(Về Như Mai, Thanh Hồng)
Đã khuya lắm rồi, tiếng gió
xào xạc đùa qua hàng cây trong vườn dưới vòm trời sáng mờ ánh trăng hạ tuần
trông như những bóng người khổng lồ, tiếng ểnh ương nghe rõ mồn một trong đêm
vắng, tiếng xe máy vụt qua phá tan khung trời tĩnh mịch ban đêm ở xóm nhỏ.
Trong sân, bố đang cặm cụi ráp cho xong chiếc xe đạp. Hà ngồi bên cạnh để tiếp
dụng cụ cho bố. Hà không khỏi lúng túng, ngỡ ngàng trước những từ ngữ mới lạ mà
cô bé chưa từng thấy cũng như chưa từng nghe:
- Lấy cho bố cái mỏ lết số
10.
Hà vội đưa tay lục lọi trong
đám đồ phụ tùng mà chẳng biết cái mỏ lết là gì, lại còn số 10 nữa chứ! Khổ
thật, đã cận thị làm sao nhìn thấy rõ khi không đeo cái “mục kỉnh”. Hà dí sát
mắt vào đống đồ nghề kiếm bóng dáng con số 10 và nghĩ nếu kiếm ra cái số 10 thì
chắc đó là cái mỏ lết. Nhưng quái, nó đâu nhỉ? Lòng con bé đâm lo sợ bố la thì
chết. Bố đã nói:
- Đấy, đấy! Ở ngay dưới tay
con ấy! Không, tay kia kìa…
Bố càng nói Hà càng thấy
cuống lên, nhặt đại lên đưa cho bố. Chu choa, gì mà rắc rối quá, nhưng đã nhận
diện được cái mỏ lết rồi, chỉ việc nhanh mắt ghi nhớ con số là xong…
- Đưa cho bố cái kìm, cái
ống tuýp số 8 nữa rồi vào nhà lấy cọ, hộp sơn bạc nữa… à hộp mỡ nữa chứ!
Bố vừa “ra lệnh” cho Hà mà
tay vẫn không ngừng vặn ốc, ngắm nghía xem nó thẳng chưa nữa. Hà không hiểu sao
nhìn con ốc hay con tán bố đã nhận biết ngay cần phải cái mỏ lết hay cái ống
tube nào sẽ vừa. Bố hay thật, vừa đi vào nhà Hà mới nhớ rằng mình quên chưa hỏi
bố hộp mỡ màu gì, số mấy, hay lại là hộp mỡ nấu ăn, nghĩ sao Hà bèn lấy đại hộp
mỡ nhớt có màu vàng đen ra. Ố la la! Gì mà nhớp thế, mới mở cái nắp ra mà đôi
bàn tay con bé đã dính đầy. Hà đậy lại bưng ra, vừa đến cửa cô bé đã vội quay
vào, buột miệng:
- Í quên còn hộp sơn bạc nữa
chứ! Sao mình lại mau quên thế nhỉ? Đãng trí thật! Ờ chút xíu nữa lại quên
không lấy cọ. Sao bây giờ mình tối quá ta!
Lấy rồi Hà vội bước nhanh ra
sân. Bố đang chờ sẵn, đưa tay cầm lấy những thứ lủng củng con bé đem ra, bàn
tay bố dính đầy những chất đen đen trông bẩn tệ. Hà cũng ngắm lại đôi bàn tay
mình. Í ẹ! Nó cũng bẩn chẳng khác bàn tay bố tí nào. Hà hỏi:
- Gớm, sao đồ phụ tùng của
bố bẩn quá vậy bố?
- Thì tại con không chịu săn
sóc cho nó thì nó bẩn là lẽ dĩ nhiên!
Bố nói tỉnh bơ làm Hà đâm
ngượng. Cô bé rất sợ cái nghề ráp xe, sửa xe của bố. Cô bé chẳng hề để ý đến nó
nên mới ra nông nỗi…
- Đưa cho bố cái pédale với
hai con ốc dài ấy!
Ủa, pédale là cái gì cà, Hà
không hiểu:
- Pédale là cái gì hở bố?
- Cái bàn đạp đó! Con lấy
ống tube số 8 ra vặn mấy cái ốc vè này vào cho chặt xem. Biết đi thì phải biết
ráp chứ.
- Sao kỳ vậy bố? Bộ luật lệ
đặt ra cho những kẻ cưỡi xe đạp là phải ráp xe hở bố?
Bố cười đáp:
- Ừ! Chứ đi xe hỏng mà không
biết sửa lấy thì hao tài lắm. Biết sửa thì trước tiên phải biết ráp cái đã, con
hiểu không?
Hà lí nhí:
- Dạ…
Cầm cái ống tube trong tay
bắt đầu vặn, Hà cố vặn thật kỹ cũng như bố nhưng tay Hà yếu quá, vặn không chặt
lắm. Bố đang sơn lót bạc ở phía trong vè trông thấy, bố ngừng sơn, đưa tay sờ
con ốc rồi cười nói:
- Thôi cô ơi! Cô ra lấy mỡ
bôi vào dây thắng hộ tôi đi. Có vặn vài con ốc cũng không xong thì làm nên trò
trống gì!
Mắc cỡ quá Hà lủi ra chỗ
khác. Bôi nhớt vào dây thì nhẹ nhàng lắm nhưng bẩn quá Hà chả ưa tí nào cả. Tuy
vậy cô bé vẫn phải thi hành công tác chứ để bố chê hoài thì quê quá. Rồi công
việc cũng xong. Hà ngồi ngắm chiếc xe đạp mới gần xong. Hà thầm phục bố sao
giỏi quá. Bố bảo chỉ cần nhìn xe họ ráp thế nào là bố có thể ráp được, và cô bé
đã dựa vào đó để vòi có xe đạp mới. Hà đưa tay lên che miệng, cái ngáp dài báo
hiệu cơn buồn ngủ tột độ đến. Cô bé đứng dậy, nhón gót nhìn vào phòng qua khung
cửa chả thấy bóng dáng cu Cường đâu cả, chắc nó ngủ rồi. Cô bé lẩm nhẩm:
- Quên nãy không gọi cu ta
ra giúp bố, để có mình ta ngồi phụ vừa mệt vừa chán thí mồ. Có xe cũng khổ mà
không có cũng khổ. Chậc chậc…
- Này Hà, con ngồi xuống ráp
cái yên sau này vào xem…
Hà nghe bố sai bèn miễn
cưỡng ngồi xuống. Hà vặn những con tán ra, để riêng ra hai thanh sắt mỏng bắt
ngang, cô đặt cái yên lên sườn phía sau xe. Canh cho thật đúng chỗ Hà để miếng
sắt khi nãy vào, rồi mới vặn con tán. Hà thở mạnh khoan khoái ngắm công trình
mình đã góp “bàn tay xây dựng” chiếc xe của mình. Lúc ấy bố đã ráp xong. Bố bảo
Hà:
- Nào con đi thử xem chỗ nào
không vừa ý nói bố, bố sửa lại cho.
Con bé sung sướng quá nhẩy
phóc luôn lên chiếc xe mới, đạp thẳng ra vườn. Bố la lên:
- Ấy này Hà coi chừng đấy
con, mắt con yếu đi đêm thế này không khéo đâm…
Ầm… Éc…
Bố vừa nói đến đó đã nghe âm
thanh rầm rầm “Cô bé Hà không biết đã đụng vào đâu rồi”. Vừa nghĩ bố vừa chạy
vội ra vườn:
- Thôi rồi… còn gì chiếc xe
mới. Bố đã bảo con mắt kém, lại vừa trong chỗ ánh sáng con chạy bay ra ngoài
mắt con sẽ nhòa đi… Bố đã la lên mà con vẫn phóng đi à…
Bố đưa tay đỡ con bé dậy,
phủi quần áo cho con bé.
- Tại có xe mới con thích
chí quá con quên là trời tối, với lại cái xe đạp ngon quá! Con đạp có hai vòng
mà nó chạy bon bon con thắng không kịp nên đâm cái rầm!
Nét mặt mếu máo, nó vừa xuýt
xoa chỗ trầy, vừa “mò” xe. Bố cười, tay dắt chiếc xe vào sân:
- Thôi vào bố sửa lại cho!
Nhớ giữ xe cho chắc kẻo cô té cái rầm nữa thì chết bố!
Con bé đang buồn bực mếu cho
thân phận chiếc xe chưa gì đã gặp chuyện không may. Bố nhìn thương hại, bố kể
chuyện mình để mong con bé quên được vết đau nơi con bé cũng như của chiếc xe:
- Ngày xưa bố cũng chả khác
gì con. Bố để dành được đâu 500 đi tậu chiếc xe cũ về. Bố cũng loay hoay hí
hửng sửa sửa, lau lau, tô tô, điểm điểm cho mới ra. Bao nhiêu lâu phải cuốc bộ
hàng chục cây số đi học giờ được êm ả cưỡi trên chiếc xe bon bon đến trường bố
sướng nhớn người cơ. À mà có xe con chịu chở cu Cường đi học không?
Cô bé phụng phịu trả lời:
- Thôi bố ơi! Con hổng thèm
chở nó đâu. Gì mà nặng như cái cùm con yếu tay lái lắm! Có nước con chở nó
xuống ruộng luôn…
- Chứ bố mỗi ngày phải chở
ông nội con sáng đi cả chục cây số rồi trưa bố lại đón về. Hai cha con bố ăn
uống cực lắm chứ đâu được như con bây giờ. Về nhà bố thổi cơm, rồi bố nhặt rau
muống để lên trên hấp ăn với tí tương chứ nào có ai thổi cơm nấu ăn cho…
Hà nhăn mặt:
- Thế mà bố vẫn ăn được, hay
ghê! Chắc là bố ăn quen rồi phải hông bố?
Bố con bé cười trước câu hỏi
ngây thơ của con bé lên mười. Bố bảo:
- Và cô bé quen ăn ngon nên
chê bố chứ gì? Con xem bố vẫn cao lớn chứ đâu phải như con, mười tuổi đầu rồi
mà mới cao có chút xíu hà!
Con bé cười xòa:
- Mẹ nói con giống mố nè,
tất nhiên con cũng sẽ cao như bố. Con sẽ tìm đủ cách cho cao như bố cho bố xem.
– Con bé vừa nói cái miệng cong cớn, trông dễ ghét.
Bố gạt đi:
- Thôi chỉ giỏi nói. Xem
chiếc xe được không?
Mải nói chuyện với bố con bé
mau quên hết buồn, nhìn chiếc xe bố vừa sửa lại trầy nước sơn đôi chút nhưng
trông đẹp ác. Thế là mai nó có xe mới đi khoe với con Thanh con Nhạn bên hàng
xóm. Nó sung sướng thu vén nhanh đồ phụ tùng vào rồi dắt xe vào nhà ngồi ngắm.
Lúc ấy bố đã rửa tay đi ngủ rồi. Say sưa ngắm mãi không chán mắt, đến lúc nghe
tiếng bố ngáy con bé lật đật đứng dậy đóng cửa, đi rửa tay. Vừa đặt lưng xuống
con bé đã đi vào giấc ngủ mê mệt, miệng lải nhải: “… Bố mua cho con cái khóa xe
nữa bố”.
HÀ ĐÔNG (P.VTS)
(Trích tuần
báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)