Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

CHƯƠNG XI_CHÚ THỎ TINH KHÔN



LẬP MƯU BẮT THỎ


Bây giờ Chồn mới rõ, chính Thỏ đã trộm hoa màu của nó. Nhưng nếu tìm bắt Thỏ ngay trong lúc ấy chưa chắc đã được. Nó thừa hiểu Thỏ trốn tránh rất tài tình. Nhưng nếu để lâu lâu một chút, khi Thỏ không nghi ngờ thì thộp cổ nó rất dễ. 

Chồn nghe người ta thuật lại điều được điều mất chuyện anh Lừa mang một mối thù trong lòng cho đến bảy năm sau mới trả. Tánh nó thì nóng nảy, không sao để đến bảy năm được, nhưng ít ra cũng phải đủ bảy ngày, còn kế hoạch để bắt Thỏ thì nó đã sẵn có trong cái trí óc thông minh của nó. 

Chưa được bảy ngày thì Chồn đã phải tính đến chuyện bắt Thỏ vì một lý do rất dễ hiểu : Nó đói bụng. 

Đã hai hôm nay, Chồn không gặp được một con mồi nào để bắt ăn. Gặp Chó Sói nó than thở: “Nếu tao ăn được cỏ non, ăn được rễ cây lá cây thì bao tử của tao đâu đến nỗi cồn cào xót xa như thế nầy? Khốn nỗi Trời lại bắt tao phải ăn thịt gà thịt vịt, ăn những con thú nho nhỏ. Nhưng chúng nó hễ thoáng thấy bóng tao thì chạy có cờ, đâu chịu nằm yên một chỗ như cây cỏ thành thử tao mới bị con ma đói hành hạ tàn nhẫn như thế nầy.” 

- Sao mầy không bắt thằng Thỏ mà ăn thịt? Chao ôi! Gà vịt ghét tao làm sao thì tao ghét nó làm vậy. Mầy mà giết được nó thì tiếng tăm của mầy sẽ được lừng lẫy vì chỉ có những bậc kỳ tài mới bắt được cái thằng xảo quyệt tinh quái ấy. 

- Chính tao cũng định bụng như vậy đó. Ngoài ra tao còn trả mối thù riêng của tao. 

- Mầy bảo thù riêng gì? 

Chồn thuật lại chuyện Thỏ hái trộm hoa màu của nó và đánh lừa Chồn cháu để thằng nầy bị đòn oan. 

Sói nói tiếp: 

- Như vậy mầy giết nó danh chánh ngôn thuận lắm rồi, kẻ thức giả không ai cười mầy ỷ mạnh hiếp yếu được. 

- Nhưng dẫu sao tao cũng phải nhờ mầy một tay. Tao định đi tìm mầy đây tình cờ giữa đường lại bắt gặp. 

Chồn nghiêng đầu nói nho nhỏ bên tai Sói rồi chúng nó chia tay mỗi đứa một ngả.



Thỏ ngồi lắc lư trên chiếc ghế xích đu đọc truyện kiếm hiệp. Cửa lớn, cửa hông đều cài then cẩn thận. Nó hay có cái lối khóa kín cửa như vậy. 

Sói lò dò đi đến, gác chân lên, nhìn qua song cửa sổ. Nó cất tiếng gọi: 

- Anh Thỏ ơi, có một tin quan trọng lắm không rõ anh đã hay biết chưa? 

Thỏ ngẩng mặt lên nhìn Sói nói: 

- Chuyện gì thế, anh? Tôi đâu có hay biết gì. 

- Anh Chồn vừa mới chết. Rõ tội nghiệp. Anh chỉ đau trong vòng hai ngày thôi mà các thầy thuốc đều chạy hết. Sâm nhung đổ vào anh ẩy ra rồi cứ thế mà lịm dần, đến hai giờ sáng nay thì tắt thở. Chị Chồn một mình đơn chiếc chẳng biết xoay xở ra sao, nên tôi phải giúp đỡ chị ấy, mua sắm quan tài, mời thầy địa coi cho anh một chỗ để được mồ yên mả đẹp. Anh Thỏ ơi, anh cũng nên sang thăm anh ấy một chút, nghĩa tử là nghĩa tận. 

Sói nói xong đưa tay quệt mấy giọt nước mắt. 

- Anh ấy với tôi gần đây tuy có những chuyện xích mích, nhưng ông tổ bốn đời của ảnh và ông tổ ba đời của tôi là đôi bạn chí thân. Ông tổ nhà tôi chết, ông tổ nhà ảnh khóc như mưa như gió cho nên người thời bấy giờ mới có câu: Thố tử hồ bi (Thỏ chết chồn thương xót). Bổn phận con cháu là phải noi gương tổ tiên. Trước kia các cụ khóc như mưa như gió thì nay anh Chồn chết tôi cũng phải khóc như gió như mưa mới khỏi tỏ ra là thằng vong ân bội nghĩa. Nếu anh cần mua sắm gì xin anh cứ đi trước, rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau bên nhà đám. 

Khi Sói đi rồi, Thỏ nghĩ bụng: 

“Mình mới gặp Chồn hôm trước đây, nó mạnh như voi chẳng có dấu hiệu gì là đau ốm cả. Biết đâu hai tên lưu manh nầy không bày mưu để hại mình. Cái việc mình phá hại khu vườn của Chồn chắc nó không đời nào tha thứ.” 

Đến nơi, Thỏ không vào nhà vội, chỉ đứng thập thò ở cửa lớn. Chồn nằm thẳng đờ trên bộ phản kê ngay giữa nhà, trên mình phủ một tấm vải trắng từ vai xuống đến hai chân. Cặp mắt sắc như dao của Chồn nhắm nghiền lại trông có vẻ hiền lành như một kẻ tu hành. 

Thỏ cất tiếng nói lớn: 

- Trời ơi! Anh Sói rõ khờ dại quá chừng. Anh Chồn đã chết đâu mà lo mời thầy coi đất? Cứ nhìn kỹ nét mặt anh thì đủ rõ. Anh đang ngủ và đang trải qua một giấc mơ hết sức êm đẹp. Anh mơ thấy bắt được một con gà mái tơ. Anh vặt sạch lông, da thịt của nó trơn láng rờ đến đâu vừa mềm vừa mát dười dượi. 

Anh quay nó trên lửa. Chao ôi! Con gà mới béo làm sao! Mỡ nó chảy xuống từng giọt, từng giọt trên đống than hồng, hơi thơm bốc lên ngào ngạt. 

Thỏ làm bộ hít từng hơi dài rồi đánh khà một tiếng khoan khoái. 

Chồn vốn tánh tham ăn lại thêm hai hôm nay bụng đói mèm, nghe Thỏ nói, nó nghĩ ngay đến những bữa ăn thích thú, không sao cầm lòng được, nước miếng chẳng biết từ đâu cứ mải miết tiết ra chứa đầy trong hai má. Nó cố gắng chịu đựng để yên như vậy không dám nuốt vì sợ Thỏ biết. Thật là cả một cực hình làm nó khốn khổ. Ác một nỗi, vợ nó ngồi bên cạnh cứ nuốt nước bọt ừng ực. Như ngày thường thì nó đã đánh mụ một bạt tai cho hả giận rồi nhưng giờ đây nó là một con chồn chết và đời nào chồn chết lại đánh chồn sống bao giờ? 

Thỏ lải nhải nói tiếp: 

- Thật là nghìn năm một thủa, anh Chồn mới bắt được một con gà thơm ngon mềm mại như vậy. Chắc là chủ nó cho ăn toàn thứ ngũ cốc quí giá, ít ra cũng có trộn ít nhiều hạt sen và nhân sâm xắt nhỏ. Thịt nó nuốt đến đâu biết đến đó, da và xương sụn đều dòn rụm vừa bỏ vào mồm đã tan ngay, ăn hằng chục con trong một lúc hàm răng cũng không biết mỏi. 

Chồn không sao giữ vững bản lãnh được nữa. Như nước lũ tràn qua đê, nước bọt cứ trào ra hai bên khóe miệng, chảy dài xuống gối. 

Thỏ thấy vậy cười ha hả tiếp: 

- Mình bảo anh Sói khờ dại là đúng lắm. Anh Chồn đang ngủ chứ đâu phải anh Chồn đang chết? Mình đã từng đến thăm các anh Cáo già, Hồ Ly, Chồn Đèn, Chồn xạ, khi còn sống thì các anh ấy nhơ nhớp bẩn thỉu nhưng đến khi chết thì thật là tiêm tất, sạch sẽ chứ chẳng bao giờ để nước miếng đầm đìa hai bên má như vậy bao giờ? Mình còn nhớ anh Hồ Ly tắt thở đã được một ngày mà vẫn cố gắng ngồi dậy lấy khăn lau mặt mày chân tay sạch sẽ mới chịu nằm xuống cho gia nhân bỏ vào quan tài đem mai táng. 

Chồn nghe Thỏ nói tưởng thật. Tuy nó không ngồi thẳng dậy, nhưng kéo chiếc khăn lên lau sạch hai bên má. 

Thỏ đánh một phóc nhảy ra sân, mồm la lớn: 

- Thỏ nầy đâu phải đứa dại mà hòng đánh lừa? 

Chồn tung chăn nhảy xuống đất đuổi theo thì Thỏ đã biến đâu mất rồi. 

__________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XII