(Thương tặng các em gái Bốn I
Trường An-Trí C Giáo Đức, Định Tường).
Mặt
trời hơi chếch về hướng Tây. Tôi và Huy bắt đầu cuộc hành trình. Chúng
tôi đi trên con đường dọc theo bờ sông Cái Cối. Trời xế nhưng độ nóng
không kém gì giữa trưa. Tuy nhiên, chúng tôi đi dưới bóng cây và thỉnh
thoảng vài ngọn gió mơn man lên mặt làm hai đứa thấy mát lạ. Thế mới
biết cái thú ở quê, đã mát mẻ mà lại êm ả vô cùng!
Đường đi râm mát bóng cây, thỉnh thoảng, vài đứa trẻ đang chơi đánh bi dọc đường ngừng tay xầm xì nhau:
- Ông thầy lớp Ba đi với ông thầy lớp Hai kìa! Chắc hai ổng vô nhà ông Hiệu Trưởng.
Có
vài đứa bỏ chơi, chạy ra cúi đầu chào lễ phép, cũng có đứa mắc cỡ, thụt
vào nhà hay núp ở bụi cây, cười ngỏn ngoẻn. Học trò ở miền quê thường
vậy, tôi yêu những cử chỉ đó vô cùng.
Thôn
quê vào buổi trưa thật êm vắng, từng cơn gió nhẹ lùa vào đám lá làm lao
xao, phát ra những âm thanh rì rào như ru ngủ bên tai. Đâu đây tiếng
vài chú chim sâu kêu lên chim chíp lạc lõng giữa không gian rồi tan
biến, nhường cho tiếng cúc cu đều đặn của chị cu đất nào đó.
- Hai ông thầy mới về dạy ở ấp mình kìa.
- Chèn ơi! Thầy giáo gì mà có chút téo vậy?
Tiếng
đối đáp của hai cô gái ngồi giặt đồ ở bờ sông đưa lên lẫn tiếng cười
trong trẻo làm tôi và Huy hết ý kiến, chỉ biết nhìn nhau rồi cùng cất
tiếng cười vang. Huy bỗng cất tiếng huýt sáo, tôi chợt nhận ra giọng
hắn, hôm nay, cao và trong lạ. Điệu sáo lên xuống theo bản "Chiều" làm
tôi cảm hứng, cất tiếng hòa theo...
Đến nhà ông Hiệu Trưởng, hai đứa định quẹo vào thì có tiếng kêu giật ngược ở mé sông:
- Tui đây nè, hỏng có ai ở trỏng đâu! Coi chừng chó cắn chạy không kịp à.
Hai
đứa quay ra. Ông Hiệu Trưởng của chúng tôi đang lui cui leo lên bờ,
quần áo dính đầy bùn, tay xách cái thùng thiếc ; cậu em vợ thì vai vác
lưới, cà nhổng cười duyên. À! Thì ra hai anh em đang thực hiện cuộc đi
"săn" ở "thủy giới" mới về. Tôi mở lời:
- Thầy đi "săn" được khá không? Chắc đủ nhậu lai rai buổi chiều.
Ông Hiệu Trưởng vừa đặt thùng xuống đất vừa vuốt ve bộ xương "cách trí" của mình, vừa trả lời:
-
Hai anh em nãy giờ gió lạnh muốn "chết"! Hai đứa lén Thủy Vương chốp
được đâu vài chú cá lóc, ba bốn trự tôm càng, kể cũng khá khiển. Ai dè
ổng hay được, sai đạo binh đỉa đeo vô cặp "ống điếu" của tôi làm hai đứa
sợ quá leo lên, kế thấy hai thầy ở trước cửa. Mời hai thầy vô nhà chơi.
Vào đến sân, chú chó thấy lạ, nhìn chúng tôi gầm gừ. Ông Hiệu Trưởng ngồi bẹp xuống đất, quay sang đứa em vợ:
- Đức à! Dẹp thùng vô rồi leo dừa bẻ ăn chơi.
Năm phút sau, ba trái dừa xanh mướt đã nằm gọn trước mắt chúng tôi như thách thức. Ông Hiệu Trưởng vừa chặt dừa vừa nói chuyện:
-
Ở vườn ăn dừa khỏi cần ly, chặt đầu rồi thọt ống trúc vô hút. Hết nước,
bổ ra, lấy gáo nạo mà ăn. Xong quẹt mỏ, quăng ra sân vài bữa cho vỏ dừa
khô đi, đem vô chụm lửa cháy phừng phừng, tiện lợi vô cùng tận. Quên
nữa, mời hai thầy, của ai nấy hút.
Chúng
tôi khoái chí, hút từng ngụm nước ngọt mát cổ, nước dừa chảy tới đâu,
tôi nghe thấm tới đó. Tôi ngửa cổ hút từng ngụm nhỏ rồi thong thả cho
hồn lên tít ngọn cây, hai chú trao trảo đuổi nhau trên cành kêu tíu tít.
Trời cao và trong xanh, không vương một sợi mây nhỏ. Thoảng từ xa tiếng
vài chú ve, còn sót lại của mùa hè, rỉ rả nghe thật buồn. Tôi nhìn Huy,
ánh nắng lọt qua kẽ lá in lên mặt hắn làm rỗ nhăn, như tổ ong trông
thật tức cười. Thấy tôi cười, hắn cũng nhăn theo...
Chúng
tôi từ giã ông Hiệu Trưởng rồi lại tiếp tục với cái bụng đầy dừa. Được
một khoảng khá xa, bóng mấy đứa học trò thấp thoáng trước mặt. Có lẽ
chúng nó đợi hai đứa tôi lâu lắm. Con bé Giàu, nổi tiếng dạn dĩ trong
lớp, bước ra nói nhỏ nhẻ:
- Thưa, hai thầy đi đâu mà "chời" nắng quá vậy?
Tôi biết con bé hỏi để có chuyện mà nói nên đỡ lời:
- Thì hôm qua thầy có hứa là hôm nay sẽ rủ thầy Huy đi câu cá với các em mà. Bộ các em quên rồi sao?!
Ba bốn cái đầu khác ló ra khỏi bụi cây nhưng còn ngại, chưa dám lại gần. Huy vừa đưa tay ngoắc chúng vừa riễu:
-
Còn mấy đứa kia nữa, lại đây. Làm gì mà đứng đó? Bộ sợ mấy thầy ăn thịt
hả? Thịt mấy em hỏng có ngon nên mấy thầy không ăn đâu mà sợ. Ạ, hay là
tính rình để nhát ma hai thầy chớ gì? Hỏng có ai sợ đâu mà nhát. Lại
đây chơi.
Tôi
bách bộ ra mé sông, tiếng sóng vỗ lách tách vào bờ nghe vui vui tai.
Vài khóm lục bình, điểm bông tim tím, thẩn thơ trôi lang thang vô định.
Tôi nghĩ, có lẽ đời sống dân chúng ở đây chắc cũng vậy : thật bình thản,
không gợn chút suy tư ; hiền hòa như cây trái bốn mùa ; đạm bạc như cá
lóc kho tiêu với canh chua bạc hà ; thật thà như màu áo lúc nào cũng
mang mùi bùn đất của quê mẹ. Xa xa, giữa sông, vài chiếc ghe đuôi tôm
xình xịch chạy qua lại, tung bọt trắng xóa trước mũi ghe.
Tôi
thả chân xuống sông, chất nước mơn man da thịt, gây cho tôi một cảm
giác mát lạnh thích thú. Qua lớp nước mỏng, loáng thoáng bóng vài chú
lòng tong bạo gan rỉa vào chân tôi nhồn nhột.
- Nè, Giàu à. Các em có sẵn đồ nghề chưa?
Con bé đang bàn tán với các bạn, vội chạy lại lễ phép trả lời:
- Dạ, thưa thầy, tụi em lo cần câu, xuồng xong "giồi", mà thiếu mồi. Tại tụi em sợ thầy chê xa mà không đi.
Trước câu nói thật thà của con bé, tôi bật cười thành tiếng:
- Con nhỏ này thiệt à. Sao hai thầy lại không đi? Thầy đã hứa thì phải giữ lời chớ.
Con nhỏ Bảy, nãy giờ im thin thít, có lẽ còn mắc cỡ, vội phát biểu ý kiến:
- Hay vầy nè. Hai thầy ở đây một chút hà. Tụi em vô vườn bắt nhền nhện về câu. Mau lắm, thầy ạ.
Huy hơi lo lắng:
- Mau thiệt hôn? Rồi bắt hai thầy đợi tới tối làm sao dám về. Ma bắt chết.
Con bé quẹt mặt hai ba cái, mỉm cười trả lời:
-
Dạ, mau thiệt "mờ". Nhền nhện ở "chỏng" nhiều lắm. Mà tối thì hai thầy ở
lại tụi em nấu cơm cho hai thầy ăn. Ở đây gạo "nhóc" hết "chơn" hà, ăn
hoài cũng hỏng hết nữa.
Tôi chêm vào:
- Rồi tối hai thầy leo lên cây vú sữa ngủ với ma hả? Rủi bệnh rồi mai ai dạy mấy em?
Lũ
trẻ cười vang rồi kéo nhau vào vườn. Thế là hai đứa tôi phải chờ nữa.
Tôi nhìn mặt đồng hồ : còn năm phút nữa thì đúng bốn giờ chiều. Còn rảnh
tới một tiếng rưỡi lận, không sao!
Tôi
leo lên chảng ba cây dừa sát mé sông ngồi đong đưa. Huy leo lên xuồng
bơi một mạch ra sông. Xa, trông dáng hắn bơi cũng mềm mại lắm, nhà hắn ở
trong vườn mà. Tiếng mái dầm khuấy nước hòa với điệu huýt sáo của Huy
thoảng đưa theo gió nghe quyến rũ lạ lùng. Một cơn gió gợn nhẹ, bóng
nắng và bóng lá rung rinh đùa nghịch trên áo, trên quần tôi như chơi trò
ú tim. Dưới chỗ tôi ngồi, mặt nước yên lặng đến độ có thể thấy rõ mặt.
Một chú kiến đen, có lẽ mải nhìn mây nước đến nỗi tuột tay rơi xuống
nước. Chú còn đang cựa quậy thì "tách", mặt nước gợn lên vài vòng tròn
nho nhỏ rồi trả lại sự yên lặng bình thường. Chú kiến đâu mất, thật mau,
thật êm! Có lẽ chú đã nằm gọn trong bao tử của chị lòng tong háu ăn nào
rồi. Một tai nạn chết người vừa xảy ra tại đây mà nào có ai hay biết gì
đâu. Thiên nhiên thật vô tình với vạn vật vậy!
Có
tiếng la của con bé Thắm từ trong vườn vọng ra lẫn tiếng cười của mấy
đứa khác. Chắc con bé lại bị mấy đứa kia nhát sâu rồi. Con bé kể cũng
lạ, dân vườn mà hễ thấy sâu gì, bất kể lớn nhỏ, thì mặt mày xanh lè, tay
chân co quắp, còn miệng thì la oai oái như đạp phải lửa.
Bỗng
dưng tôi nhớ lại ngày mới vào nhận lớp. Đứng giữa phòng học, tôi đảo
mắt quan sát : bốn chục gương mặt đang nhìn tôi chằm chằm như để dò xét
một cái gì. Tôi lùi lại vài bước, tám chục con mắt dao động theo. Tôi im
lặng, cả lớp im lặng. Tôi mỉm cười, dưới lớp có vài cái miệng cũng
nhích cười theo. Một con bé bật khóc. Tôi gạn hỏi, nó gầm miết đầu xuống
bàn, không chịu trả lời. Để phá tan bầu không khí nặng nề ấy, tôi bật
cười trấn an và mở lời gọi là "giao cảm". Từ phút đó, thầy trò tôi thật
sự quen nhau. Sau này tôi mới biết được, con bé Thắm khóc vì thấy tôi im
lặng nên sợ gặp phải một ông thầy khó tánh và đánh đòn nhiều. Thật,
không bao giờ tôi quên được giây phút kỷ niệm ấy, giây phút mà tâm hồn
tôi dao động nhiều nhất.
Và
trong suốt niên học, thầy trò tôi đã trải qua những lức vui có, buồn
có. Mà chắc chắn là vui nhiều hơn buồn, vì thầy trò tôi "hợp tính" lắm.
Nhất là giờ Hoạt động thanh niên ngoài trời thì không gì vui bằng. Tôi
tham dự trò chơi với chúng, có lúc tôi phải chịu phục sự khéo léo của
chúng, và ngược lại, chúng cũng phải bò lăn khi tôi nhái dáng con voi và
độc vũ khắp sân theo nhịp hát. Tuy nhiên, cũng có lúc đang ngồi chấm
bài là có tiếng cãi vã nheo nhéo ở dưới lớp. Đúng là con gái nhiều
chuyện ghê! Tôi gọi một "chú" lên, bắt xòe tay. Thanh thước vừa đưa lên,
mặt "chú" ta tái xanh lại, mắt nhắm nghiền, môi run run xám ngắt và
miệng méo xệch đi như sắp bị đưa lên đoạn đầu đài vậy. Tôi bắt phì cười
và hạ roi đuổi về. "Chú" ta bỗng tươi ngay nét mặt và cảm ơn lia lịa
trước khi về chỗ. Tự nhiên tôi thấy mến học trò tôi vô cùng, chúng hiền
hòa như dòng nước Cái Cối vẫn im trôi, chất phác như những mái tóc "bum
bê" kẹp gọn ; lúc vui như chim hót, lúc sợ như... thằn lằn đứt đuôi!
Những lúc sắp tan học, tôi cho chúng hát. Những cái miệng xinh xắn cử
động nhịp nhàng theo lời ca trông mới dễ thương làm sao! Đó là những món
quà trong mát, làm tan hết mọi mệt nhọc sau bốn giờ làm việc, mà chúng
đã dành trọn cho tôi. Tự nhiên tôi thấy hòa mình với chúng, và, tuyệt
đối không sử dụng roi với chúng nữa. Chỉ có sự chăm sóc nhiệt tình và
lời khuyên ngọt ngào của ông thầy mới đủ hiệu lực cho chúng nghe mà
thôi. Tôi đã mất đi thiên đường thơ ấu và chính lũ trẻ đã làm sống lại
trong tôi giây phút ngà ngọc ấy. Bất giác tôi thấy mình bé lại, bé
lại...
- Mấy em cứ lại lôi ổng dậy đi! Chắc gió mát quá rồi ngủ quên chớ gì. Coi chừng tưởng ngủ ở nhà, lăn bậy lọt sông đa.
Lũ học trò khúc khích cười trong khi tôi nhổm dậy ngáp dài thườn thượt.
Đoàn
chúng tôi bắt đầu ra "khơi". Mấy đứa trẻ cất tiếng ca theo nhịp bơi :
"Chiều nay em đi câu cá, và đem giỏ theo bắt cua...", tôi và Huy cũng vỗ
tay theo. Tiếng ca ồm ồm hòa với tiếng ca trong trẻo thành một âm điệu
vui vui tai. Nhỏ Bảy liến thoắng:
- Nước lớn thấy muốn tắm quá. Mà hai thầy biết lội không?
Tôi khoát tay lia lịa:
- Biết chớ, mà biết chập chũm thôi. Chớ thầy lặn hay lắm, lặn ba ngày thì nổi lên liền hà!
Nhỏ Đào, từ nãy giờ ngồi trước mũi, cất giọng đe dọa:
- Vậy tụi mình nhận chìm xuồng chơi. Nè, một, hai...
Huy hoảng hồn la lên bài hải:
- Ê! Nhận chìm xuồng chết sao mấy nhỏ... À, thầy không sợ chết đâu, chỉ sợ... ướt hết quần áo, giấy tờ mà thôi.
Chiếc
xuồng tấp từ từ vào đám chà, chúng tôi neo ghe rồi bắt đầu thả câu. Vừa
thả mồi chưa được mọt phút thì sợi nhợ đã căng và rung mạnh. Tôi hồi
hộp giật nhanh. Ồ! Một chú cá lòng tong cỡ ngón tay cái đang dãy dụa làm
rung rinh cần câu. Thân chú bóng nhẫy, óng ánh dưới nắng chiều, thật
khêu gợi. Tôi đưa tay chộp lấy, chú cá càng cựa quậy dữ dội như cố lần
cuối cùng với hy vọng thoát xuống vùng nước trong mát mà chú vừa đánh
mất. Nhưng chú đã tuyệt vọng! Làm sao tôi có thể để sẩy chiến lợi phẩm
đầu tiên của mình được!
Thế
rồi, chúng tôi, mạnh ai nấy thả, nấy giật lấy. Chúng tôi quên cả thời
giờ. Dòng nước mát và sự say mê làm tôi quên hết tất cả. Chợt tiếng Huy
reo to ở mũi xuồng:
- Con cá gì là cái con cá gì? Nó to ghê hè! Hí... hí...
Tôi quay lại, một chú cá cỡ bàn tay đang vùng vẫy làm oằn cả cần câu của hắn. Nhỏ Đào vừa gỡ cá dùm Huy vừa nói:
- Thầy câu được con cá he "bành ky". Cá he ngon lắm.
Huy há hốc mồm:
- Cá he "bành ky" là cá gì? Sao hồi nhỏ tới lớn thầy không nghe nói tới cà.
Nhỏ Thắm chen vào giải thích:
- Ở đây người ta kêu cái gì bự là "bành ky" hà. Cá he "bành ky" là cá he bự thiệt bự đó, thầy ạ.
À,
thì ra vậy. Ở đây có nhiều tiếng lạ ghê : Nào "nhóc" là nhiều, "bành
ky" là bự, "ba lơn" là ba khùng. Và đặc biệt là dân chúng ở đây nói chữ
"r" hay "tr" nghe không được. Mới lần đầu nghe học trò nói chuyện, tôi
và Huy cứ cười mãi.
- Ở đây, ngoài cá he, lòng tong, các em còn câu được cá gì khác nữa không?
- Có chớ – nhỏ Bảy nhanh nhẹn trả lời – Có cá "gô" biển, bự mà mập hơn cá mè nữa, thầy ơi!
Tôi bật cười thành tiếng:
- Bộ có con cá gô bắt bỏ dô gổ nó quyậy nghe gồ gồ, nghe gọt gẹt nó gớt nghe cái bịch nữa hả?
Bọn nhỏ biết tôi ngạo, che miệng cười bẽn lẽn.
Ánh
chiều dịu xuống, tôi xem đồng hồ tay : năm giờ ba mươi phút chiều.
Chúng tôi lui xuồng, nhịp bơi chậm rãi như còn tiếc rẻ cuộc đi câu thích
thú.
Xuồng cập bến, chúng tôi từ giã lũ học trò rồi thả bộ đi về. Nhỏ Giàu chạy theo sau, tay cầm bọc nylon đầy cá, thở hổn hển:
- Thưa thầy, cá hai thầy câu nè. Hai thầy đem "dìa" kho khô ăn ngon lắm.
Tôi cảm động trước cử chỉ thật thà của con bé:
- Thôi, để các em ăn. Vả lại, hai thầy đâu biết kho cá. Em đem về đi.
Chúng
tôi đi trước, lũ trẻ lục tục kéo theo sau cho tới gần chợ mới trở về.
Tôi và Huy quay lại, đưa tay vẫy chào. Tiếng nhỏ Thắm còn vọng theo:
- Hai thầy về mạnh giỏi. Chúc hai thầy ngủ ngon...
Tôi
và Huy mỉm cười sung sướng. Đường trở về thật mát. Huy ngắt một đọt
xoài non đưa lên miệng, còn tôi đang mải mê vấn một cái kèn bằng lá dừa.
Gót chân chúng tôi vẫn đều đặn nên êm trên đường đất. Tôi thổi kèn te
te, Huy thì huýt sáo bản "Chiều" cổ hủ của hắn. Có tiếng cười khúc
khích, chúng tôi quay lại đột ngột làm hai cô gái giặt đồ ban trưa nín
bặt. Tôi chu miệng, phùng má, lấy hơi trợn mắt thổi nghe một cái
"te...é...e" thật lớn trong khi Huy ôm bụng cười vang.
Buổi
chiều ở thôn quê thật nhẹ, thật êm đềm ; không một tiếng động cơ làm
nhức óc như ở thị thành. Thoảng vài tiếng sóng con nước đầy vỗ nhẹ vào
bờ nghe tanh tách như thầm thì kể chuyện với nhau về cuộc đi câu của
chúng tôi. Phương Tây, ráng chiều đỏ ối, vài tia nắng yếu ớt hắt vào mặt
chúng tôi như còn vương vấn một ngày vui nhưng chóng tàn. Qua ánh nắng,
hình như tôi thấy rõ từng khuôn mặt của lũ học trò đang im lặng ngồi
nghe tôi giảng bài trong lớp học. Có lẽ không bao giờ tôi quên được
những đứa học trò đầu tiên trong đời làm nghề "gõ đầu trẻ" nầy, dẫu về
sau tôi có xa vùng đất An Hữu hẻo lánh nầy để đến một nơi nào khác. Còn
các em thì sao? Hỡi những "chú" gái dễ thương của thầy!...
PHAN VĂN KHA
(Giáo Đức – Định Tường)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 64, ra ngày 12-11-1972)