Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

CHƯƠNG V_ĐÔI VÒNG HUYẾT DỤ


CHƯƠNG V

GIƯƠNG BẪY


Phong không mong tìm ra đầu mối tung tích bọn gian khi vào quán ngồi ăn bữa trưa như Minh. Chàng biết ở đời những sự trùng hợp rất hiếm khi xảy ra. Phong lân la hỏi người chủ quán hủ tiếu bằng tiếng Tàu về lũ khách say lạ lùng buổi sáng Minh điện thoại cho chàng. Phong học tiếng Tàu đã ba năm nay, chàng rất thông minh và miệng lưỡi liến thoắng nên từ lâu chàng rành tiếng Quảng Đông như tiếng Việt :

- Tôi thấy sáng nay ở quán có món sộp cho ông chủ lắm mà. Phải không ?

Người Việt gốc Hoa bao giờ họ cũng thích những người biết tiếng Tàu. Nước Việt Nam chỉ là quê hương thứ hai của họ mà thôi. Người chủ quán cũng theo thông lệ ấy.

- Sộp thật nhưng nhiều rắc rối lắm. Anh có biết Cảnh sát hỏi thăm quán tôi không ?

Tử tế lắm ông ta mới trao đổi được bấy nhiêu lời. Phong thấy coi bộ ông ta lảng đi, vội vàng gợi chuyện :

- Cảnh sát đến làm gì ?

Phong lúc sáng nay chỉ đứng ở vòng ngoài, không ai chú ý thấy rõ mặt chàng dù chàng chở Minh về nhà vì chàng muốn như thế. Ông chủ quán cũng tưởng chàng là khách lạ qua đường rỗi thì giờ ngồi nói chuyện chơi mới bảo :

- Năm thằng cũng người Tàu đến đây nhậu. Có một thằng nhỏ người Việt Nam ngồi ăn mì rồi ra khỏi quán gọi điện thoại đi đâu không biết. Một tên Tàu khác đến nói vài câu với tụi năm thằng ban nãy rồi ra xe xích lô đạp định tông và gây sự với thằng nhỏ...

- Thế mấy đứa người Tàu ấy có thường đến đây nhậu không ?

Ông chủ lắc đầu :

- Không bao giờ. Chúng hoàn toàn lạ mặt. Sáng nay tôi vừa mở cửa quán được một chút là tụi chúng vào. Tôi thấy chúng chẳng phải dân lao động quanh đây.

Phong chẳng lạ gì những lời ông chủ nói. Vì ngay trước khi chở Minh ra xe hơi chàng đã được ông Cò cho biết sơ qua lời khai của người nhân chứng là chủ quán hủ tiếu. Bọn gian nọ đối với ông rất lạ. Chàng nghe có lý và tin người chủ quán nói sự thật với Cảnh sát nên mới bố trí vụ làm chiếc vòng giả với bà Long. Bây giờ chàng đến kiểm chứng lại, thế thôi. Phong hơi thất vọng vì chàng chẳng moi móc được gì thêm ở ông chủ quán.

Phong dọn đường rút lui :

- Cảnh Sát hỏi thăm quán, ông chủ sợ gì ? Sợ bị "hỏi thăm" tới sổ sách lắm hả ?

Ông ta nhăn mặt cười trừ. Rồi nói :

- Thì tôi là người buôn bán mà. Chắc anh có quen người Tàu lâu năm rồi phải không ? Giọng nói giống lắm.

Phong bịa ra :

- Ba tôi người Việt. Má tôi là Tàu. Đến đời tôi thì vợ tôi... là Tàu. Nhưng tôi ở nhà bắt nói tiếng Việt là ngôn ngữ quê hương ba tôi.

Ông ta biểu đồng tình :

- Đàn ông phải có oai quyền trong gia đình chớ. Nhưng tôi thích... tiếng Tàu hơn.

Phong cốt ý la cà cho đến 2 giờ trưa là giờ bắt đầu công tư sở làm việc. Bây giờ nhìn đồng hồ 2 giờ kém 15 chàng cáo biệt :

- Chào ông chủ. Chúc ông buôn may bán đắt. Lúc nào rảnh tôi ghé thăm.

- Anh cứ lại ăn. Tôi tính giá rẻ đặc biệt.

Phong đến tòa báo đầu tiên lúc 2 giờ. Người giữ mục quảng cáo chưa đến. Chàng phải ngồi chờ. Cô mặc áo dài nâu nhạt có lẽ bận trang điểm nhiều nên 2 giờ 15 mới đủng đỉnh đến ngồi vào bàn. Phong bắt đầu câu chuyện :

- Tôi muốn đăng quảng cáo lớn… ngay số báo chiều nay.

Cô ta trợn mắt :

- Ngay chiều nay ? Làm sao kịp ? Tôi không nhận được quảng cáo này.

Phong "ga-lăng" :

- Cô nói chuyện hay lắm. Tôi nghe giọng cô như chim hót. Tôi có một chị bạn cũng người Huế như cô. Chị ấy cũng dễ thương như cô vậy.

Chàng ngừng lại một chút đợi phản ứng cô gái. Quả nhiên cô ta mất hết… vẻ cáu kỉnh, và cúi đầu dịu dàng, cho tương xứng với lời chàng khen. Phong năn nỉ :

- Ông chủ tôi bảo tôi đi đăng quảng cáo cho cuộc triển lãm đồ cổ của ông vào sáng mai. Tôi quên khuấy đi mất. Mãi bây giờ mới nhớ ra. Mong cô giúp tôi nêu không tôi sẽ... mất việc. Tôi biết báo bây giờ gần lên khuôn nếu làm gấp vẫn còn kịp. Mãi tối bảy giờ mới phát hành cơ mà. Cô giúp tôi nhé ?

Cô gái hơi ngần ngại :

- Không phải tôi tiếc gì nhưng ông Quản Lý khó lắm...

Phong ngắt lời cô một cách dịu dàng :

- Cô nhận là có họ hàng bà con của cô đến nhờ đăng chắc ông Quản Lý sẽ nể cô làm việc ở đây mà nhận lời chứ ?

- Tôi chỉ sợ không giúp ông được như ý muốn.

- Tôi biết cô sẽ giúp được. Đàn bà con gái khéo nói thường làm người ta xiêu lòng hơn, phải không cô ?

- Tôi sẽ cố gắng hết sức. Chắc ông sẽ không thất vọng.

Phong trả tiền, chào cô và ra đi. Cũng tương tự ở những tòa báo và cơ sở quảng cáo khác, Phong không đến nỗi nào phải vào gặp nói chuyện thẳng với những viên Quản Lý khó khăn và mất cảm tình kia. Những cô gái trẻ tiếp khách hàng thân chủ đều sốt sắng giúp chàng hết lòng.

Phong còn có một dụng ý khác. Đó là chàng không thích cho có quá nhiều người có "địa vị lớn" trong giới thương mãi biết việc triển lãm quá gấp gáp của ông Lý Thường Phát. Chàng nghi ngờ Chu Quốc là quản lý hãng chuyên chở đường biển Mạnh Tư ắt phải quen biết nhiều với những viên Quản lý ở những xí nghiệp cung cấp dịch vụ khác. Những cô thư ký tiếp khách có biết chắc cũng không hại mấy.

Phong được rảnh rang (tạm thời thôi) và nhìn đồng hồ : 5 giờ đúng. Chàng ghé qua về nhà bà Long. Bà vẫn còn ở hãng. Phong phóng xe lại hãng. Bà Long khoe ngay khi vừa thấy Phong :

- Tôi chọn mãi mới được chiếc vòng nhựa trắng có cùng một kích thước với vòng cẩm thạch. Tôi nhuộm màu đỏ và cho máy mài lại. Khó nhất là phải làm cho nổi mấy đường gân màu đỏ cam. Nhờ cô Duyên chỉ dẫn tận tình chi tiết nên giờ đây tôi đoán anh trông thấy cũng phải nhầm giữa vòng thật và vòng giả. Này anh xem.

Phong ngắm nghía đôi vòng lóng lánh. Đẹp thật. Giống hệt cẩm thạch… bạc triệu, không có chỗ chê. Tuy thế Phong cũng hỏi Duyên :

- Duyên thấy thế nào ?

- Như khuôn đúc, chú ạ. Nhưng còn chữ "Chu" và "Vương" cháu không nhớ chữ Tàu nên máy khắc chưa được.

Phong gật đầu :

- Dễ quá. Để chú viết cho.

Chàng viết hai chữ Chu và Vương theo đủ các lối cho Duyên nhận mặt. Bà Long gật gù :

- Tôi không ngờ anh giỏi tiếng Tàu quá xá. Anh học hồi nào vậy ?

- Hơn ba năm rồi chị ạ.

- Tôi biết chữ Tàu nhưng chỉ những mẫu thông thường ở đồ nữ trang thôi, thí dụ "Phúc, Lộc, Thọ" hay "Cung, hỉ"… v.v... "Chu" và "Vương" là chữ riêng chỉ một dòng họ, tôi chịu.

Rất nhanh, máy khắc chữ tối tân đã làm xong nhiệm vụ. Bây giờ thì bà chủ hãng bảo :

- Các đồng nghiệp của tôi bây giờ nhìn ngoài cũng không thể biết nổi là vòng giả. Trừ phi họ... cầm lên tay thấy nhẹ.

Phong gật đầu :

- Như thế là chu tất chị ạ. Vì tôi có cho ai sờ mó đến đâu: Tôi sẽ trưng nó... trong tủ kính kín mít.

Bà Long góp ý :

- Vậy anh nên để lót một nền nỉ màu... đỏ nhạt bên dưới và dùng bóng đèn nhỏ chiếu ánh sáng xuyên qua lớp nỉ để óng ánh đẹp hơn.

Phong bảo Duyên :

- Duyên ra xe trước đợi chú.

Rồi chàng hỏi bà Long khi Duyên đã đi khuất :

- Chị tính hết bao nhiêu để tôi hoàn lại. Bạn là bạn và... công việc là công việc. Thật trước đây tôi không thể tưởng tượng được chị có thể làm đôi vòng giả y hệt vòng thật.

- Thôi để tặng anh.

Dù Phong nài ép bà Long vẫn từ chối. Chàng đành bảo :

- Chủ nhật tới tôi muốn mời anh chị dùng một bữa cơm Tàu với tôi ở Chợ Lớn. Không biết anh chị nghĩ thế nào ?

- Rất hân hạnh. Nhưng... đó là anh trả tiền công tôi làm vòng... giả đấy phải không ?

Phong quả quyết :

- Chị nghĩ như thế oan cho tôi lắm.

Nhưng chàng lại cười và tiếp theo ngay :

- Nhưng tôi cũng không dám trái ý chị. Đàn bà muốn là trời muốn mà.

Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi vào cửa phòng làm việc của bà Long. Ông ta đứng tuổi nhưng rất khỏe mạnh và đẹp trai. Phong đoán biết đon đả :

- Thưa anh, chị đã nói với tôi rất nhiều về anh. Tôi là Phong bạn của chị hồi còn đi học.

- Anh vui tánh quá. Lại tôi chơi tối nay nhé. Tôi cũng muốn được quen biết thân với những bạn của vợ tôi.

- Tôi bận lắm anh ạ. Cảm ơn anh. Tôi hy vọng mình sẽ gặp nhau sáng mai tại phòng triển lãm của nhà sưu tập đồ cổ Lý Tường Phát. Tôi đã mời và chị đang chờ anh về hỏi ý kiến anh trước khi nhận lời.

Thực sự thì như chúng ta biết, Phong ban nãy quên khuấy chưa mời bà Long đi coi triển lãm. Nhưng được cái chàng mau mồm miệng và bà Long cũng rất hiểu tính nết người bạn cũ nên họ hội ý rất mau. Bà nói với chồng :

- Phải đấy anh ạ. Anh nghĩ thế nào ?

- Anh rất sẵn sàng.

Phong bắt tay ông Long ra xe. Ông đứng ở cửa vẫy theo cùng với vợ từ giã chàng. Bỗng xe Phong rú lên rồi tắt máy. Chàng mở cửa xe hối hả nói :

- Xe tôi hết nước rồi. Xin lỗi chị cho tôi ít nước đổ vào xe nhé.

Ông Long để vợ đi chỉ chỗ cho Phong. Ông vẫn... là người đàn ông Đông Phương, không thích việc nhỏ mọn. Phong chỉ chờ có thế, chàng bảo nhỏ với bà Long :

- Xin chị tuyệt đối giữ kín việc làm giùm đôi vòng với mọi người và cả... anh nhà nữa nhé. Chừng tuần lễ nữa thì có thể nói ra ngoài được không hại gì. Xe tôi chỉ... thiếu nước tí xíu thôi, chị đừng lo lắm.

Bà Long mới vỡ lẽ là anh chàng thám tử vờ vẫn để dặn bà lời quan trọng.

Phong nhẹ nhõm cả người khi ngồi trên xe hơi máy lạnh. Chàng đã đồng thời trả được... công khó của người bạn gái giúp mình bằng một buổi đi chơi hào hứng sáng mai ở phòng triển lãm, đồng thời tìm cho ông Lý Tường Phát thêm hai người khách sang trọng thượng lưu… dù người khách ấy không mua một món trưng bày nào cả.

Phong ghé lại nhà Minh thăm thằng bé. Cha mẹ Minh cho biết là thằng nhỏ đã đỡ nhiều. Nó chỉ còn hơi choáng váng lúc ngồi dậy và nhảy nhót mà thôi. Minh cũng quá xá lắm, nhiều phen muốn thử sức nên chạy chơi như thường và hơi… mệt. Phong hỏi thăm Minh vài câu. Rồi chàng điện thoại cho bác sĩ :

- Tôi là Phong ở nhà thằng bé Minh mới lỗ đầu lúc sáng đây. Xin bác sĩ cho biết Minh đã có thể làm việc rất nhẹ được chưa ?

- Chẳng hạn như…

- Như là nhận mặt một số người nào đó dính líu vào một vụ phạm pháp. Vì nhu cầu điều tra mong bác sĩ giúp cho tôi.

- Minh làm việc cũng chẳng hại gì. Nhưng tôi giúp ông bằng cách nào ?

Phong suy nghĩ vài giây đồng hồ :

- Tôi muốn đem Minh đến một chỗ khác… nghĩa là khỏi nhà nó vào sáng mai.

- Khó quá.

- Ở đó có một số bức vẽ trẻ con... ồ… đang nô đùa chạy nhảy… đó là một điểm đặc biệt. Bác sĩ có thể viện lý do thằng Minh hiếu động nay phải nằm một chỗ, đầu óc tù túng khó chịu sẽ lâu lành để khuyên cha mẹ Minh đem con đến đó chơi một buổi để tâm thần thoải mái, giải thoát tất cả những dồn nén.

Giọng viên bác sĩ có vẻ ngạc nhiên. Nếu ông ta là bạn của Phong chắc chàng nói chuyện dễ dàng hơn nhiều. Đàng này, sáng nay vì quá cấp bách, Phong mời đại một viên bác sĩ lạ trên đường xe chàng đi.

Phong thầm nghĩ : "Ông ta nệ cổ lắm. Ông ấy già rồi mà. Không chịu theo đúng... tiến bộ y học  dĩ nhiên là tiến bộ y học theo kiểu của Phong  Thật uổng công mình nói dối với cha mẹ Minh ông ấy là bạn thân của mình."

Phong năn nỉ mãi, viên bác sĩ mới miễn cưỡng :

- Được rồi, tôi giúp ông. Ông đưa dây nói lại cho cha hay mẹ Minh gì cũng được.

Được viên bác sĩ nói chuyện, ông bà nhà giàu này mừng lắm. Đến khi ông bác sĩ khuyên nên tìm một nơi nhiều tranh ảnh trẻ con nô đùa chạy nhảy để Minh mau lành bệnh, đầu óc thơ thới thì ông cha của Minh suy nghĩ đến nỗi đầu dây đằng kia cúp mất lúc nào không biết.

Phong vờ vĩnh hỏi thăm :

- Bác sĩ nói gì thế ông?

- Tôi khó nghĩ quá.

Rồi ông nói chuyện ra. Phong yên tâm  ban nãy chàng nói chuyện với Bác sĩ rất thấp giọng, chắc chắn trong nhà không ai nghe rõ  và sốt sắng :

- Để sáng mai tôi sẽ đưa em Minh đi chơi giúp ông bà. Chỗ này tốt lắm. Theo sự hiểu biết của tôi em Minh rất mạnh khoẻ.

Phong quan sát rất mau lẹ và rất sâu sắc. Lúc sáng ngồi chờ ông Lý Tường Phát cả nửa giờ đồng hồ, thời gian ấy đối với nhà thám tử quá đủ để chàng nhớ hết mọi vật trang hoàng trong cửa hàng và trong phòng riêng của ông ta. Các bức hí họa cổ về trẻ con chạy nhẩy đối với chàng bây giờ… thật vô cùng quí giá.

Chàng mang được Minh đi nhận mặt đám khách đến xem  chàng đoán chắc thế nào tụi gian phi cũng mò đến để tìm hiểu vòng nào thật vòng nào giả  mà cha mẹ Minh vẫn không ngờ con mình đang hành nghề thám tử. Minh đã cho Phong biết cha mẹ nó vẫn nghĩ là con mình bị du đãng gây sự, đập lỗ đầu và thấy Minh vẫn còn đau nên cũng không hỏi tội con trai vội.

Phong đắc ý :

- Ta đoán không sai. Quả không uổng công ta đưa Minh về nhà. Để việc này cho nhân viên Cảnh sát thì sự việc thêm rắc rối. Ông bà tất sinh nghi, có thể cản trở công việc điều tra gần thành công.

Phong hẹn bảy rưỡi sáng mai sẽ lại rước Minh đi cùng với cha. Ông nhà giàu luôn luôn cẩn thận lo lắng cho đứa con. Ông tiễn chàng ra về.

Phong ghé qua nhà Quân bảo thằng bé sáng mai đến phòng triển lãm. Minh đau không hành động được thì Quân sẽ thế. Chưa chắc Chu Quốc đích thân đến xem trưng bày đồ cổ để có thể nhận ra là Quân chính là đứa trẻ gây sự với hắn hôm nọ mà sinh nghi, đề phòng. Đồng bọn năm sáu tên người Việt gốc Hoa của hắn chỉ rành mặt thằng Minh thôi. Đáng tiếc cho chúng là Minh lại… giấu mặt rất kỹ trong bóng tối.

Phong gọi điện thoại lại nhà ông Lý Tường Phát. Tiếng ông oang oang :

- Cảm ơn anh Phong về chuyện đăng quảng cáo trên các báo và vẽ biển, băng vải kịp chiều nay. Nhưng... tôi không hiểu sao anh lại để thêm là đặc biệt có đôi vòng ngọc "Chu" và "Vương" của ông già bạn tôi trong số đồ cổ triển lãm ? Anh nói thế tôi lấy đâu ra bây giờ ?

Phong cười :

- Ông khỏi lo. Tôi sẽ mang đến sáng mai, trước 8 giờ. Ông sửa soạn giùm tôi hai chiếc hộp thật đẹp, để vừa đôi vòng ngọc đeo tay đàn bà, kích thước thông thường ấy mà. Nếu được nên lót nhung hay nỉ đỏ nhạt và rọi đèn cho có ánh đỏ lộng lẫy thêm thì tốt nhất...

- Tôi hiểu...

- Ông cứ bảo là của ông bạn già cho mượn trưng bày với những khách đến xem. Tôi mong ông sẽ hài lòng vì sáng mai có rất nhiều nhân vật quan trọng tai mắt trong và ngoài nước đến dự.

- Có những ai xin anh cho biết để tôi liệu bề đón tiếp ?

- Có cả hàng Đại sứ, Tổng trưởng... đủ cả... Tôi muốn nhờ ông một chút nữa nhé.

- Xin anh cho biết.

- Ông dời dùm tôi những bức tranh họa trẻ con chơi đùa chạy nhảy hồn nhiên vào phòng trong nhìn ra gian hàng. Có phải ông dùng gian hàng làm phòng triển lãm không ?

- Phải nhưng anh bảo tôi làm thế…

- Mục đích gì phải không ? Dài lắm sẽ giải thích với ông sau nhé. Tôi... chưa ăn tối đói bụng lắm rồi... chào ông... xin phép ông...

Phong ngắt điện thoại gọi sang đường dây nhà Sang. Chàng nghe tiếng ông già :

- Phong đấy phải không ?

- Vâng, mọi sự ổn thỏa lắm. Tôi cho quảng cáo cuộc triển lãm đồ cổ sáng mai của ông Lý Tường Phát trong đó có cả đôi vòng ngọc thạch. Việc đôi vòng hôm nay chắc Duyên đã nói chuyện với anh rồi...

- Có nói rồi...

- Tôi quảng cáo gợi sự chú ý vừa phải của người đọc về đôi vòng vì ồn ào quá sẽ dễ cho bọn gian sinh nghi. Nhưng thế nào cũng đến tai bọn chúng.

- Tại sao ?

- Tôi đánh tiếng gián tiếp qua trung gian một người bạn gái tín cẩn... mới quen đến viên quản lý hãng chuyên chở đường biển Mạnh Tư...

- Thế à ?

- Phải. Thôi chào anh. Sáng mai nhớ đi dự nhé.

Bây giờ thì khá khuya khoắt rồi. 11 giờ. Phong ngại ra đường kiếm tiệm ăn tối. Chàng lục lấy đồ nguội ăn đỡ. Chàng tự nhủ : "Kế của ta là hư hư thực thực khó lường. Bọn gian gian chắc chẳng khi nào lại dám tưởng tượng là ta dùng lại một kế dẫn dụ chúng mà... chính chúng đã rõ trong cuốn băng nhựa ghi âm. Vòng ngọc giả, vòng giả rồi lại thành vòng thật. Chúng sẽ còn phải điên đầu nấn ná ở lại đây vài hôm nữa chứ chưa dông đi mất ngay. Và chỉ vài hôm thôi, ta sẽ xoay chuyển lại tình thế. Tuy rằng có đôi phần mạo hiểm trong kế hoạch nhưng ta phải chấp nhận may rủi. Chắc chắn ta sẽ thành công. Ha ha... ha ha ha..."

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI