Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

CHƯƠNG XII_CHÚ THỎ TINH KHÔN



THỎ LẬP VƯỜN RAU 


Sau hai phen thoát khỏi cạm bẫy của Chồn, lẽ ra thì Thỏ vui mừng thích thú vừa đi vừa nhảy, mồm nghêu ngao hát câu: 

   Thỏ nầy là Thỏ khôn ngoan
   Bọn bây sức mấy mà toan đánh lừa. 

Nhưng lần nầy, trái với bản tánh thiên nhiên của nó, nó cặm cụi đi, đầu cúi xuống, mặt buồn xo, có mấy con ruồi đậu hai bên mép nó cũng không đuổi. 

Thỏ nghĩ rằng: Sở dĩ Chồn lập mưu bắt nó cũng vì nó gây sự trước. Ai không tức khi đang cưng quí vườn rau lại có kẻ khác đến đào trộm? Việc làm xấu xa ấy mãi mãi đè nặng trên lương tâm nó. 

Thỏ so sánh nó với Chồn thì xưa nay nó siêng năng hơn Chồn nhiều. Nó lại thuộc hạng sinh sống bằng cỏ cây hoa lá thất nhiên nó rành hơn Chồn, hơn Sói, chỉ chuyên ăn thịt. Thế mà Chồn lập được cả một vườn rau tươi tốt còn nó chẳng làm xong trò trống gì. Rõ nhơ nhuốc. 

Thỏ vừa đi vừa nói thầm một mình: “Bắt đầu từ hôm nay, mình phải tự trồng lấy hoa mầu mà ăn, nhất định không được giở thói trộm cắp nữa. Khu vườn của mình nhất định phải bảnh hơn vườn của Chồn. Nhưng mình là thi sĩ, thế nào mình cũng phải đặt cho khu vườn một cái tên thật kêu.” Nó tự hỏi: “Mình đặt tên gì bây giờ?” Nó lựa chọn trong trí hết danh từ nầy đến danh từ khác, cuối cùng nó nói: “ Hai chữ Hướng Thiện mà nghe được đấy. Vì mình quyết chí đi theo con đường lương thiện không còn đeo thói trộm cắp như trước nữa. Vườn đã sẵn tên rồi, mình sẽ trồng những cây gì nhỉ? Mình phải chọn những thứ cây luôn luôn nhắc nhở đến cái tinh thần biết ăn năn hối cải của mình. Như thế thì nhất định mình phải trồng cải. Nếu mình không biết hối cải, Chồn bắt được lần nữa, nó sẽ thẳng tay hành hạ mình. Lẽ tất nhiên mình phải trồng hành. Mà Chồn đã hành hạ thì phải biết. Nó đánh mình cũng đến bầm gan giập lá lách, vậy mình nên trồng mấy vồng xà lách. Đã lập vườn ra phải ngăn ngừa đừng cho chim đậu, vì chim đậu xuống nó ăn hết của mình còn gì? Đó là một duyên cớ khiến mình trồng thêm một vài giống đậu. Vun xới, săn sóc chừng ấy thứ cây cũng đủ nhọc xác lắm rồi, nay mình phải nghĩ đến việc rào khu vườn cho thật kỹ. Việc nầy mình phải nhờ anh Hải Ly một tay mới được.” 

Thỏ có một người bạn bất ngờ: con Hải Ly. Hôm ấy Thỏ vừa gặm xong mụt măng trong miệng vừa ngon vừa ngọt, cái bụng no kềnh ra, nó cao hứng chạy nhảy tung tăng xem trời bằng ngọn rau má. Nó trông thấy một chiếc xuồng nhỏ chẳng rõ của ai cột bên bờ sậy. Thỏ xưa nay đâu quen việc chèo chống và cũng chẳng biết bơi lội là gì. Thế mà nó nhảy bừa xuống chiếc xuồng con, tháo dây, đẩy xuồng ra khơi. Khi đó nó mới tự biết là ngu dại. Những làn gió quái ác, cứ đưa chiếc xuồng mỗi lúc một xa bờ. Nó cầm lấy hai cái chầm vệt bên nầy rồi vệt bên kia nhưng nhiều khi không trúng mặt nước nữa. Nó lo sợ, nó hoảng hốt. Làm thế nào để quay vào bờ bây giờ? Nhìn xa xa nó thấy Chuột nước đang đùa giỡn với con, nhưng vì quá xa nên chắc không trông thấy nó đang ở trong cái bước nguy nan nầy. Nó tự nhủ: Tuy chưa quen biết không ngờ chị ấy đối với mình lại có cảm tình. Nếu không nhờ chị mách bảo thì mình đâu biết việc Rùa gian lận và có lẽ mãi đến bây giờ mình vẫn còn tập chạy hết hơi hết sức để thi đua với nó. Nếu gọi được chị Chuột đến đây thì chắc chị sẽ sẵn sàng đưa giúp chiếc xuồng của mình vào bờ một cách an toàn. 

Thỏ đứng thẳng lên, tay vẫy miệng gọi rối rít. Xuồng mất thăng bằng chòng chành làm nó hoảng hốt, càng hoảng hốt, nó càng đứng không vững và xuồng càng chòng chành hơn. Rồi thì “tỏm” Thỏ lăn nhào xuống nước, xuồng lật úp lại. Nó chới với trong chốc lát quyết phấn đấu với nước, nhưng nước cứ tràn vào mồm, vào mũi, vào hai cái tai dài và nhọn của nó. Thôi phen nầy mầy chết rồi Thỏ ơi! Nó than thầm trong bụng rồi thân hình cứ chìm xuống không ngoi lên được nữa. Trong khi ướt đẫm cả lông lá mình mẩy, nó nhắm mắt chờ chết thì có một vật gì mà nó không rõ từ dưới cứ đẩy lần nó lên cao cao mãi rồi nó trông thấy ánh mặt trời vui vẻ nô đùa trên mặt nước. Vật ấy đưa nó vào bờ bình yên vô sự. 

Mừng được thoát nạn, nó đưa mắt nhìn thì thấy ân nhân nó lông lá hình dáng hơi giống chị Chuột nước nhưng to lớn hơn. Đặc biệt là cái đuôi hơi dài và đẹp, đơm đặc những vảy như trên thân hình chị Trút. Hai chân sau của nó càng lạ hơn vì có những miếng da nối liền các ngón với nhau giống chân vịt. 

- Anh là ai mà lại cứu tôi thế? Ơn nầy thật chẳng bao giờ tôi dám quên. 

- Anh không nên nói đến chuyện ân huệ. Ở đời giúp nhau là chuyện thường. Tôi là Hải Ly. Còn anh thì tôi biết đã từ lâu, anh thường chạy nhảy bên bờ sông những đêm trăng sáng. Nhưng không biết lội sao anh lại chèo xuồng? 

Thỏ cười hì hì đáp: 

- Loài thú chúng ta hay có tánh kỳ cục như vậy đó. Lắm lúc biết là làm quấy nhưng vẫn làm đến khi ăn năn thì đã muộn. 

- Anh quen sống trên khô đâu có thể chịu ướt được, hãy về nhà tôi, cũng ở dọc theo con sông nầy, cách đây chỉ chừng vài chục thước. Chúng ta còn nhiều chuyện nói với nhau. 

Hải Ly mời Thỏ ngồi vào chiếc ghế bành ngay giữa gian nhà, bảo vợ lấy rơm nhúm lửa để Thỏ sưởi cho khô ráo bộ lông óng ả đang dính sát vào mình. Khi Thỏ đã khô ráo rồi, Hải Ly đưa Thỏ đi xem khắp cả ngôi nhà của nó ở. Nhà xinh xắn và ngăn nắp: phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách riêng biệt. Lại có một phòng dành cho mấy chú hải ly con. Phía sau cả là nơi dùng chất lương thực, rơm rạ phơi khô để lót nằm cho ấm khi đông về lạnh lẽo. Nhưng điều khiến Thỏ phục hơn cả là cái bể cạn chứa nước ngay bên cạnh nhà. Hai vợ chồng lấy bùn đắp thành tường cao rồi đào sũng xuống lòng đất như một cái hố cạn. Bên ngoài bức tường bùn, Hải Ly sắp gỗ và cành lá để giữ cho tường khỏi ngập. Mùa nắng bao giờ hai vợ chồng cũng đủ nước dùng ngay cả những khi sông hồ bị khô cạn. Còn gặp mùa nước lớn, Hải Ly lại có thể đào những đường rãnh, tháo nước ra ngoài để nhà cửa khỏi tràn ngập. 

Từ hôm Hải Ly cứu Thỏ thoát tai nạn, hai đứa kết thành đôi bạn thân. Hải Ly thỉnh thoảng đưa Thỏ đi xem hai vợ chồng nó đốn cây. Thỏ chưa từng thấy một con thú nào có hàm răng bén nhọn như Hải Ly. Chúng gặm quanh như để vạch dấu rồi cứ theo đó gặm sâu vào mãi. Chẳng bao lâu thân cây to lớn chỉ còn lại một cái ròn nhỏ ở giữa. Chúng chạy ẩn núp một nơi an toàn để chờ đợi những trận gió. Chẳng bao lâu gió nổi lên và không cần phải thổi mạnh lắm cũng đủ xô ngã cả thân cây to lớn, rơi xuống bờ sông đánh ầm một tiếng, nước văng tung tóe. Vợ chồng Hải Ly nhảy ngồi trên thân cây, tỉa sạch cành lá, xong xuôi, chúng gặm thân cây ra từng khúc ngắn thả xuống sông, đoạn chúng lội theo, rồi lăn lần vào nhà để dùng những công việc cần thiết. 



Thỏ chọn một khoảng đất, cũng trên bờ sông và ngay trước nhà nó để lập vườn rau. Nhờ vợ chồng Hải Ly giúp đỡ một tay nên Thỏ rào quanh vườn rất kỹ… chỉ chừa một cái cổng hẹp để dễ canh gác. Nó kết rơm làm thành con bồ nhìn trên tay cầm lá cờ, đem cắm ngay giữa vườn. Từ hai cánh tay của bồ nhìn có những sợi dây dài chạy thẳng xuống tận hang, cột vào chiếc võng. Mỗi khi gia đình nhà Thỏ ngồi đu trên võng kéo luôn mấy sợi dây làm chuyển động cánh tay bồ nhìn phất cờ lia lịa. Nhờ thế  mà bầy chim hoảng sợ không dám đậu xuống ăn hạt giống của Thỏ vãi. 

Vì biết rõ tánh chất của các loại rau thứ nào hạp với loại phân gì, thứ nào cần phải tưới nước nhiều ít nên Thỏ trồng cây rất có kết quả. Rau đậu lớn mau và lớn mạnh. Nếu so sánh thì vườn rau của nó mau tốt hơn vườn rau của Chồn nhiều. 

Nhưng giàu có thì dễ sinh ra hà tiện. Không phải nó giàu tiền, nhưng giàu xà lách, cải và đậu. Hai vợ chồng và đứa con chỉ dám ăn rất ít, còn thì định kêu người đến bán. 

Chỉ mới trong ý định chứ chưa kịp thực hiện thì một buổi trưa, nó đi kiếm phân ngựa trở về, thấy một con Sấu to lớn, không biết từ dưới sông bò lên hồi nào, nằm chềnh ềnh giữa vườn rau, cái đuôi vất qua vất lại. Một phần lớn rau đậu bị nát bấy. Cái hàng rào mà nó tưởng là kiên cố chỉ đủ sức ngăn chận những con thú nhỏ và yếu chứ đối với Cá Sấu thì nó chẳng coi ra gì. 

Thỏ ngắm khu vườn mà như đứt từng khúc ruột, nhưng sức nó thì làm gì nổi Sấu? 

Nó tự nghĩ: “Đối với con ác thú khổng lồ nầy, ta chỉ có cách xuống nước mà van xin nó là hơn cả.” Thỏ bước vào, đứng bên cạnh Sấu, lễ phép nói: 

- Ông ơi! Cả gia đình con sống nhờ cái vườn rau nầy. Vợ chồng con thức khuya dậy sớm, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới gầy dựng được bấy nhiêu, không ngờ ông dẫm hư sạch cả. Nếu ông bò trở lại xuống sông thì con đội ơn ông nhiều lắm.” 

Sấu như không thèm để ý đến những lời năn nỉ của Thỏ. Nó trườn tới một cái nữa đẩy mạnh, làm con bồ nhìn ngã lăn ra đất, giày xéo thêm mấy bụi xà lách và một đám cải xanh tươi. 

Thỏ nói tiếp: 

- Ông không nghe lời con thì con khóc đây nầy. Con khóc thật tình, nước mắt ròng ròng chảy xuống chứ không phải năm ba giọt giả dối như ông đâu! 

Sấu không chút cảm động. Nó lim dim cặp mắt, rồi nhắm trít lại, cất tiếng ngáy khò khò, không hay biết trời đất là gì nữa. 

Thỏ tự bảo: “Mình van xin ông ta cũng coi thường, mình dọa khóc ông cũng không buồn lưu ý thế thì mình chỉ có cách dùng biện pháp mạnh.” 

Nó vào nhà cùng vợ con đem rơm rạ, cành lá khô, chất quanh mình Sấu. Sấu ngủ mê man không hay biết gì. Khi lớp cành lá khô đã lên cao vây lấy Sấu ở giữa, Thỏ mới bắt đầu trận hỏa công. 

Rơm rạ bốc cháy, củi khô nổ răng rắc, khói xông mù mịt vào mũi và mồm Sấu. Nó ho, nó sặc, nó ách xì, nó trào nước mắt ra. Bấy giờ thì Sấu đã tỉnh hẳn. Nó nhìn bốn phía, ngả nào cũng lửa và lửa. Nó đâm sợ. Thôi cũng đành liều. Nó nhắm kín hai mắt, văng mình qua đống lửa, bò lanh ra khỏi đám cháy. Tuy da nó dày nhưng cũng bị phỏng nhiều nơi. Nó đau đớn, ngảnh mặt nhìn lui, thấy vợ chồng Thỏ ẩn sau gốc cây đang cười rúc rích. Nó lớn tiếng hăm dọa: 

- Chúng bây liệu chừng mà xuống múc nước và vớt bèo! Tao mà vớ được thì nhai xương cả vợ chồng con cái. 

Vợ chồng Thỏ biết không sao tiếp tục chăm sóc khu vườn được nữa. Vì trồng cây thì phải bỏ phân, phải tưới nước. Sấu đã hăm dọa như thế thì cũng có ngày nguy đến tánh mạng.



___________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XIII