Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

ƯỚC MƠ RỰC CHÁY - Phan Khương Thái




Thằng Liêm mang một tâm trạng mâu thuẫn. Nó đếm từng ngày chờ Trung Thu, cùng với việc trông đợi chị Điệp. Chị mà không về, Liêm sẽ không có lồng đèn, không bánh trái. Và má nó, chắc khỏi cúng rằm. Nếu vậy, Liêm ước gì Tết Nhi Đồng chầm chậm hãy đến. Bởi vì chị Điệp hay “quên” về lắm. Tuy chỗ chị giúp việc có thể nói là gần nhà. Lần trước chị hứa dẫn Liêm đi mua cặp, sách mùa tựu trường. Rồi chị trễ hẹn. Vài ngày sau, chị giải thích với má: tại chị mê coi cải lương trên đài truyền hình nên quên lửng. Chuyện đó Liêm “bỏ qua”, nhưng bận này Liêm sẽ giận chị, nếu…

Mới chạng vạng mà tụi có lồng đèn đã xôn xao đốt đèn cầy ngoài đầu hẻm. Khu đó toàn là trẻ con nhà giàu. Liêm nhủ thầm còn sớm chán để tự an ủi mình. Má qua nhà dì Bảy tách bắp để nấu chè bán bữa chợ sáng như thường lệ. Liêm khép hờ cửa trước và nhảy chân sáo. Nhà không có của, đồ vật đáng giá thật thảnh thơi. Trộm thảng có lẻn vào, may lắm chỉ rình được con mèo già hay nằm khoanh trong xó bếp thôi. Và coi chừng con mèo nhanh, thêm tính quạu quọ, sẵn sang để thẹo bất cứ ai. Kể cả Liêm tiểu chủ, thủ phạm của những vụ nghịch ngợm, làm con mèo già khiếp đảm. Liêm soát lại túi quần. Tiền chỉ đủ mua hai cây đèn cầy màu. Điệu này phải thay đổi trò chơi. Liêm ngoắc gọi đám đông:

- Ê, tụi bây ơi! Đừng thèm cộ đèn nữa.

Vài đứa dẹp mấy que củi và mủng vùa, thổi “đèn”. Tay chân chúng gầy như mấy cái que khẳng khiu, cái đầu hớt tóc giống ụp mủng vùa. Trên mấy gương mặt đen vì nắng chợt lóe lên những ánh mắt tinh quái, của thằng Liêm, thằng Tốt, Minh đen, Hoàng nhỏ, Tiền cá chốt. Ngũ quỷ của xóm này đó. Chúng chạy có dọc. Đám còn đứng lại ngơ ngác. Chuyện gì đây? Thằng Tám đưa ý kiến:

- Chạy theo tụi nó coi.

Thằng Tươi xí dài, phản đối:

- Tụi nó đi đánh lộn với xóm khác. Ham theo, mai đi học về, tụi xóm khác nhìn mặt sẽ uýnh trả thù mình.

Thằng Tươi không nguôi nỗi hận bị thằng Liêm bịp một vố cách đây không lâu. Nghe lời thằng Liêm, thằng Tươi lén lấy cái thố sứ tráng men, má nó cất kỹ trong tủ thờ. Khi nào có giỗ, cái thố được đem ra đựng canh hoặc cháo. Thằng Tươi thọc hai tay qua vách lá dừa khô che căn chòi hớt tóc của ba nó. Và thằng Liêm đổ đầy nước vào cái thố có vẽ hai con rồng vờn chụp trái châu cho Tươi bưng. Đợi hoài mỏi chân, run tay vẫn không thấy rồng trên trời đến hút nước. Tươi luôn miệng lẩm nhẩm câu thần chú của quân sư Liêm “Tôi đứng đây có mình tôi, tôi đứng đây…” mãi đến lúc ngó ngoáy thấy tụi ngũ quỷ và một số bạn khác núp ở đám bông bụp chỉ trỏ, còn cười nữa chớ, Tươi la làng chói lói. Kết quả, cái thố chưa bể mà Tươi vẫn bị đòn vì lỗi ngu ngốc và phá phách. Bây giờ Tươi phải nói xấu thằng Liêm cho hả tức.

- Tụi bây biết tụi thằng Liêm đi đâu không?

- Một lát tụi nó về thì biết ngay.

- Tụi nó thả rảo quanh chợ.

- Làm gì ở ngoải?

- Thì coi người ta bán lồng đèn, với bánh nướng, bánh dẻo, hổng chừng tụi nó dám ăn cắp, giựt chạy…

- Thôi đi ông tướng, tưởng tượng y như mình đã từng thực hiện.

Thằng Tươi đổi giọng ta đây:

- Mấy thằng sao chậm hiểu, ngu quá.

Tụi trẻ bu lại, nhất là thằng Tám, hỗn danh Tám địa. Nó phanh ngực, để lộ cái bụng to sẵn sàng chịu đựng những cú đấm của địch thủ và hất hàm:

- Mày mới là đồ ngu, thằng Liêm biểu gì cũng làm. Mày nói bậy tao sẽ đánh sặc máu à.

Thằng Tươi ưa đía nhưng nhát gan, lảng đi chỗ khác ngay, thêm lo tụi kia bới chuyện rình xem rồng để chọc mình.

Bọn ngũ quỷ hào hển chạy về ngồi dựa ngửa ở cột đèn, không bánh, không lồng đèn, không kèn, không trống. Chỉ có tiếng chó sủa ran đuổi tiếng người. Thằng Tám mon men hỏi thăm đầu đuôi.

- Mày đừng tò mò, thất bại rồi. Bây giờ mình nấu sáp chơi. Mày hùn đèn cầy đi. Đứa nào nữa?

Bọn trẻ nghe lời thằng Liêm ngay. Đứa kiếm gạch thẻ kê lò, đứa thu nhặt bao nylon và giấy vụn: những gì có thể cháy được. Thằng Tươi cho phép cả bọn vào căn chòi hớt tóc của ba nó để kín gió hơn. Sáp vụn trong lon sữa bò đã hóa lỏng. Tụi nó đun bằng đèn cầy. Quấn bao nylon vào đầu cành cây, tụi nó nhúng sáp đốt, nylon chảy xèo xèo. Dần dà, tụi nó đốt bằng giấy củi. Đám cháy có vẻ to và ấm cúng theo tiếng reo hò của bọn trẻ. Ngọn lửa lên cao, bọn trẻ reo càng to. Luôn có đưa mang thêm giấy củi tiếp tế. Đám cháy nổ bùng mỗi lúc một đứa nhổ bãi nước bọt vào lon sữa bò ám khói, nóng có thể phỏng tay. Tụi trẻ thi nhau nhổ nước bọt và xô đẩy tránh những lần lửa bùng như phun từ miệng một ảo thuật gia diễn trò. Đứa phóng qua, đứa phóng lại trên ngọn lửa. Cuộc vui chợt biến đổi. Lon sữa bò bị đá đổ, tàn lửa văng tứ tung. “Cháy, cháy” mấy cái miệng vừa gào vừa nhổ nước miếng. Bọn trẻ hốt hoảng bỏ chạy. Thằng Liêm trờ tới với đám bã mía khô trên tay, để kịp nhìn ngọn lửa liếm qua vách lá có thứ tự và sắp bò lên nóc chòi. Nó nhớ chính mình bày đầu, nhớ mối thù với thằng Tươi, nhớ cái tội mới hồi nãy. Nó đã xúi tụi thằng Tốt đi giựt lồng đèn của trẻ xóm khác và bị người lớn rượt bắt, vừa mắng “lũ mất dậy”. Kìa, người lớn ào ra, lại người lớn, trong số đó có cả ba thằng Tươi. Không đủ thời giờ suy nghĩ lôi thôi, thằng Liêm quăng xác mía vụt chạy. Nó băng qua đại lộ, bỏ lại sau lưng con đường tăm tối. Hướng ra chợ, là chốn tấp nập, chỗ ẩn náu lý tưởng dù tạm tời. Ở đó không có những ước mơ rực cháy, nhưng sẽ đầy màu sắc, âm thanh giúp nó nguôi ngoai mối lo. Phải chi mà Điệp về sớm hơn. Điệp đang dò dẫm tránh những ổ gà đọng nước bùn. Thằng Liêm không thấy Điệp tay bưng hộp bánh Trung Thu, tay lủng lẳng cái lồng đèn, chế tạo bằng một vỏ hộp lon nước giải khát bán sẵn. Trong ý tưởng của Điệp, Điệp mong em mình có cái lồng đèn bền, không bắt lửa như mấy năm trước, hy vọng nó sẽ bắt chước để tự làm lấy. Điệp cũng không thấy được thằng em vừa chạy khuất. Qua mấy cái nhà lụp xụp và mấy bụi cây cằn cỗi, bóng ngọn lửa vu vơ như nụ cười của Điệp:

- Ý, ai đốt cái gì sáng quá!

Điệp nghe loáng thoáng tiếng dội nước, tiếng chân người rộn rịp. Lửa tắt. Điệp vừa nhận ra người ta chữa cháy lăng xăng.


PHAN KHƯƠNG THÁI  





(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 129, ra ngày 15-9-1974)