Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

ÔNG THIÊN LÔI - Song Thất


THẦN THOẠI Việt Nam tả ông Thiên Lôi tức Thần Sét như là một ông Thần khó thương nhất trong số Thần nhà Trời. Mặt mày hung ác, mỏ nhọn như chim, mình mẩy đen như củ súng, vận độc một cái khố, lưng mang trống, và tay cầm một lưỡi búa đá. Mỗi khi xử ai, ông khua tay đập trống (tiếng sấm ta nghe đó) rồi từ trên trời nhảy xuống trỏ ngọn cờ lệnh vào mặt tội nhân và bổ ngay búa vào đầu. Trên nguyên tắc Trời chỉ đâu ông mới đánh đó, tuy nhiên bởi bản tánh hung dữ, nóng nảy, nhiều lần ông đánh nhầm phải người vô tội chết oan. Trời bèn phạt ông nằm yên ở một góc rừng, không được cựa quậy. Con gà thần của Trời thấy thế lâu lâu lại mổ Thiên Lôi một cái đau điếng, mà Thiên Lôi cứ phải cắn răng nằm yên. Đến ngày Trời tha phạt thì Thiên Lôi quen tật sợ gà, hễ nghe tiếng gà kêu đâu là vội vã dang ra chỗ khác ngay.

Ở hạ giới, từ đó, mỗi khi thấy ánh chớp nhoáng là lập tức người ta mở miệng "bập... bập" gọi gà, tin rằng nếu Thiên Lôi đang tìm đến "hỏi thăm" mình sẽ vì sợ gà mà... quẹo sang lối khác làm ăn! Niềm tin dễ dãi trên hiện vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê.

TIN HAY KHÔNG, cái đó tùy bạn. Nếu thích bạn cứ tin cho đỡ buồn. Cứ kêu gà đi cho vững bụng mỗi khi nghe tiếng sấm chớp đì đùng. Nhưng Bác sĩ Karl Mc - Eaehron, một người rất có thẩm quyền về hiện tượng sấm sét, quả quyết rằng bạn cứ yên chí nhớn! Nếu bạn trông thấy chớp nháng ngay trước mặt, tức nó đã không chiếu cố bạn. Nếu bạn nghe đánh "đoàng" một tiếng khủng khiếp ngang tai, ấy là Thiên Lôi đã hoàn tất công tác ở đâu đó rồi. Nhưng khi đã được ông... chọn, thì hơi khác. Không nghe, không thấy, nhanh như chớp, trong một phần ngàn của một giây đồng hồ, "mục tiêu" đã biến thành tro bụi mà không kịp được hưởng một cảm giác sợ hãi hoặc đớn đau nào. Rùng rợn thiệt, nhưng ngẫm cho kỹ có gì... đáng sợ đâu, thưa bạn? Đang cười đang nói bỗng được lên thẳng miền cực lạc, không phải qua lò luyện tội nào cả, không sướng sao!?

SẤM, SÉT, theo Việt Nam Tự Điển của Hội KTTĐ thì Sét là Tiếng nổ do luồng điện ở trên mây gặp luồng điện ở dưới đất bốc lên mà phát ra sức mạnh. Đại khái nó là thế. Bầu khí quyển của chúng ta chứa vô khối điện tích tụ trong các đám mây, và hiện tượng âm dương gây ra sấm sét. Người ta tính trung bình mỗi ngày trên khắp trái đất, xảy ra khoảng 44.000 hiện tượng như vậy. Có một dạo các đài radar lớn trên địa cầu la hoảng đã nhận được các tín hiệu "khó hiểu" từ Kim Tinh chắc là của giống người siêu văn minh trên đó "gởi" Địa cầu. Sau, người ta mới phát giác ra sự thật chẳng có gì khó hiểu lắm : đó chỉ là ảnh hưởng của sấm sét! Có nhiều hiện tượng về các luồng điện trong không gian thật lạ lùng. Tại một đỉnh núi cao ở Bogone, người ta chỉ cần đưa một ngón tay lên không đã cảm thấy điện giật tê tê mà Con người chính là vật dẫn điện. Một cây cao ở giữa rừng tự nhiên khô héo, cuối cùng bốc cháy, chỉ trong vòng vài phút! Tại một thung lũng ở miền Trung Hoa Kỳ đôi khi người ta đang chải tóc bỗng dưng tóc dựng đứng. Ngay tại Nữu Ước ảnh hưởng của điện trời nhiều khi phát hiện rõ rệt : trong một cơn giông, hai người bắt tay nhau đã cảm thấy tóe lửa thực sự! Khoa học giải thích là vì khí hậu của mùa Đông quá khô với nhà cửa chật chội bị hâm quá nóng.

Tuy vậy Sấm sét vẫn còn nhiều bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được. Như tại sao có những trái sét hình tròn, có thể chui qua một lỗ khóa hay ống lò sưởi lượn chơi vài vòng rồi mới "nhập" vào đâu đó để phá của giết người. Có khi "biểu diễn" xong nó dông mất qua cửa sổ. Ông Thiên Lôi hung ác đấy nhưng nhiều lúc cũng biết chọc cười thiên hạ. Tháng 6 năm 1953, tại Grenoble nguyên một Tiểu đội công binh Pháp đứng núp mưa bên bờ sông Isère đã bị Ông Thiên Lôi... lột hết quần áo nón giày sau một tiếng sét đinh tai. Cả súng ống trên người cũng bị hư, nhưng mấy ông Công Binh vẫn bình an vô sự. Một lần khác ở Vic-sur - Seille sét đánh cháy một cây cổ thụ, dưới gốc có ba quân nhân đứng trú mưa. Cơn giông tạnh người ta vẫn thấy 3 quân nhân còn y nguyên quần áo và không chịu di chuyển. Có người lại gần lên tiếng hỏi thăm họ vẫn không đáp, sờ vào người thì cả ba cùng đổ xuống thành đống tro!

TỐT HƠN HẾT, chúng ta nên tìm cách tránh mặt Thiên Lôi. Giống điện trời Sét thường đánh vào những vật cao lẻ loi. Cây cao giữa đồng trống, trụ điện, tháp chuông, ống khói, hay một căn nhà vượt lên cao hơn những nhà khác. Khi sét "nhập" vào một thân cây, các phản ứng của giòng điện tức khắc biến nhựa và nước trong thân cây thành một sức công phá rất mạnh làm nổ tung thân cây. Bạn thấy những cây bị sét đánh thường chẻ ra nhiều mảnh, xác xơ là vì vậy. Nhưng nếu chúng ta cột một sợi cáp đồng từ ngọn cây xuống, mối dây chôn sâu dưới lòng đất, cây sét sẽ chạy dọc theo sợi cáp đồng và chui xuống đất mà không ảnh hưởng gì đến thân cây. Sét chọn con đường dễ nhất từ trên mây xuống đất chứ không chọn con đường ngắn nhất. Công dụng của cột thu lôi là vậy.


Một cột thu lôi cao 200 thước chẳng hạn sẽ bảo vệ luôn được một vùng có bán kính bằng chiều cao đó, từ chân cột. Tòa nhà Empire State Building ở Nữu Ước che chở cho một vùng bán kính rộng 1.200 feet tính từ chân tòa nhà. Khung sườn thép vĩ đại của nó (sườn này được chôn sâu xuống lòng đất) đã thu hết các dòng điện trời mà người và vật ở trong tòa nhà cũng như vùng chung quanh đó không bị ảnh hưởng.

Vì Sấm sét hay chiếu cố các cột ống khói, Bạn nên tránh xa lò sưởi trong lúc giông gió. Cũng đừng ngâm mình trong bồn tắm. Bạn sẽ an toàn khi ngồi trong nhà có sườn thép, giữa đường phố và hai bên có các tòa nhà chọc trời, hoặc ngồi trong xe hơi. Thí nghiệm của Faraday cho thấy một dòng điện đi qua một lồng lưới sắt không gây ảnh hưởng cho các vật ở bên trong.

Nếu không cần thiết Bạn đừng nên ra khỏi nhà khi đang giông gió. Nếu đang phải ở ngoài trời, tránh đứng "lẻ loi một mình" trên đỉnh đồi, gò đất hay bãi trống và chân đạp đất. Lúc đó chính bạn biến thành 1 cột thu lôi. Đừng trú dưới các cây lớn chơ vơ giữa đồng hay bên cạnh các hàng rào kẽm sắt. Hãy chạy trú ẩn vào một trong các nơi : Bìa rừng rậm, một hang đá, dưới một bờ dốc, dưới một tảng đá nhô ra bên trên, hay trong một hẻm núi. Trường hợp bị "kẹt" giữa đồng trống xin mời bạn nằm xuống... ngắm mưa chơi. Biết đâu trong cơn mưa đó bạn lại không tìm được một thứ cảm hứng lạ lùng cho bài thơ của bạn!


SONG THẤT    




(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 223, ra ngày 1-6-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com