Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

SỮA CHUA (YAOURT) - T. Th.




Sữa Chua là gì?

Vài năm gần đây, Sữa Chua là món giải lao phổ thông và rất được ưa chuộng tại các thành phố, cùng lúc với loại tủ kem (freezer) xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

Khoảng mươi năm trước, Yaourt chỉ được bán ở các tiệm kem, quán nước lớn ở đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v… và lúc đó Yaourt toàn làm bằng sữa tươi. Nếu chưa ăn thử bao giờ có lẽ hơi khó nuốt một tí, và khi ăn thường phải cho thêm đường mới vừa miệng. Dần dà sữa tươi hiếm đi, và sẵn óc “phóng tác” rất phong phú, người (VN) ta nghĩ ra cách dùng sữa đặc có đường (sữa hộp) thay thế. Kết quả chúng ta có thêm món giải lao lạ miệng, thông dụng, và tương đối rẻ tiền, lại nhuận trường, rất tốt cho bộ máy tiêu hóa hơi còm cõi của dân ta.

Sữa Chua, như tên gọi nôm na của nó, là sữa được ướp men cho đông đặc và trở thành chua do tác dụng của một loại vi khuẩn. Nhưng giá trị của Sữa Chua cao hơn chứ không hạn hẹp trong vai trò giải lao khiêm tốn. Khoa học đã từng dùng các vi trùng, được “nuôi ăn tử tế”, để diệt trừ các thứ vi trùng độc chỉ chuyên gieo bệnh tật. Trong ruột già có vô số các vi khuẩn loại này hoạt động, gây nên tình trạng hư thối mà từ đó phát sinh ra các chất hóa học hoặc chất độc. Bởi vậy, theo bác sĩ Merchnikoff, một thân thể gọi là khỏe mạnh sự thực vẫn bị lâm vào tình trạng nhiễm độc thường xuyên, khiến con người chóng già và giảm thiểu tuổi thọ. Chận đứng được sự nhiễm độc ấy tất sẽ kéo dài được tuổi xuân vậy.

Trong khi nghiên cứu phương thức chữa trị bệnh kiết lỵ của trẻ em, bác sĩ Hayem lần đầu tiên đã nêu lên khả năng của chất axít lactic có thể chống lại sự hư mủn trong ruột. Người ta đã dùng chất men để tạo ra chất axít lactic và khám phá ra rằng chất men ấy còn hiệu lực hơn cả chất axít lactic chính cống nữa.

Từ kết quả đó các nhà dinh dưỡng đặc biệt chú ý tới một thức ăn bằng sữa ướp men vẫn được dùng xưa nay. Thức ăn mà người đông Nga gọi Koumys, dân Trung Đông và Ai Cập gọi là Yughourt hay Leben, dân quê quần đảo Frise gọi Babeurre và chúng ta gọi nôm là Sữa Chua.

Bác sĩ Merchnikoff còn nhận xét sở dĩ dân chúng vùng Balkans dồi dào sức khỏe và sống lâu là nhờ họ năng dùng món sữa ướp men. Dân vùng này nghèo nàn, quanh năm chỉ ăn Sữa Chua, bánh mì đen và củ hành sống. Vậy mà số người già trên dưới trăm tuổi rất cao. Dần dần việc tiêu thụ Sữa Chua bành trướng theo sự khuyến khích của các nhà điều dưỡng và lần hồi chiếm được một địa vị xứng đáng trong khoa điều dưỡng.

Ăn Sữa Chua thế nào?

Sữa Chua có thể dùng quanh năm và ăn bất cứ lúc nào trong ngày. Sữa Chua đúng ra là một thức ăn có tính chất dinh dưỡng. Bạn có thể lót lòng buổi sáng, trước khi đi ngủ, ăn khai vị hoặc dùng làm món tráng miệng cũng rất hợp gu. Dùng vào giữa bữa ăn lại là một thức ăn lạ miệng. Cách ăn : ăn không hoặc có thể thêm đường, mật, mứt lỏng tùy thích. Bạn cũng có thể phết lên bánh ngọt, hay trộn với nước trái cây tươi là có một ly nước giải khát tuyệt hảo.

Làm sao có Sữa Chua?

Đến đây xin được biểu diễn một màn “múa rìu qua mắt… Trang Tóc Dài” để hiến bạn cách làm Sữa Chua bằng sữa hộp. Sữa Ông Già, Sữa Kim Cương hay Sữa hiệu Trái Núi đều dùng được hết. Tuy không đầy đủ sinh tố A, D như trong Sữa tươi nguyên chất nhưng loại Sữa Chua ngọt này (vì có sẵn đường) vẫn là chất “dầu” tốt giúp cho bộ máy tiêu hóa của chúng ta hoạt động trơn tru hơn.

Một hộp Sữa đặc. Một hũ Yaourt để làm men (lần đầu bạn kiếm mua được thứ làm bằng Sữa Tươi của Givral càng tốt. Các lần sau chỉ cần giữ lại 1 hũ của lứa trước là được).

Lấy một lon rưỡi nước sôi hòa với một lon rưỡi nước chín. Đổ Sữa đặc vào quấy đều cho tan hết Sữa.

Quấy lỏng hũ Yaourt trước khi đổ vào với Sữa, xong quấy cho thật đều.

Múc vào hũ nhỏ xong ngâm cách thủy trong nồi nước ấm (một phần nước sôi pha với một phần nước lạnh)

Để yên cho men tác dụng và đông đặc. Nếu trời lạnh bạn phải chế thêm nước nóng về sau. Khoảng 3 giờ sau đậy nắp hũ lại cho vào tủ lạnh, ăn dần.

Làm tại nhà vừa tiết kiệm vừa vệ sinh. Trung bình một lon Sữa làm được 10 hũ ngoài và mỗi ngày bạn dùng được 3 hay 4 hũ, chắc chắn bụng dạ sẽ… thơ thới hân hoan suốt ngày.


T. Th.     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 209, ra ngày 15-9-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com