Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

CHƯƠNG 2_PHI THUYỀN NGUYỄN TRƯỜNG TỘ




2

Chú Kim bước sang phòng bên cạnh nghỉ.
 
Giáo sư Tôn còn ngồi lại nói chuyện với Hoài Việt, Hoài Anh.
 
Chỉ một lúc sau, tiếng ngáy của chú Kim đã đều đều vang lên.
 
Hoài Anh được dịp đùa nghịch, ngả đầu vào lòng cha :
 
- Ba kìa, khu cấm địa của ba có máy bay gián điệp đến do thám, ba nghe thấy chưa ?
 
Giáo sư nhìn chú Kim, xoa đầu con gái vui vẻ nói :
 
- Ba không ngại. Loại gián điệp này chỉ con mới đàn áp nổi thôi.
 
- Đúng thế, ba ạ – Hoài Việt vội chen vào – Khi nãy mà không có em Hoài Anh can thiệp có thể xảy ra những rắc rối đáng tiếc tại trạm canh đầu tiên rồi.
 
- Sao vậy ? Có chuyện gì đấy các con ?
 
Hoài Việt kể :
 
- Các nhân viên kiểm soát đã cương quyết theo lệnh cấp trên tịch thu những chai đế của chú Kim. Chú nổi giận. Chú cũng nhất định không chịu để cho ai cướp ngay trước mặt chú “nước nguyên tử” của chú… Thế mà, Hoài Anh đem tài “phản gián” ra, chú chịu liền. Chú lại vui vẻ nữa là khác… Ba ạ ! Có Hoài Anh cùng đi chuyến này, con đoán là chú Kim sẽ luôn luôn “ngoan ngoãn” như con chiên ấy, chứ không dễ xửng cồ quát tháo như những lần trước đâu… Em Hoài Anh ghê thật.
 
Hoài Anh nguýt anh :
 
- Thôi, em chịu thôi. Công việc đó nặng nề lắm. Lúc chú Kim mà đã có vài chén đế rồi thì em cũng đành hàng thôi.
 
Hoài Anh như chợt nhớ ra nói ngay với cha :
 
- À, ba ạ. Lúc nãy con đã hứa với chú Kim sẽ xin ba cho chú đem nước nguyên tử của chú vào Trung tâm này. Có được không ba ?
 
Giáo sư cười với các con :
 
- Chú đang ở Trung tâm đây… Nơi này thiếu gì nguyên tử… Chú còn cần gì đến nước nguyên tử của chú nữa… Nhưng cái đó thuộc thẩm quyền của bác Phụng… Để lúc nào ba hỏi ý kiến bác xem sao…
 
Hoài Anh nhắc ngay :
 
- Ba hỏi sớm, ba nhé… Không có tới cơn ghiền của chú, chú lại mè nheo với con gái của ba đấy… Chú đã bảo với con là thiếu đế thì chân tay chú rời ra từng mảnh.
 
*
 
Ven xa lộ Đà lạt – Sàigòn, cách thị trấn Di linh chừng hơn một cây số ngàn.
 
Tại một biệt thự phong quang rộng rãi, bọn hai người một già một trẻ – Hoài Việt đã chú ý đến họ lúc ở phi trường Liên Khang – ngồi nói chuyện rủ rỉ dưới ánh đèn sáng.
 
Người già vẫn giữ dáng điệu đạo mạo đường bệ như bất cứ lúc nào. Ông thong thả đưa tay vặn máy phóng thanh. Một điệu nhạc êm tỏa ra trong phòng, nhưng cũng đủ để át một phần nào tiếng nói trong phòng.
 
Ông già chăm chú nhìn người trai trẻ điềm đạm hỏi :
 
- À, sao chú Tư ? Từ chiều đến giờ có nhận được thêm tin gì mới không ? M.3 đã bắt liên lạc được với ta chưa nhỉ ?
 
Người thanh niên – chú Tư – đáp :
 
- Thưa cụ, đã ạ. M.3 mới nói qua làn sóng đặc biệt về chi nhánh đây. Tuy thế, cũng không có gì mới lạ đáng kể. Bản mật mã của M.3 cho biết danh sách toàn thể nhân viên phục vụ tại T.T.19, kể cả những người mới đến… Nhưng chưa biết rõ những công việc của những người mới này… M.3 cũng hứa trong vòng 12 giờ nữa, sẽ cho biết kết quả các phim ảnh chụp được những kế hoạch tối mật của T.T.19…
 
Mắt người già sáng lên. Ông xoa tay hả hê nói :
 
- Nếu thế hoạt động của M.3 đã đáng kể lắm rồi.
 
Ông giơ tay đón lấy bản dịch mật mã, chăm chú đọc. Nét mặt ông cứ tươi dần. Ông sung sướng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Ông nói như để cho một mình mình nghe :
 
- Ta sẽ thành công… Ta không hối tiếc đã mua chuộc M.3 và đặt M.3 ở đó… Tuy ta tổn phí rất nhiều cho M.3… Ta sẽ thành công… Nhưng… Ta cần phải hành động gấp… thật gấp cho đối phương của ta không nghi ngờ…
 
Ông già ngồi lại ghế. Tháo kính để lên bàn, ông dặn :
 
- Chú Tư này !
 
- Dạ, cụ dạy…
 
- Chú chuyển ngay hai bức điện văn này, vẫn bằng mật mã số 10 nhé !
 
- Dạ.
 
- Bức thứ nhất gửi cho M.3 chú điện đi thế này : “M.3 ở T.T.19… Cần luôn luôn giữ liên lạc với D.L.5… để biết giá hàng lên xuống… Tối khẩn… “
 
Còn bức điện về trụ sở chính, chú ghi nhé : “H.N.4.T.U… sẵn sàng để hành động… Hàng đã sẵn… chờ báo tin lại… Được giá… D.L.5” Thế là xong, chú Tư.
 
Máy phát thanh tiếp sang phần tin tức thời sự. Ông già nhẹ tay tắt máy. Ông ngồi rung đùi kéo những hơi dài điếu xì gà to tướng.
 
*
 
Ba ngày qua ở Trung tâm Suối Vàng.
 
Hoài Việt, Hoài Anh và chú Kim được nhà kỹ sư Vĩnh hướng dẫn đi quan sát khắp nơi trong Trung tâm. Tại nhiều cơ xưởng, họ phải mặc những bộ giáp riêng để phòng ngừa nạn phóng xạ nguyên tử.
 
Đứng trước những cơ xưởng hùng vĩ, đứng trước những lò nguyên tử đồ sộ, anh em Hoài Anh không ai bảo ai, mà đều hãnh diện… Tất cả cái công trình to lớn đó đã do óc người cha yêu quí của họ chế tạo nên. Mà công trình vĩ đại ấy lại chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất phụng sự hòa bình nhân loại, gạt bỏ hết mọi ý nghĩ chiến tranh. Họ sung sướng.
 
Sang ngày thứ tư.
 
Chính giáo sư đưa hai con và chú Kim tới thăm phi thuyền mẫu.
 
Phi thuyền mẫu này đặt tại một sân lộ thiên, rộng mênh mông, không biết là bao nhiêu cây số vuông nữa. Việc canh phòng tại đây còn muôn phần chu đáo và nghiêm ngặt. Người ta có thể chắc được rằng một con chim cũng không thể lọt vào nơi đây mà nhân viên bảo mật lại không biết. Ngay cả trong ban giám đốc Trung tâm cũng chỉ một số người đã được lui tới với những sự vụ lệnh riêng biệt.
 
Đứng trong một khung cảnh bao la bát ngát, nhìn xem chiếc phi thuyền nằm sừng sững chính giữa, anh em Việt và chú Kim như người sống trong mộng… Chiếc phi thuyền đồ sộ. Chiếc phi thuyền tân kỳ. Chiếc phi thuyền tuyệt xảo. Cả ba trầm trồ xuýt xoa.
 
Giáo sư Tôn để cho cả ba qua cơn ngạc nhiên rồi mới cất tiếng nói :
 
- Đây chỉ là phi thuyền mẫu, rút nhỏ lại, bằng một phần mười phi thuyền thật sự đang được trù tính hoàn thành. Chú và hai con xem, phi thuyền thon đẹp trông giống gì… Có phải gần giống một kiểu xe hơi loại thể thao không ? Nhưng to gấp mười đấy nhé. Ngồi trong phi thuyền, người ta có thể quan sát rõ vòm trời tứ phía được.
 
Theo kế hoạch của Trung tâm Nguyên tử năng, phi thuyền thật sự phải có thể mang theo được 5 nhân viên, lại đủ chỗ để thiết lập những dụng cụ cần thiết cho việc bảo vệ sinh mạng các nhân viên và những dụng cụ cần thiết cho việc thám hiểm. Trong số những dụng cụ ấy, đã có hai chiếc xe tăng rồi.
 
Ngồi ở phòng máy phi thuyền, phi hành gia có thể mở hoặc tắt máy tùy ý. Khi phi thuyền đã đạt được tốc độ hạn định, phi hành gia có thể tắt máy đi, phi thuyền sẽ cứ lướt đi trong không gian cho tới khi tốc độ bị giảm và cần phải mở máy lại. Đang khi tắt máy như thế, người ta chỉ còn phải lo điều khiển phi thuyền theo hướng mình muốn.
 
Hoài Việt hỏi cha :
 
- Trong trường hợp các nhân viên trong phi thuyền bị sức ép của không khí mạnh quá ngất đi thì làm sao điều khiển hướng đi cho phi thuyền được, thưa ba ?
 
Giáo sư sung sướng thấy con trai của ông đã nghĩ tới chi tiết cần thiết ấy. Ông đáp :
 
- Để phòng bị trường hợp ấy chắc chắn có xảy ra, và cũng để bảo vệ an ninh cho nhân viên trong hầu hết mọi trường hợp khác nữa, luôn luôn ban chuyên môn tại Trung tâm có thể điều khiển hữu hiệu phi thuyền bằng vô tuyến điện đặc biệt.
 
Hoài Anh kéo tay cha hỏi :
 
- Sao lại đặt tên cho phi thuyền này là Nguyễn Trường Tộ thế ba ?
 
- Như con đã biết, đó là tên một nhân sĩ nước ta về đời Tự Đức. Người đã có con mắt trông xa nhìn rộng lên tiếng kêu gọi vua tôi nhà Nguyễn lúc ấy mở mang đất nước về mọi phương diện, cả về khoa học… Nhưng tiếng kêu của ông đã bị tan loãng vào những bụi tre xanh, không được đếm xỉa tới… Nếu những lời đề nghị của ông đã được đem thực hành, thì nước Việt Nam hẳn đã hoàn thành được công cuộc thám hiểm cung trăng từ mấy chục năm trước đây rồi…
 
Hoài Anh như tiếc rẻ nói bâng quơ :
 
- Thôi, gọi phi thuyền này là Nguyễn Trường Tộ cũng được… Giá không thì con đề nghị đặt tên phi thuyền là… là…
 
- Là gì, là gì, hở cháu ? Chú Kim sốt ruột hỏi.
 
Hoài Anh ghé sát bên tai chú và nói khẽ :
 
- Là, “phi thuyền giáo sư Tôn”. Chú đồng ý không ?
 
Chú Kim gật đầu lia lịa cười vui vẻ :
 
- Gọi thế nghe lại hay hay đấy nhé.
 
Giáo sư Tôn mỉm cười cắt đứt câu chuyện của hai chú cháu Hoài Anh :
 
- Con gái của ba đã nghĩ đến công việc con sẽ phải đảm nhận trong chiếc phi thuyền kia chưa thế?
 
Nghe cha hỏi thế, Hoài Anh quên hết mọi chuyện khác, hỏi ngay :
 
- Mỗi người chúng con sẽ giúp được ba những gì ? Ba có thể cho chúng con biết từ bây giờ không ạ ?
 
Hoài Việt chú ý chờ đợi câu trả lời của cha. Chú Kim cũng nóng ruột…
 
Giáo sư Tôn không để họ chờ lâu :
 
- Tuy là điều cần giữ bí mật để tránh tất cả những mưu toan phá hoại của đối phương, nhưng vì ba tin các con sẽ không tiết lộ ra ngoài, nên ba có thể nói sớm được. Công việc của chú Kim cố nhiên là hợp với tài năng của chú : chú sẽ điều khiển tay lái phi thuyền. Còn Hoài Việt sẽ phụ lực ba trông coi những máy ghi nhận các hiện tượng kỳ lạ khám phá được trong không gian, nhất là trên cung trăng. Riêng Hoài Anh, công việc của con là điều khiển hệ thống thông tin để giữ an toàn sinh mạng cả phái đoàn, để giữ liên lạc với trái đất và với Trung tâm Suối Vàng… Công việc của người nào cũng cần thiết, không thể không có được. Mỗi người sẽ được theo những lớp huấn luyện chỉ dẫn trong những ngày sau đây, để có thể chu toàn phận sự đến nơi đến chốn không lệch lạc.
 
*
 
Đêm đã về khuya.
 
Cảnh trời miền cao nguyên giá lạnh.
 
Trung tâm Suối Vàng chìm trong yên lặng. Mọi người an giấc. Nhưng nhân viên phận sự canh phòng không một giây phút sao nhãng công việc.
 
Bỗng, còi báo động từ đài kiểm soát trung ương rú lên, vang ra khắp các khu vực trong miền cấm địa.
 
Mọi người hồi hộp chờ đợi.
 
Tiếng đài Trung ương báo cáo :
 
- A lô ! A Lô ! Đây đài kiểm soát trung ương. Lệnh báo động cho toàn thể Trung tâm… Lệnh số 1… Một phi cơ từ phía Bắc bay tới đang bay lượn trên cấm địa… A lô ! Lệnh số 1. Chỉ thị cho đội tuần tiễu và đội cao xạ sẵn sàng chờ lệnh…
 
Chỉ mấy phút sau đội tuần tiễu đã trang bị đầy đủ. Các khu trục cơ đã nổ máy chờ lệnh cất cánh… Đội cao xạ cũng đã sẵn sàng nhả đạn… Những ánh đèn pha sáng rực chạy như mắc cửi trên không trung.
 
Cùng lúc đó, đài kiểm soát trung ương ra lệnh cho chiếc phi cơ lạ :
 
- A lô ! A lô ! Đây Trung tâm Suối Vàng… gọi phi cơ đang bay trên khu vực Suối Vàng… Trân trọng báo các ngài biết : các ngài đã vi phạm khu cấm địa… Yêu cầu lập tức quay hướng… Quay lại lập tức…
 
Chiếc phi cơ lạ như không nghe thấy chỉ thị đó, cất cánh bay cao hơn, nhưng vẫn thẳng hướng tiến sâu vào khu cấm địa…
 
Đội tuần tiễu và ban cao xạ nóng tiết muốn ra tay ngay, nhưng họ vẫn cố gắng kiên nhẫn đợi lệnh.
 
Đài trung ương nhắc lại chỉ thị với một giọng cứng rắn hơn :
 
- A lô ! Đây là Trung tâm Suối Vàng… Trung tâm gọi phi cơ đang bay trong khu cấm địa… Yêu cầu quay lại… Chậm trễ không tuân lệnh… chúng tôi bó buộc nổ súng…
 
Vài phút sau yên lặng, máy thính cơ của đài trung ương vang lên một câu trả lời rời rạc đứt quãng :
 
- … Phi cơ T.T.H… hư… máy… không… thể… hạ… cánh…
 
Các nhân viên đài trung ương nhìn nhau chờ đợi…
 
Bỗng nhiên chiếc phi cơ lạ lao mình xuống nhanh như một mũi tên phía bên kia trung tâm rồi bay thẳng lên. Đài trung ương vội cấp báo :
 
- A lô ! Đài kiểm soát trung ương ban lệnh số 2… chiếc phi cơ không có thiện ý… không hỏng máy… chỉ là một cách lập kế hoãn binh… để tìm địa điểm… Đã thả người nhẩy dù xuống cấm địa… Năm chiếc dù đã được thả xuống… Chỉ thị cho đội cao xạ nã súng… Ban tuần tiễu không gian và lục địa truy nã… A lô ! Lệnh số 2 được ban hành từ phút này…
 
Những vệt ánh sáng đèn pha của Trung tâm quét một lượt trên vòm trời.
 
Đạn cao xạ nổ vang rền. Tiếng động cơ khu trục, xe tăng, xe díp dội ra. Đội tuần tiễu tỏa đi săn địch khắp nơi.
 
Phi cơ lạ sau khi đã thả năm chiếc dù, đã cất cánh vọt lên cao chạy trốn.
 
Tiếng súng vẫn nổ theo. Cuộc rượt bắt ráo riết.
 
Giáo sư Tôn và hai con đứng bên nhà bác học Phụng hồi hộp đợi chờ tin tức.
 
Riêng chú Kim vẫn vùi đầu trong chăn nệm ấm, ngủ không biết trời đất đâu nữa. Tiếng ngáy của chú cứ đều đều vang dội như thi đua với tiếng đại bác, cao xạ…
 
Từ trên không trung, đội tuần tiễu khu trục báo tin chiếc phi cơ lạ đã lẩn vào mây mù trốn thoát.
 
Lệnh tập nã những tên địch nhẩy dù xuống cấm địa được triệt để thi hành. Những bản báo cáo được luôn luôn gửi về đài kiểm soát trung ương…
 
Sáng hôm sau.
 
Nhà bác học Phụng, giám đốc Trung tâm Nguyên tử năng Suối Vàng triệu tập cấp tốc một cuộc hội họp các nhân viên trong ban giám đốc. Anh em Hoài Việt và chú Kim cũng được đặc biệt tới dự.
 
Vị giám đốc Trung tâm với tất cả vẻ quan trọng lên tiếng :
 
- Thưa các bạn, đêm vừa qua đã xảy ra những việc rất đáng chú ý tại Trung tâm đây. Như các bạn biết, chiếc phi cơ lạ bay lượn trong khu cấm địa, rồi dở trò gian dối, tìm địa điểm thả nhân viên nhảy dù xuống khu vực của ta. Đội phòng thủ, tuần tiễu của ta đã buộc lòng phải hành động. Hai tên đã tan xác vì dù trúng đạn phát hỏa. Một tên bị bắt sống… Còn hai tên nữa biệt dạng… Trong mình những tên chết và tên bị bắt sống có thấy đủ khí giới tối tân và lương thực dự trữ. Nhưng không có giấy tờ gì để chứng tỏ bọn này thuộc quốc tịch nào, hoặc hoạt động cho quốc gia nào và theo đuổi mục tiêu nào. Điều chắc chắn, mà các bạn cũng như chúng tôi đoán không sai, là họ hoạt động không có lợi cho ta, cho công cuộc của ta rồi. Tên bị bắt sống chưa mở miệng nói một câu nào…
 
Màng lưới bảo mật của chúng ta thế là đã bị chọc thủng từ nay. Chúng ta cần phải tăng cường việc phòng vệ, ban giám đốc cũng sẽ xét lại hệ thống bảo mật. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi không muốn đưa ra một giả thuyết nào, để khỏi gây nên một cảnh xao xuyến hoang mang trong Trung tâm chúng ta.
 
Đó là mục đích của cuộc hội họp hôm nay. Chúng tôi sẽ tìm cách khai thác những tài liệu cần thiết nơi tù binh của chúng ta. Yêu cầu quí bạn giải tán.
 
…..
 
Phòng bảo mật lại báo cáo lên ban giám đốc cho biết kết quả việc tra hỏi tên bị bắt sống. Hắn vẫn cố tình ngậm miệng không nói không rằng.
 
Người ta nhất định đưa hắn đến trước ban giám đốc : có nhà bác học Phụng, giáo sư Tôn, kỹ sư Vĩnh… Chú Kim và anh em Hoài Việt Hoài Anh cũng dự cuộc thẩm vấn.
 
Hắn là một người Á Đông, nước da vàng sậm. Thân hình hắn chứng tỏ hắn có một sức khỏe hơn người. Đôi mắt sáng quắc tinh nhanh, nét mặt gân guốc của hắn nói lên rõ rệt hắn là một người gan lì không biết sợ là gì.
 
Vừa tới nơi, hắn nhìn chòng chọc về phía giáo sư Tôn và nhà kỹ sư Vĩnh như để tìm một mật lệnh, một dấu hiệu ngầm nào…
 
Mọi người đều ngạc nhiên. Nhất là giáo sư Tôn càng ngơ ngác hơn ai hết.
 
Nhà bác học Phụng không làm sao cho tên gián điệp gan dạ ấy hé răng nói lấy một lời. Ông xoay trở hỏi y bằng hết những thứ tiếng thông dụng tại Á Đông : tiếng Việt, tiếng Trung Hoa, tiếng Lào, tiếng Cam Bốt, tiếng Miến, tiếng Triều Tiên, Thái Lan… Cuối cùng, ông dùng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ấn Độ… Y vẫn trơ trơ như người hoàn toàn điếc đặc. Người nóng ruột nhất trước cảnh đó là đại úy Kim. Chú nhấp nhổm luôn trên ghế. Nếu là phận sự chính của chú, chắc chú không chịu kiên nhẫn đợi chờ như thế. Chú đã có cách của chú rồi. Nhưng đây là phần việc của ban giám đốc và chú chỉ có hân hạnh được dự thính thôi. Tuy vậy, chú vẫn thấy bực bội hết chỗ nói. Chú quay sang nói với Hoài Anh, tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho mọi người nghe được :
 
- Cháu Anh à ! Chú nghĩ cứ đưa hắn ta vào máy điện tử tìm sự thật là yên chuyện và chóng được việc hơn cả.
 
Hoài Anh mỉm cười gật đầu với chú Kim.
 
Tên gián điệp nghe thấy thế, đổi ngay nét mặt. Hai bên quai hàm hắn bạnh ra. Sau vài phút suy nghĩ, những bắp thịt trên gò má hắn nổi bật lên, hắn có vẻ quyết định một chuyện gì. Hắn đưa bàn tay gãi mép. Hoài Việt nhanh trí, biết ngay ý định của hắn, muốn can thiệp. Nhưng không sao kịp được. Nhanh như cắt, hắn rút chiếc răng bằng vàng của hắn ra và ngậm miệng lại, hắn đã cắn vỡ ống thuốc độc rất mạnh trữ sẵn trong kẽ răng. Hắn rùng mình một cái thật mạnh, trợn mắt nhìn về phía giáo sư Tôn và kỹ sư Vĩnh, rồi gục xuống. Hắn đã kết liễu đời gián điệp của hắn, đem theo xuống mồ tất cả sự bí mật của hắn và của nhóm hắn.
 
Ban giám đốc Trung Tâm Suối Vàng không thu lượm được kết quả gì khác. Người ta bàn tán với nhau về cái nhìn của hắn lúc mới tới trước ban giám đốc và lúc hắn lìa đời. Cuộc săn tìm hai tên biệt tích được tung ra mãnh liệt hơn nữa.
 
Sau nhiều giờ bàn đi tính lại, giáo sư Tôn đưa chú Kim và hai con tới gặp nhà bác học Phụng.
 
Giáo sư mở đầu :
 
- Tôi muốn xin với bác cho phép đại úy và hai cháu được đi chơi thăm thú miền rừng núi trong vài hôm. Cố nhiên ba chú cháu sẽ tuân theo kỷ luật của Trung tâm, không ra khỏi khu cấm địa, cũng không liên lạc với một ai ngoài khu cấm địa. Bác nghĩ sao ? Bác thấy có gì bất tiện không ?
 
Ông Phụng xoa tay nhìn mọi người, hể hả nói :
 
- Có gì bất tiện đâu, bác ? Đại úy và hai cháu thỉnh thoảng cũng nên tổ chức những cuộc du ngoạn như thế cho đỡ bí chứ. Tôi sẽ cho chỉ thị để riêng một chiếc xe hơi và một chiếc phi cơ trực thăng loại du lịch tùy quyền sử dụng của ba chú cháu.
 
Hoài Anh nghe nói có phi cơ trực thăng, cô bé vui vẻ hơn hết. Hoài Anh đã tưởng đến cảnh chính cô điều khiển chiếc phi cơ đó, bay lượn trên không… biết bao là vui thú ! Hoài Anh nhanh nhẹn đáp :
 
- Cám ơn bác nhiều. Bác chiều các cháu quá !
 
… Cuộc “du ngoạn” đã được dự bị đầy đủ.
 
Đoàn “du ngoạn” lần này vẫn có những nhân vật quen thuộc : có chú Kim, có Hoài Việt, Hoài Anh, và cũng không vắng mặt con Tô.
 
Họ dùng chiếc trực thăng du lịch xinh xắn. Hoài Anh điều khiển tay lái. Dĩ nhiên chú Kim vẫn không quên cái sứ mệnh làm tối cao cố vấn cho cháu gái của chú.
 
Ngồi cạnh Hoài Anh, chú Kim gật gà gật gù, tấm tắc khen :
 
- Chú không ngờ cháu Anh của chú điều khiển máy trực thăng nhanh nhẹn, khéo léo, vững tay và bình thản đến thế đấy. Chú đây già đời trong nghề phi hành cũng không hơn cháu bao nhiêu đâu.
 
Hoài Việt thủng thẳng nói tiếp lời chú, trong khi Hoài Anh tủm tỉm cười :
 
- Phải, cháu Hoài anh của chú mà không “số dách” thì còn ai vào đấy mà tranh được nữa, chú nhỉ!
 
Cả ba chú cháu cùng cười ròn tan. Tiếng cười khoái trá của họ lan ra trong gió, trong mây.
 
Đoàn “du ngoan” bay lượn một vòng gần khắp toàn thể khu cấm địa. Họ luôn luôn nhận được những chỉ dẫn cần thiết từ đài kiểm soát trung ương chuyển tới qua luồng sóng điện… Rồi họ hạ cánh xuống khu vực phía Tây của Trung tâm. Đây là một khoảng đất khá bằng phẳng. Những cơ xưởng ở đây tựa vào vách những trái núi khá cao, địa thế thật hiểm hóc.
 
Hết giờ này đến giờ khác, anh em Hoài Việt chạy nhẩy chơi đùa. Chú Kim như trẻ hẳn lại, cũng góp phần vào các cuộc chơi của hai cháu. Chú cũng chạy, cũng nhảy, cũng bịt mắt, cũng tranh hơn thua với hai cháu. Tất cả bọn ba người có vẻ là những người hoàn toàn vô tư lự, chỉ nghĩ đến hưởng hết những thú vui thoải mái do thiên nhiên đem tới cho họ.
 
Mặt trời sắp lặn.
 
Hoài Anh sửa soạn lên trực thăng một mình trở về Trung tâm, để chú Kim và Hoài Việt sống cuộc đời cắm trại ban đêm giữa rừng thông. Hoài Anh như lo ngại cho những người ở lại, dặn Hoài Việt phải luôn luôn liên lạc với cô và cho biết đích xác địa điểm cắm trại ban đêm để tiện tiếp xúc khi hữu sự.
 
Ngồi gọn trong buồng máy trực thăng, Hoài Anh nói với Việt :
 
- Việc anh và chú ở lại, em thấy không thiếu nguy hiểm. Em lo lo làm sao ấy. Thế mà bác Phụng lại nghĩ là chúng ta đi du ngoạn ! Nhưng dù sao chúng ta cũng phải đặt bổn phận lên trên hết. Chú và anh ở lại, làm việc có nhiều may mắn. Hoài Anh về đây !
 
Hoài Anh và chiếc trực thăng cất cánh lên cao rồi nhỏ dần. Hoài Anh còn giơ tay vẫy lại anh và chú Kim.
 
Chờ cho phi cơ của Hoài Anh khuất dạng, Việt và chú Kim đeo bị lên núi. Hai người leo lên một ngọn núi thấp dô vượt ra, lấy ống nhòm quan sát khắp nơi. Hoài Việt nhận ra được những chiếc cửa sổ xây trong vách đá làm lỗ thông hơi cho một số cơ xưởng. Những cửa sổ đó ở cheo leo trên lưng chừng núi… Anh nhìn đi nhìn lại, đem so sánh với bản đồ Trung tâm, rồi khoan khoái gật gù nói với người bạn già :
 
- Có lẽ điều dự đoán của chúng ta tối qua đúng thật, chú ạ. Hẳn là bọn nhẩy dù bí mật kia tới Trung tâm đây để tiếp xúc với một hay nhiều đồng lõa của chúng đang sống trong Trung tâm chúng ta. Nghĩa là chúng ta có gián điệp của địch len lỏi vào Trung tâm rồi… Và cố nhiên, như ba cháu nói hôm qua, tài liệu mà họ cần trao cho nhau không thể chuyển đi bằng luồng sóng điện được, phải có giấy tờ, phim ảnh ; đó chỉ có thể là những bức họa đồ bí mật nhất của Trung tâm, tỉ như bức họa đồ chiếc phi thuyền chẳng hạn, chú nhỉ !
 
Chú Kim gãi hai hàm râu quai nón của chú sồn sột. Chú bảo :
 
- Nhưng cháu biết cái màng lưới kiểm soát của Trung tâm chặt chẽ đến thế nào rồi. Bọn họ làm sao tiếp xúc được với nhau ?
 
- Cháu cũng đã nghĩ như thế. Nhưng hôm qua nhìn kỹ bức bản đồ của Trung tâm, cháu hơi nghi mấy chiếc cửa thông hơi kia… Cháu nghi chúng là đầu dây mối nhợ cho những chuyện xảy ra gần đây trong Trung tâm… Bây giờ được nhìn tận mắt, cháu nghĩ cháu không nhầm. Hoài Anh cũng đã đồng ý với cháu như thế. Cháu tin rằng bọn họ tiếp xúc nhau bằng lối này. Và ban phòng vệ của Trung tâm tưởng phía này khá hiểm trở, nên việc canh phòng không cần ráo riết lắm.
 
- Con bé Hoài Anh cũng nghĩ thế à ? Nếu vậy, các cháu đoán đúng đấy. Nhưng làm sao bây giờ ?
 
- Chú cháu ta sẽ nấp rình ở đây… May ra đêm nay họ sẽ tới. Ta đỡ phải kéo dài cuộc “du ngoạn” của ta lâu hơn. Vì bọn họ không thể nán lâu được đâu. Họ cần phải tiếp xúc sớm hết sức với nhau, để rút lui cho khỏi bị lộ hình tích. Cháu mong rằng bọn ta không chậm quá.
 
Mà chú xem, cửa số 5 kia cao quá. Không một ai có thể trèo lên đó được, đừng kể dùng tới trực thăng. Ta có thể gạt nó ra ngoài mục tiêu rình rập của ta. Còn cửa số 7 này tuy không cao lắm, nhưng lại đúng vào một chỗ hết sức chênh vênh…
 
Chú Kim cướp lời :
 
- Chẳng thằng nào dám bén mảng đến chỗ ấy đâu, cháu ạ.
 
Hoài Việt vui vẻ :
 
- Chú nói rất đúng. Nên chúng ta gạt nốt cửa sổ này, không cần lưu tâm đến nữa. Chỉ có cửa sổ số 9 đây, có thể tới được không khó khăn lắm. Ta sẽ coi chừng chỗ này.
 
- Được, được ! Cháu cứ việc bố trí. Cháu muốn gì chú cũng nghe. Chú tin ở tài tháo vát của cháu. À, mà cháu đừng quên báo tin cho em Hoài Anh nhé. Chắc cô bé nhà ta sốt ruột rồi… Ba cháu hẳn cũng mong tin bọn mình nữa. Khỏi sao được !
 
- Vâng. Để cháu bắt liên lạc về ngay.
 
Hoài Việt mở luồng sóng đặc biệt liên lạc với em gái. Họ nói chuyện với nhau cũng bằng một thứ mật mã đặc biệt.
 
- A lô ! H1 gọi H2… Em đã bay về bằng yên hả ?
- Trời ! Mãi bây giờ anh mới lên tiếng. Em đợi lâu quá. Ba vẫn mải miết trong phòng thí nghiệm. Anh có tìm được cảnh nào vui để cắm trại đêm nay không thế ?
 
- Có, em ạ. Anh tin là anh đã khám phá ra cảnh đẹp chúng mình nói hôm qua rồi. Em ghi nhé : Khu N. Cửa số 9… thông vào hành lang 3… em ghi kịp chứ ?
 
- Dạ, em ghi rồi. Em sẽ nói riêng với ba nữa… điều cần là anh giữ liên lạc với em đấy nhé… Mà thận trọng nhiều đấy… Sao em thấy lo lo ấy.
 
- Đừng lo, em ! Chúc em ngủ ngon, mơ thấy đang được phục trong lòng mẹ… và, và…
 
- Cám ơn anh, và gì nữa anh ?
 
- Và… và…
 
- Và gì nữa, nói đi anh… nói đi…
 
- Và mơ thấy anh bị kéo tai…
 
- Anh tồi ! Em đang lo chết người đi, còn trêu em nữa chứ. Thôi chào anh và chú… Không nói chuyện thêm với anh nữa…
 
Màn đêm buông xuống khu rừng.
 
Những ngọn núi đã đen lại càng đen sẫm hơn.
 
Khí lạnh bốc lên.
 
Hoài Việt rùng mình, lấy áo lạnh mặc thêm, và không quên khoác cho con Tô một tấm mền nhỏ.
 
- Cháu thấy lạnh ghê, chú Kim ạ !
 
- Chú cũng thấy lạnh. Nhưng chú không phải mặc thêm áo đâu. Chú đã có thần dược “khu phong ngự hàn “ của chú…
 
Rồi nhoẻn miệng cười khoái trá, chú Kim lôi từ trong bị ra một chai rượu đế, ngửa cổ tu một hơi thật dài. Sau mấy tiếng “khà” thú vị, chú bảo :
 
- Bây giờ thì chú bất chấp sương gió giá lạnh. Chú sẽ tỉnh như sáo, chờ đợi bất cứ một biến cố nào… Chờ trắng đêm cũng được đi. Cháu Việt có buồn ngủ cứ ngủ yên tâm. Để chú thức cho.
 
Chú Kim và Hoài Việt tựa vào nhau ngồi nhìn về phía cửa số 9.
 
Họ ngồi như thế đã mấy giờ. Chú Kim đã bắt đầu thấy mỏi lưng, đã thấy bực dọc… nhất là vì chú phải giữ yên lặng, không được nói bô bô, không được cười ha hả cho “thoáng khí”.
 
Bỗng nhiên.
 
Giữa một khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh, nổi lên một tiếng cú kêu gần cửa số 9. Sau vài phút, một tiếng cú kêu khác từ bên trong cửa số 9 vọng ra.
 
Hoài Việt bấm chú Kim ra hiệu. Chú Kim nhổm người như sẵn sàng hành động. Hoài Việt nhẹ nhàng kéo chú ngồi lại. Hai người cùng nín thở chờ đợi. Họ trố mắt nhìn về cửa số 9. Nhưng chưa có gì khác lạ.
 
Mấy phút sau.
 
Tiếng cú bên ngoài kêu dồn dập từng hồi ngắn. Tiếng cú bên trong đáp lại in hệt. Rồi một bóng đen từ từ tiến lên cửa sổ số 9. Chú Kim và Hoài Việt tiến theo. Chú thì thầm bên tai Việt :
 
- Sao chỉ có một tên ? Còn tên kia nữa đâu, cháu ?
 
Bóng đen thận trọng tiến đến bên cửa số 9, đón nhận vật của bàn tay bí mật bên trong trao cho.
 
Phút hành động đã tới. Hoài Việt làm hiệu, chú Kim quát như xé rừng :
 
- Giơ tay lên… Giơ tay lên… Một cử chỉ dại dột, ta sẽ bắn nát óc…
 
Bóng đen tuồng như thất thế, giơ tay ngay không một cử chỉ kháng cự.
 
Hoài Việt tự nhiên thấy cần dè dặt, anh nghĩ đến câu hỏi vừa rồi của chú Kim “Còn tên nữa đâu ?”
 
Nhưng chú Kim và Hoài Việt chưa kịp có thái độ thì… hai phát súng không biết xuất xứ từ đâu cùng nổ, hai chú cháu lảo đảo theo nhau gục ngã.
 
Bóng đen hét lên sung sướng :
 
- Thằng Tám, mày giỏi quá ! Hai tay súng hạ một trật cả hai thằng chó chết. Rông ngay đi mày. Tài liệu đây rồi. M.3 hành động khá thật… Chu đáo hết chỗ nói.
 
Đang lúc đó.
 
Hai tiếng súng bên ngoài vọng vào làm vang động dẫy hành lang số 3.
 
Hiệu báo động trong toàn khu được ban hành lập tức.
 
Hoài Anh cũng đã nghe thấy hai tiếng nổ đó.
 
Đã từ mấy giờ nay, Hoài Anh nóng lòng sốt ruột chờ đợi tin tức của Hoài Việt và chú Kim.
 
Hoài Anh như một chiếc lò so nhảy nhay ra ngoài hành lang 3. Đèn điện bị tắt, tối như đêm 30. Và một bóng đen lực lưỡng chạy như bay xô phải Hoài Anh làm cô bé ngã xóng xoài.
 
Nhà bác học Phụng và giáo sư Tôn từ phòng thí nghiệm hớt hải xông tới.
 
Đèn sáng trở lại.
 
Kỹ sư Vĩnh cũng bôn ba tới góp mặt.
 
Mọi người nhìn nhau dò hỏi.
 
Một nhân viên báo tin Hoài Anh bị ngất lịm nằm phía đầu hành lang 3. Giáo sư Tôn băng mình tới ôm lấy con gái bế lên. Lần lần Hoài Anh như người đang mê ngủ bừng tỉnh giấc nhìn cha.
 
- Ba ! Ba cho con đi tiếp cứu anh Việt và chú Kim đi. Con sợ có gì đã xẩy ra cho hai người rồi. Hai người đang ở phía cửa sổ số 9 ngoài này… Hai tiếng súng cũng đã nổ ở phía này nữa. Con lo quá, ba ơi !
 
Giáo sư quay lại nhìn nhà bác học Phụng đã đến đứng đàng sau. Ông Phụng cảm thông ý bạn, đến máy điện thoại ra lệnh :
 
- A lô ! Đội tuần tiễu trung ương… Đây, giám đốc trung tâm… Cho ngay một số nhân viên cần thiết đi tìm Hoài Việt và đại úy Kim… Ở bên ngoài… Phía khu N. Cửa sổ số 9… Hành lang 3… Thi hành cấp tốc… luôn luôn báo tin tức về văn phòng giám đốc. Hết.
 
Rồi ông nói với bạn :
 
- Xin bác cứ yên lòng. Tôi đã chỉ thị cho nhân viên tích cực hành động để tiếp cứu cháu Việt và đại úy… Cả cháu Anh nữa. Cháu đừng lo quá. Chỉ mấy phút nữa, chúng ta sẽ có tin về Việt. Mong rằng không có gì đáng tiếc đã xảy ra cho cháu Việt và đại úy Kim. Nhưng sao cháu lại ngất ở ngoài hành lang thế ? Đầu đuôi làm sao, cháu nói bác nghe nào.
 
- Thưa bác ! Công việc ba cháu đã thưa chuyện với bác…
 
- Có ! Bác đã biết sau khi các cháu đi “du ngoạn”.
 
- Buổi chiều, cháu trở về Trung tâm, định thưa chuyện với bác và ba cháu, nhưng bác và ba cháu mắc việc trong phòng thí nghiệm. Và anh Việt đã điện về cho cháu hay : anh nghi ngờ có “chỗ hở” ở cửa số 9 ; anh và chú Kim nhất quyết rình tại đó đêm nay. Nhưng rồi cháu không được tin thêm của anh… Cho mãi đến lúc nghe súng nổ từ ngoài vọng vào… Cháu vội chạy ra ngoài. Đèn tắt hết. Một bóng đen xô vào cháu… quẹt một cái gì ướt ướt vào mặt cháu… Cháu mê đi… Cho đến khi thấy đang nằm trong tay ba cháu… Có lẽ con bị đánh thuốc mê, ba ạ !
 
Kỹ sư Vĩnh từ nãy vẫn chăm chú nghe Hoài Anh thuật chuyện, vội góp lời :
 
- Nghe động, tôi chạy tới cũng thấy hành lang đã bị cúp điện, tối như bưng…
 
Nhà bác học Phụng và giáo sư Tôn nhìn nhau. Sự lo nghĩ hiện lên rõ rệt trên mặt họ. Họ lo cho tính mệnh những người thân yêu của họ… Họ lo cho công cuộc bị phá hoại… Rõ rệt là họ đã nuôi ong tay áo rồi.
 
Giáo sư Tôn từ từ tháo kính lau đi lau lại.
 
Mười lăm phút sau.
 
Ban tuần tiễu đặc biệt báo tin đã tìm thấy Hoài Việt và đại úy : cả hai cùng bị thương ; đại úy bị đạn nơi đầu, Hoài Việt nơi bả vai. Hai người cùng bất tỉnh… cần được cấp cứu…
 
Chiếc trực thăng cứu thương đã mang họ về tới Trung tâm. Bác sĩ của Trung tâm chực sẵn, xem xét các vết thương. Bác sĩ cấp tốc sang máu cho hai người và tuyên bố không có gì đáng lo ngại. Hai nạn nhân chỉ cần băng bó và tĩnh dưỡng trong một hai tuần.
 
Nhà bác học Phụng xoa tay khoan khoái. Giáo sư Tôn hạ kính lau thật kỹ. Hoài Anh thở ra sung sướng nhìn cha. Thật ra Hoài Anh đã lo sợ vô cùng. Nếu Hoài Việt có mệnh hệ nào ? Trời ! Hoài Anh rùng mình, nhắm mắt lại, không dám nghĩ tiếp theo nữa… Nhưng bây giờ, cám ơn Thượng đế, ý nghĩ đen tối ấy đã đi qua rồi.
 
Mấy giờ sau, chú Kim, vì có một sức khỏe dồi dào, đã tỉnh lại trước. Điều trước tiên chú hỏi là tin tức Hoài Việt. Chú tức giận đến cực điểm vì bị thua bọn gián điệp. Chú ôm đầu nhăn nhó. Chú nói như la hét :
 
- Bọn chúng thật là dã man tàn ác… Chúng cứ việc bắn tôi, nhưng sao lại bắn một cậu bé, một đứa trẻ ? Thật là mọi rợ, tàn ác… Tôi mà vớ được một tên ấy, một tên thôi, tôi sẽ lột da chúng ngay…
 
Hoài Anh ôm miệng cười trước thái độ hung hãn của chú. Hoài Anh sợ chú hăng máu quá có thể làm cho vết thương trên đầu chú lâu khỏi, nên vội can thiệp :
 
- Thôi, chú ạ Chú cứ nằm yên tĩnh dưỡng cho chóng lành vết thương. Rồi đây có ngày chúng ta sẽ khám phá ra người của bọn chúng ẩn nấp giữa chúng ta… Lúc ấy chú có hỏi tội hắn ta cũng không muộn. Nghe cháu, chú nhé.
 
Chú Kim hết hung hăng ngay, chịu khó nằm im như một cậu bé ngoan ngoãn. Hoài Anh nhẹ nhàng vuốt đầu chú Kim.
 
Chú Kim thuật lại cho mọi người nghe những gì đã xảy đến cho Hoài Việt và cho chú sau khi Hoài Anh từ giã họ.
 
Sau nhiều giờ nghỉ ngơi, Hoài Việt đã tỉnh táo hơn. Anh vui sướng nhìn cha, nhìn em gái có mặt bên giường anh. Anh hỏi thăm tin chú Kim. Việt cũng cẩn thận căn dặn em :
 
- Chúng mình đừng cho mẹ biết tin này, kẻo mẹ lo em nhé !

___________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 3