Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

TRUNG THU TUỔI HOA - Quyên Di



CÔ NHI VIỆN VINH SƠN

15-9 ĐÊM TRUNG THU 1970

Mưa đang gieo nặng hột, chẳng thấy chị Hằng đâu cả. Chuyện này không lấy gì làm lạ vì mấy năm trước, Trung thu cũng mưa như thế. Tôi nhớ có người đã đùa bảo rằng: “Ở Sàigòn nếu Trung thu không mưa thì không còn ra Trung thu nữa”. Mưa mát thật nhưng sao trông như những dòng nước mắt?

Tôi mệt quá, cả một ngày từ sáng sớm đến xế chiều, chạy đi chạy lại hò hét thật lớn, để cho đến bây giờ chân tay rời rã, mi mắt muốn sụp xuống, đầu óc lộn xộn, giọng nói khàn khàn. Vậy mà tôi vẫn muốn ngồi ở bàn viết hơn là nằm trên giường ấm, bởi vì muốn ghi lại bao nhiêu tình cảm dồn dập đã đến với tôi trong ngày hôm nay ; nếu không ghi hết được một lúc thì cũng phải được vài trang, có lẽ như vậy rồi mới yên tâm đi ngủ…

Tôi nhớ đến giây phút cảm động trước giờ xuất phát, những khuôn mặt Tuổi Hoa tham dự phái đoàn có mặt đầy đủ trong tòa báo ; những khuôn mặt của các bạn tôi, các em tôi trong phút đó sao mà trong sáng, nhìn ánh mắt từng người, tôi thấy vô cùng phấn khởi. Tôi ngượng ngập ngỏ vài lời cảm ơn, những lời nói này chắc thật là trơ trẽn, vô duyên, vì những tâm hồn thiện chí, đầy hăng say này, những tâm hồn mang sẵn một bầu nhiệt huyết và một lý tưởng cao vời này, những con người đã âm thầm cổ động và tích cực tham gia chiến dịch “Nhịp cầu tình thương” này cần gì một vài lời cảm ơn khách sáo. Họ làm việc không cần ai biết đến, chỉ vui với thành quả một mình mình biết, một mình mình hay thì có xá gì lời cảm ơn của người khác.

Phái đoàn của chúng tôi lên xe, gồm một chiếc xe nhà báo, một chiếc xe mượn của bộ y tế đã chất đầy tặng phẩm, các tà áo dài nép sát vào nhau mới có được một chỗ ngồi chật chội, các em trai sau khi đã đóng vai “phu khuân vác” giờ đây lại phải vừa ngồi vừa bám sát vào thành xe cho khỏi rơi xuống đất. Vậy mà vẫn không đủ chỗ, một số đã chịu khó ở lại tòa báo, chờ xe quay về đón, may sao, thầy quản lý cố gắng mượn ở đâu được một chiếc xe nữa và đích thân chở nhóm còn lại đi nốt.

Kim Hài ngồi trên chuyến xe đầu dẫn đường, phần tôi và Vi Vi đi… đoạn hậu. Trên xe chúng tôi nhẩm lại mấy bài hát để lát nữa tập cho các em cô nhi.

Tôi nhớ đến giây phút đầu tiên khi phái đoàn Tuổi Hoa gặp gỡ các em cô nhi Xóm Chiếu. Dù chưa từng quen biết, nhưng sao các em không một chút dè dặt? Các em chạy ùa lại, kêu lên những tiếng mừng rỡ, hai tay các em giang rộng ra, chờ đợi ẵm bế. Những em chưa biết đi, bò dưới đất, miệng mếu máo trông thật tội! Nhưng các chị Tuổi Hoa đã ân cần cúi xuống ẵm các em lên, bất kể các em bẩn thỉu, đầy mũi, rãi. Các em nhoẻn những nụ cười thật tươi, bá cổ chị thật chặt, miệng líu lo những tiếng vô nghĩa.

Tôi vội vàng tìm bé Dũng, em tôi. Chú bé khôn lắm, mới có một tuổi mà đã nhớ mặt tôi. Bé đang đứng ở góc nhà, thấy tôi, mắt bé sáng lên, chập chững chạy lại. Tôi ôm lấy bé giơ bổng lên cao ; bé thích quá, toét miệng cười. Chúng tôi là anh em với nhau đã… ba tuần nay rồi. Từ hôm tôi với chị Kim hài và Nguyễn Thái Hải đến cô nhi viện này lần đầu, bé Dũng đã quấn lấy tôi, bỏ xuống là bé khóc ngay. Chị Kim Hài đã cười, bảo:

- Quyên Di có thể làm nghề vú em được!

Bây giờ bé Dũng đang bá cổ tôi, cười nhe… bốn chiếc răng cửa như răng thỏ.

Nhìn xung quanh, các anh, chị Tuổi Hoa nào cũng có em. Cứ một anh hay một chị Tuổi Hoa thì hai hay ba em cô nhi quấn quanh, em thì kéo tay, em thì lôi chân, làm các anh chị cứ cuống cả lên, không biết ẵm em nào, nựng em nào! Chúng tôi hầu như quên hết những lo lắng, vui, buồn, thường nhật để dồn bao nhiêu tình cảm thương mến trong tim lên ánh mắt, lên nụ cười, lên đôi tay để trao lại các em nhỏ dễ mến.

Nhưng rồi… cũng phải có một chút thủ tục chứ! Theo hiệu lệnh của Soeur Catherine, giám đốc cô nhi viện, các em xếp hàng đôi một cách ngoan ngoãn, tuy ánh mắt vẫn hướng về các chị, các anh. Soeur Mattha, phụ tá giám đốc, cũng có mặt. “Trưởng phái đoàn” Tuổi Hoa ngỏ vài lời, nêu rõ mục địch cuộc thăm viếng: quà chẳng là bao, nhưng Tuổi Hoa muốn đem đến tặng các em món quà khác: Tình thương chân thành.

“Trưởng phài đoàn” đang trong lúc bối rồi, vì khi nói, mắt cứ phải nhìn thấy chú bé Dũng mếu máo, nước mắt chạy quanh, bởi vậy mấy lời chào mừng thật chán như cơm nếp. Không ngờ nghe xong Soeur Catherine mắt đỏ hoe, soeur nói mấy lời đáp từ không ra tiếng. Vài Tuổi Hoa “kẹp tóc” vội vàng cúi xuống không dám nhìn soeur sợ mình cũng sẽ… hạt châu lã chã. Soeur khen chúng tôi có tinh thần cao, có lòng bác ái v.v… làm cả bọn xấu hổ, vì soeur năm nay đã trên dưới 60, suốt đời âm thầm sống với các em cô nhi, không cần ai biết đến, cái gương bác ái của soeur khiến chúng tôi càng soi càng… mắc cỡ cho chính mình.

Nhưng rồi giây phút cảm động qua đi, không khí vui tươi lại tràn ngập căn phòng bé nhỏ. Các soeur, các em cô nhi, các anh chị Tuổi Hoa cùng cất giọng hát chung một bản đồng ca: “Thu sang bên đồi mây bay ngang trời, hồ thu bát ngát gió thu tươi…”. Đây đúng là một ban hợp ca… 12 giọng!... Thánh thót, ngọt ngào cũng có, trầm trầm, hùng hồn cũng có mà cả khàn khàn, rè rè cũng có nốt. Ấy vậy mà sau khi bản hợp ca chấm dứt, các anh chị khen các em, các em khen lại các anh chị túi bụi, tiếng vỗ tay vang rền như tiếng pháo nổ đầu Xuân.

Nhưng này…

Hình như các em chờ đợi lâu quá rồi mà những gói quà “xanh xanh đỏ đỏ” Vẫn bình tĩnh nằm trên bàn, chưa chịu làm cho “các em nhỏ nó mừng”. Bắt đầu phát quà là vừa! Các anh, chị Tuổi Hoa hôm nay đóng vai ông già Noel Việt Nam, âu yếm trao tận tay các em những gói quà, trong đó có chứa cả bao nhiêu niềm thương mến. Kẹo đây, ngậm đi em, cho thấm vào vị giác em hương vị ngọt ngào của tình thương. Nến đây, đèn đây, đốt đi em, để cho thấy một tương lai rực sáng. Riêng các em lớn đã đi học, còn thêm những cuốn tập, vài cây bút, hộp màu, truyện nhi đồng, một cuốn Tuổi Hoa số mới nhất và đặc biệt một bức thư chan chứa tình thương. Có những bức thư viết ngay trong lòng thủ đô Saigon, cũng có những bức thư từ miền Nha trang cát trắng bay về, có bức từ trên cao nguyên xa lắc: Ban mê thuột, Đàlạt, Kontum, vượt bao dặm đường để bây giờ được các em cô nhi nâng niu trong tay một cách trang trọng. Một bao gạo, mấy thùng quần áo, một thùng sữa, vài hộp thịt cũng đã được các anh Tuổi Hoa khiêng vào xếp trong góc phòng.

Bây giờ mới thật là gần gũi nhau. Một số các anh chị tay bồng, tay dắt những em mới biết đi, âu yếm mở từng gói quà, đút từng chiếc kẹo tròn hồng xinh xinh vào miệng các em, dúi vào tay các em con voi, con ngựa, cái kèn bằng ny lông xanh đỏ, phùng má trợn mắt thổi cho các em những trái bóng căng tròn. Một số anh chị khác tụ tập các em lại tập hát, kể chuyện. Có lẽ các em vui lắm, cười nói huyên thuyên. Một anh khác, máu nghệ sĩ nổi lên, vác ngay chiếc đàn ghi ta, đệm nhịp cho các em hát, hết “Bóng trăng trắng ngà” đến “Tết Trung thu rước đèn đi chơi”. Nhưng, cảm dộng hơn hết có lẽ là hình ảnh các chị Tuổi Hoa ngồi đọc thư cho đứa em mới nhận của mình nghe. Em ngồi một bên, mắt đen lay láy bỗng trở nên đăm đăm xa vời ; chị mở bức thư, đọc rõ ràng từng tiếng cho em nghe, giọng chị ngọt như mật ong rừng:

“Đàlạt, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1970

Em dễ thương của chị,

Chị ở đây, xa em lắm, chị cũng chưa biết rõ em ra sao, nhưng em cứ tin rằng chị rất thương em, chị muốn viết cho em thật dài, dài như đường Saigon Dalat để nối liền em với chị! Em bằng lòng không nào?...”

Bỗng nhiên chị ngừng đọc, em lắc tay chị:

- Chị ơi! Đọc tiếp đi!

Chị vuốt tóc em:

- Nhưng em không được khóc cơ! Em khóc ướt cả má rồi kìa.

Rồi những dòng chữ được đọc tiếp qua những hạt lệ long lanh của cả chị cả em.

Ở một chỗ khác, sẵn bút, sẵn tập, một chị Tuổi Hoa đang dạy một em cô nhi tập viết, chị đọc: “Em ước mong sau này tương lai em tươi sáng. Đời em sẽ đem lại ích lợi cho mọi người. Em sẽ dùng tim, dùng óc, dùng bàn tay bé nhỏ xây dựng quê hương Việt Nam đổ nát, hàn gắn mọi dấu vết chiến tranh…”

Ôi! Những dòng chữ ngòng ngoèo mà đẹp làm sao!

10 giờ 30!

Giờ cơm của các em nhỏ.

Các anh chị Tuổi Hoa bây giờ thực sự đóng vai vú em! Các anh, chị xúc cơm, những cái miệng xinh xinh há ra trông chẳng khác nào bầy chim non chờ mồi. Cơm chẳng có thức ăn ngon, nhưng các em ăn thật ngon lành. Các anh chị trở tay không kịp, vừa đút cơm cho em này thì em kia đã kéo tay đòi, mới quay sang em đó thì em khác lại kêu la rầm rĩ. Một chị Tuổi Hoa kéo tay bạn, nói nhỏ:

- Nhìn em ăn ngon quá! Mình không ăn cũng thấy no rồi.

11 giờ.

Giờ cơm của các em lớn. Tuổi Hoa ăn chung với các em một bữa cơm “tay cầm” thân mật, hai soeur Catherine và Mattha cũng cùng dùng bữa. Đặc biệt, thấy bữa cơm có vẻ khô khan, soeur giám đốc lại cho mua về mấy két nước ngọt, làm các Tuổi Hoa áy náy quá chừng. Soeur bảo:

- Chẳng có là bao, các em dùng đi, không có soeur giận đấy.

Tuy tỏ ý từ chối, nhưng khi cầm ly nước ngọt trong tay, uống một ngụm nhỏ, ai nấy đều… mát lòng mát ruột theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mát vì suốt sáng đến giờ hét hò, tập hát, đọc thư, mát vì được nhận một tình thương kín đáo nhưng sâu đậm.

Cứ một em cô nhi lại ngồi sát với một anh hay một chị Tuổi Hoa, thật là đề huề. Một em cô nhi phát biểu ý kiến:

- Bánh mì mà còn bày đặt gói giấy, ở đây tụi em ăn bánh mì không có gói giấy bao giờ.

Câu nói nhỏ, nhưng đủ gây cho nhiều tâm hồn Tuổi Hoa một niềm xúc động lớn.

Bữa cơm được dọn ngoài trời! Rất may vừa ăn xong thì trời đổ mưa, cả bọn vội vàng dọn dẹp bàn ghế, thực phẩm… vào nhà, vài Tuổi Hoa “húi cua” đang sức lớn, cần ăn nhiều, vừa dọn bàn vừa ăn tiếp.

Cả buổi trưa hôm đó, cô nhi viện náo loạn, không ai chịu đi ngủ cả. Chỗ nào cũng tụm năm tụm ba, anh chị, em cùng chuyện trò thủ thỉ. Cô nhi viện chật quá nên chỗ nào cũng có thể được dùng làm nơi… đàm đạo, ngoài sân, trong phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp. Gặp soeur Mattha, tôi cười hỏi:

- Chắc tụi em đến “đại náo” thế này, làm sai cả giờ giấc của các em ở đây?

Soeur cười thật tươi, đỡ lời:

- Không sao! Các anh chị đến đây các em vui lắm, chúng nó chờ cả tuần nay đó, hôm nay các em chờ các anh chị từ 7 giờ sáng. Cả chúng tôi, cũng vui nữa đó.

Rồi hạ giọng, soeur tiếp:

- Tội nghiệp các em. Cô nhi viện thành lập đã 13 năm mà hôm nay lần đầu tiên mới được hân hạnh đón tiếp một đoàn thể tới thăm viếng và ở lại chơi chung với các em. Bởi vậy các em mừng lắm.

Nhưng tất cả niềm vui chỉ được bộc phát trọn vẹn trong buổi họp mặt ban chiều. 13 giờ 30, theo hiệu lệnh, tất cả (kể cả hai soeur giám đốc) tụ họp trong phòng ngủ (lúc này đã được dọn quang đãng, tạm dùng làm… hội trường). Các anh, các chị, các em tay nắm tay, ngồi thành một vòng tròn. Cô nhi viện như muốn vỡ ra vì những tiếng cười, tiếng hát, tiếng vỗ tay. Nhiều trò chơi được bày ra làm tất cả cười nghiêng ngửa. “Anh Quyên Di” phải “đấu chưởng” với một anh to gấp ba, làm các em cô nhi lo quá, cổ võ nhiệt liệt:

- Cố lên anh Di, cố lên!

Tiếng “anh Di” nghe thân mật làm sao! Tôi lên tinh thần! Nhưng cuối cùng… sức người có hạn nên… tôi đành thua, ngã lăn chiêng trong tiếng cười như chợ vỡ. Anh Vi Vi cũng chẳng hơn gì! Vì chúng tôi đều đại diện cho hãng tăm tre Việt Nam.

Suốt buổi sáng, các em cứ đòi các chị hát, bây giờ đã được toại nguyện, giọng các chị thật ngọt, thật ấm, có tác dụng như bàn tay xoa nhẹ đầu em, như ánh mắt trìu mến trao em tình thương, lẽ sống.

Phần các em cũng đã sửa soạn một chương trình văn nghệ thật hùng hậu để đáp lễ: hoạt cảnh Sơn Tinh – Thủy Tinh, vũ khúc Đứa trẻ mồ côi, Đàn cá sấu, Hai bà Trưng, trận Bạch Đằng được  các em diễn tả thật linh động. Tiếc thay lúc đó máy của anh Vi Vi đã hết phim nên chẳng ghi lại được hình ảnh nào.

Cuộc vui liên tục trong một giờ rưỡi. Sau đó, dù ai nấy còn muốn ngồi lại nữa, nhưng giờ về đã đến. Tất cả cùng đứng lên, vòng tròn thu hẹp lại để rồi cùng nhau hợp ca bài “Việt Nam – Việt Nam” của Phạm Duy. Tiếng ca dũng mãnh, tiếng phụ họa “Việt Nam Muôn Năm” đã nhắc nhở tất cả dù trong hoàn cảnh nào vẫn là con người Việt Nam kiêu dũng, kết tinh truyền thống bất khuất của dân tộc.

Chúng tôi vừa làm xong công tác vệ sinh cho toàn khu cô nhi viện thì xe cũng vừa đến. Một số lên xe, một số ở lại chờ xe sau. Hai soeur và các em ra tận cổng tiễn, những bàn tay bé nhỏ xinh xinh giơ lên vẫy làm vài chị thổn thức, một số em thấy chị mình, anh mình bỏ về, nước mắt đoanh tròng. Xe khuất bóng sau khúc quẹo, mọi người quay vào trong, các em cô nhi và số anh chị Tuổi Hoa còn lại như cố tận hưởng những giây phút cuối cùng bên nhau. Chúng tôi ngồi thật gần nhau, chuyện trò thân mật. Các em thật lanh, rót nước, đem bánh mời từng anh chị, các em đã mời anh chị nào thì anh chị đó không có cách gì mà từ chối được.

Nhưng, giờ vui chóng qua, xe nhà báo đã đến trước cổng cô nhi viện. Mặt ai cũng méo xẹo. Các em buồn ra mặt, một em ôm lấy người chị mới, giọng run run:

- Bao giờ chị lại thăm em?

Có lẽ chị bối rối, không biết trả lời ra sao, cuối cùng nói nhỏ:

- Lúc nào có giờ là chị lại thăm em ngay. Rán ngoan ngoãn, chăm học nghe. Chị không ở gần em hoài nhưng lúc nào cũng thương em hết.

Bé Dũng của tôi đang mếu máo, tôi ôm lấy em, em dựa đầu trên vai tôi yên lặng. Nhưng không chần chờ được nữa, xe sắp chuyển bánh. Tôi đưa vội bé cho một soeur rồi chạy vụt ra ngoài.

Xe từ từ chạy, những bàn tay nhỏ bé một lần nữa lại giơ lên vẫy cùng với lời dặn dò chân thật:

- Nhớ lại thăm em nghe!

- Đừng bao giờ quên em nghe!

Chúng tôi ngoái nhìn các em một lần cuối. Bóng các em xa dần. Bóng hai soeur áo trắng dịu hiền cũng nhạt nhòa rồi mất sau khúc rẽ…

18 g

Tôi, anh Vi Vi và một số em Tuổi Hoa chờ xe người nhà đến đón, đứng trên sân thượng tòa báo nhìn xuống. Buổi chiều nay thật êm ả ; một buổi chiều có gió, có mây, và có những hàng cây nghiêng đầu vào nhau nói chuyện. Xa xa, nóc một ngôi chùa in đậm nét trên nền trời trắng xám. Trong một lúc nào đó, đột nhiên chúng tôi đều im lặng… hình ảnh những em cô nhi chúng tôi vừa gặp gỡ chắc chắn chưa một chút mờ nhạt trong óc, trong tim mỗi người.

Tôi lan man trong vùng suy tưởng. Thương các em, yêu các em quá đi, nhưng rồi, ngoài một lần thăm viếng, chúng tôi giúp được gì cho các em? Hay là đến đó, rồi đi đó, và gieo cho các em thêm một nỗi buồn sau những giờ phút vui tươi? Tôi tự nhắc nhủ mình cũng như ước mong các bạn tôi, các em tôi cũng nhắc nhủ mình như thế: “chúng ta đừng lấy làm tự hãnh, đừng cho là đã làm tròn bổn phận, đã “vê tròn cái quả phúc”, nói theo lối Vũ Trọng Phụng, “nuôi sống các em cô nhi!” Vấn đề không đơn giản như thế. Trên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé, rách nát hôm nay, biết bao nhiêu là em cô nhi, sống tập trung trong các cô nhi viện, hay lang thang ngoài hè phố như Trịnh Công Sơn đã kể lể trong “Người già em bé”. Tôi nhớ có lần anh Cấp đã viết: “Muốn giải quyết vấn đề cô nhi, phải giải quyết tận nguồn gốc, tận nguyên nhân tạo ra cô nhi: đó là bộ máy chiến tranh khổng lồ”. Nhưng cho đến bao giờ vấn đề được giải quyết tận nguồn gốc?

Tôi cúi nhìn xuống dưới. Mái nhà san sát. Đứng bên dưới ta còn thấy mái nhà này cao, ngôi nhà kia thấp, ngôi thì khang trang, ngôi thì lụp xụp. Nhưng từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy mái nhà nào cũng có vẻ lụp xụp như nhau. Mỗi người có một mái nhà con con trông như cái bát úp. Lòng tôi chợt dịu xuống và tôi tìm ra câu trả lời: vấn đề cô nhi chỉ được giải quyết tận nguồn gốc, hay nói rõ hơn, người ta chỉ giải quyết xong vấn đề chiến tranh một khi người ta ý thức rõ rệt cái thân phận nhỏ bé hèn kém của con người, của nhân loại nói chung. Chỉ có khi nào, người ta ý thức rằng: chúng ta, con người, đều mang một thân phận bi đát như nhau, thì tội tình gì mà tranh chấp với nhau nữa, tội tình gì mà thù oán, mà chia rẽ, mà tham vọng, mà ngông cuồng? Sao không chung lưng, không sát cánh, không cùng nhau kiến tạo, không nâng đỡ lẫn nhau, không “dắt dìu nhau mà đi” trên đường đời vạn nẻo, mà nẻo nào cũng mang cùng tên phố: “Đường KHỔ ĐAU”?

Tôi quay nhìn những người bạn, người em bên cạnh. Anh Vi Vi cũng đang trầm tư mặc tưởng – chuyện hiếm có – và các em tôi nét tư lự cũng in hằn trên khuôn mặt Tuổi Hoa…

*

THỨ SÁU, 18.9.1970

Nhân tiện có việc qua Khánh Hội, tôi ghé vào cô nhi viện Vinh Sơn thăm hai soeur và các em. Buổi chiều các em lớn đi học cả. Thấy tôi các em nhỏ xúm lại, vui mừng, các em trèo lên chiếc xe cũ kỹ của tôi bấm còi inh ỏi và cười như nắc nẻ. Soeur Catherine tiếp tôi tại phòng khách, vừa bế bé Dũng tôi vừa nghe soeur kể:

- Tối hôm Trung thu trời mưa, các em không chơi đèn được. Thành ra tối hôm sau, rồi cả tối hôm qua nữa, các em mới được chơi đèn. Tối, chúng nó đốt đèn suốt đêm không chịu đi ngủ. Vừa rước đèn các em vừa hát những bài các anh chị tập cho hôm đó. Đứa nào cũng nhắc tới các anh chị hết.

Thấy tôi gầy quá, soeur lấy trong tủ ra một lọ thuốc bổ, đưa cho tôi, bảo:

- Cậu cầm lấy, đem về mà dùng cho khỏe. Cái này người ta mới cho, nhưng hỏi bác sĩ, bác sĩ bảo chỉ người lớn mới dùng được.

Tôi cảm động lắm, nhưng từ chối, vì có lẽ lọ thuốc bổ đó, người cần dùng hơn không phải là tôi mà chính là soeur, soeur già rồi, sức khỏe dễ suy kém. Còn tôi, dù có gầy mấy đi nữa cũng còn sức con trai cơ mà.

Các em xúm xít chung quanh, líu la líu lo. Tôi muốn ở lại quá, để chơi đùa với các em nhưng công việc bề bộn đang chờ đợi, đành phải xin phép soeur và chào các em ra về.

Các em của anh, không biết bao giờ anh mới được trở lại cô nhi viện nhỏ bé này thăm các em một lần nữa???


QUYÊN DI    



(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)