Buổi sáng Mẹ đi chợ về mua cho anh em Chi mỗi đứa một chiếc bánh Trung thu hình con heo tròn mập với hai con mắt bằng hai hột đậu đen ; chiếc bánh được đặt trong hộp kính nhỏ có dán giấy hoa sặc sỡ ở ngoài chứ không phải trong một túi ni lông xoàng xĩnh treo nhan nhản ngoài chợ. Mẹ bảo để dành đến tối ăn chứ đừng ăn trước ; cả lũ nghe lời Mẹ song cũng không quên mở nắp hộp hít hà vài cái… Xong, chúng cất phần của mình đi và bốn đứa ra ngồi ở bậc tam cấp tính chuyện ăn Trung thu tối nay. Thằng Cường lớn nhất ngồi ở giữa, nó hỏi ba đứa kia:
- Tụi bay nghĩ coi có trò gì vui không để tối nay mình làm chơi.
Con Hạnh, thằng Đông nói tự làm lồng đèn, ca múa, kể chuyện chị Hằng chú Cuội… nhưng Cường lắc đầu:
- Thôi, mấy trò đó năm nào cũng nhai đi nhai lại hoài, năm nay mình chơi trò nấu “bánh sáp” không?
Cả lũ nghe xong reo hò đồng ý. Con nít đứa nào cũng khoái trò này, lấy sáp nến đổ đầy vào một chiếc vỏ nghêu, đem nấu cho nến chảy lỏng ra rồi để nguội, lúc đó cạy khéo nến ra, sẽ được một khối sáp hình vỏ nghêu rất đẹp mắt. Trò này là thằng Cường đi học lại được của mấy đứa trong xóm, cứ Trung thu là ngõ nhộn hẳn lên, đèn lồng đủ kiểu đủ màu, nến thì cứ bẻ ra đem nấu lên để được những phút thích thú ngồi canh lửa. Lúc nấu “bánh sáp” thì mặt mày đứa nào cũng hân hoan, miệng nói không ngớt, lăng xăng lấy thứ nọ thứ kia làm như là nấu bánh chưng vào những đêm gần Tết vậy. Bé Chi cũng thèm nấu kiểu này lắm, nhưng ngặt nỗi Mẹ lại ghét. Mỗi lần bắt gặp cả lũ giở trò nấu nướng là Mẹ bắt dẹp hết, “nhỡ cháy nhà thì đứng đấy mà trơ mắt ra”, Mẹ hay bảo vậy! Thế nên, bé Chi chỉ nhìn các anh chị mình tính với nhau thôi chứ không nói gì cả. Một lát, thằng Cường rủ ba đứa ngồi xếp lồng đèn chơi, nó lấy quyển Thiếu Nhi số Trung thu từ năm kia ra để cả lũ làm theo… nhưng sau một hồi lâu cắt cắt dán dán chả đứa nào làm ra hồn cả nên lại vứt bừa bãi đầy rồi bỏ ra đường chơi. Chi không theo các anh chị mình ra đường, cô bé thích thơ thẩn trong mảnh vườn nhỏ ở sau nhà hơn. Cây ti gôn dạo này nở nhiều hoa quá khiến vườn đẹp hẳn lên. Những cây ngọc lan, sứ trắng, hoàng hậu của Ba cũng đương trổ nụ. Rải rác ven tường là vài bụi gừng, húng quế, tía tô, rau răm… Mẹ trồng để ăn. Mỗi lần Mẹ đào đất trồng cây gừng, Chi hay theo Mẹ ra vườn để xem. Chi thấy thật là ngộ nghĩnh, Mẹ chỉ ném một củ gừng nhỏ xuống là chỉ hơn một tuần sau chỗ ấy mọc lên lá xanh thật xanh. Chi nghĩ, chắc là Mẹ có “ảo thuật” gì đấy, chứ thường thường muốn trồng cây thì phải cắm cây ấy xuống trước cơ, như Ba phải cắm 1 nhánh ti gôn xuống và bây giờ nó lan rộng ra, cây húng quế cũng vậy, Mẹ mua cây ấy ở ngoài chợ về đoạn cắm xuống…, chỉ duy có cây gừng. Chi thắc mắc sao củ gừng đâu có lá gì đâu, vậy mà Mẹ ném xuống lỗ nó lại mọc lên thành cây được. Chi nghĩ, có lẽ ném vật gì dài dài, cứng cứng thì cũng mọc lên cây gừng hết. Thế là Chi đem ngay con chó bằng mica của mình mang ra vườn đem chôn. Cô bé cứ thấp thỏm chờ đợi mãi, thế mà đến nay gần một tháng rồi vẫn chẳng thấy mọc lên cây gừng gì cả. Chi tự bảo thầm chắc là tại lúc “trồng”, Chi không biết cách đặt làm sao cho nó lên “cây” được như Mẹ. Vậy là Chi lại phải đào lên, đem rửa sạch mà trong lòng vẫn không hết thắc mắc. Hôm qua Chi hỏi Cường:
- Anh Cường ơi, sao Mẹ ném củ gừng xuống góc vườn rồi tự nhiên nó mọc lên cây gừng, anh nhỉ? Kỳ quá hé?
Cường là chúa “ba xạo”, nó nói trơn một lèo:
- Chứ sao! Ném củ gừng thì nó lên cây gừng, củ nghệ lên cây nghệ, củ hành lên cây hành… ném cái gì nó mọc lên ngay cây đó!
Chi hỏi ngay:
- Vậy ném con chó bằng mica thì nó lên cây gì?
- Lên cây… “chó”!
- Cây “chó” nó ra sao?
- Thì nó cũng có lá, có cành như cây gừng vậy, nhưng có điều… à… à… mỗi đầu cái lá nó có một con chó! Hì hì, tha hồ mà chơi.
Chi tỏ vẻ thích thú, Cường “dụ” em:
- Chi có tiền không, đưa đây anh trồng cây “tiền” mai mốt mọc tiền tha hồ mà hái.
Không ngần ngại, Chi móc túi áo đưa ngay cho Cường 10 đồng, cô bé lại còn chạy vào nhà, mở ngăn kéo lấy hết tiền để dành đưa cho Cường, tuy mới ba tuổi nhưng Chi cũng biết đếm tiền sơ sơ, cô bé giao hẹn:
- Năm mươi hai đồng của em đó nghe! Nếu mai mốt nó hông lên cây “tiền” anh phải trả lại em đó à!
Cường cười tít mắt, cu cậu gật đầu lia lịa:
- Ừ ừ, nhưng mà trồng cây này hơi “khó”! Lúc anh trồng thì Chi phải đi chỗ khác, không được nhìn thì mới “linh”! Thôi, đừng nói nhiều, chiều nay anh trồng dùm cho Chi.
Nói đoạn Cường phóng ra đường mất. Đến hôm nay Chi vẫn không biết anh mình đã trồng dùm cho chưa. Chi quanh quẩn trong vườn mãi, với đầu óc ngây thơ và tưởng tượng phong phú, Chi vẽ ra thật nhiều hình ảnh trong đầu. Chi nghĩ thầm: “Thảo nào, bây giờ mình mới biết làm sao con Thủy, con Hằng có nhiều tiền, mỗi sáng tụi nó có những năm chục đồng, trong khi mình có mỗi 10 đồng, chắc tụi nó trồng cây “tiền” chứ gì. Thôi mình biết rồi, muốn có nhiều thứ gì thì cứ việc trồng ngay thứ đó…” Cô bé sung sướng hát líu lo…, và rất nhanh, Chi nghĩ ngay đến chiếc bánh Trung thu mà lúc nãy Mẹ mua cho mình. “Phải trồng ngay cây bánh Trung thu mới được ; mai mốt ra cây tha hồ mà hái ăn. Sướng quá”. Chi chạy nhanh vào nhà, lấy phần bánh của mình ra, eo ơi, nhưng mà khó quá, Chi muốn lấy cái bay để đào đất mà cái bay lại treo trên bếp gần chỗ Mẹ nấu cơm… làm sao đây? Bỗng ánh mắt Chi nhìn lên tường, ngay chỗ mấy lọ trầu bà của Ba trồng bằng nước treo ngoài phòng khách để trang trí. Chi thích thú reo thầm, à phải rồi, không trồng bằng đất thì mình trồng bằng cách này cũng được, mấy lá trầu bà mới hôm nào Ba xin được của bác Tư trông chẳng ra gì thế mà bây giờ xanh tươi rậm rạp gớm. Nghĩ là làm, Chi bắc ghế để trồng “cây” bánh Trung thu ngay. May quá phòng khách chả có ai, Chi bỏ ngay chiếc bánh vào lọ trầu bà, lòng tràn trề hy vọng… Xong xuôi, Chi vội kê ghế lại như cũ, cô bé thở ra thoải mái…
Trưa hôm ấy nằm ngủ, Chi mơ thấy cây bánh Trung thu của mình mọc lên tươi tốt, lá của nó màu đỏ thay vì màu xanh giống như những cây khác, ở đầu mỗi ngọn có thêm một chiếc bánh giống hệt chiếc Chi bỏ vào lọ lúc sáng, Chi đứng ở dưới nhìn lên và cô bé đếm được tất cả là mười hai cái…
Tám giờ tối. Cả nhà đã ăn cơm xong, ai cũng vui vẻ đón Trung thu. Mấy chiếc đèn con bướm, xe tăng, giỏ hoa của anh em Chi đã được Ba đốt lên treo ngoài vườn từ lúc chiều. Mẹ lấy bánh ra chia cho mỗi người một phần. Tụi Chi ăn bánh xong thì sửa soạn chơi Trung thu. Cường lấy nến ra để nấu “bánh sáp” vì đã xin phép được Mẹ, Hạnh và Đông lăng xăng đi lấy vỏ nghêu, diêm và 1 cái khay để đựng bánh. Cường bắt chước Ba, rót trà ra 4 cái ly nhỏ để vừa ăn bánh (chiếc bánh Mẹ mua cho lúc sáng) vừa nhâm nhi trà cho “ra vẻ”. Mỗi đứa đều lấy phần bánh của mình ra để bày. Chỉ có Chi là vẫn đứng yên, cô bé không có bánh, Chi phân vân không biết làm sao. Đúng lúc ấy Mẹ đi ra, dịu dàng hỏi Chi:
- Bánh của Chi đâu? Không lấy ra để chơi với các anh chị à con?
Chi nũng nịu:
- Con không có bánh…
- Sao thế, ăn hết rồi à? Hư quá vậy con?
- Không phải. Con đem trồng rồi để mai mốt nó ra nhiều, tha hồ ăn đó mà Mẹ…
Mẹ mở to mắt nhìn Chi, cao giọng hỏi:
- Chi, con nói gì vậy, Mẹ hỏi con ăn bánh chưa mà? Con bảo trồng cái gì?
Ba ngồi đọc báo gần đấy nhìn Mẹ con Chi, đoạn hỏi:
- Mẹ con Chi nói chuyện gì vậy?
Chi vui vẻ kể lại câu chuyện trồng “cây” Trung Thu của mình cho Ba Mẹ nghe ; nghe xong Ba cười ngất và ôm Chi vào lòng giảng giải cho Chi biết những thứ gì mới có thể mọc lên thành cây được. Còn Mẹ thì bảo:
- Cũng chỉ tại cái thằng Cường, cứ xí gạt em để cho nó tưởng thật. Vậy tiền bé Chi đưa cho mày đâu rồi hở Cường?
Cường gãi đầu gãi tai:
- Ơ… con… mua truyện hết rồi!
- Vậy thì mày phải nhịn quà sáng một tuần để trả tiền lại cho bé Chi. Hứ, cây với chả cây…
Trong lúc đó thì Ba gỡ lọ trầu bà xuống, thò tay vào móc chiếc bánh ra cho Chi, chiếc bánh bây giờ bị phủ một màu xanh rêu của lá trầu bà nên nom thật bẩn thỉu, Ba giơ chiếc bánh lên cho cả nhà xem rồi nói với Chi:
- Bây giờ Chi thấy bánh của Chi có đẹp không, lần sau đừng dại dột như vậy nữa nghe con…
Ba cầm chiếc bánh đem vứt vào thùng rác, cả nhà ai cũng cười chế diễu Chi. Chi xấu hổ nói gỡ một câu:
- Mới lúc trưa nay Chi còn mơ thấy nó mọc ra mười hai cái…
NGUYỄN THỊ VIỄN CA
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)