Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

CHUYỆN MÙA HÈ - Quyên Di


Mùa hè trở về với những cơn mưa đầu mùa chớp nhoáng, chợt ào ào kéo tới rồi bỗng dưng ngừng bặt. Mấy cây phượng trong sân trường như ngầm ra hiệu bảo nhau, để rồi một buổi sáng nào đó có nhiều nắng vàng mây trắng, chúng tung vãi những bông hoa đỏ chói lên trên nền lá xanh non. Trong lớp, học trò bắt đầu xôn xao, náo nức nhưng cũng có cô cậu trở nên buồn rầu xa vắng; sĩ tử cảm thấy ngày vào trường thi gần tới, mặt mày lo âu trông đến là tội, tuy vậy những nét văn khôi nhiều khi trở nên sáng láng, hứa hẹn một tương lai tươi thắm, huy hoàng. Ông giáo có khi đang dạy học bỗng bâng khuâng, cúi đầu đếm bước thời gian, sắp xong niên học, một chuyến đò nữa lại được ông cho cập bến bên kia, đám hành khách vô tư tung tăng chân sẻ bước lên bờ rồi đi nữa, đi mãi… không biết có bao giờ chợt nhớ, quay lại tìm bóng dáng ông lái đò?

Chuyện mùa hè xoay quanh những cơn mưa rào báo hiệu, những ve những phượng, những tình cảm thầy trò, bạn bè chất chồng lộn xộn, niềm vui nỗi buồn trong ngày xa cách mái trường nhưng lại là ngày gia đình đoàn tụ… Trong những đề tài ấy, tôi phải chọn lấy một để làm cho trọn vẹn đoạn tùy bút về câu chuyện mùa hè; vì thật tình nếu nói hết về mùa hè thì có quá nhiều điều phải nói hoặc lại không có gì để mà nói cả. Vậy tôi chọn… câu chuyện thầy trò.

Chuyện thầy với trò thì nhiều lắm! Chuyện của thầy đã nhiều, chuyện trò lại càng nhiều hơn, huống hồ đây lại là chuyện thầy cộng với chuyện trò! Đến là khiếp. Nhưng ở đây chỉ là chuyện thầy với chuyện trò trong buổi hè về, vậy thì cũng bớt nhiều đi kha khá.

Nói chuyện trò trước. Hè về, học trò xôn xao náo nức, tình cảm dâng cao như ngọn sóng ngoài khơi! Đây không nhắc tới niềm thương nỗi nhớ với bạn với bè, không kể những lần nhặt cánh phượng tươi tặng bạn thân yêu, những lúc đưa nhau lưu bút và những khi nắn nót viết lưu bút cho người khác. Ngoài tình cảm đó, có lẽ không ít thì nhiều, học trò cũng sẽ dành một phần tình cảm cho các thầy cô. Tình cảm chứ không phải cảm tình, bởi vậy không cứ là phải thương thầy cô, buồn vì xa thầy cô; vì tình cảm tức là thất tình, gồm đủ cả hỉ, nộ, ái, ố,dục, cụ, lạc. Sẽ có người buồn vì sắp hết được học thầy, tiếc vì sao niên học mau hết quá! Người ta vẫn diễn tả sự buồn tiếc ấy bằng cách cho học trò nhớ đến giọng thầy giảng bài vang vang hay trầm ấm, những chăm sóc nho nhỏ nhưng đượm đầy tình thương của thầy đối với lớp, những lần lớp hư hỗn, thầy la mắng nhưng rồi lại sẵn sàng tha thứ. Chuyện ấy có thật, tâm hồn học trò mới lớn sẵn sàng cảm nhận được tình thương yêu chân thật, trái tim học trò là trái tim hồng, thích hợp với những cảm tình thắm thiết. Có lẽ tuổi học trò đáng yêu cũng vì thế, người ta tìm thấy ở người học trò những nét ngây thơ, chân thật, cái tình thương không che đậy, không tính toán.

Tuy vậy, buổi hè về, cũng có những học sinh vui mừng vì sắp thoát… ách. Ách ở đây là những giờ học với ông thầy mình không thích mấy. Không thích có thể vì nhiều lẽ: có thể vì thầy nghiêm quá, có thể vì thầy hay phạt, mà cũng có thể vì mình kém cái môn thầy phụ trách, bởi vậy mỗi khi gặp thầy thì thấy ngại, từ ngại đến không thích gần lắm. Nay sắp hết năm, sắp thoát khỏi cái mình khó chịu, cũng là một điều vui. Thầy có lẽ cũng biết chuyện ấy, bởi làm thầy thì phải hiểu mình không thể làm vừa lòng tất cả học sinh. Biết thì buồn, nhưng chịu vậy, làm sao được.

Nhưng, từ lâu tôi vẫn tin rằng: dù mến thầy hay không mến thầy, không một học sinh nào có thể hoàn toàn ghét thầy được, và hè về, chắc chắn không thể quên thầy hoàn toàn; thế nào cũng phảng phất một chút tình cảm luyến lưu, dù là với ông thầy hay la hay phạt mình nhất; đôi khi ông thầy nào phạt mình, la mình nhiều lại càng làm cho mình khó quên.

Ngày học tiểu học, hè về học trò hay gục mặt xuống bàn khóc vì sắp phải xa thầy xa cô, bây giờ lớn rồi, chuyện đó hầu như không có, làm vậy nó dị dị sao đâu! Nhưng mà khóc thầm thì chắc cũng có đấy, nhất là đối với các nữ sinh, tình cảm chứa chan như biển hồ lai láng. Đó là cảm nghĩ cuối cùng của tôi về câu chuyện của trò.

Giờ đến phiên thầy. Thầy lớn hơn trò nên tình cảm ít lộ ra ngoài hơn. Nhiều thầy cất giấu tình cảm thật là sâu kín, đến độ làm cho học sinh có kẻ lầm tưởng là thầy đã chai đá, bao nhiêu năm dạy học, mỗi năm lại dạy bao nhiêu lớp, quá quen với cảnh biệt ly trong tiếng ve bóng phượng, không còn thấy rung động bồi hồi. Không đâu! Bước chân vào nghề – đúng hơn là vào nghiệp – với một lý tưởng tuyệt vời, lãnh sứ mạng giáo dục cao cả, thầy không dễ dàng chai đá đâu.

Một điều ít người nói ra, nhưng đó là sự thực: ông thầy thường lúc nào trông cũng nghiêm khắc, dễ dàng để la mắng, giảng cho học trò nghe một bài “moral” một cách ngon lành; nghĩa là cứ trông vẻ bên ngoài thì cứng lắm. Nhưng thật sự, ông thầy là người mềm nhất; ông dễ dàng đau khổ vì một cử chỉ hư hỗn của học trò, nhưng cũng dễ dàng xúc động bởi một hành động biết ơn nhỏ mọn. Người ta thường chỉ bảo làm thầy dễ mắc bệnh phổi, nhưng thật ra bệnh ông thầy dễ mắc nhất là bệnh tim, không đau thì cũng yếu.

Thầy không thể ghét học trò, nếu ghét được học trò thì khó mà làm thầy được. Thầy dạy nhiều năm, nhiều trường, nhiều lớp, nhưng với mỗi lớp thầy đều có cảm tình riêng. Lớp có những cái thay đổi chính lớp không biết, nhưng thầy biết. Với một tâm hồn như vậy, hè về thầy tránh sao khỏi một chút bồi hồi, một thoáng bâng khuâng, một lần xa xót?

Học trò khó có thể biết được trong những giờ học cuối năm, ông thầy đã nghĩ gì! Nhiều lúc học trò làm bài, trong cái không khí yên lặng trang nghiêm, ông thầy nhìn những mái đầu xanh cắm cúi, tự nhiên buông nhẹ một tiếng thở dài… Đứa ngồi đầu bàn này thông minh lanh lợi, hỏi gì cũng biết; đứa ngồi giữa bàn kia nói chuyện như ranh, ăn quá như mỏ khoét; đứa khác chuyên môn bị phạt vì tội không làm bài; đứa khác nữa lúc nào cũng toét miệng cười… tất cả, phải, tất cả lớp sẽ một loạt ra đi, không còn một đứa nào! Học trò chỉ từ biệt vài ông thầy, nhưng thầy thì mỗi lớp phải từ giã mấy chục học trò. Thầy không thể đến từng chỗ của từng học trò nói câu từ biệt và lời chúc sang niên khóa tới học hành tiến bộ, nhưng thầy nói thầm trong tâm tưởng, học trò đâu có nghe thấy!

Học trò cũng không thể biết điều này: khi hè đã đến thật sự, là lúc mà học trò thôi không còn đến trường, có khi đã về quê, hoặc lên cao nguyên, ra bãi biển nghỉ mát; lúc đó thầy vẫn đến trường, đến để phê thành tích biểu. Mỗi một tấm thành tích biểu mở ra là một khuôn mặt học trò hiện ra trước mặt, thầy trước khi phê, nhắm mắt một chút để nhớ lại xem đứa học trò này ngồi ở vị trí nào trong lớp… thế rồi có khi định phê xấu, nhưng rồi lại nhẹ lắc đầu, cười khẽ phê chữ “tạm được” vào tấm thành tích biểu của đứa học sinh kém. Có khi thầy cười với học trò qua tấm hình 4×6, không biết đứa học trò ấy đang khi tắm biển hay dạo đồi thông có thấy máy mắt hoặc hắt hơi? Có những khi phê xong chồng thành tích biểu cao ngất, thầy lang thang bước, không ngờ dừng lại trước lớp học ngày nào, tưởng tượng cái khung cảnh mình đứng trên bục bảng, tay cầm phấn miệng giảng liên tu bất tận, bên dưới đám học trò mỗi đứa một vẻ, một kiểu. Nghĩ rồi bỗng thấy muốn cười đồng thời muốn bước vào lớp, đứng trên bục bảng nhìn xuống dãy bàn ghế không một bóng học sinh.

Tôi còn muốn viết nhiều nữa về câu chuyện của thầy, nhưng thấy cần nên thôi, nói ra nhỡ học trò biết hết thì sao? Không phải muốn giấu, nhưng cũng nên để dành một chút làm vốn liếng cho một đời người; với lại kể nhiều có khi lại mang tiếng là người hay kể lể…

Vậy thì chuyện mùa hè không đầu không cuối cũng sẽ được chấm dứt ở đây. Dứt mà như không dứt, cũng như tình cảm của trò đối với thầy, của thầy đối với trò cho đến buổi hè về vẫn thấp thoáng vấn vương…


(Trích “PHƯỢNG”, giai phẩm hạ 71, 
 lớp 10 B 20 N. B. T.)    
 Quyên Di                  


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 3, ra ngày 5-6-1971)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com