THỎ TỰ BIỆN HỘ
Thỏ cái đã sinh được một con trai. Vì trời quá nóng nên Thỏ dọn riêng một
nơi thoáng gió cho vợ con nằm. Mấy ngày nay nó cặm cụi không chút nghỉ ngơi nên
đã đan xong được một cái nôi bằng mây mà Thỏ cái rất vừa ý.
Nó thoa nghệ vào mặt và tay
chân vợ để khi ra ngoài ngày nước da được non nẻo. Nó lấy mật ong rà mồm cho
con, lấy chanh nhỏ vào mắt để mắt thỏ con được sáng và khỏi đổ ghèn.
Một sự may mắn bất ngờ là nó
đào được mấy củ cà rốt không bị nắng làm cho khô héo. Nó bỏ vào giữa hai phiến
đá, ngồi lên trên mà đằng cho nước chảy ra để vợ uống đỡ khát trong lúc thiếu
nước. Có mấy củ khoai, củ sắn nó treo cất trên giàn đã mấy tháng để khi vợ nằm
một chỗ không phải lo lắng thức ăn thiếu thốn. Thật là một con thỏ chu đáo và
biết thương vợ con.
Việc nhà như thế kể cũng tạm
yên. Thỏ mới lò dò vào Kinh thành xem anh em làm lụng thế nào cho biết, luôn
tiện nó cũng muốn đóng góp vào ít nhiều công khó nhọc, chứ đợi người ta dọn cỗ
rồi mình tọa hưởng thì thật tình Thỏ không muốn!
Nhưng khi đến nơi thì mọi
việc đã xong xuôi và nó cũng không ngờ kết quả lại tốt đẹp đến thế. Một hồ nước
trong như lọc vì Khỉ đã khôn ngoan bày cách cho Voi và Gấu xúc cát về từng
thúng lớn rải xuống một lớp dưới đáy hồ.
Nước trông mới ngon lành làm
sao! Hươu nai đi lại nhởn nhơ hai bên bờ. Gấu ngồi trên phiến đá, lấy trong cái
đãy mang theo bên mình mấy tổ ong nhỏ, nhai ngồm ngoàm một cách thích thú. Mèo
cúi mình xuống uống nước. Thỏ đoán Mèo đã uống đến kềnh hông ra rồi nay liếm
láp cho vui thế thôi. Những cây mới trồng xong bóng ngã xuống mặt hồ rung rinh
theo làn gió nhẹ. Thỏ để ý một số thú vật đã kéo nhau về bớt vì nó không còn
thấy Trâu Bò, Rắn Sóc và Ếch Nhái đâu nữa. Đại vương Sư tử cũng không thấy đâu,
giờ nầy có lẽ ngài đang ngủ trưa với vợ con trong động.
Lúc ép cà rốt lấy nước cho
vợ uống, Thỏ cũng đã nhấm nháp đôi chút nhưng nào có thấm vào đâu? Cổ nó vẫn
còn khô ran như phiến đá phơi nắng. Nó thèm quá nhưng không biết sao được vì
Đại vương đã có lệnh cấm. Sói từ sau lưng gốc cây đi theo nó cười hề hề hỏi:
- Chú mầy đã thấy tấm bảng
Đại vương bảo anh Mèo viết chưa? Bảng treo trên cây đàng kia kìa!
Thỏ đi lần đến, chắp tay sau
lưng ngước mặt đọc tấm bảng Mèo viết nhưng rồi bỏ đi mà không nói gì.
Nó lại đủng đỉnh dạo quanh
bờ hồ một vòng. Nó nhìn sang bên kia thấy Lợn Lòi kết lá làm gàu múc nước tưới
vào mấy bụi hoa của nó. Lòng phẫn nộ của Thỏ dâng lên. Nó nghĩ thầm: “Sao mà
bất công như vậy? Trong khi nó chỉ cần có mấy ngụm nước để cổ nó khỏi khô cháy
thì không được phép đụng đến một giọt nào, còn Lợn Lòi lại phí phạm nước một
cách quá đáng. Nó không tham dự việc đào hồ đâu phải vì nó lười biếng, nó ương
ngạnh? Nhưng vì nó bận việc nhà. Ai lại chẳng có việc nhà mới được chứ?” Đó là
cả một lý do để Thỏ làm bậy. Nó nhìn quanh quất không thấy ai để ý liền ba chân
bốn cẳng nhảy đại xuống tận mặt hồ, vục đầu xuống uống luôn mấy ngụm nước.
Bỗng những tiếng la vang dậy
nổi lên: “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”
Thỏ chưa kịp trở gót thì
Chồn đã từ sau một bụi cây nhảy xổ ra, hợp lực với Sói chận bắt được Thỏ.
Chồn nói:
- Tao biết chú mầy là một
thằng lưu manh thế nào cũng uống liều uống lĩnh nên tao đã hườm sẵn để bắt.
Sói phụ họa:
- Sao con lại ngu ngốc như
thế con ơi! Con không biết rằng mệnh lệnh của Đại vương, cho dẫu Cọp Beo Voi
Gấu cũng phải tuân theo răm rắp huống hồ con yếu như ốc sên thân hình chỉ bằng
bắp đùi của anh Ngựa. Chuyến nầy rộng lượng lắm, và án xử nhẹ lắm con cũng bị
tử hình nhưng may mắn là được chết toàn thây. Nghĩa là Đại vương chỉ nuốt một
cái “ực” là con xuống ngồi chễm chệ trong bao tử của Ngài. Còn nếu án nặng thì
con sẽ bị quay trên lửa đỏ, bị chặt ra từng khúc nhỏ, Đại vương khề khà đánh
chén với vò rượu mà anh gấu đã ủ bằng dâu và mật ong, đem dâng Đại vương hôm
nọ. Trong lúc Đại vương đánh chén thì thế nào Chồn và tao cũng được vài khúc
xương của mầy mà gặm. Nhưng thôi nói nhiều lắm chúng tao càng thêm chảy nước
miếng, hay hơn là dẫn gấp mầy đến trước mặt Đại vương.
Vừa thấy Sói, Chồn và Thỏ,
Sư tử hất hàm hỏi:
- Có việc gì mà chúng bay
lại quấy rầy ta trong giấc ngủ trưa?
Sói thưa:
- Mặc dầu Đại vương đã yết
bảng nghiêm cấm mà anh Thỏ vẫn khinh thường luật pháp, dám ngang nhiên uống
nước ở hồ công cộng. Chúng con bắt được xin đem trình Đại vương trị tội.
Sư tử nghiêm nghị nói:
- Trước đây đã hai lần ta
sai Sóc và mèo đến bảo mầy phải vào Kinh thành tham dự việc đào hồ. Mầy đã lấy
cớ nầy cớ khác để thoái thác lại còn buông lời vô lễ. Tội phạm thượng ấy ta đã
lấy lượng khoan hồng mà tha cho không xét xử. Nay ta đã cho yết bảng rõ ràng,
thế mà mầy vẫn xem thường, tội ấy phải trừng phạt một cách xứng đáng.
Nhưng xưa nay trị nước ta
lấy lẽ công bằng làm trọng. Kẻ phạm pháp bao giờ cũng được phép tự bào chữa để
khỏi bị xử oan. Vậy ta cho phép mầy được tự do biện bạch.
Thỏ khúm núm nói:
- Con biết Đại vương là
người nhân đức, lấy tình thương mà trị dân. Vì thế những điều Đại vương đã ngăn
cấm, nhất quyết con không bao giờ dám vi phạm.
Chồn:
- Đại vương đừng nghe anh
Thỏ nói điêu. Chính con và anh Sói bắt được quả tang anh ấy đang uống nước.
Sư tử cười ha hả khi nghĩ
đến hai bắp đùi, cái bụng, cái ngực nung núc cả thịt của Thỏ, xây qua hỏi Voi
và Gấu:
- Các ngươi có thấy Thỏ uống
nước không?
- Dạ có! Dạ có!
Sư tử bảo Thỏ:
- Thôi mầy đừng chối quanh
vô ích…
- Dạ con đâu dám chối? Nhưng
vì Đại vương cho phép nên con mới uống.
Sư tử trợn mắt:
- Thằng nầy điên rồi. Tao
cho phép mầy uống bao giờ?
- Thì Đại vương yết bảng cho
con biết đó. Trên bảng đã viết rõ: UỐNG ĐƯỢC KHÔNG CẤM THỎ. Câu ấy có nghĩa nếu
cái thằng Thỏ nầy làm cách nào để uống nước được thì Đại vương không cấm đoán.
Thỏ chạy ra lấy tấm bảng vào
cho Sư tử xem. Trên bảng rành rành câu ấy thật, viết theo lối chữ mèo cào. Lẽ
ra, chữ nôm thì phải viết theo lối chữ Hán từ mặt sang trái THỎ CẤM KHÔNG ĐƯỢC
UỐNG, Mèo lại lẫn lộn viết từ trái sang phải nên Thỏ mới vin vào đó để tự biện
hộ.
Sư tử tiu nghỉu, nuốt nước
miếng một cách kín đáo để khỏi mất thể diện trút cơn giận lên đầu Mèo:
- Mầy tự phụ học hành chữ
nghĩa mà viết có mấy chữ không xong. Hãy lập tức viết lại tấm bảng khác nhưng
phải cho minh bạch đừng có lộn xuôi lộn ngược như trước nữa.
Sư tử lại nuốt nước miếng
lần nữa và tha bổng cho Thỏ.
_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV