ly từng tí, chịu chung từng phút giây buồn tủi, kinh hoàng. Cả hai dính líu vào một vụ bạch phiến nào đó. Tụi nó không hút, không chích choác gì cả nhưng làm môi giới mua dùm người ta. "Để có tiền sống chớ, tụi tao lấy gì nuôi nhau. Bà xã tao ốm yếu đâu có buôn gánh bán bưng được, mà học lực tú tài bây giờ xin việc làm lương tháng chưa đến mười lăm ngàn làm sao sống? Tao cũng sắp lính tráng tới nơi rồi, phải kiếm môt số vốn nho nhỏ để bà ấy ở nhà bảo đảm cuộc sống chứ" nó nói như vậy. Bây giờ thì cuộc sống được bảo đảm thật rồi, nó ở Chí Hòa bà xã ở Thủ Đức
Đứa nào cũng ở trong Trung Tâm Cải Huấn để được chính phủ nuôi ăn và “dạy dỗ” rằng muốn sống tự do phải lương thiện.

“Lần nào Thành đi tòa về cũng nghe nó nói về người yêu của nó: “Hai đứa gặp nhau mừng mừng tủi tủi ứa nước mắt. Tao muốn ôm hôn vợ quá mà mấy cặp mắt cú vọ của mấy cha giải tội phạm cứ nhìn chầm chập,khó ưa quá. Yêu nhau, xa nhau mới thấy phút gần nhau là quí. Mà bà xã tao kỳ quá, mỗi lần gặp lại thấy bả đẹp hơn lên, làm mình phát…. sốt ruột”.

“Chỉ có buổi chiều nay, gặp mình nó rầu rĩ than thở: “Chả hiểu tại sao bà xã tao lại không cùng đi ký giấy kết thúc nhỉ? Cùng chung một vụ mà. Tao lo quá, hay bả bịnh hoạn gì nặng lắm hay sao đến nỗi không đi được! Lo muốn điên lên mà không biết hỏi ai”

“Mình bảo Thành gởi thư về Thủ Đức hỏi tin thử xem. Tội nghiệp, nó lo lắng ra mặt. Bạn thân, mà mình cũng đành chịu không biết làm sao an ủi nó.

“Buồn quá, mà có bộ bài cho tụi trên câu lạc bộ mượn mất rồi. Không có ở đây để sát phạt cho quên thời gian.”

*

- Duy An à.

Người con gái quay lại bạn:

- Gì vậy Mai?

- Sao mày buồn dữ vậy?

An lắc đầu gượng gạo:

- Tao có buồn gì đâu?

- Có mầy giấu tao. Bạn thân với nhau mà mày còn giấu tao hở An?

- Tao không giấu mày, nhưng có thể tao buồn mà không biết. Mày thấy tao buồn bao giờ?

- Từ hôm qua sau lúc hai đứa coi phim về. Tao thấy dường như mày có chuyện gì lo nghĩ ghê lắm. Phải vậy không An?

Duy An gật đầu nhè nhẹ. Mai là cô bạn gái thân nhất của nàng. Không việc gì An giấu Mai và ngược lại. Mai hơn An ba tuổi, coi An như một cô em gái vì An không có chị. Mai lo lắng cho An, an ủi bạn từng chút. Không có điều gì phiền muộn ở An mà Mai không cố tìm biết để giải tỏa.

Chiều qua Mai đến rủ An đi xem ciné. Nội dung cuốn phim diễn tả nỗi thất vọng, sự mặc cảm của một tù nhân được phóng thích sau hơn mười năm bị giam cầm. Anh ta ở trong tù nuôi hy vọng bao nhiêu thì lúc ra khỏi tù lại thất vọng bấy nhiêu. Cuộc đời không tốt đẹp với anh ta như anh ta tưởng. Con người không dang tay đón anh ta như anh ta mong. Tất cả đều quay đi, tất cả đều lạnh nhạt. Cả đến gia đình anh ta cũng thờ ơ. Họ như muốn xua đuổi anh ta ra khỏi cuộc sống bình nhật. Không ai muốn chấp nhận một tên cướp của giết người dù hắn đã bị trừng phạt xứng đáng. Gã đàn ông khốn khổ lao đao đi vào bóng tối. Gã lếch thếch đi xin việc làm nhưng đến đâu cũng bị từ chối thẳng thừng với những lời tàn nhẫn như tát nước vào mặt: “Chúng tôi rất tiếc không nhận một tên sát nhân”. Gã cắn răng lại cố dằn cơn giận bừng lên. Gã lại về nhà, để nhận những miếng cơm thừa được khua mạnh chén đũa, sự bực tức trong gia đình càng thể hiện rõ rệt khi vợ gã nói thẳng vào mặt gã: “Tôi rất xấu hổ có người chồng tồi tệ như anh. Ngày anh bị bắt tôi đã phải bỏ xóm trốn đi. Giờ anh về, anh còn muốn tôi thêm một lần dọn nhà nữa hay sao?”

Lần này gã không chịu nổi nữa. Gã nghiến chặt hai hàm răng rít lên: “Con khốn nạn, tại ai mà tao trở thành tên cướp của giết người? Nếu mày không đua đòi xa hoa vật chất để cho số lương thợ máy của tao không đủ cung cấp cho mày phung phá? Mày đòi hỏi, mày than van, mày tỉ tê rồi mày trách móc… chịu không được tao phải đánh liều đi ăn cướp, để có tiền trang trải nợ nần do mày gây ra và cho mày tiếp tục đua đòi bạn bè. Tao ăn cướp rồi tao bị truy nã, muốn thoát thân tao phải giết người. Tao vào tù là vì ai? Vì ai mà giờ này mày nỡ xua đuổi tao?!”

Mụ vợ vẫn không vừa, tiếp tục đay nghiến. Gã giáng cho mụ mấy cái tát. Mụ la ầm lên, gọi cảnh sát bắt anh chồng vũ phu. Trước mặt nhân viên công lực, gã thản nhiên đưa hai tay chờ còng. Gã nói:

- "Tốt, cho tôi trở lại khám đường. Thà ở đó tôi yên thân hơn. Ít ra ở đó cũng còn tình người, không ai đuổi xua  tôi”.

Nhưng cảnh sát không còng tay gã. Họ chỉ khuyến cáo hai vợ chồng đừng làm ồn bà con lân cận. Vợ chồng cãi nhau, đánh nhau là thường, vả lại gã chưa gây cho vợ thương tích gì quá đáng. Vẻ thất vọng lộ rõ trên nét mặt của gã lẫn mụ vợ. Mụ tàn nhẫn: “Được, anh cứ việc ở đó đi. Mỗi ngày tôi thí cho một bữa ăn, thế nào anh cũng bị bắt lại nay mai mà!?

Chán nản trước tình đời, gã bỏ nhà đi. Gã đi trong băng giá, không định hướng. Gã nghĩ cách phạm tội để trở lại khám đường, ngoài đời gã không có nơi dung thân thì gã phải vào tù để sống. Gã đi đến một thánh đường, bước vào và nhìn thấy vị Linh mục đang quỳ cầu nguyện. Gã nhìn vị Linh mục, nhìn bộ chân đèn bằng bạc trên bàn thờ rồi tiến đến. Gã xoa hai tay vào nhau cho đỡ lạnh, đến thản nhiên nhấc bộ chân đèn đi ra. Gã đi ngang chỗ vị Linh mục quì và dừng lại nói một câu khiêu khích: “Cha có thể báo cho cảnh sát bắt tôi”. Nhưng Linh mục khẽ lắc đầu trầm giọng: “Con cần cứ lấy mà dùng. Nhà thờ còn bộ khác”. Gã đàn ông sựng lại, nhìn vị Linh mục đăm đăm, và rồi gã để cặp chân đèn xuống, gục đầu trong vòng tay của vị Linh mục…

Phim chấm dứt ở đó, và An đã khóc theo số phận hẩm hiu của gã đàn ông. Nàng nghĩ đến anh Chính, đến Diễn. Nàng nghĩ đến những tên tội phạm sau khi mãn án, chắc họ cũng không hơn gì gã đàn ông trong phim.

- Mai à.

Mai nhanh nhẩu:

- Nói đi An.

- Tên tội phạm đáng thương ghê Mai nhỉ?

Mai ngơ ngác:

- Tên tội phạm nào?

- Gã đàn ông cướp của giết người ấy mà.

Mai gật gù:

- Ừ nhỉ, mình quên. Tưởng An nói chuyện ngoài đời.

- Thì đó cũng là một trong những cảnh đời chứ Mai?!

- Làm gì có, phim ảnh mà. Phim ảnh cũng như tiểu thuyết, chỉ là tưởng tượng.

- Mai thử đi hỏi mấy khám đường coi, có bao nhiêu tù nhân? Và rồi chừng đó người sẽ mang nỗi bất hạnh như gã đàn ông trong phim đó. Họ cũng sẽ bị xua đuổi, bị ruồng bỏ… họ không khác gì những con chó hoang. Xã hội nhìn họ ghê tởm. Gia đình nhìn họ khinh khi, lạnh nhạt. Như vậy đó, ai mà chịu nổi.

- Sao An quan tâm đến chuyện đó dữ vậy? Có ăn nhằm gì đến mình đâu? Mình đâu có phải tù nhân mà An sợ.

“Anh Chính bị giam đâu có ai biết? Mình quen với Diễn đâu có ai hay? Vậy thôi, nói mãi nó nghi, nó hỏi tới thì mệt” và An lảng chuyện:

- Cháu Ngọc hết sốt chưa Mai nhỉ?

Hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của bạn nhưng Mai cũng trả lời:

- Đỡ rồi. Hình như nó bị ban. Đi thầy thuốc nam uống mấy thang coi bộ chịu rồi.

- Vậy mà hôm bữa làm má nó hết hồn.

- Ừ hôm đó mình cũng tưởng nó chết. Chị Trâm thì quýnh quáng lên. Mới có đưa con đầu mà, đâu đã có kinh nghiệm.

Xoay chuyện mưa chuyện nắng một hồi rồi Mai từ giã bạn. An đưa Mai một quãng đường. Gió chiều vương nhẹ lên tóc lên má An những sợi vô hình lành lạnh. Nàng bất chợt nghĩ đến Diễn, đến anh Chính, hình ảnh cuối cùng là gã đàn ông bất hạnh đang gục khóc trong tay vị Linh mục hiền từ.

____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V