Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

ẾCH VỀ QUÊ - Phan Khương Thái


- Từ giã bác Cua, cháu về quê.

- Ủa, cháu đi đâu?

- Vế quê, bác ở lại mạnh giỏi.

Rồi Ếch Bông lẩm bẩm:

- Cái bác Cua nghễnh ngãng tệ. Để xem còn phải chào những ai, gia đình Ốc này, tụi Cóc, Nhái, Nhện Nước, Dế…

- Ê, chờ tớ đi với.

- À, thằng Ốc Ma, thôi đi, mày chậm chạp quá làm sao theo tao.

- Ậy, đừng khi, có giỏi thì chạy xem nào.

- Được, chuẩn bị chưa? 1, 2, 3…

- Ê, ăn gian…

Ếch Bông cười ngất, nhảy vọt thật là xa. Trước mặt nó vùng trời nước mênh mông hấp dẫn. Ếch Bông cảm giác hơi nước xâm nhập đâu đây. Chả là trời sắp vào mùa mưa. Giá mà chưa đứt đuôi khi mùa mưa đến, chẳng biết Ếch Bông sẽ trôi phiêu lưu mãi tận đâu. Rồi Ếch Bông lạc lối bởi đồng ruộng xanh ngút mắt tiếp liên. Nó không nhớ ao chuôm nguyên thủy, nơi nó nở ra từ một bọc trứng, nằm về hướng nào cả. Bầu trời đêm dần lấp lánh đặc những sao. Nhưng Ếch Bông không biết xem các chòm sao để định hướng. Nó nhảy lung tung như bị săn bắt. Có lúc nó va vào những rễ cây bần mọc trơ trụi ngoài bờ ruộng. Ếch Bông ngồi nghỉ mệt. Nó nhớ chốn xưa lắm, mà chắc nó cũng không quay lại được. Một là vì quên lối, hai vì tự ái. Bọn Ốc sẽ cười vào mũi nó và cho rằng nó khoác lác. Rồi Ếch Bông quyết định dứt khoát đường ta ta cứ thẳng tiến, tới đâu thì tới. Khi Ếch Bông mệt mỏi vừa hết sức, nó gặp một cái ao nhung nhúc những sen cùng súng.Ôi chao, lóp ngóp một bọn. Tò mò, Ếch Bông hỏi thăm một oắt Thòi lòi:

- Hòa nhạc hở anh bạn? Tớ khoái vụ này lắm đó.

Thòi lòi kênh cặp mắt lồi, nguýt dài Ếch Bông:

- Vui dữ a, họ cầu mưa đó. Hổng thấy lão thày Cóc sao?

- Lão thày pháp? Mà lão giỏi thiệt, dám nín hơi đứng giữa một lá sen yếu ớt.

- Hay ho gì, ai cũng biết lội, có té cũng chẳng chết chóc. Nhìn kỹ xem, ao cạn sệt, lá dày bịt, khó mà té.

Thày Cóc láo liên cặp mắt như thôi miên bọn Rô Mề, Rô Cộ, Cửng, Nòng Nọc, Nhái, Ếch, Bà Chằng…, nửa như lấy le với tài cẩu đảo. Mãi mà không thấy kéo mây đen, có lẽ tối trời quá không ai phân biệt được. Thày Cóc gào đã khản hơi, nghiến đã mỏi răng. Thày ngoắc một gã Rắn bông súng ra giúp vui. Gã uốn éo thân hình dẻo dai múa may, còn quay cuồng hơn là thày Cóc. Khán giả thích chí cười lăn chiêng. Trông gã chẳng khác gì mấy cọng súng ẻo lả vì gió lớn. Tụi Cóc, Nhái… tàng hoạc cái họng, bàn tán, cười đùa oang oang cả ao. Vừa mới xuất hiện một nhà ảo thuật đại tài: thày Rùa. Thày Rùa có màn chặt đầu không đứt. Một chân trước cầm một mẩu gỗ, thày chặt “phựt”. Cái đầu rụt lẹ vào mai. Rõ ràng cụt đầu. Bỗng thày Rúa ló đầu ra, nheo mắt. Khán giả “hoan hô” vang dội. Lại thêm ba anh Còng gió biển biểu diễn màn đi ngay. Khổ thay mấy ngoe cà khêu nó cứ bắt ba anh Còng sà ngang, sà ngang… buồn cười đến vỡ bụng. Và sau rốt thày Cóc xin diễn ngâm một bài thơ tự tả mình. Thày Cóc đằng hắng lấy giọng. Giọng ngâm bất hủ của thày cũng tạm gọi là khá:

- Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra… a, rồi…
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó… rồi
Con cóc nhảy đi

Ếch Bông tức mình, vẹt đám đông, tràn lên sân khấu. Thày Cóc bỗng cụt hứng, khán giả cứ vỗ tay khen bừa. Thày trợn mắt, nhiếc Ếch Bông:

- Đồ trôi sông, phá đám hả?

- Xin lỗi thày, tôi cũng xin giúp vui bằng một bài hát.

- Không, bây đâu! Đuổi cổ nó xuống ao sen.

- Ý, đừng giỡn mấy cha, ganh tài hả?

Đám đông nhao nhao phản đối, “để nó hát, hay thì tha, dở thì lôi đầu nó đập (?)”.

- Xin đa tạ, tôi sẽ trình bày nhạc phẩm “Cóc che dù”.

- Sao lại Cóc, rõ ràng mày diễu ông.

Thày Cóc áp lại định túm Ếch Bông, thời may bọn Rùa, Rắn can và giữ được.

Ếch Bông quay lại dàn nhạc dặn dò:

- “Tông” Đô bê thui.

- Xạo đi, tông gì kỳ vậy.

- À “Đô” gì cũng được.

Mấy gã chuột đồng hấp háy mắt sửa soạn nhạc cụ:

- Te tí tò, đồ, rê, mi, fa…

- Con cóc í i che dù
Cơn lốc í i thổi đi
Cóc ngồi cóc khóc
Ít hị ì hi…

Thày Cóc chẳng nhịn nữa, gầm lên:

- Quân láo xược, mày chết với ông.

Ếch Bông đứng quá gần, chẳng né vào đâu, dù lẹ cách mấy vẫn bị xô té chìm lỉm. Thày Cóc quả nhiên mạnh sức. Ếch Bông lóp ngóp bò lên lá sen bên cạnh sừng sộ:

- Được rồi, thày ỷ lớn ăn hiếp nhỏ, thua phen này lần khác thày biết tay tôi.

Thày Cóc nổi máu du côn lườm Ếch Bông gần rớt cặp mắt, giận quá thày Cóc không nói nên lời. Ban nhạc chuột đồng tò, tí, te, te, tí, tò để át không khí loãng. Đám khán giả luôn gào đòi gã Ếch Bông phải tiếp tục chương trình. Rốt cuộc ban tổ chức đành bỏ xó thày Cóc. Đám cầu mưa biến thành trình diễn văn nghệ dã chiến. Ếch Bông hát ngay bài “Ếch ì ộp”. Ếch Bông hát xong bài “Cà ry Ếch” thì nhường sân khấu lá sen cho một đám cô Nhái kéo ra hợp ca bài “Nhái ca”. Mấy cô rên mới đúng nghĩa. Bỗng bầu trời lắc rắc những giọt. Thày Cóc ngóc mỏ, xòe tay, ngẫm nghĩ: chả lẽ tháng tư trời đã mưa, miền Nam kia mà? Nhưng thày Cóc đâm giận ngang, không thèm báo tin vội cho đám đông ham vui. Một chàng Nhái nhào ra biểu diễn trò phình bụng, không để gián đoạn chương trình. Chàng trẻ tuổi khoe dư sức phình bụng to bằng bụng bác bò. Đám đông khuyến khích mãi: “Cố lên, bằng bụng một chú bê đói”. Thày Cóc, Rùa, và mấy kẻ có tuổi đâm hoảng với nguy hiểm có thề xảy ra. Cả Ếch Bông cũng xin can:

- Thôi, chớ, ấy, vỡ bụng mất, xì hơi mau.

- To hơn bụng bác bò rồi (?) đừng phình nữa.

- Ý, bắn nước gì từ bụng Nhái kia?

- Chạy mau, bà con ơi, bụng Nhái sắp vỡ.

- Không phải nước xịt, mưa!

- Mưa hả? Mưa bà con ơi!

- Hoan hô anh Nhái, hoan hô thày Cóc.

- Hoan hô cả thày Rùa, Ếch Bông, ban nhạc Chuột, mấy ca sĩ…

- Mưa, mưa đầu mùa. Mưa đến sớm.

Bọn Rô rủ nhau đi gọi tụi Lươn, Lóc, Trê rút kỹ ở mấy ngách bùn khoét sâu dưới ao ló lên. Chao ôi, mưa, nước, nước sẽ tràn ngập. Tất cả đều sung sướng nắm tay nhau, đuổi nhau, nhảy múa như choi choi. Những giọt nước rơi rào rào đập mạnh vào thân. Tất cả đều hát hò, hợp xướng. Một bản nhạc dị kỳ, kết hợp những giọng kim, thổ, trầm, tenor, trong trẻo như chuông ngân cũng có, the thé có, mà chua như giấm cũng có. Đủ cả giọng rè rè, giọng bị bể, giọng ồm ồm, tựa hồ họ mắng chửi lẫn nhau.

Chẳng mấy chốc mưa tạnh. Tất cả ướt loi ngoi, và rõ ràng ban nhạc ướt như chuột lột. Cóc, Nhái… lội bì bõm, phóng lên, phóng xuống “chũm, chũm”, không cần bảo nhau, tất cả hò hét, bơi lội. Tiếng gọi anh, em, cha, mẹ, con cái ơi ới vì lạc nhau. Sau cơn mưa trời lại sáng. Quả nhiên đâu đây có những ánh sáng. Chao ôi! Ánh sáng của vô số đèn dầu và đèn bão, đuốc nữa… Người ta đi soi Ếch! Khốn khổ thay cho Ếch Bông và họ hàng tương cận. Vô phúc cho kẻ nào rộng mồm và mạnh miệng. Người ta săn bắt tứ phía, thảy Ếch, Nhái vào giỏ mây, thùng thiếc. Ếch Bông tót vào một cửa hang sâu thăm thẳm, luồn qua miệng cống của bờ mẫu. Hang trơn láng và tanh tưởi. Thôi chết! Có lẽ nhà của mụ Rắn hổ đất. Có ánh lửa nhá nhem và tiếng xì xào bàn tán. Một cái cây dài luồn vào hang dò dẫm. Ếch Bông sợ rúm người, sợ cả mụ Rắn nghe động thức giấc. Nhưng tiếng bước chân lội bì bõm và xa dần. Ếch Bông dè dặt chui ra. Không một tiếng động. À, có! Lũ dế khóc tỉ ti. Nhà chúng bị sập cả. Mấy tên Nhái bén thoát nạn cháo, chả lặng lẽ tụ họp quanh Ếch Bông: Một lãnh tụ mới. Ếch Bông giương mắt nhìn quang cảnh tiêu điều, nơi mà anh chàng “xin nhận làm quê hương”. Trời dần soi thấy rõ mặt nhau. Ếch Bông ồm oàm bài học vỡ lòng:

- Đề phòng những cái hoa mướp biết khiêu vũ nhé. Những cái hoa mướp ẩn giấu lưỡi câu bén. Híc, người ta câu nhấp và giựt tét miệng bọn mình ra.

Đám đông ồn ào, le lưỡi tỏ vẻ kinh khiếp. Cô Chuồn Chuồn ở đâu lượn đến. Ếch Bông vụt táp. Cô Chuồn Chuồn đảo cánh thoát hiểm. Ếch Bông rơi trúng cái ngó sen trong tiếng cười vang vui vẻ:

- Và đây con mồi… nhanh nhẹn! Suỵt, thực tập bài học thứ hai. Mục tiêu: “bọn Ruồi Xanh”.

Nắng đã lên cao tỏa đầy sức ấm. Bọn sống sót cũng tản ra, thâm tâm còn nhớ mãi cái đêm tụ họp cầu mưa tai hại.


PHAN KHƯƠNG THÁI   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 132, ra ngày 15-11-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com