Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

DIỀU GIẤY MẮC NẠN - Lê Tất Điều




Cuộc sinh hoạt của đồ vật đêm nay mở màn sớm hơn thường lệ. Quả thật đã có nhiều điều xui xẻo xảy ra trong thế giới của chúng.

Nơi gầm tủ kể từ nay đã vĩnh viễn vắng mặt anh Diều giấy. Anh ta là vật có cuộc đời sôi nổi, phiêu lưu nổi tiếng. Anh đã đem tính mạng mình treo đầu sợi chỉ. Chiều nào anh cũng bay lượn lửng lơ giữa trời xanh, vẫy vùng trong gió. Đêm về, anh mệt, thường ngủ bù hoặc im lặng sống cuộc đời riêng. Anh có vẻ ích kỷ và hơi kiêu căng.

Anh Diều giấy đã gặp nạn! Nhưng mọi vật trong phòng không hiểu kẻ bay cao ấy thọ nạn thế nào.

Cuộn chỉ được coi là vật kể chuyện hấp dẫn, đáng tin nhất. Bởi vì, chỉ có mình nó chứng kiến tai nạn và ở bên cạnh Diều giấy những giây phút chót.

Cuộn chỉ nằm trên mặt bàn, thỉnh thoảng lăn qua lăn lại cho thêm phần quan trọng. Ông Bàn gợi chuyện trước:

- Tao nghi chính mày có lỗi to nhất trong việc làm hại anh Diều.

Cuộn chỉ cãi ngay:

- Cháu không có lỗi gì hết.

- Không có lỗi! Chắc chỉ của mày đứt rồi anh ấy bị gió lôi đi mất tích chứ gì. Cái lũ chỉ chúng mày bở bùng bục, mày giữ anh Diều nào là anh Diều ấy bị gió bắt cóc mất tiêu.

- Ông Bàn kết tội hồ đồ quá. Ông phải biết cháu là một trong những cuộn chỉ dai nhất. Gió to tới bậc nào cháu cũng níu anh Diều lại được. Vả lại, chúng cháu lên cao xuống thấp có nhau, thân thiết như tình ruột thịt, đời nào cháu để cho gió bắt cóc anh ấy. Thú thực với ông, chưa có anh Diều giấy nào được cháu quí như anh này. Thân thể anh ấy cân đối, vững vàng, gặp một chút gió là bay bổng.

- Thế sao anh ấy gặp nạn?

- Thì ông để từ từ, cháu phải nhớ lại mọi chuyện rồi mới kể được.

Ông Bàn đành im lặng nhưng vẫn hậm hực.

Cuộn chỉ lăn qua lăn lại thêm vài vòng rồi bắt đầu tường thuật nội vụ:

- “Chiều hôm nay gió to, cậu bé đem anh Diều giấy đi thả sớm. Như mọi lần, cậu bé vào công viên, nơi đây có bãi cỏ rộng. Anh Diều giấy no gió bốc thẳng lên trời. Tôi (lời cuộn chỉ) níu kéo anh ấy thật là mệt. cái đuôi ba màu của anh ấy bay phất phơ rất đẹp. Những hôm Diều no gió chỉ có cái thân làm cuộn chỉ chúng tôi là khổ. Chịu không nổi để anh Diều bay đi mất thì thật mang tiếng xấu muôn đời. Nhưng bù lại, anh Diều bay cao, chúng tôi cũng chung niềm kiêu hãnh.

“Tôi có bao nhiêu chỉ được mặc sức thả ra hết cho anh Diều tha hồ vùng vẫy. Anh lên cao hơn các anh Diều khác rất nhiều. Cậu bé hài lòng, vui cười suốt buổi.

“Thình lình trời đổ mấy hột mưa. Cậu bé đành thâu chỉ lại, kéo Diều xuống ra về. Một buổi chiều hoạt động như thế kể cũng là nhiều rồi.

“Khi chúng tôi về đến gần nhà, mưa chợt tạnh, mây đen tan dần. Gió lại nổi lên, rất hấp dẫn nhưng ngại trở lại công viên, sợ gặp mưa thình lình, Cậu đưa chúng tôi lên sân thượng. Anh Diều lại được tung ra. Nhưng gió trong thành phố vướng nhà cửa thổi không đúng chiều nhất định. Anh Diều chưa kịp lên cao đã đảo hai vòng và đâm đầu ngay xuống, mắc tòn ten giữa những sợi dây điện…”

Các vật trong phòng ồ lên một tiếng, xôn xao vì cái tai họa bất ngờ. Cuộn chỉ bùi ngùi tiếp:

- Quí vị nào có dịp ra khỏi nhà thì biết đấy. Đường phố đầy dây điện, chỗ nào cũng có, nhà cửa lại san sát, thật chả có chỗ nào đủ rộng cho một anh Diều cất cánh, hạ cánh an toàn. Phải bay nhảy trong thành phố là một điều vô cùng nguy hiểm, mất mạng như chơi.

Ngay khi anh Diều mắc trên dây điện, cậu bé đã tìm cách cứu ngay. Nhưng cái đuôi của anh ta dài quá. Cứ mỗi lần gió thổi là cái đuôi lại quấn thêm một vòng vào dây điện. Diều giấy càng bị trói chặt vào đó.

Cậu bé liều lĩnh và dại dột kéo mạnh một cái. Ấy thế là hai sợi dây điện được dịp chạm nhau. Như mọi vật biết đấy. Bọn dây điện đâu có ưa gì nhau. Vừa chạm mặt là chúng hét lên, lửa xanh lửa đỏ tung tóe. Chỉ đứt luôn! Cậu bé cầm tôi và chạy thẳng. Anh Diều giấy bị giam cứng trên đó.

Tôi vẫn hy vọng một lúc nào đó, anh được gió vô tình gỡ ra. Nhưng buổi tối mưa to. Tôi thực tình không hiểu số phận anh Diều giấy ra sao. Nhưng anh ấy khó mà thoát nạn…

Cuộn chỉ không lăn qua, lăn lại, đứng im lặng, ngậm ngùi. Bỗng ở góc nhà có tiếng nói:

- Anh Diều giấy tan xác rồi!

Đó là tiếng bác Ô đen. Chiều qua, bác về nhà trễ nhất. Bây giờ bác Ô đen kể:

- Tôi đi với ông Chủ nên về trễ. Tôi cũng thấy anh Diều giấy nằm chết cứng trên dây điện. Đuôi anh ấy đứt hết. Một bên cánh chỉ còn trơ cái xương tre, trận mưa to đã tàn phá anh ấy hoàn toàn rồi.

Mọi vật cùng hướng về phía gầm tủ nơi trước kia Diều giấy vẫn nằm. Nơi đó trống không buồn bã. Nhiều vật trước kia có chuyện xích mích với Diều giấy đều cảm thấy ân hận. Đáng lẽ phải cư xử tốt với anh ta. Một vật luôn luôn bay lơ lửng lưng trời đâu có hứa hẹn ở với ta lâu dài. Muôn ngàn nỗi tiếc thương lúc này cũng là vô ích. Chỉ có niềm vui đem đến cho anh ta trước đây mới thật là quí giá đáng kể.

Ông Bàn lại càu nhàu:

- Lỗi hoàn toàn ở cậu bé.

Cụ Sách thở dài trong tủ:

- Hồi này cậu bé ít hỏi ý kiến tôi. Cậu ấy ham chơi quá rồi.

Ông Bàn vặn cụ Sách:

- Xin lỗi cụ, trong lòng cụ làm gì có ghi cái vụ cứu chiếc Diều giấy bị mắc trên dây điện?

Cụ Sách điềm tĩnh:

- À, điều đó dĩ nhiên không. Nhưng tôi dạy cậu ấy rằng không bao giờ được thả diều trong thành phố.


LÊ TẤT ĐIỀU          
(trong NHỮNG GIỌT MỰC)



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com