Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

CHƯƠNG VIII_NGỤC THẤT GIỮA RỪNG GIÀ



 CHƯƠNG VIII


Than ơi ! Sinh không bao giờ có thể ngờ rằng tụi sát nhân đã chờ sẵn bên cầu để giết nó và con vật. Nếu biết, Sinh hẳn không bao giờ dám đi nghênh ngang giữa đường và vui vẻ đến mức đó, nó sẽ cẩn thận hơn... Song biết làm sao được ? Nó chỉ là đứa trẻ…

Giang Khâm và Kha nằm dài trên cỏ sau khi cắt Tư Gấc ngồi gác trên ngọn cây.

Cả hai vừa mơ màng nghĩ đến cuộc đời sang giàu thế lực khi kết liễu sinh mạng thằng bé và con chó. Còn ông Ngọc Sơn thì khỏi bận tâm : ông ta đã chết trong rừng rồi cũng nên. Cũng chẳng cần nghĩ đến chuyện phi tang: xác ông đã có vô số sinh vật trong rừng già lo việc ma chay. Phần chúng, chúng sẽ tếch xa với kho vàng vô chủ, nếu tiện dịp Giang Khâm nghĩ thêm Mình sẽ thanh toán bớt vài thằng, hay giết tuốt cả ba để trọn hưởng sang giàu. Ô ! Suy cho cùng thì mấy thằng vô dụng này có sáng kiến hay ho chi đâu ? Trong vụ này toàn là công lao một mình ta : giết Ngọc Sơn, ta giết ! Bắn thằng Sinh, ta bắn, con chó rồi cũng vậy cho coi. Ai đã khám phá ra kho tàng chớ ? Bỗng Giang Khâm giật mình, nhớ đến chuyện thiên đường và địa ngục mà hồi nhỏ hắn thường nghe mẹ hắn mang ra kể để khuyên hắn nên làm lành lánh dữ. Xì ! Chuyện cũ mèm, xưa rích, để phỉnh con nít chớ phỉnh sao được Giang Khâm ? Mà dù cho có thật, mấy chỗ đó xa lắc, chết rồi mới biết. Cốt sao hưởng lúc sống đây cái đã ! Nếu quả có địa ngục thì làm sao mình tránh nổi ? Vì chậm quá rồi, thêm hay bớt vài mạng người cũng không thay đổi được. Mình giết biết bao nhiêu mạng ? Không nhớ xuể nữa. Giang Khâm tặc lưỡi một cái, cười gằn như thách thức :

- Tụi quân canh dưới đó cứ mở cửa đi, còn lâu lắm tao mới xuống dưới, hà, hà, hà !

Kha đang lim dìm mắt, nghe những lời quái gở của Giang Khâm, hắn tưởng tên này hóa cuồng, vội vàng ngồi lên, dớn dác hỏi :

- Anh nói cái gì vậy ? Anh tỉnh không ?

- Chớ ai điên hồi nào mà không tỉnh ?

- Chớ anh nói gì quân canh... mở cửa ?

- Ạ ! Tôi nói chuyện chơi mà... tôi nói là tụi quân canh dưới địa ngục cứ mở cửa sẵn chờ, còn lâu tôi mới xuống, hiểu không ?

Hai tên gian ác cùng cười sằng sặc. Riêng Kha thì vừa cười, vừa nghĩ "Nếu có địa ngục thì chắc chắn là Giang Khâm phải chui vô sau khi chết, khó lòng thoát khỏi, trừ phi có cánh, mà làm sao nó có cánh được ? Cánh ở trên nhà gác Thiên Đàng chớ, ai hiền lành, tu nhân tích đức mới được lên nhận đôi cánh chớ. Rồi hắn chợt nhớ đến thân phận mình mà đâm lo lo, nhưng sau đó, hắn chống chế rằng không phải lỗi hắn, hắn không có chủ mưu vụ này, tại Giang Khâm mà ra. Ủa, nhưng tại sao mình không từ chối ? Mình cũng tham vàng ! Lần thứ nhất, lương tâm của tên Kha vùng dậy! Song quá muộn. Kha tặc lưỡi tự bênh vực mình trước tòa án lương tâm : "Làm sao chống lại thằng gian ác được ? Nó hung dữ, nó buộc mình vô, nếu không nó vu cáo cho mình". Thế là xong, lương tâm của Kha yếu quá !

Còn Tư Gấc ? Thật khổ sở cho thân hắn : khi người ta đã béo phệ mà còn phải ngồi dạng hai chân hai bên trên một cành cây, nhất là cái bụng nặng chứa đầy những mỡ lại cứ phải nhìn về hướng tây vào lúc mặt trời lặn. Tuy vậy, Gấc không dám kêu ca, sợ Giang Khâm nổi nóng, Khâm vốn rất dễ dàng nổi nóng.

Khi Gấc bắt đầu nản, muốn tuột xuống vì chịu hết nổi thì, trời ơi ! Rõ ràng hắn thấy thằng bé đang đi về hướng này, bên cạnh là con chó tung tăng. Thật là trời thương hắn, hắn nghĩ thế, trời đền công hắn đây mà ! Lập tức, Gấc lấy tay che mắt để nhìn cho kỹ những miếng mồi tự động đưa vào miệng cọp ! Sau cùng, Gấc thở phào như trút một tạ gạo xuống khỏi vai.

Vội vàng tuột xuống rồi khom mình để khỏi bị kẻ thù trông thấy, Gấc chạy lại bên hai bạn, chạy dọc, ẩn mình trong đám hoa rừng nhiều màu sặc sỡ :

- Giang Khâm ! (Gấc gọi nho nhỏ, tay lay vai đồng bọn) thức dậy đi, chúng tới ! Tôi vừa thấy chúng trèo qua ngọn đồi kia, cách đây một đoạn khá xa, nhưng chính chúng, không sai suyển chút nào, tôi nhìn sai, anh chặt đầu tôi đi !

- Chúng ? Là những ai ?

- Ai nữa ? Thằng nhóc và con chó.

Kha ngáp gần sái hàm trong. lúc Giang Kham ngồi bật dậy như cái lò xo bị đè xuống vừa bung lên. Hắn nhặt khẩu súng săn vừa đánh cắp của ông Ngọc Sơn, lên đạn, rồi nói .

- Nghe đây : tôi qua núp bên kia cầu. Hai anh ở bên này, cứ yên lặng chờ cho thằng bé với con chó lên cầu rồi hãy chường mặt ra, la hét ầm ỹ lên như thể là định đuổi theo chúng. Khi chúng đến giữa cầu, tôi sẽ chặn lại và bắn ngay vào đầu mỗi dứa một phát, cả chó cả người sẽ lăn tòm xuống vực sâu, thịt xương nát tan... Sau đó xác chúng sẽ trôi theo giòng nước, cuốn tận đến thác mất tích luôn. Tôi bảo đảm với các anh là nếu xác chúng không tiêu tan đi nữa, cũng không ai nhận ra, trừ cha nó... Mà cha nó thì đã theo ông bà về dưới từ lâu...

Tư Gấc rùng mình một cái, ớn lạnh vì sợ. Tên Kha thì gật đầu, công nhận lời tên cầm đầu là đúng... Giang Khâm bước qua cầu trước khi quay lại dặn :

- Mấy anh đừng ở đây. Hãy đến núp cách chỗ này năm mươi thước về phía tay phải kia...

Hắn chỉ tay về hướng Bắc, tiếp :

- ... Chặn thằng Hiếu lại khi nó vừa tới. Biết chừng nó cũng gần trở lại đây rồi đó. Đừng để nó làm hỏng kế hoạch của mình. Hãy nhớ kỹ lời tôi, phải nhớ kỹ thằng nhỏ lanh, con chó cũng quỉ quyệt nữa.

Gấc và Kha làm theo lời Giang Khâm ngay. Giang Khâm hài lòng lắm, thủng thỉnh bước lên cầu. Ba mươi thước dưới chân hắn, một giòng nước chảy xiết trong lòng vực sâu lởm chởm đá giống như hàm răng của gã khổng lồ. Bọt nước sủi trắng xóa.

Mặt trời lặn càng lúc càng mau hơn khi xuống gần chân trời. Một sự im lặng đáng sợ bao trùm cả cảnh vật.

Bờ bên phải Giang Khâm hờm súng chờ. Bờ bên trái hai tên Kha, Tư Gấc nấp trong bụi rậm. Cái bẫy đã giăng ra, người và vật nhất định sẽ chui vào.

Khi hai sinh mạng này bị kết liễu thì đời ông Ngọc Sơn cũng tàn theo, dễ như lật bàn tay.

Sinh rảo chân bước, một mặt cái hy vọng được giải khát sớm và được nghỉ làm nó thêm hăng hái, mặt khác, nó cũng muốn qua khỏi cầu trước khi trời tối hẳn.

Nhưng kìa, con chó từ nãy vẫn chạy lon ton sau lưng Sinh vẻ mệt nhọc, bỗng ngừng lại, ngẩng đầu lên hít mạnh, rồi nó nhìn sang phải, nhìn Sang trái, gầm gừ nho nhỏ và chạy vụt vào bụi rậm sủa ầm lên.

- Lại đây ! Bốp ! Lại đây !

Bốp vẫn không quay lại. Sinh sực nhớ ông Ngọc Sơn vẫn thường nói với con vật : "Ngoan nào ! Ngoan nào ! Bốp !" mỗi lúc Bốp không tuân lời, nên bắt chước liền.

Con vật im lặng và trong sự im lặng tương đối đó, Sinh nghe tiếng chó hớp nước kêu lách chách, lách chách. Sinh phì cười, nguôi ngay tức giận. "Phải để cho nó giải khát, tội nghiệp", Sinh nói thầm.

Sinh cẩn thận vạch từng bụi cây chui vào và thấy người bạn bốn chân đang say sưa uống nước. Có lẽ cả đoàn báo trong rừng già kéo đến, Bốp cũng không mảy may chú ý.

Thay vì rầy Bốp, Sinh chỉ khẽ đẩy nó ra, quỳ xuống đó và uống nước từ nguồn chảy luồn dưới một hòn đá đầy rong rêu.

Bốp gầm gừ xoay quanh chủ để tìm cách uống nước nữa. Rồi thấy không được, nó bực bội nằm xuống như một con ếch, giữa đám cỏ, gần nơi nước chảy. Dòng nước êm ả chảy luồn trong vạt cỏ được một lúc rồi lại biến vào lòng đất, tiếng kêu nghe rong róc nho nhỏ vui tai.

Uống xong, Sinh đứng lên, người và vật đều đã khát. Trên trời thấp thoáng ánh sao. Con Bốp uống no căng bụng ra. Sinh thấy một bên sườn của nó lúc nãy xép ve bây giờ căng phồng lên. Đây là lần thứ tư khi chủ bị nạn, Sinh thấy lòng thanh thản, vui vẻ, nó huýt sáo nho nhỏ và con vật nhảy cẫng lên, rồi cả hai nằm lăn dưới cỏ. Con Bốp, nhận thấy chủ vui nó lăn lộn trong cỏ ướt nhiều lần rồi vung vẩy, rũ lông làm cát ướt bắn đầy mình tiểu chủ. Sinh cười khanh khách.

Vài tia nắng cuối cùng sắp tắt hẳn trên nền trời hoàng hôn. Sinh tìm đường dẫn đến chiếc cầu. Nó bảo Bốp:

- Thôi chúng ta lên đường ! Phải qua cầu trước khi trời tối đen. Nếu không khó đi lắm.

Bốp nghe ngóng một chút rồi vẫy đuôi, nó đứng bằng hai chân sau, hai chân trước bám vào cái xách đựng thịt Sinh mang theo mình. Sinh cười bảo nó :

- Đồ ăn tham ! Bụng mày sao mà giống cái túi lủng, nhét thịt vô đấy một chút là trôi mất tiêu !

Nhưng Sinh cũng dừng lại, mở xách, lấy miếng thịt báo quay vàng ngậy ra, rồi lục tìm dao :

- Đây nè, cho một miếng thôi, nghe không ? Phải để dành. Coi tao đây : tao không đụng tới, tao chỉ ăn có chút bánh đây này. Để qua khỏi cầu mình sẽ ăn, ngon hơn.

Cặp mắt xanh của con Bốp sáng rực lên và khi chủ nó vừa lấy thịt ra, chưa kịp dùng dao cắt cho nó một miếng nhỏ như ý định thì vụt một cái, con vật chồm lên giật miếng thịt, chạy bay.

Sinh tức giận kêu lên và đuổi theo, nhưng khi nắm được cổ nó, nó đã ăn hết một nửa rồi. Thật là quá, miếng thịt dành cho cả cuộc hành trình chứ ít đâu ?

Bốp vụt chạy, song rồi biết lỗi, nó quay lại, cúi đầu, đuôi và tai quặp xuống, bộ dạng nom thật đáng thương. Sinh vỗ vỗ vào mõm nó, nói :

- Tao cũng đói mà ráng nhịn, mày hư lắm, nhưng mà thôi, tha cho ! Nếu tao không thương, tao quất cho một trận đau ngất chớ không phải lôi thôi đâu !

Bốp nghếch mõm lên, đuôi nhịp nhịp lộ vẻ mừng rỡ, nó biết rằng đã được Sinh tha tội cho rồi.

Rồi Bốp ngồi xuống coi bộ bối rối trong khi chủ nó dùng tay lau sơ sơ miếng thịt còn lại, cho vào xách và lấy một miếng bánh vừa đi vừa ăn.

Trời tối sầm. May mà Sinh thấy hai hành tinh rất sáng Vénus ở đúng hướng nó muốn theo để đến cây cầu dây, Sinh theo đó mà đi.

Bốp chậm chạp theo sau, nó uống nhiều nước quá rồi ăn thịt vô cả hai ký thịt nên dạ dày nó trở nên óc ách, nặng nề. Nhiều lần, tiểu chủ nó phải dừng lại chờ. Sau cùng Sinh hết kiên nhẫn, cúi đỡ nó lên tay.

- Mày thật đáng đòn, nhưng tao thương mày quá. Đừ rồi phải không ? Ưng ẵm chớ gì ? Được rồi, tao ẵm cho một chút, nhưng ngày mai thì phải đi nghe không ?

Vừa nói Sinh vừa vuốt ve cái đầu đen mượt và còn ướt đẫm. Sinh ôm chó trong tay, xuống dốc và bắt đầu qua cầu. Tiếng thác đổ vang lên tận tai Sinh. Sinh vẫn không chút nghi ngờ, vui vẻ nói :

- Nếu mày không dễ thương tao sẽ vứt mày xuống dưới kia, dưới đó đá lởm chởm như cả trăm con dao nhọn. Hết đời mày, còn hòng gì ăn cướp thịt...

Bốp ngửng lên, liếm mặt chủ để tỏ ra mình hiểu là chủ chỉ nói đùa thôi.

Đúng lúc đó, bỗng thân nó săn cứng lại, hai tai vểnh lên, lông khắp mình dựng đứng, nó gừ gừ nho nhỏ và nhoài cổ ra qua vai Sinh cái vai trần không áo để nhìn lại phía sau. Sinh không nghĩ đến gì khác ngoài cành cây to sẽ được trèo lên nằm ngủ trong mươi phút tới, hỏi đùa :

- Cái gì vậy ? Đừng sợ, có tao đây mà ! Đồ nhát gan ! Chút nữa là mình qua khỏi cầu và được nghỉ ngơi. Đừng sốt ruột !

Lạ thay : được chủ vỗ về, Bốp vẫn không im lại rền rĩ to thêm. Thật ra nó không nghe gì hơn Sinh, nhưng ban đêm cái mũi ươn ướt của nó trở nên rất thính, có ích hơn đôi mắt. Bốp đã đánh hơi được mùi của Tư Gấc và Kha. Nhất là tên đầu bếp, mồ hôi hắn nặng mùi hơn ai cả. Bốp ghét Tư Gấc cũng gần bằng Giang Khâm, vì những khi ông Ngọc Sơn vắng mặt, tên này hay chơi xấu lắm, hắn cho Bốp ăn lưng lửng mà thôi !

Cái dốc nhỏ có trải đá dẫn xuống cầu dây. Hai bên có hai hàng cột cắm sâu dưới đất. Những cái dây chắc dùng làm cầu được cột chặt vào các trụ này, y như dây neo, những dây phía dưới làm cầu, còn dây trên thì làm tay với.

Sinh nắm dây thong thả xuống cầu. Con chó không bằng lòng, gào lên. Sinh gắt :

- Im đi, ! Đừng làm tao té giờ đó ! Được ẵm trên tay còn sợ nỗi gì ?

Bốp cố hết sức để Sinh hiểu rằng có hai tên gian chờ mình, song vô ích. Vẫn vô tình, Sinh vỗ vỗ mõm nó, bước đi.

Tiếng thác đổ, sâu dưới ba mươi thước át cả mọi tiếng động khác. Gió hây hẩy vuốt ve mặt Sinh. Vẫn giữ con vật thân yêu bằng tay trái, tay mặt vịn dây cầu, Sinh bước tới không chút do dự trong bóng đêm.

Được cỡ ba thước, gió thổi mạnh hơn làm chiếc cầu dây đong đưa vì sức nặng của Sinh và con vật không đủ để giữ cho cầu được vững. Nhưng Sinh không sợ cứ tiếp tục đi, cỡ mười thước, chợt có tiếng quát the thé trong bóng tối.

- Giang Khâm ! Giang Khâm ! Nó qua cầu ! Nó...

Sinh gần đứng tim khi nhận ra tiếng Kha, trong lúc Kha tiếp tục réo to :

- Giang Khâm ! Anh nghe chưa ? Thằng Sinh qua cầu rồi đó !

Mười giây qua, chỉ còn có tiếng gầm gừ của nước dưới vực sâu và tiếng gió lướt trên cầu. Sinh đứng yên như pho tượng gỗ. Suốt buổi chiều hôm nay nó quên bẵng kẻ thù. Giang Khâm và đồng bọn hung ác của hắn như là những dấu chân in trên bãi biển bị sóng cuốn mất tăm trong trí Sinh, thật vậy : mỗi bước chân bước đến đưa Sinh trở về với thế giới văn minh, hình ảnh bọn chúng mỗi nhòa nhạt thêm lên, cho đến một lúc, Sinh quên tiệt chúng.

Nó tin tưởng đến ngày mai, đến cái làng gần nhất mà nó tới cầu cứu, đến vị bác sĩ, đến cảnh tượng ông Ngọc Sơn nằm trên võng, đến...

Giọng nói của Giang Khâm át cả tiếng gió và tiếng nước gào thét dưới vực sâu :

- Tôi đợi nó đây ? Đẩy nó về phía tôi !

Sinh choàng tỉnh. Lông Bốp dựng đứng lên, nó ngẩng nhìn tiểu chủ như muốn hỏi : "Lại đánh nhau nữa phải không ?".

Sinh quay nhìn phía sau song không thấy gì cả, bóng tối phủ dày im sững, nền trời thì hơi nhạt hơn và ánh sao trông xa như một cái gối găm kim gút. Chiếc cầu rung động nhẹ, nhờ vậy, Sinh biết là có người vừa bước lên cầu, tiến về phía nó. Chắc là thằng Kha làm theo lời tên Khâm chớ còn ai ? Như cái máy Sinh bước tràn ra giữa cầu. Mỗi bước chân Sinh cái cầu lại trĩu xuống, cầu đã quá cũ tuy ít người đi lại và không hề được sửa sang. Sinh đi được gần hai mươi thước, còn cỡ bốn mươi thước nữa là qua khỏi cầu. Giọng Giang Khâm vang lên, nóng nảy :

- Kha, anh tới chưa ? Nó đâu ?

Sinh run rẩy gần như ngã khuỵu xuống, không bước tới được mà lùi cũng không, vì trước mặt sau lưng đều có kẻ thù đón đợi. Hoảng sợ, Sinh đành đặt con vật xuống cầu và vô cùng kinh ngạc thấy con Bốp tức thì chui qua chân mình chạy về phía tên Kha. Tiếng chó sủa làm Sinh can đảm lại, khuyến khích :

- Giỏi đó, Bốp ! Tấn công liền đi.

Đó là những lời Sinh nghe chủ thường dùng để sai khiến con Bốp mỗi khi bị nghẽn đường vì bò (Sự kiện này thường xảy ra tại Ấn Độ, phần đất bò được xem như một linh vật). Bốp luôn luôn phản ứng mạnh mẽ : nó xông vào giữa mấy con vật ăn cỏ mà sủa rống lên và tìm cách táp vào chân chúng. Bây giờ cũng vậy. Bốp sủa ầm ỹ, tiếng nó gần át tiếng thác gầm. Kha lùi lại ngay; hắn vẫn gờm hai hàm răng của Bốp dù hắn có con dao trong tay. Hắn làm gì được với con dao trên một cái cầu dây không ngừng đu đưa như cái võng dài vì gió lớn ? Đã vậy con Bốp đen như mực, lẫn với bóng đêm, hắn không thể nhận ra, còn dưới chân hắn thì vực sâu thăm thẳm, Kha vừa thụt lui vừa chửi rủa ầm lên để dọa con Bốp. Trong lúc đó, Giang Khâm bước lên cầu, hắn cảm thấy cầu rung động dữ dội :

- Cái gì vậy hả Kha ?

- Con chó quỉ cắn tôi…

- Đá nó một cái cho nó lăn tòm xuống vực sâu, dù sao anh cũng mạnh hơn nó mà !

- Nhưng tôi có thấy gì đâu... mà tôi cũng không muốn lọt xuống vực...

Kha vừa nói vừa lùi lại thật mau, song hắn không dám quay lưng lại, vì hắn muốn cho con vật sợ mình... Giang Khâm chửi thề ỏm tỏi, và tiến tới. Sinh biết thế vì cầu rung động dữ dội hơn. Sinh do dự vì chưa biết ứng phó ra sao : kẻ thù đáng sợ nhất đang tiến về phía mình, Sinh định quay lui về bờ bên trái, cùng lúc đó, Bốp cũng trở lại phía Sinh. Mười giây sau, Kha la to :

- Bắn thẳng trước mặt anh là trúng đầu nó liền, tôi đã rời khỏi cầu rồi !

Chiếc cầu lại ngưng rung động, Sinh hiểu ngay Giang Khâm đã đứng lại, sắp bắn mình. Sinh rất lo : hắn có thể bắn sai nếu dùng súng trường, nhưng với cái súng săn... thì Sinh chỉ còn một lối thoát duy nhất : nằm phục xuống dưới cầu dây. Nhiều mối dây đã đứt, nhiều mắt dây khác kêu răng rắc như cũng sắp đứt. Sinh suýt lọt qua mấy kẽ dây, song may sao: trong lúc lính quýnh như thế nó có ý kiến hay là cứ để thân mình lọt xuống và cố nắm chặt hai sợi dây lớn nhất, hai sợi dây chính thôi. Thế là, Sinh bám chặt vào hai dây đó, đong đưa giữa khoảng không bên dưới cầu. Bốp chúi mõm vào cổ, sờ soạng và rên rỉ. Hai phát đạn liên tiếp làm nó nhảy dựng. Một tia lửa từ nòng súng dài một thước lóe lên làm khoảng cầu chỗ bên này và bờ bên trái sáng rực. Mất bình tĩnh vì ngọn lửa kèm với tiếng nổ, phần bị thương ở khúc đuôi, Bốp phóng về bờ bên trái trong lúc Kha chạy lên quan sát. Vậy là Kha bị con vật húc mạnh một cái, ngã chửng, hắn hét lên như bị cắt tiết. Giang Khâm đang đi tới, khựng lại vì tiếng hét này. Bốp cũng sợ không kém, quay lại phía Giang Khâm, tiếng thác lấp cả tiếng thở hào hển của Bốp, bộ lông của nó lại lẫn vào bóng đêm nên Khâm không thể đề phòng, đụng phải Bốp, hắn cũng hét dựng, cũng nhảy chồm lên và cảm thấy mất thăng bằng, một chân vắt vẻo nơi tay vịn của cầu dây. Sợ điếng hồn, Giang Khâm buông súng ra để níu dây cầu và cây súng lọt qua lỗ hổng rơi tòm xuống vực.

Cây cầu chợt rung rinh mạnh làm Sinh khiếp đảm, mấy ngón tay bám chặt bắt đầu lơi dần. Rồi yên lặng trở lại, cầu bớt đong đưa, Sinh hơi bình tĩnh một chút. Giang Khâm hằn học hỏi hóng lên :

- Nó đâu rồi ?

Tiếng nói gần Sinh quá, Kha trả lời :

- Thằng Sinh hả ! Ai biết đâu.

Tim hắn nhảy thình thịch trong lồng ngực vì sự xuất hiện bất ngờ của Bốp, vừa xoa xoa sau ót đau điếng vì cú té lăn, hắn vừa nói thêm :

- Hồi nãy, tôi thấy nó trên cầu mà.

Bước chân càng đến gần Sinh hơn, Giang Khâm dẫm lên sợi dây cách tay Sinh đâu cỡ năm phân, rồi hắn rời xa và tiếng chửi thề của hắn nhỏ dần về phía trái, Kha không nhịn trước cơn giận của Khâm như trước nay, hắn cãi lại ong óng. Tư Gấc cũng góp lời, tuy từ nãy giờ hắn không dự vào việc săn đuổi Sinh.

- Đồ nhát gan ! Các anh để nó qua khỏi cầu rồi !

Giang Khâm kết tội đồng bọn của mình. Kha cãi lại :

- Không có ai qua cầu hết, tôi tránh ra để anh dễ bắn, rồi anh bắn xong là tôi trở lên cầu liền. Con chó chồm lên làm tôi té, chớ lỗi gì ở tôi ? Không biết con chó quỉ đâu rồi ?

- Tôi cũng bị nó chồm lên làm trượt chân. Nhưng cái đó không quan hệ Giang Khâm cằn nhằn trong lúc chưa hoàn hồn Tôi muốn biết thằng Sinh đâu ? Nó đã lên cầu rồi mà biến mất thì có lẽ nó đã thoát qua cầu, về bên trái...

- Không ! Tôi đứng yên đây, mắt không rời khỏi cầu, không ai qua đây trừ thằng Kha.

Tư Gấc lên tiếng biện hộ cho mình. Ba tên im lặng tìm hiểu theo ý riêng về sự kiện lạ lùng. Giang Khâm chợt nói :

- Sinh là thằng ranh con, tôi dám chắc nó bám dây đu đưa đằng kia chớ không đâu hết…

- Ủa, chớ khi anh bắn, lửa tóe lên anh không thấy nó ư ?

- Không, vậy mới kỳ...

- Vậy mà nó ở trước mặt tôi kia chớ. Tôi thấy có một cách giải thích rõ ràng : anh đã bắn trúng nó, nó bị thương rơi xuống cầu rồi, hiện giờ nước cuốn xác nó tuốt dưới xa kia.

- Không ! Giang Khâm quả quyết cầu trống không khi tia lửa lóe lên. Coi tìm vài cây gậy, cột cành khô vô làm đuốc ! Phải tìm ra nó, nó đang đu đưa dưới cầu. Lẹ lên ! Không thôi nó thoát về phía bên mặt cho coi !

Trong lúc chúng nói chuyện, Sinh không phí một giây, vai và các bắp thịt rã rời, tê cứng, nó cố sức móc mấy ngón chân vô dây cho hai tay được nghỉ. Rồi nó nhích dần hai vai lên. Một lúc sau, Sinh trồi lên cầu, nhưng bỗng có một bóng đen trờ tới làm Sinh hoảng hồn. Ra là Bốp, Bốp liếm mặt chủ, liếm tay chủ để khuyến khích. Sinh mừng thầm, ra lệnh nho nhỏ :

- Xích ra, để tao làm việc, đừng làm vướng tao !

Con chó ngoan ngoãn nhích ra. Trong lúc chủ nó cố sức rút một chân lên, rồi từ từ rút thêm chân nữa, con vật nằm yên chờ đợi…

Sinh đã lên được khỏi cầu. Nó nằm ngửa, nhìn trời, trán tấm tấm mồ hôi lạnh. Sự mệt mỏi và kinh hoàng làm nó tê liệt cả người. Bốp lấy mũi mình cọ vào mặt chủ để lôi Sinh thức tỉnh khi cảm thấy nguy hiểm, cầu lại rung động, có người tiến về phía Sinh. Và tiếp đó, tiếng Giang Khâm vang lên trong bóng đêm, giọng dữ tợn hơn bao giờ cả làm Sinh rùng mình; nhoài người bò dậy.

- Kha ! Đốt đuốc lên ! Tôi thấy có vật gì trên cầu, đúng là con chó... A ! Cả thằng Sinh nữa kìa !

Sinh cố hết sức đứng lên và chạy trốn, song hai chân tê cứng. Biết bị chúng thấy rồi, Bốp sủa vang lên, nhe răng nhọn để dọa Giang Khâm. Bờ bên trái, Kha quẹt diêm và đốt đống cỏ khô do Tư Gấc gom lại làm đuốc. Một làn ánh sáng yếu ớt bùng lên, cây đuốc sáng rỡ rồi bóng tối bị xua tan. Kha bước lên cầu giơ cao ngọn đuốc, bóng dáng to lớn và cái khăn quấn quanh đầu hắn cùng hiện ra dưới ánh sáng một lúc với đôi vai gầy run rẩy của Sinh.

- A ! Ông-hoàng-của-rừng-già ! Ông đợi đó, tôi lên đón tức thì ! Lần này thì... tôi đem kiệu lên đây !

Giang Khâm cười to, tiếng cười độc ác làm Sinh nghẹn thở.

Hai tay quắp lại, hơi thở đứt quãng, chân run bây bẩy, Sinh lặng nhìn Giang Khâm tựa con thỏ bị rắn thôi miên. Giang Khâm hăm hở chưa từng thấy, tay chống nạnh, vẻ đắc thắng, nụ cười nham hiểm vẫn giữ trên môi, tàn lửa do bó đuốc Kha cầm bay tán loạn trước mặt Sinh. Giang Khâm tiến lên một bước rồi dợm bước thứ hai. Bốp từ nãy giờ đứng lặng bỗng hiểu rõ tình thế nguy ngập, chồm tới làm tên gian lùi lại thật nhanh, miệng ra lịnh:

- Gọi chó lại, nếu không mày sẽ hối khi mày ở trong tay tao đó !

Sinh đứng im, thằng bé đã hơi tỉnh táo trở lại, máu chạy đều lên óc và các bắp chân nó bớt run hơn. Sinh cất tiếng, nhưng để cho tên gian không biết nó vẫn sợ. Sinh nói chậm rãi :

- Đừng hòng ngăn nổi tôi qua cầu, có gan thì xô con Bốp ra mà chận đường tôi coi ? Bốp giọng Sinh chững chạc hơn Chận đường tên Khâm lại !

Bốp vểnh tai nhưng không quay đầu. Nó có vẻ sẵn sàng nghênh chiến, nét mặt tên Khâm đanh lại, Tư Gấc hỏi bạn :

- Anh muốn tôi quăng cây đuốc vô miệng con chó quỷ này không ? Mình phải làm liền, đuốc sắp tàn rồi, anh nghĩ sao? Giang Khâm ?

- Không ! Phải đợi có cây đuốc khác cái đã. Tư Gấc ! Lấy cỏ khô, và gậy làm thêm đuốc nữa, mau !

Nói xong, hắn rút dao găm ra, khí giới cuối cùng của hắn. Bốp không chút sợ sệt, nó dạng chân sau ra dáng hộ cứng cỏi, cổ vươn lên và hai mắt phản chiếu ánh lửa rực đỏ của ngọn đuốc. Giang Khâm khom mình tới trước, tấn công bất ngờ, con dao nhọn trong tay hắn xỉa vào con vật. Bốp nhanh hơn địch thủ, lùi lại tránh được. Giang Khâm lại đâm tiếp một nhát thứ hai, hắn đến gần con vật ba mươi phân nữa.

Chiếc cầu vẫn rung rinh, Tư Gấc thở hào hển, mồ hôi nhễ nhại đem đến hai bó đuốc. Kha đón lấy, châm vào ngọn đuốc cũ rồi ném ngọn đuốc gần tàn vào mình Bốp. Con vật tránh khỏi, răng nó nhe ra, vẻ dữ tợn trong lúc Giang Khâm cài dao găm vào thắt lưng và cúi xuống thật lanh toan nhặt bó đuốc dí vào mặt Bốp nhưng con chó nhanh hơn, trong chớp mắt, Giang Khâm bị Bốp đớp cho một miếng vào bàn tay hắn, bốn dấu răng sâu hoắm tóe máu, tên này hét ngược lên :

- Thắp thêm đuốc ! Thắp thêm mau ! Nó trốn bây giờ ! Con chó cắn tao đây !

Kha đốt ngọn đuốc thứ ba và đưa cho Khâm. Tên này vừa dùng đuốc quay vòng vòng quanh mình vừa tiến gần con chó, Bốp đành lùi dần, ngọn lửa cháy xem bộ râu Bốp và nếu Bốp không lanh, chắc cháy luôn cả bộ lông. Giang Khâm biết rằng mình đã có thứ khí giới lợi hại trong tay, đang chiếm ưu thế. Bốp cứ phải lùi, lùi mãi.

Sinh trái lại, không lê chân nổi, vì mệt nhừ, hai tay chống lên tay vịn cầu dây. Khi Giang Khâm quay tròn ngọn đuốc, Sinh đã đến giữa cầu, cố sức đi mau hơn mà không được. Giang Khâm gần tóm được Sinh. Giang Khâm lại quát :

- Tư Gấc ! Đem thêm đuốc đến đây ! Mau ! Không thôi tôi đốt sạch bộ râu đầy rận của anh đa!

Tên đầu bếp vừa vội vã cột bó đuốc mới, vừa trả lời :

- Tôi đem đến bây giờ, tôi đem đến ngay !

Cái cầu dây lắt lẻo, đu đưa làm Gấc sợ khiếp đảm, nhưng thà qua mười cái cầu dây còn hơn chịu sự giận dữ của Giang Khâm. Khâm chộp lấy cây đuốc, sau vòng lửa cách hắn sáu thước, Sinh trông rõ nét mặt đanh ác của hắn mà không khỏi rùng mình. Con Bốp thì cháy thêm một bên tai. Sinh cho là mình đã cùng đường, nó dừng lại chịu đầu hàng, nó bảo Bốp :

- Thôi ! Mình kiệt sức rồi, mình không thể...

Nhưng Sinh chưa dứt. lời, Bốp như cảm thấy quá sức, không phải là quá sức chiến đấu mà quá sức về sự kiên nhẫn cho nên, bất ngờ nó đứng dựng lên bằng hai chân sau, nhắm khoảng cách thuận tiện phóng tới giữa hai ngọn lửa vồ đúng vào cổ Giang Khâm. Giang Khâm cuống lên, buông rời hai ngọn đuốc để giơ tay đỡ, hai cây đuốc tức thì lăn liền xuống vực, bóng tối thừa dịp phủ tràn. Trong bóng tối đen dày, hắn vừa sợ chó ngoạm cổ vừa sợ lọt xuống cầu nên nằm khom mình, run rẩy trong khi cây cầu đu đưa như cái võng vì những cử động vừa rồi.

Tư Gấc vừa run vừa gạt mồ hôi đem thêm bó đuốc mới nữa. Kha cũng vừa run vừa thắp lên. Sinh cứ nhằm bờ bên phải tiến tới, nó xúc động đến nghẹn ngào trước hành động liều lĩnh của con vật đáng thương. Song cũng nhờ Bốp, nó như được tiếp sức, không còn tuyệt vọng nữa. Chân nó vững vàng. Đến được đầu cầu thì ánh sáng bùng lên. Giang Khâm bật dậy định đuổi theo kẻ thù nhưng y như lần trước, Bốp choán ngay lối đi, sườn bên phải của Bốp bị một vết dao do Giang Khâm đâm lần đầu, song hai tay kẻ thù của Bốp cũng nhòe nhoẹt máu. Giang Khâm lẳng lặng giật bó đuốc trên tay Kha, xông đến con vật, trả thù.

Bốp còn cách bờ sáu thước, Sinh thì đã đặt chân lên đất liền, Sinh kêu to :

- Giữ nó lại ! Bốp ! Giữ nó lại ! Hãy...

Nhưng giọng Sinh tắt nghẽn, vì nó có cảm tưởng mình đã phản bội con vật trung thành… khi ra lệnh cho Bốp đơn thân chống cự với ba tên gian ác để mình tháo chạy. "Mình hèn quá ! Nhưng ông Ngọc Sơn sẽ chết nếu không được cấp cứu gấp, mà Bốp làm sao nói được cho người ta nghe ?" Sinh tự an ủi bằng câu đó. Trước khi biến vào rừng già, Sinh còn quay lại nhìn cảnh tượng đau xót trên cầu; cảnh đó đã ghi sâu vào tâm trí nó : Bốp vẫn can trường nhảy qua nhảy lại tránh ngọn lửa cứ chực dí vào mình, nhưng hễ kẻ địch sơ hở là nó xông đến tấn công liền. Bốp không lùi nữa, hình như con vật tinh khôn biết rằng nó cản bọn này được chút nào là Sinh có thể đi cầu cứu sớm thêm chút ấy.

Tư Gấc từ sau lưng đưa Khâm thêm cây đuốc nữa. Sinh hiểu thủ đoạn chúng, Giang Khâm cầm một tay một bó đuốc, trước mặt con vật có một bức thành lửa, nó phải lùi hay là bị đốt mù mắt tức thì.

Sinh nén khóc nhìn bạn nó lần cuối rồi cắm cổ chạy tràn, nước mắt nó tuôn giọt giọt, nhưng nó không cả ngừng lại để lau. Nó vừa vạch cành cây tìm lối đi vừa khóc rưng rưng.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX