Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

CHƯƠNG III_MƯA HẠ


CHƯƠNG III


NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN

Ngày… tháng… năm…

“ 8 giờ tối.

“Buồn quá, má qua nhà cô Thông đóng hụi rồi, còn mỗi mình ở nhà. Giờ này, giá có đứa bạn nào của mình đến, bất cứ đứa nào, kể cả con Hà hồi sang mới xích mích với mình xong. Cái con nhỏ nhí nhảnh hay làm tài lanh đó. Chắc mình cũng đỡ cô đơn.

“Nhưng không có ai cả. Căn nhà rộng. Mình cảm thấy sự chơi vơi tột độ. Sự hoang vắng tột độ. Nhà ít người bất lợi là như vậy đó, anh Chính không có nhà, má không có nhà là mỗi mình chèo queo à.

“Hồi chiều này mới vô Chí Hòa thăm anh Hai. Anh mình ở trại công vụ cũng đỡ.

Hai anh em nói chuyện thật lâu, đến mãi chiều mình mới về. Hôm nay thấy anh ấy đã đỡ xanh, chắc… chịu cơm tù rồi.

“Mà kỳ ghê, mình nói chuyện với anh Hai, ông bạn ảnh ngồi bên cạnh cứ nhìn mình hoài à. Ông bạn này hai lần trước vô thăm mình đâu có gặp, vậy mà bây giờ hiện diện bên anh mình, mày tao thân thiết. Hình như anh Chính lại có vẻ nể hắn ta lắm nữa.

“Hắn cũng là tù
dĩ nhiên – Mình nhìn tên hắn trên tấm đính bài – danh số 702 – tên Hoàng Trọng Diễn. Tên cũng hay đấy chứ.

“Hắn ít nói. Chỉ thỉnh thoảng mới chen một câu hay trả lời khi mình hỏi. Thôi. Rồi lại nhìn. Nhìn hoài. Nhìn… như không biết ngượng.

“Nhưng lạ lùng, mình thấy ánh mắt hắn sao không đến nỗi dễ ghét, ánh mắt dịu dàng. Ừ, dịu dàng thật đấy. Dễ thương hơn khi anh Chính nhìn mình cơ. Hắn cũng ít cười, nhưng khi cười gương mặt lầm lì của hắn sáng rỡ, coi hay lắm.

“Dường như hắn không có gia đình thăm nuôi thì phải. Thấy hắn ngồi cạnh anh mình suốt buổi. Chắc hắn đang chờ thân nhân? Mà không. Trông hắn chẳng có vẻ gì chờ đợi cả. Hắn thản nhiên, chỉ chú ý tham dự vào câu chuyện của anh em mình.

“Anh Chính thích hắn lắm thì phải. Thấy anh mời hắn thuốc thân mật. Có một lần trong câu chuyện anh gọi hắn là “đại ca” nữa. Mình thấy hắn lừ mắt và anh Hai lại mày tao như cũ.

Lạ nhỉ! Có một bí ẩn gì đây giữa hai người mà mình không tài nào đoán nổi. Có một điều gì mà anh Hai và hắn giấu mình. Chắc chắn có anh Hai mình trong đó thì không thể là điều hại cho mình, nhưng vẫn nghe bứt rứt làm sao ấy.

“Không biết hắn phạm tội gì mà ở tù nhỉ? Có nặng lắm không? Trông gương mặt hắn hiền hiền thế nào… hắn cũng có vẻ tư cách trong lối ăn nói nữa, chắc không đến nỗi vô học… Thì đâu phải ai ở tù cũng là dân thất học cả đâu, thiếu gì ông này bà nọ, giáo sư, bác sĩ, cũng vào tù chứ bộ, có tội thì vào tù, đâu phải có học là không làm tội.

Ơ hay, mà sao tự dưng mình làm “luật sư không công” cho hắn thế này? Tự dưng mình lại biện hộ đủ mọi khía cạnh. Hắn có ăn nhập gì đến mình đâu? Làm như… làm như quen lâu lắm rồi vậy. Kỳ quá à.

“Thôi không thèm viết nữa, lại ghi vớ vẩn về hắn cho coi. Phải công nhận hắn có nụ cười tươi và ánh mắt thật trìu mến.

“Ngừng đi nghe Duy An, hôm nay hư ghê vậy đó, khi không lại mang một hình ảnh lạ vào nhật ký”


Ngày… tháng… năm...

“1 giờ 15 phút khuya.

“Bữa nay mình biết về hắn khá rõ rồi.

“Nhật ký ơi, biết "hắn" là ai không? Là Hoàng Trọng Diễn, tên tù 702 ấy mà.

“Mình biết về hắn qua anh Chính, và cả hắn nữa. Hắn là một sinh viên dính dấp đến một vụ biểu tình nên bị bắt. Người ta khép hắn vào tội chính trị, phá rối an ninh đó, tội nghiệp ghê không?

“Thảo nào, trông hắn hiền lành dễ mến, con người như hắn đâu thể làm những tội ác tày trời được. Chắc hắn cũng chả muốn làm chính trị đâu, chỉ tại người ta lầm lẫn.

“Mình ngồi gần hai giờ đồng hồ, nói chuyện với anh Chính và hắn. Hắn nói chuyện thật hay, thật dịu dàng. Mình hỏi: “Đâu phải ai vào tù cũng là do trộm cướp hay giết người ông nhỉ. Như anh Hai tôi, chỉ ham chơi bè bạn mà ra nông nỗi”. Hắn cười : “Trong tù nhiều thành phần lắm cô An ạ. Trí thức có. Bình dân có. Đá cá lăn dưa có. Ai cũng là con người nên ai cũng có thể phạm tội. Và khi đã trở thành tù rồi thì tất cả đều như nhau, như bất cứ đứa trẻ nào khi chào đời cũng không có áo quần trên người vậy thôi”

Hắn nói về hắn: Gia đình ở xa, thỉnh thoảng mới đi thăm một lần. Hắn thân anh Chính nên xin được coi gia đình bạn là gia đình hắn. Hắn nói: “Cô An biết không, ở tù thèm nhất là được gọi ra thăm nuôi. Để thấy gương mặt những người thân yêu. Để biết tin tức ngoài cuộc sống tự do. Thế nên ai không có thân nhân thăm viếng là nỗi bất hạnh lớn lao nhất”.

“ Hắn nói chuyện hay ghê, mình nghe đến đôi khi quên sự có mặt của anh Chính. Không biết anh Hai có trách mình không? Tại… ai biểu anh Hai nói chuyện buồn thấy mồ đi. Chỉ nghe ra lệnh “tuần sau mang cho anh cái này cái nọ. Nhắn cho anh chị Thu, lấy dùm anh cái đồng hồ ở tiệm cầm đồ bình dân…” cứ vậy không à…

“Má không đi thăm anh Hai được, biệt phái mình đi. Khi về má rối rít hỏi đủ chuyện về ảnh làm mình quýnh quáng trả lời muốn đứt hơi. Thật ra mình quên hỏi xem mấy bữa nay ảnh có khỏe không nhưng cứ nói đại với má là “anh Hai khỏe lắm má, mập hơn trước nhiều, ảnh nói nhớ má quá chừng”. Mình đặt điều nói với má cho má vui, chứ cái “ông quỷ” đó mà đời nào mở miệng nói nhớ má. Có thương chết trong lòng ổng cũng câm như hến mà. Kệ, dù sao nói cho má yên lòng cũng đâu phải là cái tội”

*

An lựa mãi một cái áo để đi thăm anh chiều nay. Phải thay đổi một chút chứ, không lẽ cứ mặc áo dài trắng hoài? Cô bé tự nhủ như thế.

Cả một tủ áo, vừa áo dài, vừa đồ đầm, vừa quần patte, quần pant, áo tunique mà An lựa mãi không xong. Ướm thử chiếc áo dài màu tím An lại thấy buồn quá, chiếc áo dài jersey sọc lại chê sặc sỡ. Mặc đầm thì… coi kỳ. Mấy cái mi-ni thì anh Chính không ưa… chỉ còn quần tây áo chemise là chót.

Sau cùng An chọn chiếc quần patte trắng và áo tunique xanh nhạt. Bộ đồ này mới may chưa đầy một tháng. An mặc thử, mỉm cười hài lòng thấy da mình như trắng hẳn lên, và dáng dấp cũng có vẻ… sang hơn. Cô bé yên tâm về mục quần áo.

An không hiểu tại sao mình lại chăm chút đến quần áo kỹ vậy nữa. Nàng không muốn tìm hiểu thì đúng hơn. An sợ câu trả lời của chính mình cho câu hỏi đó.

Là vì, An hiểu nàng không làm dáng cho… anh Chính. Anh Chính thì chẳng có gì để phải làm dáng cả. Anh em. Nhưng hình như… hình như chính Diễn, Hoàng Trọng Diễn đã là động cơ thúc đẩy An làm cái việc đầy “nữ tính” đó.

An không phủ nhận là mình có cảm tình với Diễn. Cảm tình nhiều là khác, và Diễn cũng thế. Hai người đã xem nhau như bạn. An đi thăm nuôi có hai mục đích: mang đồ tiếp tế cho anh và tâm tình với Diễn.

Anh Chính của An cũng rất vui vì sự ân tình giữa bạn và em gái. Chính nói với An: “Diễn nó không có em gái, em nhận làm em nó đi”. Cô bé đỏ mặt lí nhí: “Chỉ sợ anh Diễn không bằng lòng” và nàng thấy ánh mắt Diễn ngời sáng: “Được làm anh của An, còn gì sung sướng cho anh hơn nữa”. Nụ cười cùng rạng rỡ trên môi ba người trẻ.

An sắp thức ăn vào giỏ: Thịt hộp, cá lóc kho nước dừa, trái su, bông cải, cà chua, cà-rốt… còn cả mấy thứ bánh kẹo lỉnh kỉnh mà bà Thục gởi cho con trai, dù đã hơn một lần Chính nói với mẹ là: “Ở trong tù cũng có câu lạc bộ bán đủ thứ, má cho con tiền mua hồi nào dùng hồi đó cho khỏe”. Bà Thục biết vậy, tiền vẫn gởi nhưng đồ ăn vẫn có.

An cầm một gói giấy nhỏ lên ngắm nghía: hộp kẹo nàng mua cho Diễn. An tính mua cho Diễn một món quà mà rồi suy nghĩ mãi không biết phải mua gì. Sau cùng nàng chọn hộp kẹo Nhật, nho nhỏ, xinh xinh. Món quà bé bỏng làm nàng vui thích. Không biết Diễn có hay ăn kẹo? Diễn lớn rồi chắc không ăn vặt như An, nhưng cô bé tự nhủ rằng… kẹo ngon kinh khủng.

Trằn trọc hoài không thể nào chợp mắt được buổi trưa, An lắng tai nghe đồng hồ. Ba tiếng “boong! Biing boong! Biinh boong!” làm nàng ngồi bật dậy nhảy khỏi giường.

An đi rửa mặt rồi trở lên phòng. Nàng cầm lược chải đầu rồi không hiểu sao lại đến bàn ngồi xuống trước tấm kiếng tròn lớn. Đây là bàn phấn mà má sắm cho An nhân sinh nhật thứ 17 của nàng. An có một hộp đủ loại đồ trang điểm nhưng nàng chưa dùng tới bao giờ. Hôm nay, An muốn thử bài toán dung nhan, xem “diện” vào mình có xinh hơn không.

Một lớp phấn nhẹ trên mặt. Rồi làn phấn hồng phơn phớt trên má. Một nét chì làm đậm thêm mi mắt đã đậm sẵn và chải nhẹ làn mi cong. An hơi ngập ngừng khi chọn màu son… đôi môi nàng trở nên đều đặn hơn bởi màu hồng tự nhiên của lớp son môi Revlon - Rose. An thử mỉm cười và nàng thấy mình duyên dáng lạ.

Có tiếng mẹ gọi. An “dạ” một tiếng rồi chạy ra phòng khách.

- Dạ, chi má? Con đang sửa soạn đi thăm anh Hai.

An nhanh nhẩu, như sợ mẹ đoán được những ý nghĩ thầm kín của mình. Bà Thục hơi ngạc nhiên nhìn con gái. Bà thấy An thật đẹp. Có một chút phấn son trang điểm vào, con bé mặn mà hẳn lên. Một niềm kiêu hãnh ngầm dâng lên trong tâm hồn người mẹ.

Thấy mẹ nhìn mình trân trối, An bẽn lẽn:

- Con diện coi... được không má?

Bà Thục gật đầu:

- Xinh lắm. Con gái mẹ lớn rồi, phải tập chải chuốt đi chớ, bé con mãi sao.

- Thấy con lớn lắm hả má?

- Mười tám tuổi rồi, bộ cô tưởng cô còn nhỏ lắm à. Hồi ở tuổi cô mẹ đã làm dâu rồi đấy.

An hồng đôi má:

- Hồi đó ông bà ngoại làm gì mà gả má sớm thế. Con gái phải có vài năm để làm dáng với đời. Lấy chồng là kể như… gông đeo cổ: hết đường ăn diện.

- Bây giờ các cô quan niệm khác, đủ thứ tự do. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Con gái đến tuổi cập kê là phải lấy chồng.

An ngắt lời mẹ:

- Có con gái trong nhà như có… bom nguyên tử phải không má?

Bà Thục mắng yêu con:

- Thôi đi, chó con. Sửa soạn nhanh lên rồi đi thăm anh mày để nó mong tội nghiệp.

- Sức mấy mà anh Hai mong con, má. Ảnh mong là mong chị Thu kìa… Tuần này không có, cho ảnh khóc thét chơi.

- Mày ác. Sao không đi lấy thư giùm nó. Ở trong đó có chút an ủi vậy thôi.

- Má khỏi lo, không có thư thì có người. Bữa nay chị Thu đi với con nữa đó.

- Vậy à. Con Thu chịu vô tù thăm thằng Chính hả?

- Có gì mà không chịu, má? Thăm “bồ” mình chứ thăm ai mà lo?

- Nhưng… bồ ở tù mà, nó không mắc cỡ sao?

- An nghe nóng ở hai bên thái dương. Nàng có cảm tưởng như mẹ nói chính mình. An biện luận:

- Làm con người ai không có lúc mắc phải lỗi lầm. Không tha thứ được thì đừng yêu. Bộ cứ hễ có bồ bị tù là bỏ sao má? Con giả thử lỡ… ngày xưa ba vướng tù tội, má có bỏ ba không?

- Tao với ba mày khác. Tình nghĩa vợ chồng thâm thúy. Đằng này con Thu với thằng Chính chỉ là bạn sơ thôi, tao sợ con nhỏ mặc cảm.

- Má không biết chớ, chị Thu thương anh Chính lắm à.

- Tao cũng mong vậy. Thằng Chính có bạn hiền như con Thu may ra nó bớt tánh lêu lổng.

- Dạo này ảnh đỡ rồi má ơi. Vô tù rồi thấy ảnh hiền khô à. Ảnh cũng không còn cộc cằn nữa. Ảnh cứ than thở ân hận vì làm má buồn má khổ.

Bà Thục thở ra:

- Má cũng trông nó biết nghĩ lại để lo cho cái thân nó. Má già rồi, sao cũng được. Tụi bay còn trẻ phải biết ý thức tương lai của mình. Má đâu sống hoài mà lo.

An kề môi hỏi nhỏ mẹ:

- Má nhận chị Thu làm dâu không nè?

- Thì tùy thằng Chính hà. Nó ưng ai tao nhận đứa đó. Miễn nó thương. Cả mày nữa. Thương đứa nào má gả cho đứa đó… miễn là người đàng hoàng, đạo đức là được.

- Cha, má lựa khó thấy mồ đi. Chắc con… ế chồng quá.

- Tao đâu có ham giàu có. Nghèo càng hay. Vợ chồng nghèo biết thương nhau hơn nhà cao cửa rộng. Tao với ba mày hồi xưa ưng nhau hai bàn tay trắng, rồi cũng tạo được sự nghiệp như thường. Ăn thua là vợ chồng phải biết nhường nhịn, nể trọng nhau. Đồng tiền đồng bạc tạo ra được chớ hạnh phúc khó lắm con ạ.

An hôn lên trán mẹ:

- Má coi vậy mà… văn minh ác.

Và nàng chạy thẳng về phòng. Bà Thục đứng nhìn theo con gái, khẽ lắc đầu lẩm bẩm:

- Không biết nó để ý đến ai mà dạo này đâm ra làm dáng dữ chớ. Con gái lớn, nay mai mình làm sui được rồi.

*

Thu rụt rè níu tay An

- Vô khó lắm không hở em?

- Không đâu, chị cứ theo em. Em đi nhiều lần người ta quen mặt rồi, dễ dàng lắm.

Thu thở ra:

- Mình lo quá. Không biết anh Chính ra sao? Ảnh có nhận ra mình không?

An bật cười:

- Làm gì không nhận ra. Ảnh bị tù chứ đâu có… bị mù mà không thấy chị.

- An không hiểu mình. Mình muốn nói…

An xua tay:

- Em biết rồi. Chị lo ảnh thay đổi chứ gì.

- An nghĩ coi, ở hoàn cảnh mình…

- Chị đừng lo. Không lần nào em vô thăm mà anh Chính không hỏi thư chị, không nhắc đến chị. Bữa nào không có tin tức của chị là kể như em hết được nói chuyện với ảnh đi.

Hai người đi qua “trạm” cuối cùng. Những người kiểm soát đơn từ, thực phẩm đã quen với An nên sự khám xét cũng nhanh nhẹn. Thu đi sát bên An, khép nép như sợ bị người ta ngăn lại. Nàng hết nhìn người này lại nhìn đến kẻ khác với ánh mắt tò mò.

An tỏ ra thông thạo đường lối và thể thức thăm nuôi. Nàng chỉ cho Thu ngồi xuống chiếc băng dài và ngồi bên cạnh “yểm trợ” tinh thần bạn. Nàng biết Thu đang lo sợ, đang ngỡ ngàng nên nhìn Thu an ủi:

- Mình đợi chút, anh Chính ra bây giờ. Thấy chị ảnh mừng phải biết!

- Thật không An?

- Em dối chị làm gì.

Thu hỏi dò:

- Anh Chính dạo này… sao An?

An trêu bạn:

- Ảnh hả… trời ơi… ghê lắm.

- Ghê?!... Là sao?

- Ảnh ở chung với mấy người tù khổ sai, mấy tên ăn cướp giết người, thành ra ảnh cũng dữ… lắm.

Thu xanh mặt:

- Chúa ơi. Vậy Thu tới đây làm gì?

- Chị đi thăm ảnh.

- Nhưng … ảnh dữ tợn, ảnh… hung bạo làm sao chị dám…thương ảnh?!

- Chị sợ ảnh hả?

- Thu sợ bất cứ ai hung dữ.

An dịu giọng:

- Nói đùa chị đấy. Anh Chính dạo này hiền ghê lắm. Chính em cũng không ngờ cơ mà.

- Thật hả An?

- Nữa, lại thật nữa. Chị tin đi mà. Thấy ảnh là chị biết liền hà.

Thu xoắn hai tay vào nhau:

- Mình hồi hộp quá.

- Hồi đầu mới đi thăm em cũng như chị. Riết rồi quen đi.

Thu phân trần:

- Mấy lần trước mình cũng định đi theo An thăm anh Chính, nhưng… tại biết anh không có tình cảm với mình nhiều nên mình ngại. Sau thấy ảnh viết thư cho mình nói cũng tội, thành ra…

An bênh vực cho anh:

- Tánh anh Chính chị còn lạ gì. Có thương cách mấy ảnh cũng hờ hờ hững hững vậy đó. Với lại lúc trước ảnh bạn bè với tụi cà chớn thành ra hư, giờ đỡ rồi, biết mẹ, biết em, biết thương, biết nhớ. Ảnh mà chịu khó viết cho chị lá thư dài hai trang giấy là biết sao rồi.

Thu rưng rưng nước mắt:

- Chắc ảnh gầy đi nhiều hả An?

- Không có đâu, anh Chính khỏe hơn trước, để rồi chị coi.

Có tiếng xướng tên. Thu luống cuống chưa biết trả lời sao thì An đã đáp đỡ hộ bạn. Thu thở ra nhẹ nhõm:

- Hú hồn. Nghe tự dưng người ta kêu tên mình Thu sợ muốn đứng tim.

Nước mắt trên má Thu, nước mắt trên má An. Những dòng lệ lăn dài trên đôi gò má mịn của tuổi con gái mới lớn gây những cảm xúc mạnh chuyền trong cơ thể hai gã con trai. Hai tên tội phạm. Chính và Diễn đứng ngây người, đứng trân trối và nhìn ngay không chớp mắt. Lần nào gặp anh, An cũng tủi thân, cũng khóc, nhưng lần này nàng khóc không phải vì anh. Thu tức tưởi gọi tên người yêu nho nhỏ rồi nghẹn đi. An khóc nhẹ, vừa đủ để giữ gương mặt đẹp. Nước mắt chỉ lăn từ mi xuống má cứ không có những tiếng nấc buốt tim.

Chính gọi:

- Thu.

Diễn gọi:

- An.

Rồi thôi. Bốn người tám con ngươi mở lớn nhìn nhau xao động.

An không hỏi gì anh. Hôm nay phải dành tất cả cho Thu. An nghe Thu líu lưỡi than Chính ốm. Nàng cười thầm. Cái cười giấu diếm không lộ trên môi cho Diễn thấy. Tên tù 702 nhìn An khó hiểu. Hình như hắn muốn cười mà hắn không cười. Gương mặt Diễn cô đọng chất sống, như tảng băng bắt đầu tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Hồi lâu Diễn lên tiếng:

- Bác vẫn khỏe hả An?

- Dạ má em vẫn thường.

- Sao hôm nay bác không vô thăm anh Chính?

An nhìn sang Thu:

- Má nhường cho chị Thu.

Mắt Diễn như xoáy vào từng phân vuông da thịt trên gương mặt cô gái. Giọng Diễn thật nhẹ:

- Hôm nay An xinh ghê.

Lời khen quan trọng nhất, lời khen cần thiết nhất đã vang lên, đi vào tâm hồn An, đi vào mắt An nồng nàn, đi vào môi An tạo thành nụ cười tươi như bông hồng mới nở.

An cúi mặt bẽn lẽn:

- Anh “nịnh” An phải không?

- Anh không biết nịnh đâu An. Em xinh ghê lắm. Làm anh đến muốn choáng người. Nếu An hiểu rằng những ngày tháng tù tội đã làm con người chai đá, khô cằn để đánh mất đi những chất ngọt của tâm hồn, chắc An không cho rằng anh nói dối.

- Anh Diễn.

- An muốn hỏi gì?

- Ở đây… thỉnh thoảng có cha đến làm lễ hả anh?

- Cha đến làm lễ. Mục sư đến giảng đạo. Sư ông đến tụng kinh… đủ hết, không thiếu gì An à.

- Như vậy mới phải.

- An muốn nói gì?

- Theo An nghĩ, dù bị tội với luật pháp, với xã hội, con người chưa chắc đã có tội với Chúa, với Phật. Và tín ngưỡng bao giờ cũng là một lẽ sống tinh thần vô giá.

- An sùng đạo lắm phải không?

- Với tuổi trẻ, sùng đạo không có nghĩa là siêng năng đến nhà thờ hay đến chùa. Nhưng từ trong tâm hồn mình, niềm tin sâu xa luôn đầy ngập. Anh có nghĩ thế không?

Mắt Diễn nheo lại, đăm chiêu. An nhìn thấy trong ánh mắt đó một vẻ gì vừa lạnh lùng vừa ấm áp. Diễn nói như kéo An đi xa tất cả mọi người:

- Có một lúc, sự bi quan làm anh không còn tin tưởng gì ở Thượng đế nữa. Anh buông xuôi cả xác lẫn hồn vào cơn trụy lạc. Những đam mê quên đời. Những thú vui chốc lát choáng say vùi dập. Anh không nghĩ gì nữa cả. Xã hội, cả một ô tạp bất công chỉ chờ chực để dày xéo mình, để nhận chìm mình xuống vũng bùn. Anh đưa tay chới với kêu cứu giữa cơn chết đuối nhưng không ai buồn quăng cho anh một cây sào, một sợi dây, một mảnh ván cho anh bám víu để tìm sự sống. Người ta ngả giá, anh không bắt được giá nên họ cười khinh bỉ đi luôn. Chán nản làm anh như tê liệt tất cả mọi tế bào sống. Anh quay quắt vùng vẫy rồi lười biếng im lìm. Từ đó anh sống bất cần tất cả.

- Rồi anh được gì trong cuộc sống đó?

- Chả được gì cả. Anh mất hết. Anh phủi tay hết. Sống lang thang không định.

- Nếu anh có một niềm tin chắc anh không đến nỗi như vậy.

- Nhiều lúc anh cũng thử tìm đến Thượng Đế nhưng Ngài xa vời quá. Ngài cao siêu quá. Anh tìm Ngài để cầu nguyện,van xin Ngài chia sẻ những bất hạnh của mình, nhưng anh không đủ kiên nhẫn đợi chờ Ngài nhận lời, và anh lao vào cơn lốc kéo gần giữa sự sống và sự chết.

An lắc đầu:

- Anh bi quan quá. Anh phải có niềm tin để thấy rằng Thượng Đế không từ chối một ai đến với Ngài.

- An cho phép anh hút thuốc?

- Dạ. Anh cứ tự nhiên.

Diễn gắn điếu thuốc ba số 5 lên môi, bật quẹt châm hút. Hơi khói tỏa nhẹ, mơn man trước khuôn mặt sạm nắng của hắn. An thấy một vẻ phong trần hay hay. Diễn tiếp:

- Anh quăng mình trong xó tối cuộc đời. Cái ngã không làm anh đau đớn nhưng làm anh quị hẳn. Anh không buồn đứng lên nữa. Mọi phương thế đã được áp dụng và cũng đã bị thất bại. Anh tự cho phép mình gây nên tội để rồi chịu tội.

An vẫn vô tình:

- Cuộc sống với những bất công của nó đã xô đẩy anh đi vào đường lối chính trị? Anh tìm lãng quên bằng những cuộc biểu tình, hoan hô đả đảo hay sao?

Diễn giật mình, sực nhớ và im lặng. Thôi chết, câu chuyện đã đưa hắn đi quá xa con người hắn dàn cảnh trước mắt cô gái. Hắn là một sinh viên bị dính líu về tội chính trị cơ mà? Sao lại có thể có cuộc sống bất hảo như nãy giờ hắn nói? May mà An không để ý lắm nên không nhìn thấy chỗ hớ hênh đó. Cô bé ngây thơ lạ lùng. Diễn vừa nghĩ vừa nhìn An bằng ánh mắt đầy thương mến.

An lấy hộp kẹo đưa cho Diễn:

- An biếu anh. Anh thích ăn kẹo không?

- Bình thường anh không thích. Nhưng của An lại khác. Anh sẽ ngậm nó như những viên linh đơn cải tử hoàn sanh.

- Em thích kẹo nên mua cho anh đó.

- Cám ơn An. Anh không có gì cho An cả.

- Thôi anh đừng nghĩ chuyện đó. Anh ở trong này thì có gì. An ở ngoài không mang vô cho anh thôi chớ, ở tù mà.

- An nói “ở tù mà” nghe buồn ghê. Ừ nhỉ. Anh ở tù An nhỉ. Nhưng sao từ trước tới giờ anh không thấy cảnh tù tội là buồn. Anh sống trong tù như cuộc sống phải có, phải sống. Thản nhiên và an phận. Anh tập quên và đã quên. Quên tên tuổi, quên luôn rằng ngoài nhà giam còn có một thế giới nữa, thế giới của tự do, của đua chen, của những thú vui vật chất. Chỉ từ ngày An đến, cho anh biết, anh quen, anh mới thấy buồn trở lại, anh mới tìm lại được cảm giác con người.

An rưng rưng xúc động. Những lời nói của Diễn chân thành, tha thiết. Diễn nói bằng sự thật. An tin như thế. Nàng đan những ngón tay thon nhỏ trên chiếc bàn đá. Khoảng cách giữa nàng với Diễn không xa nhưng thực tế xa vời vợi của cuộc đời bình thường và tù tội. Những người chung quanh An chắc cũng mang tâm trạng như nàng. Bao nhiêu ánh mắt níu kéo, bao nhiêu câu nói vội vàng sợ hết giờ thăm viếng. An không biết trong câu chuyện họ có gì nhưng chắc chắn niềm vui chỉ là những thoáng mong manh.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV