CỌP ANH TRẢ THÙ CHO CỌP EM
Việc Thỏ làm quân sư cho Ngựa để kéo Cọp về nông trại rồi thì bị đánh
chết một cách thảm khốc làm cho Cọp Anh tức giận hết sức, thương cho em mình
chết bất đắc kỳ tử chỉ vì dại dột nghe theo lời đường mật của thằng Thỏ Láo.
Thỏ tưởng việc làm của nó sẽ
được giấu kín ngờ đâu Diều Hâu đậu trên cây lim theo dõi từ đầu đến cuối rồi
mách lại cho Cọp anh rành mạch hết sức.
Cọp bảo Diều Hâu:
- Lần trước nó đánh lừa tao,
bây giờ nó đánh lừa em tao. Khi nó ngồi trên mình Voi và giả vờ ăn thịt, tao cứ
tưởng là con thú gì kỳ lạ lắm, chứ đâu biết nó? Nếu biết thì tao đã nhai xương
nó rồi còn sống đâu đến ngày hôm nay để hại em tao, phải chết oan chết ức như
vậy?
Nói xong, Cọp gục đầu xuống
ứa hai hàng nước mắt. Rồi thì Cọp gầm lên:
- Chuyến nầy tao phải trả
thù cho em tao mới được.
Cọp nhờ Diều Hâu bay tìm xem
Thỏ ở nơi nào. Diều hâu với Cọp tuy một bên “thượng cầm” còn một bên “hạ thú”
nhưng lại kết thân với nhau. Khi Cọp ăn thịt một con gì thế nào cũng để dành
cho Diều Hâu một bộ lòng. Còn Diều Hâu thấy xác chết thì kêu oang oác cho Cọp
nghe tiếng mà tìm đến. Những lúc Cọp vểnh râu ngủ gà ngủ gật, mồm há ra thì
Diều Hâu lẩn quất hai bên rút rỉa cho sạch những mảnh thịt giắt ở kẽ chân răng
Cọp. Cọp đã ngứa mơ mơ màng màng lấy làm khoan khoái lắm. Về phần Diều Hâu thì
ở đời không có món gì ngon bằng những mảnh thịt thúi ở răng Cọp.
Diều Hâu bay là là từ cây
nầy sang cây khác để dò xét nơi cư trú của Thỏ. Khi trở về nó báo cáo với Cọp:
- Theo chỗ tôi biết thì Thỏ
đào hang rải rác khắp nơi, thuận đâu thì chui xuống đấy. Nhưng cái hang Thỏ
thường thích ở hơn cả nằm bên cạnh cây đa bốn mùa xanh tốt, cành lá sum sê,
trên cành cao có một chú quạ già làm tổ ở. Phía sau hang là một lùm sim rậm
rạp, đơm đặc những trái chín sắc tím đậm. Mặt trước một dòng suối mát quanh co
chảy róc rách vang lên một âm thanh êm dịu. Giữa dòng suối và hai bên bờ những
viên đá cuội, lớn có nhỏ có phơi tấm thân nõn nà, bên dưới phơn phớt màu rêu
lục.
Những đêm trăng sáng, Thỏ
thường tung tăng bên bờ suối hoặc ngồi trên viên đá cuội, ngước mắt nhìn hàng
giờ không chán, hình dáng ông tổ họ Thố của nó đang giã thuốc trong cung Quảng
Hàn.
Nghe đến đây, Cọp không
hiểu, hỏi lại Diều Hâu:
- Chú mầy nói sao? Ông tổ
của Thỏ mà lại ở trên cung trăng à?
- Vâng, chính thế. Sự tích
nầy tôi nghe cha tôi kể lại và cha tôi thì nghe của ông tôi, ông tôi nghe của
cố tôi, còn cố tôi nghe của ai thì tôi không rõ.
- Bây giờ đến phiên chú mầy
kể lại cho ta nghe thử?
- Ông tổ của Thỏ dòng họ
Thố, lông trắng như bạch ngọc nên người đời thường gọi là Ngọc Thố. Con Thỏ nầy
là đồ đệ của bà Tây Vương mẫu, Vương mẫu giao cho Ngọc Thố công việc trồng các
thứ tiên dược ở khu vườn Thượng Uyển. Ngài dùng loại tiên dược nầy để nấu thành
thuốc trường sinh, uống vào thì không già, không chết.
Vương Mẫu ra lệnh nghiêm cấm
tất cả gia nhân không một ai được vào động trong khi ngài luyện linh đơn. Vì
nếu bí mật luyện đơn mà tiết lộ ra ngoài, loài người hay được thì thần tiên và
phàm trần còn khác gì nhau nữa?
Ngọc Thố vì tính tò mò, lẻn
vào trước, ẩn sau một tảng đá lớn. Vương Mẫu sau khi đóng cửa động cẩn thận,
lấy siêu thuốc bắc lên lò bát quái để nấu linh đơn. Thỏ theo dõi từ đầu đến
cuối và mãi đến khi Vương Mẫu vo thuốc lại thành viên khi ấy Ngài mới phát giác
việc Ngọc Thố ẩn núp trong động. Ngài nổi trận lôi đình, lập tức đuổi con thỏ
gian ngoan ra khỏi vườn Thượng Uyển.
Sau khi nguôi giận, Vương
Mẫu nghĩ đến công khó nhọc lâu nay của Ngọc Thố nên thương tình, mới bảo tiểu
đồng cho nó một cái đãy phép. Đãy nầy Ngọc Thố treo trong hang. Suốt ngày đi
đây đi đó khắp nơi, nó muốn ngao du ở đâu cũng chẳng sợ lạc lối. Vì cứ hễ lúc
nào mỏi cẳng thì nó chỉ cần nói: “Vào đãy! Vào đãy!” thì tự nhiên thân thể nó
trở nên nhẹ nhàng bay vùn vụt trở về nằm gọn trong chiếc đãy.
Ra khỏi vườn Thượng Uyển nó
đi lang thang thì gặp Hằng Nga đem về nuôi. Nàng hết sức thương yêu Ngọc Thố,
đi đâu cũng không rời nửa bước.
Chẳng bao lâu Hằng Nga kết
duyên cùng Hậu Nghệ, một người tánh tình cộc cằn nóng nảy. Ngọc Thố chỉ phục
ông ta về tài thiện xạ. Cũng nhờ ông bắn rơi hết chín mặt trời và để lại một,
mà trần gian không đến nỗi nóng như thiêu như đốt, khi cả mười vầng nhật cùng
đua nhau chiếu ánh sáng gắt gao xuống hạ giới.
Hậu Nghệ thường hành hạ Hằng
Nga, lắm lúc đánh đập nàng tàn nhẫn. Ngọc Thố bất bình muốn chống lại Hậu Nghệ
nhưng nghĩ đến những mũi tên thần nó lại sợ hãi không dám.
Tây Vương Mẫu vốn là chỗ
thân tình với Hậu Nghệ nên đã đem cho chàng ba viên thuốc trường sinh. Thuốc
nầy uống vào chẳng những không già, không chết mà thân thể còn trở nên nhẹ
nhàng muốn bay đi đâu cũng được.
Hằng Nga không thể sống mãi
cạnh người chồng vũ phu, nàng đánh cắp ba viên thuốc uống vào, bay lên mặt
trăng ẩn náu. Nàng đi từ vùng “Biển Động” đến vùng “Biển Lặng” nhưng không nơi
nào nàng vừa ý cả. Khi đến khu rừng thưa thớt, có những cây kiền kiền muôn năm,
những cây quế hương thơm ngào ngạt, nàng rất thích và dừng lại đó. Nhưng trong
lòng nàng nhớ Ngọc Thố mãi không thôi.
Khi Hằng Nga ăn cắp được
tiên dược và sắp bỏ Hậu Nghệ mà đi Ngọc Thố đã dò biết, nhưng nó không nói gì.
Nó chỉ bỏ cái đãy của nó chung vào với hành lý của Hằng Nga.
Ngọc Thố nghĩ rằng việc đi
theo Hằng Nga chưa phải là việc quan trọng. cần kíp nhất là nó phải trở lại
vườn Thượng Uyển của Vương Mẫu để đánh cắp những thứ cây và loại giống tiên
dược, và cần phải thi hành việc đó trước.
Hái trộm thuốc trở về, nó
thấy một lão tiều già yếu, ngồi dựa bên gốc cây đang chờ Tử Thần đến mang đi.
Nó thương tình nhai một nắm lá mớm cho ông lão.. Chỉ trong giây lát ông tiều mở
mắt mỉm cười, trở nên vui vẻ, khỏe mạnh.
Ngọc Thố hỏi:
- Ông muốn sống mãi mà chẳng
bao giờ chết không?
Lão tiều cười đáp:
- Ai lại chẳng muốn được như
vậy?
Thỏ ôm lấy cổ ông Tiều nói:
- Ông hãy nắm chặt lấy hai
chân tôi.
Ông tiều làm y theo lời nó.
Ngọc Thố la lớn: “Vào đãy! Vào đãy!”
Bỗng nhiên nó và ông tiều
bay vút lên mặt trăng, nằm trong chiếc đãy mà Hằng Nga đem lầm theo với hành
lý.
Lão tiều tên Cuội, nguyên là
một ông thợ mộc có danh tiếng, sau khi lên mặt trăng đã đốn săng kiền kiền làm
cung điện cho Hằng Nga ở, lại trồng ngay trước cung một cây quế nên người đời
thường gọi là cung quế.
Thỏ đã học lóm được phương
pháp luyện thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu, lại mang theo các loại hạt
giống và các thứ cây tiên dược. Nó lập một khu vườn để trồng các thứ cây ấy rồi
ngày đêm giã thuốc, nấu thành linh đơn để Hằng Nga, ông Cuội và nó uống. Cả ba
sống mãi mãi trong cung Quảng Hàn…
Chuyện nghe thế nào tôi kể
lại thế ấy. Ngọc Thố chính là thủy tổ của cái thằng Thỏ oắt con mà ông định
trừng phạt đó.
*
Sau khi biết đích xác chỗ
Thỏ thường ở, Cọp cất bước ra đi. Đến nơi, Cọp gật gù khen Thỏ đã kiếm được một
vùng phong cảnh hữu tình để xây cất nhà cửa. Cọp nhìn quanh địa thế. Nó nhe
răng cười nham hiểm, đoạn cúi rạp mình xuống, chui vào lùm sim nằm im hơi lặng
tiếng để chờ đợi.
Thỏ sau một ngày đi thăm bà
con bạn bè, chiều lại trở về, trên vai mang một củ sắn to tướng đã cạo sạch lớp
vỏ ngoài. Thỏ nghêu ngao hát:
Trời chiều gác bóng chênh chênh,
Đường rừng cây cỏ mông mênh bốn bề.
Quanh theo sườn núi bờ khe,
Vai mang củ sắn ta về hang ta.
Thỏ sắp sửa xuống hang thì
Cọp đưa tay ra chộp lấy chân sau của nó. Tuy đau nhói cả cơ thể, nhưng Thỏ vẫn
giữ được bình tĩnh, vì Thỏ biết Cọp đang nắm lấy chân nó, nó cần phải sáng suốt
để đối phó với tình thế. Thỏ không hoảng hốt chút nào, cất tiếng cười ha hả:
- Trời ơi, con mất biết bao
công phu mới đào được củ sắn nầy, lại còn phải lột vỏ trắng toát để ăn cho ngon
miệng. Nhưng ngon đối với con chứ ông thì đâu thèm thứ sắn mạt hạng nầy. Xin
ông hãy thả ra, đừng giật củ sắn của con tội nghiệp.
Cọp ngạc nhiên hỏi:
- Tao đang nắm chân mầy chứ
phải nắm củ sắn đâu mà mầy nói lạ vậy?
- Chao ôi! Mắt ông trong
sáng như hai vì sao trên trời, không ngờ ông lại lầm lẫn như vậy. Nếu không tin
lời con xin ông cứ việc thử thì rõ. Ông đi kiếm một viên đá nhọn, ông đập mạnh
một cái, nếu máu đỏ chảy ra tràn trề thì đích thị là chân con, còn nếu lòi ra
một cái tim thì chính là củ sắn, không còn nghi ngờ gì nữa.
Cọp nghe lời Thỏ nói chí lý,
vội chạy đi kiếm viên đá nhọn. Nhưng Cọp vừa thả tay ra, Thỏ liền nhảy tót
xuống hang lẩn trốn.
Cọp biết mình bị mắc lừa
nguyền rủa Thỏ thậm tệ.
Nó nói:
- Ông cứ nằm mãi bên miệng
hang để chờ mầy, dầu mấy tháng mấy năm ông cũng ráng đợi, cốt bắt cho được mầy
để ăn thịt.
Tuy nói thế, nhưng qua hôm
sau, Cọp đói bụng như cào không sao chịu nổi, đành phải đi kiếm một thứ gì lót
dạ. Cọp đâu biết vừa lao mình xuống hang, Thỏ đã do một cửa khác thoát ra ngoài
và giờ đây đã ở cách xa Cọp có hơn một dặm.
___________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XV