ĐÀO HỒ LẤY NƯỚC
Đã từ xưa, xưa lắm, tất cả thú rừng đều tôn Sư tử làm chúa tể và gọi là
Đại vương.
Đại vương Sư tử có một bộ
mặt nghiêm, một cặp mắt sắc, ban đêm trông rõ như ban ngày, cái mũi lớn hơi
dẹp, nằm ngay trên bộ râu mép chìa ra hai bên đầy vẻ ngạo mạn. Lông gáy dài,
óng ả, phủ xuống trùm cả cổ lẫn vai làm cho hình dáng Sư tử thêm phần oai vệ.
Nhưng thật ra thì không phải cái bề ngoài oai vệ ấy mà nó được tôn làm Đại
vương. Ở chốn núi rừng chỉ có sức mạnh là đáng kể. Về sức mạnh thì Sư tử đã
từng đánh bại voi cọp một cách dễ dàng, quật ngã lợn lòi và tê giác. Bất cứ con
thú nào, dầu hung bạo khỏe mạnh đến đâu cũng không đương nổi quả đấm thôi sơn
của Sư tử. Nó lại chạy lanh, phi thân giỏi, chỉ cần đánh mấy phóc liên tiếp là
vồ được con mồi đứng một nơi xa tít.
Với những cái nanh vút nhọn,
Sư tử xé xác con mồi ra từng mảnh để ăn một cách ngon lành. Lưỡi nó lởm chởm
những gai, liếm đến đâu da thịt con mồi lóc ra đến đó. Còn hai hàm xai thì ôi
thôi, không có vật gì cứng rắn hơn! Thật là cả một cái kềm sắt to tướng, nó
nhấc bổng một con bò mang đi nhẹ nhàng như mèo tha chuột.
Sức mạnh của Sư tử quả là
đặc biệt, nhưng chưa đặc biệt bằng tiếng rống rùng rợn của nó. Ban đêm, giữa
cảnh tịch mịch, đứng bên bờ suối, gục đầu xuống, nó rống lên từng hồi nghe mới
khủng khiếp làm sao! Ban đầu còn nho nhỏ, rồi mỗi lúc tiếng rống mỗi lớn hơn,
cao vút hơn, vang lên, lay động cả rừng núi. Nhiều con thú, khi nghe tiếng rống
của sư tử, bồn chồn, hoảng hốt, tim gan như tê liệt, ngã lăn ra không sao lê
bước nổi để chạy trốn. Thế là Đại vương Sư tử dõng dạc bước đến để thưởng thức
ngon lành bữa ăn khuya.
Sư tử với vợ con sống vui
vầy trong một tòa hang động, đục sâu vào lòng một trái núi cao. Hai bên từng
cụm cây cổ thụ phủ bóng im mát. Lá rụng lâu ngày chất thành đống ải mục ra,
luôn luôn bốc lên một mùi ẩm ướt mốc meo mà Sư tử vô cùng ưa thích.
Mặt trước, xa xa một chút,
là cả một vũng đầm lây, lau sậy, lùng lác đua nhau tươi tốt quanh năm.
Vào tiết hè, Sư tử và gia
đình không ngủ trong hang động, tuy ấm cúng nhưng nồng nực, mà kéo ra đây, nằm
trên bãi đầm lầy, quanh mình gió thổi lồng lộng, xuyên qua lau sậy reo lên
thành bản nhạc thiên nhiên ru Sư tử ngủ trong những giấc êm đềm khoan khoái.
Nhưng trải qua mấy tháng đại
hạn, đầm lầy ẩm ướt mát dịu đã biến thành đất khô cứng rắn, lau sậy bị khí nóng
hút hết cả màu xanh tươi trở nên vàng úa khô héo lần lần. Sư tử và vợ con đều
nhọc nhằn uể oải. Sức sống mãnh liệt tan biến đâu mất và chỉ có “NƯỚC” mới có
thể hồi sinh được.
*
Sau khi được tôn lên làm
chúa tể, công việc đầu tiên của Sư tử là ra lệnh nghiêm cấm, trong chốn Kinh
thành, tức khu vực chung quanh hang động của Sư tử ở, thú vật không được tàn
hại nhau, phải đối xử với nhau như tình anh em ruột thịt. Kẻ nào trái lệnh sẽ
bị xử tử. Cũng vì thế mà trong lúc hội họp hay về chầu Sư tử ở chốn Kinh thành,
loài ác thú không dám xâm phạm đến tính mạng của những con vật hiền lành không
đủ sức tự vệ. Một con cừu non dại chuyện trò thân mật với một con chó sói tham
tàn, một con nai ngây thơ nằm cạnh một con cọp hung ác là những chuyện rất
thường, không có gì lạ cả.
Về phần Đại vương Sư tử,
muốn treo gương tốt cho muôn loài bắt chước, nó không bao giờ sát hại một con
thú nào giữa chốn Kinh thành. Nó chỉ ăn thịt những kẻ phạm tử tội hoặc những
con mồi mà đám bộ hạ thân tín bắt được tại những vùng ngoại ô, những nơi xa xôi
hẻo lánh, lôi về dâng lên Đại vương để tỏ dạ trung thành.
Thỉnh thoảng vì thiếu lương
thực Sư tử lại phải nhịn đói và cảm thấy nhẹ nhàng trong mình. Nhưng cũng có
khi nó lẻn bước ra khỏi Kinh thành rình bắt những con thú béo bổ ngon lành,
mang về hang động để đánh chén với vợ con.
Việc đào hồ ngay trước hang
động của Sư tử phù hợp với ý nguyện của loài thú bé nhỏ sức yếu, vào Kinh thành
để uống nước không sợ gì hiểm nguy đến tính mạng.
Tuy thân hình bé nhỏ nhưng
Lúi được ủy thác cầm đầu việc đào hồ. Vì trời sinh nó có cái tài đánh hơi, biết chỗ nào để tìm
ra mạch nước. Chân nó mang những móng nhọn đào bới rất lanh, đôi mắt nhỏ ẩn sau
những chòm lông nheo rậm rạp, trong khi đào không bị đất cát văng vào. Đó là cả
một ân huệ mà Thượng Đế dành riêng cho nó, thế mà người đời đâu có biết lại
thương hại cho thân phận của nó bị mù lòa.
Để giúp đỡ Lúi còn có Chồn,
Mèo, Chó, Cọp đều là loại đào đất hết sức thiện nghệ. Đất đào lên thì đã có
Voi, Gấu, Lợn Lòi, Tê giác v.v… mang đến một nơi xa mà đổ.
Tất cả loài vật đều làm việc
hăng hái như cả một công trường rộn rịp. Đào đất, xúc đất, lượm lặt đá sỏi, đắp
bờ, xây tầng cấp.
Sư tử đứng trên một tảng đá
cao để giám sát. Nó nhìn quanh quất, ngạc nhiên khi thấy vắng bóng Thỏ. Nó gọi
Gấu đến hỏi, thì ra sau buổi họp, Thỏ đã lén lút ra về, không nói với ai một
lời nào cả.
Sư tử liền phái Sóc đi gọi
Thỏ đến ngay lập tức.
Vừa bước chân vào nhà Thỏ,
Sóc đứng thẳng lên với dáng điệu trang nghiêm của một sứ giả. Nó dõng dạc nói:
- Đại vương thấy anh vắng
mặt ở công trường nên sai tôi đến đây, yêu cầu anh phải vào ngay Kinh thành
tham dự việc đào hồ, một công việc chung mà không ai có quyền trốn tránh.
Thỏ nói:
- Nhờ anh lựa lời khôn khéo
tâu giúp với Đại vương, hiện nhà tôi sắp sanh cháu nhỏ, tôi quá bận rộn không
thể bỏ nhà mà đi được.
Sóc về tâu trình với Sư tử.
Lần này Sư tử lại ra lệnh cho Mèo đến giải thích cho Thỏ biết: “Đào hồ là việc
cần thiết cho tất cả loài vật trong những ngày đại hạn thiếu nước. Nếu Thỏ lười
biếng không chịu góp sức vào công cuộc lợi ích chung thì khi hồ đào xong sẽ bị
truất phần, cấm tuyệt không được uống nước”.
Thỏ càu nhàu nói nho nhỏ
nhưng cũng đủ cho lỗ tai rất thính của Mèo nghe rõ: “Nếu Đại vương cho tôi uống nước càng tốt, bằng không cho ,
tôi cũng chẳng cần. Trong khi nhà tôi sắp cho ra đời một chú bé để nối dõi tông
đường để tránh cho tôi cái tội “vô hậu vi đại” (1) bổn phận của tôi là phải ở
luôn bên cạnh nhà tôi chứ không thể bỏ nhà tôi một mình trơ trọi lúc nầy được”.
Mèo không nói gì chỉ nhe
răng cười rồi cáo từ ra về.
Bầy thú hì hục đào hơn nửa
ngày thì những tia nước từ dưới đất phun lên, trong suốt, rồi lan lần ra chung
quanh. Chúng vui mừng ôm choàng lấy nhau nhảy nhót. Ngay những con từ trước đến
nay đối với nhau không chút thiện cảm, cũng cầm tay chuyện trò rối rít. Nhiều
con muốn vục đầu xuống nốc lấy nốc để cho lưỡi và răng được hưởng hương vị của
nước, cho nước thấm xuống cuống họng khao khát bấy lâu rồi chảy thẳng xuống làm
mát dịu cả gan ruột.
Nhưng Sư tử vội ra lệnh ngăn
cấm, bảo phải đào cho hoàn thành sẽ uống cũng chẳng muộn.
Hồ được đào sâu xuống nữa và
mở rộng ra, xây thành hình tròn, bốn phía có tầng cấp lên xuống. Voi đã dùng
vòi nhổ bật những cây to lớn, cả gốc lẫn rễ đem trồng chung quanh bờ để che
bóng mát và nhất là để ngăn cản Ông Mặt Trời, dùng sức nóng hút cạn nước hồ như
ông đã từng làm trong bấy lâu nay.
Lợn Lòi tuy bộ tịch cộc cằn
nhưng lại thích thưởng thức hương sắc của hoa kiếm đâu về mấy bụi, trồng lên,
đứng ngắm ra chiều đắc ý. Gấu không biết nên làm gì để tỏ ra mình cũng có công
tác đặc biệt, nó vội vàng ra bờ khe khuân vào những viên đá cuội để bầy thú
nghỉ ngơi trong khi có việc về chầu Đại vương Sư tử.
Bây giờ nước uống thừa thãi,
bầy thú không còn lo sợ chết khát nữa. Công việc xong xuôi, Sư tử đưa vợ con ra
làm lễ khánh thành. Nó bắt tay cảm ơn Lúi rồi lần lượt đến các con thú khác.
Khi đến trước mặt Trâu, Sư
tử nói:
- Sở dĩ chúng ta đào được hồ
nước nầy cũng nhờ ý kiến của anh. Chúng ta không thể mãi mãi nhờ Trời mà phải
trông cậy vào sức lao động của chúng ta trước. Xưa nay trong loài thú chỉ có
anh là cần cù kiên nhẫn hơn cả, nhân dịp nầy, tôi tuyên dương công trạng anh để
ai nấy đều biết.
Tất cả dẫm chân thình thịch
xuống đất tỏ ý chúc mừng Trâu và hoan hô lời nói của Sư tử.
Sư tử, Sư tử cái, Sư tử con
uống trước, mới đến bầy thú đứng quanh theo bờ hồ để uống. Vì quá đông nên
nhiều con phải uống đợt sau. Không một kẻ nào, cho dẫu Đại vương Sư tử cũng
vậy, được quyền lội xuống hồ vì sợ vẩn đục nước, làm hại đến sức khỏe trong khi
uống. Đó là một bài học “Giữ gìn vệ sinh chung” không rõ Sư tử học được ở đâu
nay đem ra áp dụng.
Khi loài thú đã hết khát, Sư
tử nói tiếp:
- Có công thì thưởng, có tội
thì phạt đó là lẽ tự nhiên của một đấng Đế vương. Ta đã từng bảo Sóc và Mèo gọi
Thỏ đến đào hồ nhưng nó từ chối. Để giữ đúng theo lời ta cảnh cáo, yêu cầu Mèo
viết một tấm bảng đóng lên cây, cấm Thỏ không được uống nước ở hồ nầy.
Mèo tuy chữ xấu nhưng thuộc
vào hạng trí thức, vểnh râu mép suy nghĩ trong chốc lát, viết một câu, không
dài dòng nhưng đầy đủ ý nghĩa để truyền đạt mệnh lệnh của Sư tử.
---------------------------------------------
(1) Không
con để nối dòng là một tội lớn nhất.
__________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III